Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 21/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 25 tháng 2 năm 2003

 

THÔNG BÁO

CỦA VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ SỐ 21/TB-VPCP NGÀY 25 THÁNG 2 NĂM 2003 VỀ Ý KIẾN KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG NGUYỄN TẤN DŨNG VỀ ĐIỀU HÀNH XUẤT KHẨU GẠO NĂM 2003

Ngày 20 tháng 02 năm 2003, Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thay mặt Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì họp với các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thương mại, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các Tổng công ty Lương thực miền Bắc, miền Nam và Văn phòng Chính phủ, bàn về công tác xuất khẩu gạo năm 2003. Sau khi nghe báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Thương mại và ý kiến các cơ quan liên quan, Phó Thủ tướng đã có ý kiến kết luận như sau:

1. Trong năm 2003, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có kế hoạch làm việc với các địa phương để tập trung chỉ đạo sản xuất theo hướng: thâm canh tăng năng suất lúa và nâng cao chất lượng gạo; tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp giảm chi phí đầu vào cho sản xuất lương thực; chỉ chuyển đổi các vùng đất xấu trồng lúa kém hiệu quả sang sản xuất, nuôi trồng các cây, con khác mà các địa phương xét thấy hiệu quả hơn; tập trung chỉ đạo công tác phổ cập rộng các giống lúa năng suất cao; chỉ đạo sát và đẩy mạnh việc ký hợp đồng tiêu thụ lúa, gạo với nông dân, hộ gia đình theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

2. Việc xuất khẩu gạo tiếp tục được điều hành theo các nguyên tắc quy định tại Quyết định số 46/2001/QĐ-TTg ngày 04 tháng 4 năm 2001 của Thủ tướng Chính phủ về quản lý xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá thời kỳ 2001 - 2005.

Bộ Thương mại có kế hoạch cụ thể để chuẩn bị thị trường xuất khẩu gạo của ta trong năm 2003 ở mức khoảng 3,5 triệu tấn; tập trung chỉ đạo những công việc sau: Chủ động đàm phán với các nước là thị trường gạo truyền thống của ta để thoả thuận kế hoạch bán gạo dài hạn mà trước hết là năm 2003; phân công, thúc đẩy và hỗ trợ các Tổng công ty Lương thực Nhà nước trong giao dịch, ký hợp đồng hoặc đấu thầu bán gạo vào các thị trường này bằng các giải pháp cụ thể, cố gắng tăng thêm số lượng hợp đồng bán gạo bổ sung ở thị trường châu Á để bù đắp cho thị trường Trung Đông có thể bị thiếu hụt; đẩy mạnh xuất khẩu, cung ứng gạo theo đường biên mậu cho các tỉnh giáp biên của các nước có chung đường biên giới; tăng cường buôn bán gạo với Nga, Đông Âu theo hình thức đổi hàng; tìm kiếm các giải pháp hữu hiệu để hỗ trợ việc bán gạo vào thị trường châu Phi, Nam Mỹ và các nước Trung Đông ngoài thị trường truyền thống; chỉ đạo cụ thể việc giao hàng theo các hợp đồng đã ký.

3. Bộ Thương mại phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Hiệp hội xuất khẩu ngành hàng xây dựng chương trình xúc tiến xuất khẩu gạo và nông sản, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt trong tháng 3 năm 2003 để có cơ sở triển khai việc hỗ trợ các giải pháp mở rộng thị trường đối với khu vực này. Việc xử lý hoa hồng trong môi giới các hợp đồng bán gạo thực hiện theo các quy định hiện hành của Bộ Tài chính, trên cơ sở bảo đảm xuất khẩu không lỗ và công khai trong Hiệp hội xuất khẩu lương thực Việt Nam.

4. Để bảo đảm lợi ích của nông dân và kinh doanh xuất khẩu gạo ổn định, hiệu quả, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì bàn với các Bộ, ngành liên quan, trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 10 tháng 3 năm 2003 phương án điều hành của Nhà nước để giữ giá lúa trên thị trường không thấp hơn 1.300đ/kg và phương án điều hành giá lúa trong trường hợp giá lúa trong nước cao hơn giá xuất khẩu.

Văn phòng Chính phủ xin thông báo các cơ quan liên quan, Uỷ ban nhân dân các tỉnh biết, thực hiện.

 

Nguyễn Công Sự

(Đã ký)