ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 183/TB-UB | Tp. Hồ Chí Minh, ngày 19 tháng 9 năm 1979 |
THÔNG BÁO
VỀ CÔNG TÁC CẢI TẠO THỐNG NHẤT QUẢN LÝ NGÀNH IN TRONG TOÀN THÀNH PHỐ
Căn cứ công văn số 752/VP8 ngày 23-2-19079 của Phủ Thủ tướng và Chỉ thị số 058/B-VHTT-CT ngày 10-3-1979 cũng như Thông báo số 03/CT-TW-TB ngày 10-3-1979 của Bộ Văn hóa và Thông tin về việc hoàn thành cải tạo và tổ chức lại ngành in và cấm tư nhân không được kinh doanh ngành in, Ủy ban nhân dân thành phố thông báo :
1. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngay công bố thông báo của Ủy ban nhân dân với nội dung dưới đây, tất cả các hộ tư nhân kinh doanh nghề in, kể cả chụp ảnh để chế bản, đúc bản chì, khắc bản in gỗ, đồng, kẽm, .. và các hộ mua bán các loại vật tư ngành in như giấy, mực, bản kẽm, bản nhôm, phim kỹ thuật, hóa chất, .. đều phải ngưng hoạt động và kê khai đầy đủ với Sở Văn hóa và thông tin tất cả các loại phương tiện máy móc, vật tư hiện có. Quá thời hạn quy định, hộ nào không khai trình thì coi như tàng trữ trái phép phương tiện, vật tư ngành in và bị xử lý theo pháp luật hiện hành.
Sở Văn hóa và thông tin có nhiệm vụ tổ chức việc đăng ký, kiểm kê và thu mua tất cả những phương tiện, máy móc, vật tư, phụ tùng ngành in và thanh toán như quy định trong chính sách cải tạo công thương nghiệp tư doanh của Chính phủ.
2. Những cơ sở in của các tổ chức tôn giáo xử lý theo quyết định của Hội đồng Chính phủ (số 113-CP ngày 15-4-1977).
3. Sở Văn hóa và thông tin cùng với Sở Lao động và Ủy ban nhân dân các quận, huyện có kế hoạch sắp xếp thu nhận công nhân, tiểu chủ có tay nghề in vào làm trong các cơ sở quốc doanh, công tư hợp doanh, xí nghiệp in tập thể và chuyển những người không biết nghề in sang làm nghề khác (phù hợp với khả năng).
4. Sở Văn hóa và thông tin phải quy hoạch tổ chức màng lưới các cơ sở in quốc doanh, công tư hợp doanh, xí nghiệp in tập thể theo hướng tập trung và chuyên môn hóa, chấp hành đúng chủ trương Nhà nước thống nhất quản lý toàn bộ ngành in.
Tất cả các cơ sở in của bất cứ cơ quan nào trong thành phố đều phải đăng ký với Sở Văn hóa và thông tin để được quy hoạch lại, Sở Văn hóa và thông tin có trách nhiệm nghiên cứu và kiến nghị Ủy ban nhân dân thành phố xét ra quyết định xử lý các nhà in nói trên. Không cơ quan, cá nhân nào được tự tiện tháo gỡ, di chuyển máy móc in mà không có quyết định của Ủy ban nhân dân thành phố.
5. Bộ phận nào có nhu cầu in hàng năm phải gởi kế hoạch cho Sở Văn hóa và thông tin để Sở cân đối, phân bổ chỉ tiêu sản xuất cho các cơ sở in trong thành phố. Trừ việc in những tài liệu định kỳ như báo chí, tập san đã có quy định riêng, các cơ sở in quốc doanh, công tư hợp doanh, xí nghiệp in tập thể chỉ được phép nhận in theo sự phân phối của sở Văn hóa và thông tin (Công ty In). Để đáp ứng nhu cầu bình thường của nhân dân, các cơ sở in được trực tiếp nhận in các loại thiếp như thiếp mời, thiếp cưới, danh thiếp.. Sở Văn hóa và thông tin cần có quy định riêng với các cơ sở để quản lý.
6. Sở Văn hóa và thông tin có nhiệm vụ cùng với Sở Công an và Ủy ban nhân dân các quận, huyện tiến hành tổ chức lại các cơ sở in rô-nê-ô, đánh máy thuê, sao chụp (photocopie) theo các hình thức thích hợp như quyết định của Hội đồng Chính phủ số 113-CP ngày 15-4-1977.
7. Ban Cải tạo thành phố, Sở Văn hóa và thông tin, Sở Công an, Ủy ban Kế hoạch, Ủy ban Vật giá, Sở Tài chánh, Ngân hàng thành phố, Ủy ban nhân dân các quận, huyện có trách nhiệm khẩn trương tổ chức việc thi hành thông báo này.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ |
- 1 Quyết định 4340/QĐ-UB-NC năm 1998 bãi bỏ các văn bản qui phạm pháp luật hết hiệu lực ban hành từ ngày 02/7/1976 đến ngày 31/12/1996 của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh
- 2 Quyết định 4340/QĐ-UB-NC năm 1998 bãi bỏ các văn bản qui phạm pháp luật hết hiệu lực ban hành từ ngày 02/7/1976 đến ngày 31/12/1996 của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh