VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 175/TB-VPCP | Hà Nội, ngày 03 tháng 4 năm 2017 |
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG TRỊNH ĐÌNH DŨNG TẠI BUỔI KIỂM TRA MỘT SỐ CÔNG TRÌNH HẠ TẦNG KINH TẾ - XÃ HỘI TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
Ngày 17 tháng 02 năm 2017, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã đi kiểm tra một số công trình hạ tầng kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố Hà Nội. Tham dự chuyến công tác có lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Công Thương, Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội và đại diện các Bộ: Tài chính, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Tại buổi làm việc với lãnh đạo thành phố Hà Nội, sau khi nghe Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố báo cáo tình hình triển khai các công trình, dự án hạ tầng kinh tế - xã hội, ý kiến phát biểu của các đại biểu dự họp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã kết luận như sau:
I. ĐÁNH GIÁ CHUNG:
Trong những năm qua cùng với chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội, công tác đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội trên địa bàn; đặc biệt là hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật đã được quan tâm và đạt nhiều kết quả quan trọng: Hạ tầng giao thông đô thị được cải thiện, ùn tắc giao thông bước đầu được kiềm chế; hệ thống cấp nước sạch được đầu tư, nâng cấp, tỷ lệ bao phủ cung cấp nước sạch khu vực đô thị đạt khoảng 96%; hệ thống thoát nước được quan tâm đầu tư và từng bước phát triển; công tác quản lý thu gom, xử lý chất thải rắn được chú trọng, đã đạt kết quả bước đầu trong việc thu hút xã hội hóa đầu tư xây dựng, quản lý vận hành lĩnh vực xử lý chất thải rắn; việc đầu tư, trồng mới hệ thống cây xanh được đặc biệt quan tâm, năm 2016 đã trồng mới được khoảng trên 200.000 cây xanh, đem lại diện mạo mới cho Thành phố, được nhân dân đồng tình, ủng hộ; Thành phố đã triển khai có hiệu quả quy hoạch phát triển hệ thống điện, bước đầu đáp ứng nhu cầu điện cho sản xuất và sinh hoạt trên địa bàn; triển khai nâng cấp, xây mới các nhà tang lễ; nghiên cứu mở rộng, xây dựng mới một số nghĩa trang...
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện còn một số tồn tại, bất cập cần tiếp tục khắc phục. Việc lập quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị ở một số nơi còn chậm; chất lượng một số quy hoạch, trong đó có quy hoạch hạ tầng giao thông vận tải còn thấp; ùn tắc giao thông có xu hướng gia tăng và ngày càng nghiêm trọng; công tác quản lý thực hiện xây dựng theo quy hoạch ở một số nơi còn chưa nghiêm; công tác cung cấp nước sạch cho sản xuất và sinh hoạt chưa đáp ứng yêu cầu, tình trạng thất thoát nước sạch còn cao; tình trạng ngập úng trong mùa mưa lũ chưa được giải quyết; việc xử lý chất thải rắn bằng biện pháp chôn lấp là chủ yếu; ô nhiễm môi trường, đặc biệt là ô nhiễm không khí ngày càng gia tăng; việc đầu tư xây dựng nghĩa trang được quan tâm, song chưa đáp ứng yêu cầu của người dân...
II. NHIỆM VỤ TRONG THỜI GIAN TỚI
Để Thủ đô và các địa phương trong Vùng phát triển bền vững, yêu cầu các bộ, ngành và thành phố Hà Nội khẩn trương thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
1. Ủy ban nhân dân Thành phố cần rà soát tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội để đề xuất, điều chỉnh phù hợp, nhằm tạo động lực cho Thủ đô phát triển; khi quy hoạch, xây dựng các khu đô thị, khu công nghiệp cần lưu ý bố trí tăng thêm công viên, các hồ điều hòa, hồ đa năng để phục vụ người dân và tăng khả năng điều hòa nước, hạn chế ngập úng. Rà soát lại tất cả các quy hoạch hạ tầng kỹ thuật, trong đó lưu ý quy hoạch giao thông vận tải theo hướng đồng bộ, thống nhất với Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đã được phê duyệt, chú ý quy hoạch các không gian ngầm; tập trung đầu tư xây dựng các tuyến giao thông kết nối khu vực nội đô với khu vực ngoại thành và các đô thị vệ tinh; chú trọng đầu tư xây dựng các nút giao thông kết nối các bến xe, bãi để xe; xây dựng kế hoạch đầu tư cụ thể, xây dựng cơ chế huy động các nguồn lực đầu tư, nhất là nguồn lực xã hội hóa; kiểm soát chặt chẽ quá trình đầu tư xây dựng, bảo đảm hiệu quả đầu tư xây dựng.
2. Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thông vận tải trong quản lý, vận hành hệ thống đường sắt Quốc gia, đường sắt đô thị; đẩy nhanh tiến độ thi công 02 tuyến đường sắt đô thị, đồng thời nghiên cứu phương án kết nối với đường sắt Quốc gia. Tiếp tục tìm nguồn vốn để đầu tư xây dựng các tuyến đường sắt đô thị theo quy hoạch. Chú ý phát triển đường thủy nội địa để giảm áp lực đối với đường bộ và đường sắt.
3. Có phương án hạ ngầm hệ thống cáp điện hiện hữu; tạo hành lang ngầm để thực hiện triệt để đối với những khu vực xây dựng mới.
4. Rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch cấp nước theo hướng phát triển các nhà máy nước mặt để dần thay thế nguồn nước ngầm; có phương án nâng cấp, mở rộng các nhà máy nước để cấp đủ nước sạch với giá cả hợp lý trên toàn Thành phố; đầu tư đồng bộ mạng lưới đường ống dẫn nước; lựa chọn công nghệ tiên tiến, chất lượng, hiệu quả và tiết kiệm trong sử dụng đất; triển khai các giải pháp chống thất thoát nước phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố. Trong quá trình rà soát, bổ sung quy hoạch thoát nước, nghiên cứu phương án thoát nước thải bền vững, tập trung các dự án chống ngập úng.
5. Lựa chọn công nghệ xử lý chất thải rắn phù hợp với điều kiện Việt Nam, bảo đảm hiệu quả, bảo vệ môi trường; xây dựng cơ chế huy động đầu tư để thu hút nguồn vốn xã hội đầu tư xây dựng, quản lý vận hành từ thu gom, vận chuyển đến xử lý chất thải rắn và đầu tư xây dựng, quản lý vận hành nhà tang lễ, nghĩa trang.
III. VỀ KIẾN NGHỊ CỦA THÀNH PHỐ
1. Về việc thành phố Hà Nội chủ động quyết định phương án lựa chọn nhà đầu tư các dự án PPP theo quy định tại Điều 26 Luật đấu thầu: Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội làm rõ các điều kiện đặc thù, riêng biệt đối với từng dự án mà không thể áp dụng các hình thức lựa chọn nhà đầu tư theo quy định tại các Điều: 20, 21, 22, 23, 24, 25 của Luật đấu thầu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định phương án lựa chọn nhà đầu tư theo Điều 26 Luật đấu thầu.
2. Về ủy quyền cho Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội phê duyệt chủ trương đầu tư một số dự án đầu tư công nhóm A (05 dự án) sử dụng vốn ngân sách Thành phố: Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đối với 05 dự án mà Thành phố đề nghị ủy quyền. Trên cơ sở kết quả báo cáo thẩm định, nếu đủ điều kiện phê duyệt chủ trương đầu tư theo quy định của pháp luật, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Tư pháp báo cáo Thủ tướng Chính phủ phương án ủy quyền cho Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án.
3. Về lựa chọn nhà thầu thực hiện một số dự án ùn tắc giao thông nội đô có tính cấp bách và các dự án thuộc chương trình mục tiêu giảm thiểu ùn tắc giao thông giai đoạn 2016 - 2020 theo quy định tại khoản 2 Điều 43 Nghị định số 59/2015/NĐ-CP ngày 18 tháng 6 năm 2015 về quản lý dự án đầu tư xây dựng: Đồng ý về nguyên tắc; Thành phố cần có báo cáo cụ thể về tính cấp bách đối với từng dự án, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
4. Về chỉ định tư vấn nước ngoài kết hợp tư vấn trong nước đủ năng lực, kinh nghiệm để thực hiện công tác lập quy hoạch chi tiết, chuẩn bị đầu tư dự án đường sắt đô thị: Giao Bộ Kế Hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ: Tư pháp, Giao thông vận tải xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
5. Về cải tạo đoạn đê hữu hồng từ Khách sạn Thắng Lợi đến cửa khẩu An Dương để mở rộng đường giao thông: Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu phương án cụ thể đáp ứng yêu cầu về an toàn, chất lượng, thẩm mỹ; thực hiện hội nghị, hội thảo, thông tin đầy đủ công khai về phương án đầu tư xây dựng, tạo đồng thuận trong nhân dân.
6. Về ưu tiên bố trí đủ vốn ODA cho các dự án đường sắt đô thị đang triển khai thực hiện theo tiến độ dự án và Hiệp định đã ký kết với nhà tài trợ: Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính khẩn trương thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 35/TB-VPCP ngày 25 tháng 01 năm 2017.
7. Về cho phép Hà Nội thực hiện theo cơ chế đặc thù về tài chính ngân sách theo quy định của Luật Thủ đô: Giao các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
8. Đề nghị các Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét, giải quyết theo thẩm quyền đối với kiến nghị của Ủy ban nhân dân Thành phố về việc ủy quyền cho Hà Nội tổ chức thẩm định thiết kế kỹ thuật, tổng dự toán công trình đặc biệt, cấp I đảm bảo tuân thủ thiết kế cơ sở đã được các Bộ thẩm định.
9. Về ủy quyền cho Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch cấp nước: Đồng ý về nguyên tắc ủy quyền cho Ủy ban Thành phố phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh sau khi có kết quả thẩm định đủ điều kiện phê duyệt theo quy định của pháp luật và ý kiến thống nhất của Bộ Xây dựng và các cơ quan liên quan.
10. Về cho phép triển khai ngay một số dự án và được cập nhật vào Quy hoạch (Khu xử lý rác thải Tả Thanh Oai, Thanh Trì; nâng công suất một số dự án tại khu vực các huyện như: Nhà máy xử lý rác thải Việt Hùng, huyện Đông Anh; nhà máy xử lý rác thải Phương Đình, huyện Đan Phượng): Đồng ý về nguyên tắc; yêu cầu Ủy ban nhân dân Thành phố có báo cáo cụ thể từng dự án thống nhất với các Bộ có liên quan theo đúng quy định của pháp luật, trình Thủ tướng Chính phủ.
Văn phòng Chính phủ thông báo để Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội và các bộ, cơ quan có liên quan biết, thực hiện./.
Nơi nhận: | KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |
- 1 Thông báo 35/TB-VPCP năm 2017 kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại buổi họp Thường trực Chính phủ để bàn về chủ trương, giải pháp chống ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố Hà Nội do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 2 Thông báo 151/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại buổi kiểm tra công trình thủy điện An Khê - Ka Nak và làm việc về dự án hạ tầng tại Gia Lai do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 3 Chỉ thị 05/CT-TTg năm 2016 về kiểm tra, rà soát, đánh giá an toàn chịu lực nhà ở và công trình công cộng cũ, nguy hiểm tại đô thị do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 4 Nghị định 59/2015/NĐ-CP về quản lý dự án đầu tư xây dựng
- 5 Công văn 569/TTg-KTN năm 2014 kiểm tra, rà soát công trình cầu treo và dân sinh trên tuyến đường dân sinh, đường giao thông nông thôn do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 6 Luật đấu thầu 2013
- 7 Luật Thủ đô 2012
- 1 Thông báo 151/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại buổi kiểm tra công trình thủy điện An Khê - Ka Nak và làm việc về dự án hạ tầng tại Gia Lai do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 2 Chỉ thị 05/CT-TTg năm 2016 về kiểm tra, rà soát, đánh giá an toàn chịu lực nhà ở và công trình công cộng cũ, nguy hiểm tại đô thị do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3 Công văn 569/TTg-KTN năm 2014 kiểm tra, rà soát công trình cầu treo và dân sinh trên tuyến đường dân sinh, đường giao thông nông thôn do Thủ tướng Chính phủ ban hành