Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 17/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 14 tháng 01 năm 2013

 

THÔNG BÁO

Ý KIẾN KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG NGUYỄN TẤN DŨNG VỀ CÁC GIẢI PHÁP BẢO ĐẢM AN TOÀN CHO CÔNG TRÌNH VÀ NGƯỜI DÂN KHU VỰC THỦY ĐIỆN SÔNG TRANH 2

Ngày 21 tháng 11 năm 2012, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì cuộc họp về các giải pháp bảo đảm an toàn cho công trình và người dân khu vực thủy điện Sông Tranh 2. Tham dự cuộc họp có Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, lãnh đạo Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, các Bộ, cơ quan: Công Thương, Xây dựng, Khoa học và Công nghệ, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Văn phòng Chính phủ, Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Viện Vật lý địa cầu, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

Sau khi nghe báo cáo của Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước, Viện Vật lý địa cầu, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, ý kiến Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải và các đại biểu dự họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng kết luận như sau:

1. Các vấn đề chung về phát triển thủy điện:

Để bảo đảm đủ điện cho phát triển kinh tế xã hội của đất nước, đảm bảo sự thành công cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, năm 2004, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển ngành điện Việt Nam, trong đó ưu tiên phát triển thủy điện, nhất là các công trình có lợi ích tổng hợp (cấp nước, chống lũ, chống hạn...). Đây là dạng năng lượng sạch, tái tạo; qua gần 10 năm thực hiện, đến nay công suất nguồn thủy điện chiếm gần 50% tổng công suất các nguồn điện. Năm 2011, các nhà máy thủy điện sản xuất 41,1 tỷ kWh, chiếm gần 41% sản lượng điện sản xuất toàn quốc.

Ưu tiên phát triển thủy điện không chỉ tại Việt Nam, mà tại hầu hết các nước có tiềm năng phát triển. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, tại một số dự án thủy điện đã bộc lộ những mặt khiếm khuyết, bất cập: Tác động tiêu cực đến môi trường, gây nên động đất kích thích ảnh hưởng đến người dân,... Trong thời gian tới, vẫn tiếp tục khai thác thủy điện, đồng thời cần khắc phục các mặt trái, đáp ứng các yêu cầu:

- Phải đảm bảo an toàn, an toàn về hồ đập, an toàn về tính mạng của nhân dân, đây là yêu cầu cao nhất, dù hiệu quả tới đâu mà không đáp ứng được yêu cầu này thì không được làm.

- Khi xây dựng thủy điện phải đảm bảo thực hiện cho được chủ trương của Đảng và Nhà nước ta là di dân tái định cư đến nơi ở mới phải có điều kiện để người dân từng bước có cuộc sống tốt hơn.

- Phải đặc biệt chú trọng đến môi trường, xây dựng thủy điện nhưng không làm tác động lớn, tác động xấu đến môi trường sống.

- Phải bảo đảm hiệu quả tổng hợp của dự án thủy điện cả về hiệu quả kinh tế, xã hội và môi trường.

- Phải nghiêm túc thực hiện đúng các quy định của pháp luật trong việc lập, thẩm định dự án, thi công xây dựng và vận hành công trình.

Để thực hiện tốt các yêu cầu nêu trên và sớm khắc phục các bất cập, khiếm khuyết của một số dự án thủy điện, yêu cầu các Bộ, cơ quan, địa phương liên quan cần làm tốt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể như sau:

- Khẩn trương rà soát lại toàn bộ quy hoạch thủy điện trong cả nước. Căn cứ vào các yêu cầu nêu trên và các quy định hiện hành, theo báo cáo của Bộ Công Thương, qua 2 lần rà soát đã đưa ra khỏi quy hoạch 107 dự án. Yêu cầu các Bộ, địa phương liên quan cần tiếp tục rà soát để điều chỉnh, bổ sung hoàn thiện quy hoạch thủy điện trong cả nước trong năm 2013.

- Quản lý chặt chẽ việc xây dựng mới các dự án thủy điện. Các dự án thủy điện đã có trong quy hoạch nhưng trước khi quyết định đầu tư phải được thẩm định một cách chặt chẽ. Dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A có công suất phát điện khá lớn, đã được đưa vào quy hoạch nhưng phải được tiến hành thẩm định một cách nghiêm túc, đúng theo các quy định của pháp luật, nếu không đạt các yêu cầu nêu trên thì không được quyết định đầu tư xây dựng. Các cơ quan có chức năng thẩm định phải chịu trách nhiệm về kết quả thẩm định của mình. Cơ quan có thẩm quyền quyết định cho phép đầu tư xây dựng phải đảm bảo đúng các quy định của pháp luật và các yêu cầu mà Chính phủ đề ra và phải chịu trách nhiệm về việc quyết định cho phép của mình.

- Phải rà soát lại tất cả các dự án thủy điện hiện có. Tập trung rà soát các nội dung cụ thể sau:

+ Hồ đập có an toàn không, phải sửa chữa gia cố ngay các sơ sót khiếm khuyết, nếu không an toàn là không được vận hành.

+ Phải rà soát lại việc tái định cư, xem người dân sống thực tế thế nào, nếu chưa đạt yêu cầu mà Đảng và Nhà nước đề ra, thì phải đề xuất cơ chế chính sách, kể cả chính sách đặc thù để đồng bào ta có điều kiện sống tốt hơn.

+ Rà soát yêu cầu các chủ đầu tư trồng lại rừng như đã quy định, đã cam kết, kể cả việc thu tiền để trồng lại diện tích rừng đã mất ở nơi khác.

+ Rà soát lại các quy trình vận hành hồ chứa của các hồ thủy điện. Nếu trên một dòng sông mà có nhiều đập thủy điện thì phải có quy trình vận hành liên hồ chứa. Phải bảo đảm được tiêu chí đề ra, nhất là các yêu cầu về góp phần chống lũ, ngăn mặn, điều tiết nước cho sản xuất và đời sống nhân dân... Quy trình vận hành hồ chứa nào chưa tốt thì phải bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp, hiệu quả.

2. Về các vấn đề liên quan đến thủy điện Sông Tranh 2

Đối với dự án thủy điện Sông Tranh 2, công tác chuẩn bị đầu tư đã thực hiện đúng quy định, dự án nằm trong quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt; theo đánh giá của tư vấn độc lập quốc tế, các thông số đầu vào sử dụng tính toán là có cơ sở. Tuy nhiên, trong xây dựng có sơ xuất, để xảy ra thấm nước ra mặt hạ lưu đập, gây dư luận không tốt, Tập đoàn Điện lực Việt Nam cần nghiêm túc rút kinh nghiệm để thực hiện tốt hơn trong thời gian tới.

Khi hồ thủy điện Sông Tranh 2 tích nước, đã gây nên động đất kích thích, tuy không gây mất an toàn cho công trình, nhưng đã ảnh hưởng đến đời sống người dân, nhiều nhà dân bị hư hỏng, Chính phủ rất chia sẻ với lo lắng của người dân.

Khi sự cố xảy ra tại thủy điện Sông Tranh 2, các cơ quan Trung ương, chính quyền địa phương đã vào cuộc kịp thời với tinh thần trách nhiệm cao, đã khắc phục thấm nước thành công. Đến thời điểm hiện nay, các chuyên gia chuyên ngành có trách nhiệm trong nước và công ty tư vấn hàng đầu của Nhật Bản, Thụy Sỹ cũng báo cáo là đập thủy điện Sông Tranh II bảo đảm an toàn. Các Bộ và cơ quan chức năng như Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng, Bộ Khoa học và Công nghệ, Hội đồng nghiệm thu nhà nước, Viện Vật lý địa cầu thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam đều báo cáo đập thủy điện Sông Tranh II là an toàn. Tuy nhiên, để chắc chắn hơn, với mục tiêu an toàn cao nhất cho tính mạng của nhân dân, yêu cầu phải làm tiếp những việc sau:

- Chưa được tích nước phát điện để tiếp tục nghiên cứu, đánh giá kỹ thêm về động đất.

- Đồng thời cùng với các chuyên gia trong nước, phải thuê chuyên gia tư vấn hàng đầu của quốc tế như Nga, Nhật Bản, Ấn Độ (một số chuyên gia này đã có mặt tại hiện trường) để khảo sát, đánh giá về động đất kích thích liên quan tới an toàn của đập.

- Công bố công khai đầy đủ thông tin cho nhân dân và hướng dẫn nhân dân ứng phó với động đất kích thích.

- Rà soát, bổ sung việc chi trả đền bù hỗ trợ đối với hộ dân có nhà bị hư hỏng do động đất.

3. Nhiệm vụ của các Bộ, ngành, địa phương trong thời gian tới

Trong thời gian tới các Bộ, ngành, địa phương liên quan cần khẩn trương thực hiện tốt các nhiệm vụ sau đây:

a) Bộ Xây dựng:

Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc Bộ thành lập đoàn công tác, phối hợp với địa phương để khảo sát, hướng dẫn sửa chữa, gia cường nhà ở và công trình công cộng trong khu vực để ứng phó với tác động của động đất; đề xuất các chính sách phù hợp nhằm hỗ trợ nhân dân địa phương trong việc sửa chữa, gia cường nhà ở.

b) Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng:

- Chủ trì, phối hợp với các Bộ liên quan lập tổ công tác thường xuyên túc trực tại thủy điện Sông Tranh II để theo dõi tất cả các diễn biến của động đất để kịp thời tính toán phương án ứng phó với mục tiêu an toàn là cao nhất.

- Chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan tổ chức thông báo kết quả thực hiện trong thời gian qua và các giải pháp trong thời gian tới về xử lý thấm, đánh giá an toàn, ổn định đập, khảo sát động đất, cũng như công tác hỗ trợ đối với người dân trong khu vực thủy điện Sông Tranh 2, cung cấp cho các cơ quan thông tấn, báo chí thông tin chính xác, khách quan về công trình, để cung cấp đến mọi người dân, nhất là người dân sống trong khu vực biết, yên tâm và duy trì các hoạt động sản xuất, học tập, sinh hoạt bình thường.

- Cho phép chỉ định tổ chức tư vấn nước ngoài có kinh nghiệm để thực hiện nghiên cứu, đánh giá chi tiết về điều kiện địa chất, địa động lực học và hoạt động địa chất khu vực Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam để đánh giá xu hướng của động đất kích thích khu vực hồ chứa thủy điện Sông Tranh 2, xác định cấp động đất cực đại có thể xảy ra; đánh giá cấp động đất tối đa đập có thể chịu đựng được tại các mức nước khác nhau của hồ chứa; khả năng bảo đảm an toàn trong trường hợp xảy ra động đất cực đại vào thời gian lưu lượng lũ về lớn,...

- Tổ chức Hội thảo với sự tham gia của các cơ quan nghiên cứu, các nhà khoa học thuộc lĩnh vực có liên quan khi có các kết quả nghiên cứu của các tổ chức tư vấn độc lập nước ngoài.

c) Bộ Công Thương:

- Chủ trì, phối hợp với các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính và các Bộ, cơ quan liên quan kiểm tra việc thực hiện công tác di dân, tái định cư tại các dự án thủy điện đã hoàn thành và đang xây dựng; hướng dẫn chủ đầu tư, chính quyền địa phương giải quyết những bất cập, vướng mắc để bảo đảm các hộ dân tái định cư cho xây dựng các công trình thủy điện có cuộc sống tốt hơn nơi ở cũ. Trường hợp có những vướng mắc vượt thẩm quyền, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

- Phối hợp với EVN, Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn, điều chỉnh Quy trình vận hành liên hồ chứa các hồ: A Vương, Đắk Mi 4 và Sông Tranh 2 trong mùa lũ.

- Chỉ đạo EVN trong công tác quản lý vận hành Nhà máy thủy điện Sông Tranh 2, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho công trình và vùng hạ du; đồng thời chỉ đạo EVN và các đơn vị liên quan khẩn trương xây dựng phương án ứng phó trong các trường hợp sự cố đập thủy điện với các kịch bản khác nhau.

d) Bộ Khoa học và Công nghệ:

- Phối hợp với Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam tổ chức nghiên cứu, đánh giá chi tiết về điều kiện địa chất, địa động lực học và hoạt động địa chất khu vực Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam để có kết luận khoa học, khách quan về những vấn đề liên quan đến động đất kích thích trong khu vực.

- Chỉ đạo Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Viện Vật lý địa cầu và các cơ quan có liên quan nghiên cứu đánh giá tổng thể về phân vùng động đất tại Việt Nam.

đ) Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam:

- Khẩn trương lập đề cương, dự toán, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để triển khai lắp đặt 05 trạm địa chấn tại khu vực thủy điện Sông Tranh 2. Tập đoàn Điện lực Việt Nam cấp kinh phí mua vật tư, thiết bị cho các trạm địa chấn, phần kinh phí này được hạch toán vào chi phí công trình theo quy định.

Trong thời gian tiến hành các thủ tục trên, Viện Vật lý địa cầu điều động ngay 2 máy đo gia tốc và 5 trạm đo địa chấn từ những khu vực khác để lắp đặt, đưa vào hoạt động trong tháng 10 năm 2012, kịp thời đánh giá cho mùa lũ.

- Cử các chuyên gia theo dõi thường xuyên tình hình hoạt động động đất, đánh giá xu thế hoạt động động đất kích thích trong khu vực, phục vụ việc đánh giá an toàn đập thủy điện Sông Tranh 2.

- Tổ chức ngay việc nghiên cứu, đánh giá chi tiết về điều kiện địa chất, địa động lực học và hoạt động địa chất khu vực Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam để đánh giá nguyên nhân, xu hướng của động đất kích thích khu vực hồ chứa thủy điện Sông Tranh 2; cho phép mời chuyên gia nước ngoài có kinh nghiệm để giúp thực hiện nghiên cứu.

e) Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam:

- Phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện công tác tuyên truyền cho nhân dân hiểu biết rõ về động đất kích thích để nhân dân an tâm, ổn định sinh hoạt và làm việc bình thường, không hoang mang dao động, thận trọng trước những thông tin liên quan đến ổn định nền đập.

- Phối hợp với Tập đoàn Điện lực Việt Nam thực hiện rà soát, hỗ trợ kinh phí cho các hộ dân, khu tái định cư, trường học, các công trình xây dựng bị ảnh hưởng do động đất.

- Chỉ đạo các Ban, ngành của tỉnh và huyện Bắc Trà My chủ động phối hợp với các Bộ, ngành trung ương, EVN và các bên liên quan trong việc tổ chức thực hiện các công việc được giao.

g) Tập đoàn Điện lực Việt Nam:

- Tiếp tục huy động tối đa công suất phát của các tổ máy phát điện trong mùa lũ năm 2012; áp dụng các giải pháp để có thể hạ mức nước ở mức thấp nhất có thể được.

- Tiếp tục hoàn thiện việc lắp đặt, sửa chữa, hiệu chỉnh các thiết bị quan trắc công trình theo đề nghị của tư vấn độc lập, đồng thời phối hợp với Viện Vật lý địa cầu sớm hoàn thiện công tác lắp đặt các thiết bị quan trắc động đất, đặc biệt là những thiết bị quan trắc gia tốc nền.

- Phối hợp với chính quyền các cấp tỉnh Quảng Nam tập trung hỗ trợ người dân sửa chữa nhà hư hỏng, thực hiện các chương trình hỗ trợ về xây dựng cơ sở hạ tầng như đã cam kết và một số hạng mục công trình phát sinh, theo lộ trình phù hợp.

h) Tập đoàn Viễn thông quân đội: Phối hợp với Viện Vật lý địa cầu xây dựng các đường truyền để bảo đảm truyền kịp thời kết quả đo về động đất đến các cơ quan có liên quan.

Các Bộ, cơ quan tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Thông báo số 327/TB-VPCP ngày 22 tháng 9 năm 2012 của Văn phòng Chính phủ.

Văn phòng Chính phủ xin thông báo để các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam và các cơ quan liên quan biết, thực hiện./.

 

 

Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng;
- Các Bộ: CT, NN&PTNT, TT&TT, XD, KH&CN, TN&MT;
- Văn phòng TW Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Quốc hội;
- UB KHCN&MT của Quốc hội;
- HĐ Nghiệm thu Nhà nước các công trình XD;
- Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam;
- Viện Vật lý địa cầu;
- Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn;
- HĐND, UBND tỉnh Quảng Nam;
- Tập đoàn Điện lực VN;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTgCP; Các Vụ: TKBT, TH, KGVX, cổng TTĐT;
- Lưu: VT, KTN (3).

KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM




Nguyễn Hữu Vũ