Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 208/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 06 tháng 06 năm 2013

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG NGUYỄN XUÂN PHÚC TẠI BUỔI LÀM VIỆC VỚI LÃNH ĐẠO TỈNH CAO BẰNG

Ngày 27 tháng 5 năm 2013, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã dự Hội nghị tuyên dương những người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số 5 tỉnh vùng Tây Bắc và làm việc với lãnh đạo tỉnh Cao Bằng. Cùng dự buổi làm việc có đại diện lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giao thông vận tải, Công an, Công Thương, Văn phòng Chính phủ, Ủy ban Dân tộc, Quân khu I và Ban Chỉ đạo Tây Bắc.

Sau khi nghe Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng báo cáo kết quả thực hiện phát triển kinh tế - xã hội năm 2012; 5 tháng đầu năm 2013; tình hình thực hiện các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đối với Tỉnh trong thời gian gần đây và một số đề nghị của Tỉnh; ý kiến của lãnh đạo các Bộ, cơ quan, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã kết luận như sau:

I. ĐÁNH GIÁ CHUNG

Thay mặt Thủ tướng Chính phủ, biểu dương và đánh giá cao nỗ lực phấn đấu của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc tỉnh Cao Bằng và những kết quả đạt được trong những năm qua. Năm 2012, trong điều kiện khó khăn chung, là tỉnh miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 95%, nhưng với truyền thống cách mạng, sự cố gắng vượt qua khó khăn, Tỉnh đã đạt được kết quả khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực: tốc độ tăng trưởng GDP đạt 9,5 %, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, tỷ trọng nông lâm nghiệp - thủy sản chiếm 24,3%; công nghiệp, xây dựng chiếm 20,6%; dịch vụ chiếm 55,1%. Thu ngân sách trên địa bàn tăng so với năm trước; các tiềm năng lợi thế về khoáng sản, du lịch và các lĩnh vực khác từng bước được quản lý, khai thác có hiệu quả, lập lại trật tự trên một số lĩnh vực như khai thác khoáng sản...; lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế được quan tâm chú trọng; đời sống nhân dân được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người đạt 15,2 triệu đồng. Quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội và biên giới quốc gia được đảm bảo.

Tuy nhiên, Cao Bằng vẫn là tỉnh nghèo, còn nhiều khó khăn, thách thức: cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông còn bất cập; với điểm xuất phát thấp, quy mô kinh tế nhỏ bé và chất lượng tăng trường chưa bền vững; tỷ lệ hộ nghèo còn cao (28,22%); tai nạn giao thông tăng; hệ thống chính trị ở cơ sở, trật tự an toàn xã hội còn nhiều mặt hạn chế, phức tạp, nhất là việc theo dõi nắm tình hình ở cơ sở chưa sâu sát, chưa huy động được sức mạnh của hệ thống chính trị và nhân dân trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, có nơi còn để tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình hoạt động trong thời gian qua.

II. NHIỆM VỤ TRONG THỜI GIAN TỚI

Về cơ bản thống nhất với mục tiêu, nhiệm vụ mà Tỉnh đã đề ra trong năm 2013 và các năm tiếp theo. Để hoàn thành tốt mục tiêu, nhiệm vụ năm 2013, lưu ý Tỉnh một số việc:

1. Tiếp tục phát huy các kết quả đã đạt được; phân tích làm rõ các tồn tại, hạn chế để có biện pháp khắc phục; khai thác tốt, có hiệu quả tiềm năng lợi thế về nông, lâm nghiệp, khoáng sản, dịch vụ, du lịch, xuất, nhập khẩu, kinh tế biên mậu... để phát triển nhanh, bền vững.

2. Rà soát cơ cấu kinh tế giữa công nghiệp, xây dựng - nông, lâm nghiệp - dịch vụ, du lịch cho hợp lý để định hướng cho những năm tiếp theo; chú trọng phát triển nông, lâm nghiệp, đây là tiền để xóa đói giảm nghèo nhanh và bền vững; phát huy lợi thế về đất đai, lao động, xây dựng và nhân rộng mô hình để tăng năng suất lao động trong nông nghiệp, lâm nghiệp; đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi gắn với việc tổ chức lại sản xuất nông nghiệp; giảm dần hình thức sản xuất tự túc, tự cấp sang phát triển kinh tế hộ, kinh tế trang trại và sản xuất hàng hóa gắn với xuất khẩu. Tiếp tục quan tâm chăm lo cho đồng bào thiểu số, đồng bào nghèo, vùng khó khăn; có chính sách hỗ trợ về giống cây trồng, vật nuôi; làm tốt công tác định canh, định cư và bố trí sắp xếp lại dân cư trong đó, có ổn định dân cư các xã biên giới; gắn bố trí ổn định dân cư với thực hiện Chương trình nông thôn mới.

3. Tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư từ các thành phần kinh tế đến đầu tư trên địa bàn Tỉnh; nghiên cứu và có bước đi phù hợp để tái cơ cấu lại các khu kinh tế cửa khẩu, nhằm phát huy lợi thế có đường biên giới với Trung Quốc là thị trường tiềm năng trong việc tiêu thụ sản phẩm của địa phương, cả nước và xuất, nhập khẩu hàng hóa. Trước hết, tổ chức thực hiện tốt chủ trương của Thủ tướng Chính phủ về tạm nhập, tái xuất tại văn bản số 748/TTg-KTTH ngày 27 tháng 5 năm 2013.

4. Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, củng cố xây dựng đảng, chính quyền cơ sở vững mạnh để đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới; chú trọng công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, nhất là tội phạm ma túy, tội phạm có tổ chức, bảo đảm an ninh, trật tự, an ninh biên giới, giảm tai nạn giao thông đến mức thấp nhất; tập trung giải quyết dứt điểm hoạt động tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình trên địa bàn; bảo vệ vững chắc biên giới chủ quyền quốc gia, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển.

III. VỀ MỘT SỐ ĐỀ NGHỊ CỦA TỈNH

1. Về đề nghị nâng công suất khai thác mỏ sắt Ngườm Cháng: Giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Tỉnh và các Bộ, cơ quan liên quan xem xét, xử lý theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 1268/VPCP-KTN ngày 08 tháng 02 năm 2013.

2. Về thẩm định nguồn vốn Dự án “Tăng cường năng lực và kiểm soát ô nhiễm”: Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Tỉnh và các Bộ, ngành liên quan thẩm định về nguồn vốn theo Chỉ thị số 1792/CT-TTg ngày 15 tháng 10 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ.

3. Về ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Khoáng sản năm 2010 và danh sách khu vực khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ: Giao Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm hoàn thiện văn bản trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; thực hiện rà soát khu vực khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ trên toàn quốc (trong đó có Cao Bằng), báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

4. Về bổ sung các khu kinh tế cửa khẩu vào danh sách các khu kinh tế cửa khẩu được ưu tiên đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng từ nguồn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2013-2015 và các năm tiếp theo : Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét, xử lý. Trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

5. Về cơ cấu lại các khu kinh tế cửa khẩu: Đồng ý về nguyên tắc, Tỉnh xây dựng Đề án tổ chức lại các Khu kinh tế cửa khẩu, trong quá trình xây dựng Đề án cần nghiên cứu, xem xét lựa chọn mô hình phát triển phù hợp, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để thẩm định, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

6. Về sửa đổi Quyết định số 254/2006/QĐ-TTg ngày 07 tháng 01 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ: Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ liên quan xem xét, đề xuất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

7. Về ban hành cơ chế và bố trí vốn để thực hiện dự án cấp điện cho các thôn bản: Bộ Công Thương khẩn trương hoàn chỉnh hồ sơ theo quy định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo giai đoạn 2013 -2020 (trong đó có Cao Bằng).

8. Về vốn để thực hiện các dự án bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích lịch sử Pác Bó: Thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 4432/VPCP-KTTH ngày 03 tháng 6 năm 2013 của Văn phòng Chính phủ.

9. Về Quy hoạch tuyến đường bộ cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng): Giao Bộ Giao thông vận tải xem xét; phối hợp với Tỉnh nghiên cứu hiệu quả của Đề án kết nối giao thông từ thành phố Trùng Khánh (Trung Quốc) qua thành phố Bách Sắc (Quảng Tây - Trung Quốc) - cửa khẩu Trà Lĩnh (Cao Bằng) - Đồng Đăng (Lạng Sơn), báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

10. Về bổ sung vốn cho dự án đường tỉnh 207 (Quảng Yên - Hạ Lang): Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính xem xét, đề xuất nguồn vốn, mức hỗ trợ cho Tỉnh theo quy định, báo cáo Thủ tướng Chính phủ

11. Về xử lý nguyên liệu Dự án sắt xếp và thép hợp kim tại Cao Bằng: Việc giải quyết nguyên liệu trước mắt giao Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh chủ trì, xử lý theo quy định hiện hành, không để xuất khẩu thô nguyên liệu trôi nổi hiện nay đang có ở Tỉnh; về lâu dài giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng rà soát, đánh giá trữ lượng quặng sắt trên địa bàn Tỉnh, đề xuất giải pháp giải quyết nguồn nguyên liệu cho nhà máy theo đúng quy định của pháp luật.

Văn phòng Chính phủ xin thông báo để Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng và các Bộ, cơ quan liên quan biết, thực hiện./.

 

 

Nơi nhận:
- Thủ tướng, các PTTg CP;
- Các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giao thông vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Công an, Công thương, Văn hóa, Thể thao và Du lịch;
- Ủy ban Dân tộc;
- Ban Chỉ đạo Tây Bắc;
- Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Cao Bằng;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, Trợ lý các Phó TTg, Cổng TTĐT, các Vụ: TH, KTTH, KTN, KGVX, NC;
- Lưu: VT, V.III(3).

KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM




Nguyễn Quang Thắng