
- 1 Chỉ thị 17/CT-TTg năm 2018 về tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng thuộc nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2 Quyết định 319/QĐ-TTg năm 2023 phê duyệt Đề án về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử đến năm 2025 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3 Công điện 41/CĐ-TTg năm 2025 xử lý vụ việc sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thực phẩm bảo vệ sức khỏe do Thủ tướng Chính phủ điện
- 4 Công điện 40/CĐ-TTg năm 2025 xử lý vụ việc sản xuất, phân phối sữa giả do Thủ tướng Chính phủ điện
VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 205/TB-VPCP | Hà Nội, ngày 28 tháng 4 năm 2025 |
KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ BÙI THANH SƠN, TRƯỞNG BAN CHỈ ĐẠO 389 QUỐC GIA TẠI HỘI NGHỊ TRỰC TUYẾN TOÀN QUỐC GIAO BAN CÔNG TÁC QUÝ I NĂM 2025 VÀ PHƯƠNG HƯỚNG, NHIỆM VỤ THỜI GIAN TỚI CỦA BAN CHỈ ĐẠO 389 QUỐC GIA
Ngày 21 tháng 4 năm 2025, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc giao ban công tác quý I năm 2025 và phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia. Tham dự Hội nghị tại điểm cầu trụ sở Chính phủ có đồng chí Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Công Thương, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, các đồng chí lãnh đạo các bộ, cơ quan, đơn vị là Ủy viên Ban Chỉ đạo 389 quốc gia; tại điểm cầu trụ sở Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có các đồng chí Trưởng Ban Chỉ đạo 389 các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Sau khi nghe Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia báo cáo kết quả công tác quý I năm 2025 và phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia và ý kiến tham luận của các đại biểu dự Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia có ý kiến kết luận như sau:
Đánh giá cao Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia, các cơ quan, địa phương đã phối hợp chuẩn bị tốt tài liệu, nội dung, có các ý kiến tham luận xác đáng tại Hội nghị.
Thời gian qua, mặc dù có nhiều khó khăn, thách thức, song công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả luôn được Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo sát sao; các bộ, ngành, địa phương, lực lượng chức năng quyết liệt thực hiện nhiều biện pháp, được Nhân dân đồng tình ủng hộ, qua đó đã đạt được những kết quả tích cực[1], góp phần bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, tự cường, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh, thương mại, góp phần tăng thu ngân sách nhà nước, bảo vệ quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp, người tiêu dùng, nâng cao đời sống Nhân dân, phục vụ tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Bên cạnh kết quả đạt được, còn tồn tại một số khó khăn, hạn chế, nổi bật là: Các nghị quyết của Chính phủ, chỉ thị, công điện của Thủ tướng Chính phủ, các kế hoạch, văn bản chỉ đạo của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia chưa được một số bộ, ngành, địa phương và lực lượng chức năng triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả. Công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả chưa phản ánh hết tình trạng thực tế. Tình trạng hàng nhập lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới vẫn diễn biến phức tạp, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ vẫn được tuồn sâu vào nội địa, bày bán công khai, gia tăng trên môi trường thương mại điện tử với quy mô lớn, thời gian dài, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của Nhân dân; tình trạng mua, bán trái phép hóa đơn, gian lận thuế và lợi dụng điều kiện thuận lợi, thông thoáng chính sách xuất nhập khẩu để buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển hàng cấm, hàng giả xuất xứ, vi phạm sở hữu trí tuệ chưa được phát hiện, xử lý kịp thời.
Nguyên nhân chính của những tồn tại, hạn chế nêu trên: (1) Hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật chưa đầy đủ, chưa quy định cụ thể việc xử lý các hành vi vi phạm pháp luật; (2) Trách nhiệm, nhận thức của một số người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương, đơn vị, lực lượng chức năng chưa rõ ràng, còn có biểu hiện né tránh, đùn đẩy khi xảy ra vụ việc vi phạm; (3) Việc trao đổi, chia sẻ thông tin, cơ sở dữ liệu giữa các cơ quan chưa tốt; (4) Công tác phối hợp giữa các lực lượng chức năng còn chưa nhịp nhàng, nhất là trong bối cảnh có sự thay đổi, sắp xếp bộ máy của một số lực lượng (Công an, Quản lý thị trường, Thuế, Hải quan).
Trong thời gian tới, dự báo tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, nhiều khó khăn mới nổi lên. Trong khi đó, chúng ta tiếp tục kiên trì mục tiêu tăng trưởng trên 8% trong năm 2025, phấn đấu tăng trưởng 2 con số những năm tiếp theo, chuẩn bị đại hội đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV, bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Bối cảnh đó đòi hỏi chúng ta phải đoàn kết, bản lĩnh, quyết liệt đổi mới, quyết tâm cao nhất để thực hiện thắng lợi các mục tiêu đã đề ra. Công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả có vai trò rất quan trọng nhằm góp phần phát triển kinh tế lành mạnh và bền vững, ổn định vĩ mô, củng cố trật tự an toàn xã hội, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và uy tín quốc tế của đất nước. Để đấu tranh có hiệu quả, từng bước ngăn chặn và đẩy lùi hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong thời gian tới, Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành, địa phương cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
1. Tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả như: Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 19 tháng 6 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng thuộc nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền, Quyết định số 319/QĐ-TTg ngày 29 tháng 3 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử đến năm 2025, Công điện số 40/CĐ-TTg ngày 17 tháng 4 năm 2025 của Thủ tướng Chính phủ về xử lý vụ việc sản xuất, phân phối sữa giả, Công điện số 41/CĐ-TTg ngày 17 tháng 4 năm 2025 của Thủ tướng Chính phủ về xử lý vụ việc sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thực phẩm bảo vệ sức khỏe...
Thực hiện nghiêm các quy định về đấu tranh, ngăn chặn đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thực hiện việc chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả ngay trong chính các lực lượng chức năng (Công an, Hải quan, Quản lý thị trường, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, Thuế,..); xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật.
2. Xây dựng các chương trình, kế hoạch, giải pháp trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả phù hợp diễn biến tình hình địa bàn và yêu cầu nhiệm vụ; đặc biệt tập trung đấu tranh, ngăn chặn hiệu quả các hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép ma túy, buôn lậu, vận chuyển trái phép vàng, ngoại tệ, hàng hóa giả mạo xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu đi các nước khác; sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ.
3. Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, các bộ, ngành liên quan rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, các quy định liên quan đến công tác chống hàng giả, hàng kém chất lượng, kịp thời đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập, tạo hành lang pháp lý nâng cao hiệu quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
4. Các lực lượng chức năng đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; tăng cường kết nối, chia sẻ, cung cấp thông tin; triển khai và nâng cao hiệu quả các đường dây nóng, đảm bảo thu thập, xử lý kịp thời tin báo từ quần chúng nhân dân.
5. Tăng cường kiểm tra, giám sát của các bộ, ngành đối với công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả và lực lượng thực thi nhiệm vụ; giáo dục cán bộ, công chức nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, nhận thức, tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, không tiếp tay, bảo kê, bao che cho hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; biểu dương, khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc, tiêu biểu để khích lệ, động viên tinh thần, lan tỏa gương người tốt, việc tốt trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
6. Xây dựng đề án nâng cao năng lực và tăng cường đầu tư mua sắm phương tiện, trang thiết bị hiện đại nhằm nâng cao hiệu quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, đảm bảo an toàn cho cán bộ, chiến sĩ, các lực lượng chuyên trách trong thực thi nhiệm vụ.
7. Giao Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia:
a) Xin ý kiến các bộ, ngành liên quan về việc cử lãnh đạo để kiện toàn Ban Chỉ đạo 389 các cấp, trước mắt kiện toàn Ban Chỉ đạo 389 quốc gia và Ban Chỉ đạo 389 địa phương sẽ kiện toàn sau khi hoàn thành sắp xếp cấp tỉnh; sửa đổi quyết định, quy chế, quy định hoạt động của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Ban Chỉ đạo 389 địa phương, việc phối hợp giữa các lực lượng chức năng; chủ động, tích cực hơn nữa trong công tác theo dõi tình hình; phối hợp với các lực lượng chức năng đôn đốc, giám sát, kiểm tra việc thực hiện các kế hoạch về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả qua đường bộ, đường biển, đường hàng không và trên môi trường thương mại điện tử, nhất là tại khu vực biên gioi, cửa khẩu và địa bàn nội địa trọng điểm; chủ động thành lập các đoàn liên ngành kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định pháp luật của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân nhằm phát hiện, xử lý kịp thời các đối tượng có hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
b) Kiểm tra, hướng dẫn Cơ quan Thường trực, đơn vị thành viên Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành, tỉnh, thành phố thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
c) Tổng hợp đầy đủ các ý kiến, kiến nghị của các đại biểu dự họp, kể cả các khó khăn, vướng mắc và báo cáo Bộ trưởng Bộ Tài chính - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia ký ban hành Báo cáo của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả quý I năm 2025 và phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới.
8. Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia theo dõi, đôn đốc việc thực hiện và tổng hợp kết quả báo cáo Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia trước ngày 31 tháng 5 năm 2025.
Văn phòng Chính phủ thông báo để các cơ quan liên quan biết, thực hiện./.
| KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
|
[1] Trong quý I năm 2025, các đơn vị, địa phương bắt giữ, xử lý 30.651 vụ việc vi phạm. Trong đó, phát hiện, bắt giữ 6.754 vụ buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu (tăng 74,51%); 22.774 vụ gian lận thương mại, gian lận về thuế (giảm 11,06%); 1.113 vụ hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ (giảm 20,9%); thu nộp ngân sách nhà nước 4.616,7 tỷ đồng (tăng 59,45%); khởi tố hình sự 1.328 vụ (tăng 18,36%), 2.046 đối tượng (tăng 21,35% so với cùng kỳ).
- 1 Chỉ thị 17/CT-TTg năm 2018 về tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng thuộc nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2 Quyết định 319/QĐ-TTg năm 2023 phê duyệt Đề án về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử đến năm 2025 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3 Công điện 41/CĐ-TTg năm 2025 xử lý vụ việc sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thực phẩm bảo vệ sức khỏe do Thủ tướng Chính phủ điện
- 4 Công điện 40/CĐ-TTg năm 2025 xử lý vụ việc sản xuất, phân phối sữa giả do Thủ tướng Chính phủ điện