Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2247/TB-BNN-VP

Hà Nội, ngày 22 tháng 03 năm 2016

 

THÔNG BÁO

Ý KIẾN KẾT LUẬN CỦA BỘ TRƯỞNG CAO ĐỨC PHÁT TẠI HỘI NGHỊ SƠ KẾT 03 NĂM THỰC HIỆN LUẬT HỢP TÁC XÃ VÀ NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN KINH TẾ HỢP TÁC NĂM 2016 TRONG LĨNH VỰC NÔNG NGHIỆP

Ngày 02 tháng 3 năm 2015, Bộ trưởng Cao Đức Phát đã chủ trì Hội nghị Sơ kết 03 năm thực hiện Luật Hợp tác xã và nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế hợp tác năm 2016 trong lĩnh vực nông nghiệp. Tham dự Hội nghị có đại diện Ban Kinh tế Trung ương, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam; Văn phòng Chính phủ; các Bộ, ngành: Kế hoạch và Đầu tư; Tài chính; Nội vụ; Công thương; Tài nguyên và Môi trường; Lao động Thương binh và Xã hội; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; các Vụ, Tổng cục, Cục, đơn vị liên quan thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT; Sở Nông nghiệp và PTNT, Chi cục Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố; một số hợp tác xã nông nghiệp, doanh nghiệp và các cơ quan báo chí, truyền hình.

Sau khi nghe các báo cáo và ý kiến tham luận của các đại biểu, Bộ trưởng Cao Đức Phát kết luận và chỉ đạo tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp để đẩy mạnh phát triển hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp như sau:

1. Thống nhất về sự cần thiết đẩy mạnh phát triển hợp tác xã và kinh tế hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp làm điểm tựa để thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.

2. Đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến các mô hình hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới phù hợp với Luật Hợp tác xã năm 2012 đang hoạt động có hiệu quả để tạo sự chuyển biến trong nhận thức của cán bộ, người dân về vai trò, tổ chức, vận hành của hợp tác xã mới.

3. Các địa phương xây dựng Kế hoạch Đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn từng tỉnh; trong đó làm rõ mô hình cụ thể để phát triển hợp tác xã trong từng lĩnh vực. Chú trọng phát triển các hợp tác xã liên kết sản xuất, chế biến tiêu thụ nông, lâm, thủy sản hàng hóa theo chuỗi giá trị.

4. Sở Nông nghiệp và PTNT căn cứ chính sách của Trung ương chủ động đề xuất UBND tỉnh, thành phố ban hành chính sách cụ thể của địa phương và bố trí kinh phí thực hiện để hỗ trợ các hợp tác xã nông nghiệp; trong đó ưu tiên nguồn vốn từ Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới và Chương trình Xóa đói, giảm nghèo; chú trọng cơ chế khuyến khích tham gia, tránh bao cấp, làm thay. Thường xuyên tổ chức đối thoại với các hợp tác xã để phát hiện và tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trong triển khai thực hiện.

5. Sở Nông nghiệp và PTNT tham mưu UBND tỉnh, thành phố thành lập tổ công tác liên ngành để rà soát, chấn chỉnh hoạt động của các hợp tác xã nông nghiệp đi vào hoạt động thực chất, theo đúng Luật Hợp tác xã và phù hợp với yêu cầu tái cơ cấu nông nghiệp. Làm rõ khó khăn của các hợp tác xã và chỉ đạo tháo gỡ để hợp tác xã đăng ký lại hoạt động theo Luật mới trước 01/7/2016; xử lý dứt điểm các hợp tác xã ngừng hoạt động, yếu kém, tồn tại hình thức trong năm 2016.

6. Tìm giải pháp hỗ trợ những địa bàn xã còn trống hợp tác xã, những nơi có nhu cầu để vận động, hướng dẫn nông dân thành lập các hợp tác xã mới, hoạt động có hiệu quả. Các địa phương cần xây dựng những mô hình hợp tác xã: Năm 2016 mỗi tỉnh hỗ trợ, xây dựng 5-10 mô hình hợp tác xã phù hợp với điều kiện, nhu cầu của thực tiễn theo các lĩnh vực khác nhau, có liên kết theo chuỗi các sản phẩm chính. Những xã chưa có điều kiện thành lập hợp tác xã ngay có thể phát triển tổ hợp tác làm tiền đề phát triển thành hợp tác xã sau này.

7. Tăng cường đào tạo cán bộ hợp tác xã, chú trọng kinh nghiệm từ các mô hình hợp tác xã trong nước hoạt động hiệu quả để đào tạo. Hai Trường Cán bộ quản lý nông nghiệp và PTNT thuộc Bộ cần đổi mới giáo trình và bố trí giáo viên có kinh nghiệm thực tế để đào tạo cán bộ về hợp tác xã.

8. Sở Nông nghiệp và PTNT cần tham mưu UBND tỉnh, thành phố làm rõ chức năng, nhiệm vụ và tăng cường bộ máy quản lý nhà nước về hợp tác xã nông nghiệp của tỉnh, huyện, xã; đảm bảo sự phối hợp đồng bộ với các cơ quan: Kế hoạch và Đầu tư, Liên minh Hợp tác xã và các đoàn thể trong quản lý nhà nước và hỗ trợ hợp tác xã nông nghiệp.

9. Giao Cục Kinh tế hợp tác và PTNT tổng hợp các kiến nghị, đề xuất của các đại biểu về cơ chế vốn, đất đai, kinh phí hỗ trợ phát triển hợp tác xã để có báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo:

a) Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nghiên cứu cơ chế, chính sách để khuyến khích các ngân hàng thương mại đẩy mạnh cho hợp tác xã nông nghiệp vay vốn;

b) Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu cơ chế, chính sách để các hợp tác xã được hỗ trợ về đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hợp tác xã nông nghiệp;

c) Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn và tham mưu bố trí nguồn kinh phí để thực hiện Quyết định số 2261/QĐ-TTg hỗ trợ các hợp tác xã.

10. Giao Cục Kinh tế hợp tác và PTNT:

- Tiếp thu các ý kiến để hoàn thiện Báo cáo Sơ kết 03 năm thực hiện Luật Hợp tác xã và nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế hợp tác năm 2016 trong lĩnh vực nông nghiệp gửi Thủ tướng Chính phủ và Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

- Tham mưu trình Bộ xây ban hành văn bản hướng dẫn Tiêu chí phân loại và đánh giá hợp tác xã nông nghiệp để thực hiện thống nhất trên địa bàn cả nước.

Văn phòng Bộ Nông nghiệp và PTNT thông báo để Sở Nông nghiệp và PTNT các tỉnh; các cơ quan, đơn vị liên quan biết và triển khai thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Bộ trưởng (để b/c);
- Thứ trưởng Nguyễn Xuân Cường (để b/c);
- Thứ trưởng Trần Thanh Nam (để b/c);
- Ban KTTW, VP TW Đảng; UBTWMTTQVN;
- Văn phòng Chính phủ; Bộ: KH&ĐT, TC, NV, CT, TN&MT, LĐ TB&XH, NHNN VN;
- Liên minh HTXVN;
- Các Tổng cục: LN, TS, TL; các Cục: TT, CN, CBNLTS&NM;
- Trường CBQLNN&PTNT I;II;
- Sở NN & PTNT 63 tỉnh/TP;
- Lưu VT, KTHT (100b).

TL. BỘ TRƯỞNG
Q. CHÁNH VĂN PHÒNG





Trần Quốc Tuấn