VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 178/TB-VPCP | Hà Nội, ngày 28 tháng 7 năm 2011 |
Ngày 17 tháng 7 năm 2011, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã đi kiểm tra và chủ trì cuộc họp về đẩy nhanh tiến độ và xử lý một số vấn đề trong quá trình xây dựng dự án Nhà máy sản xuất phân Đạm Ninh Bình. Tham dự cuộc họp có lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương: Công Thương, Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình, đại diện Văn phòng Chính phủ và lãnh đạo Tập đoàn Hóa chất Việt Nam.
Sau khi nghe Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình và Nhà thầu EPC - HQCEC báo cáo tình hình triển khai, các vấn đề của Dự án, ý kiến của các đại biểu dự họp, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải có ý kiến kết luận như sau:
Đánh giá cao hỗ trợ của tỉnh Ninh Bình, chỉ đạo của Bộ Công Thương, việc giải ngân cho dự án của Ngân hàng Phát triển Việt Nam, sự nỗ lực của Chủ đầu tư và Nhà thầu EPC trong việc triển khai thực hiện Dự án trong thời gian vừa qua. Đến nay Dự án đã hoàn thành được nhiều hạng mục quan trọng là: công tác thiết kế đạt 100%, giá trị xây lắp đạt 92%, mua sắm thiết bị đạt 98%, hoàn thành trạm biến áp 35 kV, hoàn thành sấy lò hơi số 1, sấy lò khí hóa xưởng khí hóa,...; công tác an toàn lao động, vệ sinh môi trường, công tác tuyển dụng và đào tạo nguồn nhân lực được chú trọng.
Nhà máy Đạm Ninh Bình có quy mô lớn, công nghệ phức tạp, vật tư, thiết bị do nhiều quốc gia cung cấp, nhiều nhà thầu tham gia xây dựng; do đó, Chủ đầu tư cần đặc biệt chú trọng công tác quản lý, đôn đốc nhà thầu giám sát, nhà thầu thi công lắp đặt thiết bị, vận hành chạy thử bảo đảm tuyệt đối an toàn. Hiện nay, một số hạng mục thi công còn chậm so với tiến độ đề ra; việc cung cấp vật tư thiết bị không kịp thời; tình trạng mất cắp vật tư còn diễn ra nghiêm trọng; việc chuẩn bị nguồn nhân lực để tiếp nhận và vận hành nhà máy khi đi vào hoạt động cần phải có kế hoạch cụ thể hơn nữa.
II. NHIỆM VỤ TRONG THỜI GIAN TỚI
Để quý I/2012, Nhà máy đi vào hoạt động, Chủ đầu tư và nhà thầu, các Bộ, ngành và địa phương cần làm tốt một số việc sau đây:
1. Tập đoàn Hóa chất Việt Nam
a) Chỉ đạo Ban Quản lý dự án và các nhà thầu tham gia xây dựng, cung cấp thiết bị có kế hoạch cụ thể về tiến độ cho từng hạng mục công trình, tập trung mọi nguồn lực, phối hợp chặt chẽ để hoàn thành đúng tiến độ đề ra. Ban quản lý Dự án phải thường xuyên giao ban với các nhà thầu để kiểm tra, đôn đốc về tiến độ, chất lượng công trình. Phối hợp với nhà thầu làm tốt công tác chạy thử, bảo đảm tuyệt đối an toàn trong khi tiến hành chạy thử.
b) Triển khai công tác kiểm kê, thống kê đối với vật liệu, linh kiện, thiết bị còn thiếu, có kế hoạch cụ thể để nhanh chóng đưa về phục vụ kịp thời cho công tác lắp đặt hoàn thiện nhà máy; lên kế hoạch thiết bị dự phòng cho nhà máy.
c) Làm tốt công tác tuyển dụng, đào tạo nguồn nhân lực để khi tiếp nhận nhà máy vận hành được ngay.
d) Ngay từ bây giờ hoàn chỉnh công tác quy hoạch tạo cảnh quan, môi trường nhà máy; bảo đảm xanh - sạch - đẹp.
2. Đối với nhà thầu EPC: đẩy nhanh tiến độ những hạng mục chậm tiến độ; chuẩn bị tốt công tác chạy thử nhà máy bảo đảm chất lượng, an toàn cho công trình.
3. Đối với tỉnh Ninh Bình:
Cần khẩn trương hoàn thành các công trình ngoài hàng rào Nhà máy và bảo đảm công tác an ninh khu vực.
1. Về việc thành lập Công ty TNHH MTV Đạm và Hóa chất Vinachem: Tập đoàn Hòa chất Việt Nam sớm lập Đề án thành lập, trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định.
2. Về đấu nối nguồn điện của Nhà máy vào lưới điện quốc gia và ký hợp đồng mua bán điện của Nhà máy với Tập đoàn Điện lực Việt Nam: Bộ Công Thương chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam làm việc với Tập đoàn Hóa chất Việt Nam xử lý các nội dung trên.
3. Về công tác an ninh, trật tự tại Khu công nghiệp Khanh Phú và khu vực Nhà máy đạm Ninh Bình: Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình chỉ đạo lực lượng Công an phối hợp chặt chẽ với Ban quản lý dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối tượng trộm cắp vật tư, thiết bị của nhà máy và Khu công nghiệp Khánh Phúc.
4. Đối với khoản tiền hỗ trợ cho Dự án trước đây tỉnh Ninh Bình cam kết: Tập đoàn Hóa chất Việt Nam bàn bạc cụ thể với Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình hỗ trợ thông qua chương trình đào tạo nghề, nhà ở cho công nhân và những vấn đề cần thiết khác.
5. Để bảo đảm đưa Nhà máy vào hoạt động, Ngân hàng Phát triển Việt Nam cho vay đủ nguồn vốn vay đã được ký kết năm 2011 cho Dự án.
6. Về đề nghị của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình:
- Việc chỉnh trị cửa sông Đáy: Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình thực hiện ý kiến chỉ đạo tại Thông báo số 75/TB-VPCP ngày 15 tháng 3 năm 2010 của Văn phòng Chính phủ.
- Về hỗ trợ ngân sách Trung ương để hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng Khu công nghiệp Khánh Phúc; các công trình xây dựng đường cứu hộ cứu nạn, chống tràn thoát lũ cho 6 xã tiểu khu 1 ra đê Hữu Đá, huyện Kim Sơn và các xã Yên Phú, Yên Mỹ: Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình làm việc cụ thể với các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Văn phòng Chính phủ thông báo để các cơ quan liên quan biết, thực hiện./.
Nơi nhận: | KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |