VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 169/TB-VPCP | Hà Nội, ngày 17 tháng 7 năm 2008 |
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG THƯỜNG TRỰC NGUYỄN SINH HÙNG TẠI CUỘC HỌP THƯỜNG TRỰC BAN CHỈ ĐẠO THỰC HIỆN CÁC CHƯƠNG TRÌNH GIẢM NGHÈO
Ngày 07 tháng 07 năm 2008, tại Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng - Trưởng Ban Chỉ đạo của Chính phủ thực hiện các Chương trình giảm nghèo đã chủ trì cuộc họp để bàn giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và giảm nghèo bền vững tại các huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất trong cả nước và việc điều chỉnh chuẩn nghèo giai đoạn 2006 - 2010. Cùng dự cuộc họp có lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Lao động - Thương binh và Xã hội, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Uỷ ban Dân tộc và Văn phòng Chính phủ. Sau khi nghe lãnh đạo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trình bày dự thảo Tờ trình về Chương trình giảm nghèo bền vững ở các huyện có tỷ lệ hộ nghèo trên 50% giai đoạn 2009 - 2015, ý kiến của đại diện các Bộ, ngành, Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng đã kết luận như sau:
I. Về hỗ trợ thực hiện giảm nghèo bền vững
Ở các huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất
Xóa đói, giảm nghèo là chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước nhằm phấn đấu thu hẹp khoảng cách giàu - nghèo giữa các vùng, các địa bàn, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số. Trong thời gian qua, thành tựu của công tác xoá đói giảm nghèo đã góp phần thực hiện tăng trưởng kinh tế, gắn với giải quyết vấn đề công bằng xã hội, được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao. Tuy nhiên, kết quả thực hiện công tác giảm nghèo chưa thực sự bền vững, chênh lệch giàu - nghèo giữa các vùng, các nhóm dân cư còn khá cao, hiện nay trên cả nước còn 60 huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao. Thực hiện Chỉ thị số 04/2008/CT-TTg ngày 25 tháng 01 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường chỉ đạo thực hiện các chương trình giảm nghèo, việc hỗ trợ thực hiện giảm nghèo bền vững đối với các huyện nghèo là một trong những nhiệm vụ cấp bách của Chính phủ từ nay đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020.
Để có cơ sở trình Chính phủ xem xét, ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và giảm nghèo bền vững ở các huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất, yêu cầu các Bộ, ngành, Uỷ ban nhân dân các tỉnh có các huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất tập trung thực hiện một số công việc như sau:
1. Thành lập Tổ Công tác chỉ đạo xây dựng Đề án cơ chế, chính sách hỗ trợ giảm nghèo bền vững đối với các huyện có tỉ lệ hộ nghèo cao nhất do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội làm Tổ trưởng, trực tiếp chỉ đạo, thành viên gồm Thứ trưởng các Bộ, ngành: Lao động - Thương binh và Xã hội, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và phát triển Nông thôn, Uỷ ban Dân tộc và Văn phòng Chính phủ.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Văn phòng Chính phủ dự thảo Quyết định thành lập Tổ Công tác chỉ đạo xây dựng Đề án cơ chế, chính sách hỗ trợ giảm nghèo bền vững đối với các huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
2. Các Bộ, ngành được phân công theo dõi quản lý thực hiện chương trình, chính sách, dự án liên quan đến mục tiêu giảm nghèo khẩn trương đánh giá các hoạt động, tiến độ, kết quả thực hiện từng chương trình, chính sách, dự án trên địa bàn các huyện nghèo, cụ thể:
a) Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá tình hình và kết quả thực hiện các chương trình phát triển kinh tế - xã hội theo các vùng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, các Chương trình, dự án sử dụng nguồn vốn ODA.
b) Bộ Tài chính tổng hợp tình hình thực hiện nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, tiến độ giải ngân; cơ chế quản lý các chương trình, dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước.
c) Uỷ ban Dân tộc đánh giá kết quả thực hiện Chương trình 135 giai đoạn II, thực hiện Quyết định số 134/2004/QĐ-TTg ngày 20 tháng 7 năm 2004 về một số chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn trên địa bàn các huyện nghèo đến thời điểm hiện nay; yêu cầu đánh giá cả về số lượng và chất lượng các công trình đã đầu tư, các công trình dở dang và chưa được đầu tư, dự kiến nhu cầu vốn đầu tư để hoàn thành các công trình hạ tầng thiết yếu ở từng xã đặc biệt khó khăn đến năm 2010.
d) Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2006 - 2010.
đ) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá thực hiện quy hoạch phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp; các hoạt động hỗ trợ sản xuất, chuyển giao khoa học kỹ thuật, thực hiện đầu tư hệ thống thuỷ lợi vừa và nhỏ; thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường.
Báo cáo đánh giá của các Bộ, ngành phải hoàn thành sớm và gửi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để tổng hợp.
3. Yêu cầu Uỷ ban nhân dân các tỉnh có các huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất đánh giá thực trạng tình hình đói nghèo, thực trạng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện và từng xã nghèo trong huyện cả về số lượng và chất lượng các công trình đã đầu tư, các công trình dở dang và chưa được đầu tư; xác định nhu cầu xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội từ nay đến năm 2010, kiến nghị các cơ chế, chính sách giải pháp hỗ trợ thực hiện giảm nghèo bền vững phù hợp với đặc thù của từng huyện; tổng hợp gửi báo cáo về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để tổng hợp.
4. Tổ công tác phối hợp với Uỷ ban nhân dân các tỉnh có các huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất tổng hợp các báo cáo về đánh giá thực trạng, về nhu cầu, kiến nghị của các địa phương; đánh giá tình hình kinh tế - xã hội, thực trạng và nguyên nhân nghèo ở các huyện nghèo để có căn cứ xây dựng Đề án cơ chế, chính sách hỗ trợ giảm nghèo bền vững đối với các huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất với mục tiêu: từ nay đến năm 2010 phải có bước chuyển biến nhanh về cơ sở hạ tầng, giai đoạn từ năm 2011 - 2015 chuyển biến nhanh về đời sống vật chất, tinh thần cho người nghèo và giai đoạn từ năm 2016 - 2020, phấn đấu để các huyện nghèo tiến kịp với các huyện khác trong cả nước; xây dựng dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án và kế hoạch triển khai thực hiện trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 31 tháng 8 năm 2008.
II. Về đề nghị điều chỉnh chuẩn nghèo
Việc nghiên cứu, điều chỉnh chuẩn nghèo theo giá năm 2008 là cần thiết, song yêu cầu Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nghiên cứu, chuẩn bị thêm.
Giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Uỷ ban Dân tộc và các Bộ, ngành có liên quan phân tích, dự kiến tốc độ tăng giá, tính toán kỹ nguồn kinh phí thực hiện các chính sách, chương trình, dự án liên quan đến việc điều chỉnh chuẩn nghèo, trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 31 tháng 8 năm 2008.
Văn phòng Chính phủ xin thông báo để các Bộ, ngành, địa phương biết và thực hiện./.
| KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |
- 1 Báo cáo 64/BC-LĐTBXH về tình hình triển khai chương trình giảm nghèo 6 tháng đầu năm 2012 do Bộ Lao động Thương binh và Xã hội ban hành
- 2 Chỉ thị 04/2008/CT-TTg về tăng cường chỉ đạo thực hiện các chương trình giảm nghèo do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3 Quyết định 134/2004/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 1 Thông báo 274/TB-VPCP ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng về Chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2011-2020 do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 2 Báo cáo 64/BC-LĐTBXH về tình hình triển khai chương trình giảm nghèo 6 tháng đầu năm 2012 do Bộ Lao động Thương binh và Xã hội ban hành