Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 22/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 15 tháng 01 năm 2013

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG HOÀNG TRUNG HẢI TẠI HỘI NGHỊ TỔNG KẾT CÔNG TÁC NĂM 2012 VÀ TRIỂN KHAI KẾ HOẠCH NĂM 2013 BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI

Ngày 10 tháng 01 năm 2013, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã dự và chủ trì Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2012, triển khai kế hoạch năm 2013 của Bộ Giao thông vận tải. Sau khi nghe các báo cáo của lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải, ý kiến tham luận của các đại biểu tham dự, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã kết luận như sau:

I. ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN KẾ HOẠCH NĂM 2012

Năm 2012, tuy khủng hoảng kinh tế thế giới tiếp tục tác động tiêu cực đến nền kinh tế Việt Nam nhưng dưới sự chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, nền kinh tế nước ta đã đạt được một số thành tựu. Bước đầu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng ở mức hợp lý gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; bảo đảm phúc lợi xã hội, an sinh xã hội và cải thiện đời sống nhân dân; giữ vững ổn định chính trị, củng cố quốc phòng, bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội; nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế. Trong đó có sự đóng góp không nhỏ của ngành Giao thông vận tải.

1. Những kết quả nổi bật đạt được trong năm 2012:

a) Công tác quản lý Nhà nước:

- Trong những năm qua, Bộ đã quan tâm, tập trung để thực hiện tốt công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, kết quả đạt được trong năm 2012 đạt cao nhất từ trước đến nay, đặc biệt là các văn bản trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Việc tổ chức xây dựng văn bản quy phạm pháp luật đã có kế hoạch cụ thể, trách nhiệm các cấp được nâng cao, bảo đảm được chất lượng và tính khả thi của văn bản khi ban hành. Công tác tổ chức triển khai, theo dõi thi hành pháp luật có nhiều tiến bộ, được quan tâm thực hiện thường xuyên hơn.

- Công tác xây dựng, điều chỉnh chiến lược, quy hoạch phát triển đã được quan tâm triển khai tích cực, đảm bảo sát với thực tế và có tầm nhìn xa hơn làm cơ sở để đầu tư phát triển hệ thống giao thông vận tải đồng bộ, hiệu quả, phù hợp với thực tế phát triển kinh tế - xã hội của cả nước nói chung, vùng miền và địa phương nói riêng.

- Bộ Giao thông vận tải có nhiều giải pháp nhằm triển khai xây dựng và tổ chức thực hiện có hiệu quả đối với các lĩnh vực của ngành như: xây dựng mới và điều chỉnh cho phù hợp các tiêu chuẩn, quy phạm kỹ thuật Ngành,...

b) Công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, giảm ùn tắc giao thông:

- Năm 2012 công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông đã có những chuyển biến rõ rệt trên toàn quốc, tai nạn giao thông so với năm 2011 đã giảm sâu ở cả ba tiêu chí và vượt so với chỉ tiêu Quốc hội giao. Lần đầu tiên từ sau năm 2001 đến nay, số người chết vì tai nạn giao thông đã giảm dưới 10.000 người. Công tác bảo đảm an ninh an toàn trong các lĩnh vực giao thông được chú trọng, đặc biệt là lĩnh vực hàng không

- Công tác khắc phục ùn tắc giao thông ở các đô thị lớn như thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh bước đầu thu được kết quả khả quan, hạn chế ùn tắc giao thông đô thị, được nhân dân và xã hội đồng tình, đánh giá cao.

c) Công tác quản lý đầu tư, xây dựng:

- Công tác huy động vốn ngoài ngân sách để đầu tư hạ tầng giao thông được chú trọng, nhiều dự án do Nhà đầu tư trong nước thực hiện hoặc đăng ký tham gia theo hình thức BOT, BT..., góp phần giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước.

- Bộ đã nghiêm túc triển khai thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong việc phân bổ kế hoạch, tập trung vốn cho các dự án hoàn thành trong năm 2012 và năm 2013, không bố trí vốn dàn trải, sớm hoàn thành dự án đưa vào khai thác sử dụng, phát huy hiệu quả đầu tư; việc ứng vốn cũng được thực hiện nghiêm túc theo Chỉ thị số 1792/CT-TTg ngày 15 tháng 10 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ.

- Công tác bảo đảm chất lượng công trình thi công đã được chú trọng và cải thiện rõ rệt.

d) Công tác dịch vụ vận tải:

Năm 2012, vận tải hành khách và hàng hóa cơ bản đáp ứng được nhu cầu vận tải trong, ngoài nước, đặc biệt là các dịp Lễ, Tết, các sự kiện quốc tế lớn được tổ chức tại Việt Nam; hạn chế được tình trạng ùn tắc hành khách, hàng hóa tại cảng hàng không, ga đường sắt, bến xe, cảng biển vào mùa vận tải cao điểm hoặc trong thời gian bị ảnh hưởng của thời tiết.

đ) Công tác đổi mới và quản lý doanh nghiệp:

Công tác tái cơ cấu, sắp xếp đổi mới doanh nghiệp nhà nước, giám sát và đánh giá hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp đã được triển khai thực hiện quyết liệt và đã thu được một số kết quả bước đầu, đặc biệt là đối với Vinashin, Vinalines; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp trong quản lý, điều hành và tổ chức sản xuất kinh doanh có hiệu quả.

e) Công tác hợp tác quốc tế:

Năm 2012 Bộ đã chỉ đạo và tổ chức hiệu quả nhiều hoạt động đối ngoại, đã đạt được nhiều cam kết, thỏa thuận trong hỗ trợ vốn để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông; mở rộng được thị trường vận tải quốc tế,...

2. Những tồn tại, hạn chế:

Bên cạnh những thành tựu nổi bật trong năm qua, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần được khắc phục trong thời gian tới:

- Chất lượng công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; công tác lập, thẩm định chiến lược, quy hoạch còn chưa cao. Công tác ứng dụng và đổi mới khoa học công nghệ chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế.

- Đầu tư xây dựng chưa hiệu quả do nhiều dự án còn chậm tiến độ, chất lượng nhiều công trình kết cấu hạ tầng giao thông còn thấp, suất đầu tư cao. Công tác quản lý, bảo trì hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông chưa được thực sự chú trọng.

- Công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông vẫn còn diễn biến phức tạp. Kiềm chế tai nạn giao thông chưa thật sự bền vững, tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng vẫn còn xảy ra. Đặc biệt, đối với đường bộ do tình trạng xe chở quá tải không được kiểm soát chặt chẽ trên diện rộng, nên hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ nhiều nơi đang bị hư hỏng, đi lại rất khó khăn và mất an toàn.

- Tiến độ thực hiện công tác cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước trong Ngành còn chậm so với yêu cầu. Việc tái cơ cấu Vinashin và Vinalines vẫn đang rất khó khăn, cần được tiếp tục tập trung tháo gỡ.

- Công tác cải cách hành chính chưa hiệu quả đạt được hiệu quả như mong muốn, chưa đáp ứng được yêu cầu về tiến độ, chất lượng và nội dung.

- Công tác đào tạo nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, số lượng công chức tuy có tăng lên trong những năm gần đây, nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu công việc.

II. NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM NĂM 2013

Thống nhất với các chỉ tiêu, nhiệm vụ đã đề ra trong kế hoạch năm 2013 của ngành Giao thông vận tải. Cần tập trung vào các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu sau:

1. Công tác quản lý Nhà nước:

- Tập trung xây dựng các dự án luật sửa đổi, bổ sung các Luật chuyên ngành như: Luật Giao thông đường thuỷ nội địa, Luật Hàng không dân dụng Việt Nam và Bộ luật hàng hải Việt Nam; xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật quản lý các hoạt động giao thông vận tải đảm bảo đáp ứng kịp thời yêu cầu phát triển.

- Tiếp tục rà soát, cập nhật các chiến lược, quy hoạch và hoàn chỉnh các quy hoạch chuyên ngành cho phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020.

- Xây dựng, ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, định mức kinh tế - kỹ thuật chuyên ngành phục vụ tốt các hoạt động quản lý nhà nước và hoạt động của các tổ chức, cá nhân.

2. Công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, giảm ùn tắc giao thông:

Thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm được đề ra tại Thông báo số 11/TB-VPCP ngày 09 tháng 01 năm 2013 của Văn phòng Chính phủ.

3. Công tác quản lý đầu tư, xây dựng:

- Tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị 1792/CT-TTg ngày 15 tháng 10 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu Chính phủ.

- Tổ chức thực hiện “Năm kỷ cương, chất lượng, tiến độ công trình giao thông”, tăng cường phối hợp với các địa phương để đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng và triển khai thi công.

- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý những vướng mắc liên quan đến tiến độ và chất lượng công trình. Tiếp tục chấn chỉnh nâng cao năng lực của các Chủ đầu tư, các tổ chức tư vấn.

- Huy động tối đa mọi nguồn lực, tạo mọi điều kiện, thuận lợi để thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước, từ nhiều thành phần kinh tế, dưới nhiều hình thức để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Trong đó, tập trung vào các dự án mở rộng quốc lộ 1 và quốc lộ 14 đoạn qua Tây Nguyên theo nội dung Nghị quyết 16/NQ-CP ngày 08 tháng 6 năm 2012 của Chính phủ để phấn đấu hoàn thành vào năm 2016. Tập trung rà soát, đề xuất các cơ chế, chính sách khuyến khích Nhà đầu tư tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông.

- Tiếp tục đẩy mạnh phát triển giao thông nông thôn, tổ chức tốt thí điểm mô hình xây dựng đường bê tông xi măng.

- Đẩy mạnh phân cấp, xã hội hóa quản lý duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa kết cấu hạ tầng giao thông. Năm 2013 thực hiện đổi mới công tác quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng, trước hết là đường bộ.

4. Công tác dịch vụ vận tải:

- Tăng cường công tác chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan, các tỉnh, thành phố và các doanh nghiệp thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao năng lực và chất lượng dịch vụ vận tải, xếp dỡ; đẩy mạnh vận tải đa phương thức.

- Xây dựng và thực hiện chiến lược cạnh tranh vận tải và dịch vụ hỗ trợ vận tải toàn ngành, trên cơ sở đó đổi mới, sắp xếp lại doanh nghiệp thuộc Bộ theo hướng nâng cao hiệu quả, đáp ứng nhu cầu phát triển.

5. Công tác đổi mới và quản lý doanh nghiệp:

- Chỉ đạo, triển khai thực hiện tái cơ cấu Vinashin và Vinalines theo Đề án được phê duyệt.

- Tổ chức tổng kết, đánh giá hiệu quả việc tổ chức lại doanh nghiệp (chia, tách, hợp nhất, điều chuyển) trong thời gian qua.

6. Công tác cải cách hành chính

- Tiếp tục triển khai chương trình hành động của Chính phủ về đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy nhà nước, sớm ban hành và chỉ đạo thực hiện Chương trình cải cách hành chính của Bộ giai đoạn 2011-2020.

- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các thủ tục hành chính; công bố, công khai, minh bạch đầy đủ, kịp thời thông tin, thủ tục hành chính đến các cơ quan, đơn vị, tổ chức, người dân...

7. Công tác khoa học công nghệ

Tiếp tục nghiên cứu áp dụng công nghệ mới trong xây dựng công trình giao thông phù hợp với điều kiện Việt Nam.

8. Công tác hợp tác quốc tế

- Đẩy mạnh việc thực hiện các cam kết quốc tế trong lĩnh vực giao thông vận tải để phát huy các hiệu quả của điều ước quốc tế trong lĩnh vực Giao thông vận tải mà Việt Nam đã tham gia.

- Tiếp tục chú trọng duy trì và mở rộng mối quan hệ hợp tác giao thông vận tải song phương với các nước láng giềng truyền thống. Xây dựng và triển khai các kế hoạch cụ thể hợp tác giao thông vận tải với các đối tác quan trọng.

- Đẩy mạnh thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng như các nguồn ODA và nguồn vốn vay kém ưu đãi (OCR, IBRD...), về khoa học công nghệ, phát triển nguồn nhân lực, mở rộng thị trường,...

Trước tình hình kinh tế thế giới và trong nước năm 2013 dự báo còn nhiều biến động phức tạp và tiếp tục khó khăn hơn so với năm 2012; cán bộ, công nhân viên chức, người lao động toàn ngành Giao thông vận tải cần phải xác định rõ trách nhiệm của mình, tiếp tục đoàn kết, nhất trí vượt qua mọi thử thách, phấn đấu đảm bảo tăng trưởng trên các lĩnh vực vận tải, công nghiệp, xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, tiếp tục giảm thiểu tai nạn giao thông một cách bền vững, chống ùn tắc giao thông tại các đô thị lớn... góp phần cùng cả nước đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô; duy trì tốc độ tăng trưởng hợp lý, bền vững; giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo an ninh, quốc phòng và trật tự, an toàn xã hội; tạo điều kiện thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2011-2015 của cả nước.

Văn phòng Chính phủ xin thông báo để Bộ Giao thông vận tải và các cơ quan liên quan biết, thực hiện./.

 

 

Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng CP;
- Các Bộ: KH&ĐT, TC, Ngân hàng Nhà nước VN;
- Ủy ban ATGT Quốc gia;
- Ban Chỉ đạo các công trình, dự án trọng điểm ngành GTVT;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- VPCP: BTCN, các PCN, Cổng TTĐT;
Các Vụ: TCCV, KTTH, NC,
V.III, PL, TH, TKBT;
- Lưu: VT, KTN (3b). Hong (93b).

KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM




Nguyễn Hữu Vũ