VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 181/TB-VPCP | Hà Nội, ngày 28 tháng 04 năm 2014 |
Ngày 15 tháng 4 năm 2014, tại trụ sở Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì Hội nghị về giải pháp và chính sách phát triển thủy sản trong những năm tới. Tham dự Hội nghị có Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, đồng chí Phạm Gia Khiêm, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban chỉ đạo Nhà nước về Biển Đông - Hải đảo, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ trưởng Bộ Công thương, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, đồng chí Tạ Quang Ngọc, nguyên Bộ trưởng Bộ Thủy sản (trước đây); đại diện lãnh đạo các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Quốc phòng, Ngoại giao, Công an, Lao động - Thương binh và Xã hội, Khoa học và Công nghệ, đại diện lãnh đạo Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển (trong đó có Bí thư và Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng), lãnh đạo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Ngân hàng Phát triển Việt Nam. Sau khi nghe báo cáo của các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Tài chính, Quốc phòng và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, ý kiến của đồng chí Phạm Gia Khiêm, đồng chí Tạ Quang Ngọc, ý kiến đại diện lãnh đạo 08 tỉnh, thành phố ven biển và một số đại biểu dự họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng kết luận như sau:
Nhận thức biển Ià không gian sinh tồn của ngư dân, là lợi thế địa lý của nước ta, kinh tế biển, trong đó có ngành thủy sản có vai trò quan trọng, to lớn trong nền kinh tế, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) đã ban hành Nghị quyết về “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020” trong đó xác định nước ta phải trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, bảo đảm vững chắc chủ quyền quốc gia trên biển, góp phần quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đồng thời giải quyết tốt các vấn đề xã hội, cải thiện một bước đáng kể đời sống nhân dân vùng biển và ven biển, phấn đấu đến năm 2020, kinh tế biển và ven biển đóng góp khoảng 53-55% tổng GDP của cả nước.
Trong thời gian qua, ngành thủy sản đã đạt được những kết quả vượt bậc, vươn lên thành một ngành kinh tế mũi nhọn, đáp ứng yêu cầu vừa phát triển kinh tế vừa tăng cường gìn giữ, bảo vệ chủ quyền biển đảo, nhất là vùng biển xa. Kết quả này có phần đóng góp của bà con ngư dân đang hàng ngày, hàng giờ dũng cảm, kiên cường bám biển, bám ngư trường, bên cạnh đó là cố gắng, nỗ lực của các Bộ, ngành, địa phương trong công tác chỉ đạo, triển khai thực hiện, xây dựng được hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách tương đối đồng bộ, đáp ứng cơ bản yêu cầu phát triển của ngành thủy sản.
Về sản xuất, tổng sản lượng thủy sản tăng dần qua các năm, đến năm 2013, tổng sản lượng thủy sản đạt xấp xỉ 6 triệu tấn (trong đó khai thác thủy sản đạt 2,7 triệu tấn, nuôi trồng thủy sản đạt 3,2 triệu tấn), xuất khẩu đạt trên 6,7 tỷ USD; Trên bình diện quốc tế, Việt Nam đứng đầu về sản lượng cá tra, đứng thứ 3 thế giới về sản lượng tôm; thứ 4 về giá trị xuất khẩu thủy sản. Ngành thủy sản phát triển đã góp phần tăng trưởng kinh tế của đất nước, giải quyết được nhiều việc làm cho người lao động; đời sống ngư dân và người lao động ngày được nâng lên. Tổng số lao động nghề cá khoảng trên 4,5 triệu người.
Tuy nhiên, ngành thủy sản hiện còn nhiều tồn tại, khó khăn. Hầu hết (đến 99%) tàu cá đóng từ vật liệu gỗ; 85%-90% tàu cá sử dụng động cơ từ các thiết bị cũ, trong đó nhiều động cơ hoán cải từ các động cơ giao thông đường bộ; tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch còn cao (từ 25-30%); lao động chủ yếu là lao động phổ thông và hầu hết chưa được đào tạo nghề; vẫn còn tình trạng ngư dân sản xuất đơn lẻ; tỷ lệ hộ nghèo xã ven biển còn cao (16%) so với tỷ lệ bình quân cả nước (8%); hạ tầng phục vụ nuôi trồng, khai thác thủy sản còn thiếu, chưa đồng bộ; chưa chủ động được số lượng và chất lượng giống phục vụ sản xuất; tỷ trọng sản phẩm thủy sản có giá trị gia tăng trong cơ cấu thủy sản xuất khẩu đạt thấp (khoảng 20-25%); vẫn còn tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp xuất khẩu; công tác áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào hoạt động sản xuất chưa được quan tâm. Do đó, nhìn chung năng lực, hiệu quả sản xuất của ngành thủy sản vẫn chưa cao, rủi ro trong sản xuất còn lớn; giá trị sản xuất và tích lũy cho đầu tư phát triển còn thấp; hợp tác liên kết trong sản xuất, chế biến tiêu thụ hình thành chuỗi giá trị còn bất cập, sức cạnh tranh của sản phẩm còn yếu, thu nhập của người lao động không ổn định và chưa cao.
Bên cạnh đó, công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực thủy sản vẫn còn một số tồn tại, bất cập. Một số chính sách chưa đi vào cuộc sống, chưa sát thực tế, chậm sửa đổi; công tác quy hoạch, chiến lược phát triển thủy sản còn chưa đáp ứng yêu cầu, gắn phát triển kinh tế với quốc phòng chưa bảo đảm mục tiêu. Các hội, hiệp hội ngành, nghề chưa phát huy hết vai trò trong việc phát triển ngành.
II. MỘT SỐ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU TRONG THỜI GIAN TỚI
Hiện nay, tiềm năng và nguồn lợi trong khai thác xa bờ còn rất lớn, thêm vào đó thị trường tiêu thụ tại các quốc gia và khu vực như Hoa Kỳ, EU, Nhật... còn rất nhiều tiềm năng. Để thực hiện thành công Nghị quyết của Ban chấp hành Trung ương Đảng về “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020”, đồng thời tận dụng các cơ hội để phát triển thủy sản, đảm bảo cuộc sống của ngư dân tốt hơn, an toàn hơn, tiếp tục bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai các nhiệm vụ sau:
1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- Căn cứ tình hình thực hiện trong thời gian qua, chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan rà soát các cơ chế, chính sách hiện hành trong lĩnh vực thủy sản, làm rõ những khó khăn, vướng mắc, những cơ chế, chính sách còn phù hợp và không còn phù hợp, cần sửa đổi, bổ sung, đề ra giải pháp hiệu quả về đầu tư, hỗ trợ tối đa nhằm phát triển nhanh ngành thủy sản; trên cơ sở đó, xây dựng dự thảo Nghị định về một số chính sách và giải pháp phát triển thủy sản đến năm 2020 theo trình tự, thủ tục rút gọn, trình Chính phủ trong tháng 5 năm 2014, trong đó lưu ý các nội dung sau:
+ Đẩy mạnh, mở rộng phạm vi và đối tượng áp dụng chính sách khuyến khích, hỗ trợ khai thác, nuôi trồng hải sản và dịch vụ khai thác hải sản trên các vùng biển xa;
+ Cơ chế, giải pháp đẩy nhanh tốc độ đầu tư cơ sở hạ tầng dịch vụ hậu cần nghề cá, trong đó tập trung xây dựng các trung tâm nghề cá, các cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão đã được quy hoạch, theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, phân kỳ đầu tư;
+ Xây dựng hệ thống thông tin đồng bộ, thống nhất trên toàn quốc về nghề cá trên biển.
- Chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương đẩy mạnh việc đổi mới phương thức tổ chức sản xuất ngành thủy sản, trong đó lưu ý hình thành các tổ đội sản xuất, hợp tác sản xuất, tăng cường liên kết trong sản xuất, nhất là liên kết giữa doanh nghiệp với ngư dân từ đánh bắt, nuôi trồng đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm; hình thành sản xuất theo chuỗi giá trị, bền vững kết hợp nhiệm vụ bảo đảm an ninh, an toàn trên biển.
2. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất chính sách tín dụng hỗ trợ ngư dân hiện đại hóa tàu cá, đóng mới tàu vỏ thép, đóng mới tàu dịch vụ hậu cần nghề cá, vay tín dụng thương mại phục vụ sản xuất đối với ngư dân, nuôi trồng thủy sản với lãi suất khoảng 5%/năm, thời hạn cho vay 10 năm (riêng đối với đóng mới tàu cá, không tính lãi trong thời gian đóng tàu); phương thức, thủ tục cho vay bảo đảm thuận tiện, phù hợp; nghiên cứu, xem xét cho ngư dân dùng tàu sẽ được đóng bằng vốn vay (tài sản hình thành trong tương lai) làm tài sản thế chấp.
3. Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất chính sách hỗ trợ bảo hiểm tàu cá và thân thể đối với ngư dân tham gia hoạt động khai thác trên biển; khẩn trương xem xét bổ sung kinh phí xúc tiến thương mại như kiến nghị của Bộ Công Thương, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
4. Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát, đề xuất cơ chế, chính sách đầu tư từ ngân sách nhà nước để phát triển cơ sở hạ tầng ngành thủy sản theo quy hoạch đã được phê duyệt, gồm: hạ tầng khu neo đậu tránh trú bão, lựa chọn một số khu neo đậu ưu tiên hoàn thành trước như các khu: Bạch Long Vỹ, Cô Tô, Cồn Cỏ, Phú Quý, Côn Đảo, Phú Quốc...; cảng cá gắn với dịch vụ hậu cần nghề cá; thông tin trên biển, bảo đảm an toàn cho dân.
5. Bộ Công Thương tiếp tục tập trung đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại đối với các mặt hàng thủy sản tại các thị trường lớn; trong quá trình đàm phán các hiệp định tự do thương mại với các đối tác, lưu ý các nội dung về giảm thuế, mở cửa thị trường, dỡ bỏ các rào cản về thương mại, kỹ thuật, tạo thuận lợi cho hàng thủy sản xuất khẩu của Việt Nam tiếp cận các thị trường.
6. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển tăng cường công tác quản lý quy hoạch các hoạt động thủy sản; đẩy mạnh việc hình thành các tổ, đội trong khai thác thủy sản trên biển, tăng cường liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; chủ động thu xếp, bố trí ngân sách địa phương hỗ trợ thêm một phần lãi suất cho vay (kết hợp với chính sách hỗ trợ tín dụng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) bảo đảm lãi suất hợp lý, hỗ trợ tối đa cho ngư dân được vay vốn; đặc biệt quan tâm đến chính sách xóa đói giảm nghèo tại các xã ven biển, xã bãi ngang; tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của ngư dân trong việc không sử dụng thuốc nổ trong đánh bắt, khai thác thủy sản, không xâm phạm trái phép vùng biển nước ngoài.
7. Tiếp tục quán triệt vai trò của lực lượng Hải quân, Cảnh sát biển, Kiểm ngư là lực lượng nòng cốt thực hiện nhiệm vụ đảm bảo an ninh, an toàn trên biển, gìn giữ, bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước đồng thời bảo vệ, hỗ trợ bà con ngư dân khi hoạt động trên các vùng biển của đất nước.
8. Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các Bộ, ngành, cơ quan liên quan và các địa phương tổ chức tốt công tác thông tin, tuyên truyền nhằm phát huy các tiềm năng, thế mạnh của ngành thủy sản góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, giữ vững an ninh, quốc phòng, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền quốc gia.
Văn phòng Chính phủ xin thông báo để các Bộ, ngành, địa phương liên quan biết, thực hiện./.
Nơi nhận: | KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |
- 1 Công văn 6049/BNN-TCTS năm 2014 thực hiện Nghị định 67/2014/NĐ-CP về chính sách phát triển thủy sản do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 2 Công văn 4621/VPCP-KTN năm 2014 về dự thảo Nghị định về chính sách phát triển thủy sản do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 3 Quyết định 3073/QĐ-BNN-QLCL năm 2013 phê duyệt Đề án xây dựng và phát triển mô hình chuỗi cung cấp thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn trên phạm vi toàn quốc do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 4 Quyết định 1118/QĐ-BNN-KHCN phê duyệt đề cương thực hiện năm 2013 nhiệm vụ: Đánh giá tác động biến đổi khí hậu lên hệ thống cơ sở hạ tầng, diện tích, năng suất, sản lượng nuôi trồng thủy sản ven biển nhằm xây dựng các giải pháp tổng hợp và mô hình thử nghiệm phát triển nuôi trồng thủy sản ven biển ứng phó và giảm nhẹ biến đổi khí hậu do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 5 Công văn số 1626/TTg-NN về việc đề xuất của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản về các giải pháp phát triển doanh nghiệp dân doanh trong ngành thủy sản giai đoạn 2007-2010 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 1 Công văn số 1626/TTg-NN về việc đề xuất của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản về các giải pháp phát triển doanh nghiệp dân doanh trong ngành thủy sản giai đoạn 2007-2010 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2 Quyết định 1118/QĐ-BNN-KHCN phê duyệt đề cương thực hiện năm 2013 nhiệm vụ: Đánh giá tác động biến đổi khí hậu lên hệ thống cơ sở hạ tầng, diện tích, năng suất, sản lượng nuôi trồng thủy sản ven biển nhằm xây dựng các giải pháp tổng hợp và mô hình thử nghiệm phát triển nuôi trồng thủy sản ven biển ứng phó và giảm nhẹ biến đổi khí hậu do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 3 Quyết định 3073/QĐ-BNN-QLCL năm 2013 phê duyệt Đề án xây dựng và phát triển mô hình chuỗi cung cấp thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn trên phạm vi toàn quốc do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 4 Công văn 4621/VPCP-KTN năm 2014 về dự thảo Nghị định về chính sách phát triển thủy sản do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 5 Công văn 6049/BNN-TCTS năm 2014 thực hiện Nghị định 67/2014/NĐ-CP về chính sách phát triển thủy sản do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành