Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 02 tháng 01 năm 2025

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ PHẠM MINH CHÍNH TẠI HỘI NGHỊ THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỚI CÁC ĐẠI SỨ/TRƯỞNG CƠ QUAN ĐẠI DIỆN VIỆT NAM Ở NƯỚC NGOÀI VỀ TỔNG KẾT CÔNG TÁC NGOẠI GIAO KINH TẾ NĂM 2024 VÀ TRỌNG TÂM NĂM 2025 NHẰM TẠO ĐÀ BỨT PHÁT CHO TĂNG TRƯỞNG

Ngày 20 tháng 12 năm 2024, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với các Đại sứ/Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài về tổng kết công tác ngoại giao kinh tế năm 2024 và trọng tâm năm 2025 nhằm tạo đà bứt phát cho tăng trưởng.

Tham dự Hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn, Bộ trưởng các Bộ, cơ quan: Văn phòng Chính phủ, Kế hoạch và Đầu tư, Khoa học và Công nghệ, Thông tin và Truyền thông, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế; Lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Ngoại giao, Công an, Quốc phòng, Công Thương, Tài chính, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Giáo dục và Đào tạo, Lao động - Thương binh và Xã hội, Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI), các Đại sứ/Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài; Lãnh đạo Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Lãnh đạo Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia, các Hiệp hội doanh nghiệp: Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam, Dệt may Việt Nam, Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam, Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam, Da giày và Túi xách Việt Nam, Lương thực Việt Nam, Gỗ và Lâm sản Việt Nam, Cà phê - Cacao Việt Nam, Chè Việt Nam, Du lịch Việt Nam, Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Tự động hoá Việt Nam và các Tập đoàn, doanh nghiệp: Viettel, VinGroup, FPT, VNPT, CMC, Sovico, Rox, FPT.

Sau khi nghe Lãnh đạo Bộ Ngoại giao báo cáo và ý kiến của Lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp, Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính kết luận như sau:

1. Cơ bản thống nhất với nội dung báo cáo của Bộ Ngoại giao và các ý kiến tham luận tại Hội nghị; đánh giá cao nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương, Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, các doanh nghiệp trong triển khai công tác ngoại giao kinh tế, cụ thể hóa Chỉ thị 15-CT/TW ngày 10 tháng 8 năm 2022 của Ban Bí thư và Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 20 tháng 02 năm 2023 của Chính phủ về công tác ngoại giao kinh tế, đóng góp quan trọng vào những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong năm 2024.

Công tác ngoại giao kinh tế ngày càng thực chất hơn và bài bản hơn theo tinh thần “3 rõ” (kết quả rõ, sản phẩm rõ, đóng góp rõ cho phát triển kinh tế - xã hội đất nước); thực sự trở thành nội hàm then chốt trong tất cả các hoạt động đối ngoại, đặc biệt là đối ngoại cấp cao, đóng góp hiệu quả cho việc thực hiện các đột phá chiến lược. Ngoại giao kinh tế ngày càng được thể chế hoá, hệ thống hoá một cách bài bản và có được sự đồng thuận, vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, địa phương.

2. Năm 2025 vừa là năm bứt tốc, hoàn thành các mục tiêu phát triển của giai đoạn 2021-2025, vừa phải tích cực sắp xếp tổ chức, bộ máy, tổ chức các ngày kỷ niệm trọng đại của đất nước, vừa phải chuẩn bị tốt tổ chức Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội lần thứ XIV của Đảng. Trong năm 2025, mục tiêu tăng trưởng kinh tế của Việt Nam phải đạt 8% trở lên, hướng tới mục tiêu tăng trưởng hai con số trong giai đoạn phát triển sắp tới, tạo đà, tạo lực, tạo khí thế bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình giàu mạnh, văn minh, thịnh vượng của dân tộc.

3. Thời gian tới, công tác ngoại giao kinh tế cần: (i) tiếp tục phát huy hơn nữa kết quả đạt được và bài học kinh nghiệm của năm 2024; (ii) tận dụng tốt cơ hội, thời gian, trí tuệ, thích ứng linh hoạt, quyết đoán kịp thời; (iii) bám sát nhu cầu trong và ngoài nước để triển khai ngoại giao kinh tế phù hợp, hiệu quả, toàn diện, sâu sắc, không hình thức; (iv) tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan đại diện, doanh nghiệp, địa phương; nâng cao tinh thần yêu nghề, yêu nước, tâm huyết, trách nhiệm; (v) đối với các đối tác, phải thể hiện chân thành, tin cậy, phát huy bản sắc văn hóa Việt Nam.

4. Công tác ngoại giao kinh tế năm 2025 phải có trọng tâm, trọng điểm, phải bài bản hơn, thực chất, tạo đột phá với tinh thần “đã nói là làm; đã cam kết là phải thực hiện; đã làm, đã thực hiện là phải có kết quả, sản phẩm lượng hoá được cụ thể, rõ ràng, cân đong, đo, đếm được” và với phương châm “rõ mục tiêu, rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ sản phẩm, rõ kết quả”, trong đó bám sát những định hướng lớn, nhiệm vụ trọng tâm sau:

a) Làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống (xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng); thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới (kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế sáng tạo, kinh tế chia sẻ, kinh tế xanh, kinh tế số…); xây dựng thương hiệu cho sản phẩm của Việt Nam; tăng nội hàm khoa học, công nghệ trong phát triển sản phẩm; xúc tiến thương mại, đầu tư thực chất, hiệu quả hơn; phát triển thị trường cạnh tranh bền vững.

b) Tiếp tục thiết lập các khuôn khổ pháp lý, xác lập, nâng cấp quan hệ với một số đối tác quan trọng; thúc đẩy ký kết các FTA mới với các thị trường có tiềm năng ở khu vực Trung Đông (Ca-ta, Ả-rập Xê-út,…), Hội đồng hợp tác vùng Vịnh (GCC), Liên minh châu Phi (AU), Khối thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR), vận động các thành viên EU phê chuẩn Hiệp định EVIPA; đánh giá tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh để xác định những vấn đề có thể hợp tác, bổ trợ lẫn nhau; thúc đẩy kết nối doanh nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp các nước. Thúc đẩy triển khai các cam kết, thỏa thuận giữa Việt Nam và các đối tác, nhất là các thỏa thuận cấp cao trên tinh thần đã nói là làm, đã cam kết thì phải thực hiện để có sản phẩm thiết thực, phục vụ cho phát triển đất nước.

c) Tiếp tục thúc đẩy đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa chuỗi cung ứng; đẩy mạnh tiếp cận, khai thác những thị trường mới, nhiều tiềm năng nhưng chưa được khai thác (thị trường Halal, Châu Phi, Nam Á, Châu Mỹ Latinh…). Thúc đẩy phát triển ngành hàng không phục vụ giao thương, vận chuyển hàng hóa.

d) Đẩy mạnh ngoại giao trên các lĩnh vực, đặc biệt là ngoại giao công nghệ nhằm mở rộng hợp tác về công nghệ, nhất là chuyển giao công nghệ như chip bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, đặc biệt cần xây dựng cơ sở dữ liệu riêng của Việt Nam; hợp tác trong các lĩnh vực mới như điện toán đám mây, internet vạn vật, khai thác không gian vũ trụ, không gian biển, không gian ngầm.

đ) Tiếp tục đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn, vướng mắc với các đối tác: (i) vận động Hoa Kỳ đưa Việt Nam ra khỏi nhóm hạn chế xuất khẩu về công nghệ D1-D3 và sớm công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường; (ii) thúc đẩy hợp tác với Trung Quốc trong phát triển kinh tế cửa khẩu, kết nối giao thông, triển khai quyết liệt 3 tuyến đường sắt kết nối với Trung Quốc; (iii) hợp tác với các nước Trung Đông xây dựng Trung tâm Tài chính quốc tế tại thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng; (iv) vận động EU gỡ thẻ vàng IUU đối với thuỷ sản Việt Nam.

e) Nâng cao công tác tham mưu chiến lược và đề xuất chính sách phục vụ điều hành kinh tế - xã hội, bám sát tình hình thế giới, khu vực và yêu cầu phát triển của đất nước để kịp thời kiến nghị chính sách phù hợp. Đẩy mạnh nghiên cứu các giải pháp mới, đột phá trong thu hút nguồn lực cho phát triển, nhất là phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, chuyển giao công nghệ, đổi mới sáng tạo, trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, ứng phó biến đổi khí hậu….

g) Tích cực hỗ trợ địa phương, doanh nghiệp mở rộng quan hệ kinh tế quốc tế với tinh thần lấy người dân, địa phương, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ. Đẩy mạnh công tác đánh giá thị trường và tiến hành các hoạt động xúc tiến đầu tư, quảng bá thương hiệu có trọng tâm, trọng điểm, thực chất, hiệu quả.

5. Các bộ, ngành, địa phương, theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, chủ động, tích cực triển khai thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp được giao, tập trung vào một số nội dung cụ thể sau:

a) Bộ Ngoại giao: (i) tiếp tục chỉ đạo các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế nhằm tạo đà bứt phá cho tăng trưởng năm 2025; (ii) tạo đột phá trong thu hút các nguồn lực phục vụ các động lực tăng trưởng mới như khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, kinh tế số, kinh tế xanh, bán dẫn, AI…; (iii) thúc đẩy ngoại giao công nghệ, trong đó tích cực thúc đẩy giải quyết các khó khăn, vướng mắc với các đối tác lớn để mở đường cho hợp tác khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; (iv) chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành tổ chức tốt các Hội nghị quốc tế quan trọng trong năm 2025 (Diễn đàn Tương lai ASEAN, Hội nghị Thượng đỉnh Đối tác vì tăng trưởng xanh và Mục tiêu toàn cầu 2030 (P4G) lần thứ tư, Hội nghị UNCTAD).

b) Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan: (i) đẩy mạnh tiếp cận, khai thác những thị trường mới, nhiều tiềm năng (thị trường Halal, châu Phi, Nam Á, châu Mỹ Latinh…); (ii) tích cực triển khai các các FTA đã ký kết, thúc đẩy khả năng đàm phán FTA các thị trường có tiềm năng ở khu vực Trung Đông (Ca-ta, Ả-rập Xê-út,…), Hội đồng hợp tác vùng Vịnh (GCC), Liên minh châu Phi (AU), Khối thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR); (iii) tận dụng hiệu quả khuôn khổ quan hệ mới thiết lập (như với UAE, Brazil, Dominica…) để cụ thể hoá các cơ hội hợp tác, thúc đẩy các dự án hợp tác kinh tế - thương mại có tính đột phá, dẫn dắt, mở đường với khu vực Trung Đông và Mỹ Latinh; (iv) Tăng cường tổ chức các hoạt động/hội nghị xúc tiến, kết nối và quảng bá thương mại giữa Việt Nam và các nước.

c) Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ và các cơ quan liên quan: (i) nghiên cứu thiết lập các khuôn khổ quan hệ đối tác chuyên ngành với các nước đối tác về khoa học - công nghệ, bán dẫn, AI; (ii) thu hút FDI công nghệ cao, gắn với chuyển giao công nghệ, xây dựng các trung tâm R&D; thúc đẩy tham gia của doanh nghiệp Việt Nam vào các chuỗi cung ứng công nghệ cao và tăng cường sự hiện diện của Việt Nam trên các diễn đàn quốc tế về quản trị công nghệ; (iii) cụ thể hoá, khai thác tối đa tiềm năng từ các khuôn khổ hợp tác với các đối tác quan trọng như NDIVIA để tạo động lực dẫn dắt, hình thành các chuỗi cung ứng công nghệ cao tại Việt Nam.

d) Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao và các cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu đa dạng hóa các hình thức visa tương ứng với từng đối tượng để tạo thuận lợi hơn cho thu hút đầu tư và du lịch. Chủ động khẩn trương phối hợp với Bộ Ngoại giao miễn thị thực đơn phương cho một số bạn bè truyền thống và không có vướng mắc.

đ) Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội xây dựng lại cơ chế chính sách cấp phép cho lao động nước ngoài theo hướng giảm thủ tục hành chính, nhanh, hiệu quả hơn, không để kéo dài như vừa qua.

e) Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất giải pháp thúc đẩy phát triển ngành hàng không phục vụ giao thương, vận chuyển hàng hoá.

g) Các bộ, ngành, địa phương liên quan: (i) khẩn trương, tích cực xem xét, rà soát, có phương án xử lý phù hợp các khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch, dự án hợp tác, đầu tư, kinh doanh, bảo đảm phù hợp với chủ trương, đường lối và chính sách của Đảng và Nhà nước; nghiên cứu hình thành và thúc đẩy cơ chế phối hợp giải quyết kịp thời, hiệu quả, khả thi; (ii) nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu, thông tin, tham mưu chiến lược, đặc biệt là các giải pháp mới, đột phá trong huy động nguồn lực cho phát triển, nhất là phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, đổi mới sáng tạo, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ…; (iii) tiếp tục nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước, quy hoạch và định hướng cho phát triển.

6. Văn phòng Chính phủ theo dõi, đôn đốc các bộ, cơ quan, địa phương thực hiện các nhiệm vụ trên đây theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

Văn phòng Chính phủ thông báo để các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, địa phương và các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp biết, thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam;
- Các Hiệp hội: Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam, Dệt may Việt Nam, Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam, Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam, Da giày và Túi xách Việt Nam, Lương thực Việt Nam, Gỗ và Lâm sản Việt Nam, Cà phê - Cacao Việt Nam, Chè Việt Nam;
- Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia;
- Các Tập đoàn: Viettel, VinGroup, FPT, VNPT, CMC, Sovico, Rox, FPT;
- VPCP: BTCN, các PCN, các Vụ, Cục: TH, TKBT, CN, NN, KGVX, KSTTHC;
- Lưu: VT, QHQT (2) My.

KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM




Nguyễn Sỹ Hiệp