- 1 Luật trẻ em 2016
- 2 Quyết định 23/QĐ-TTg năm 2021 về phê duyệt Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021-2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3 Quyết định 85/QĐ-TTg năm 2022 phê duyệt Chương trình y tế trường học trong các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông gắn với y tế cơ sở giai đoạn 2021-2025 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2264/TB-BGDĐT | Hà Nội, ngày 29 tháng 12 năm 2023 |
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA TRƯỞNG ĐOÀN KIỂM TRA LIÊN NGÀNH VỀ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN LUẬT TRẺ EM, THỰC HIỆN QUYỀN TRẺ EM TẠI TỈNH LẠNG SƠN
Thực hiện Kế hoạch số 4318/KH-UBQGVTE ngày 12/10/2023 của Ủy ban quốc gia về trẻ em về “Kiểm tra liên ngành tình hình thực hiện Luật Trẻ em, thực hiện quyền trẻ em tại địa phương”; Quyết định số 1722/QĐ-UBQGVTE ngày 03/11/2023 của Ủy ban quốc gia về trẻ em “Về việc thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành về tình hình thực hiện Luật Trẻ em, thực hiện quyền trẻ em tại địa phương năm 2023”, trong 02 ngày (28 và 29/11/2023), Đoàn kiểm tra liên ngành do Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh làm trưởng đoàn, cùng đại diện các Bộ: Lao động - Thương binh và Xã hội (Cục Trẻ em); Bộ Tư pháp (Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính); Bộ Giáo dục và Đào tạo (Vụ Giáo dục thể chất), đã kiểm tra việc thực hiện Luật Trẻ em, thực hiện quyền trẻ em tại tỉnh Lạng Sơn. Đoàn đã làm việc với Ủy ban nhân dân 02 xã Điềm He, xã Khánh Khê, Ủy ban nhân dân huyện Văn Quan và Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn.
Trên cơ sở báo cáo của Ủy ban nhân dân các xã, Ủy ban nhân dân huyện Văn Quan và Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn, sau khi nghe ý kiến trao đổi của đại biểu đại diện các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân và thành viên Đoàn kiểm tra tại các buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh - Trưởng đoàn kiểm tra kết luận:
1. Đánh giá chung
- Tỉnh Lạng Sơn là tỉnh miền núi biên giới hiện còn gặp nhiều khó khăn về kinh tế - xã hội. Tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo cao hơn mặt bằng chung của cả nước. Dân số chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số (chiếm trên 83%) sống bằng nghề sản xuất nông, lâm nghiệp. Toàn tỉnh hiện có 204.049 trẻ em, chiếm 26,85% dân số, trong đó trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt là 2.702 trẻ (chiếm 1,33%), trẻ em khuyết tật nặng dưới 16 tuổi là 1.129 trẻ (chiếm 0,55%), trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt là 40.857 trẻ (chiếm 20,03%), trẻ em mồ côi là 382 trẻ trong số đó có 48 trẻ mồ côi cha hoặc mẹ hoặc cả cha và mẹ do đại dịch COVID-19. Trong điều kiện, tình hình đó, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn và sự nỗ lực quyết tâm của cả hệ thống chính trị, năm 2023 địa phương đã cơ bản đạt kế hoạch chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đề ra. Đoàn kiểm tra liên ngành của Ủy ban quốc gia về trẻ em đánh giá cao và ghi nhận sự quan tâm, chỉ đạo kịp thời của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn trong việc xây dựng, ban hành chính sách, văn bản quy phạm pháp luật, đề án, chương trình, kế hoạch về trẻ em hoặc liên quan đến trẻ em trong thời gian qua, đưa mục tiêu, chỉ tiêu nhiệm vụ giải pháp của chương trình, kế hoạch hành động vì trẻ em vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
- Ủy ban nhân dân tỉnh đã khắc phục khó khăn, bố trí ngân sách chi thường xuyên cho công tác trẻ em ở cấp tỉnh và cấp huyện, riêng cấp tỉnh bố trí năm sau cao hơn năm trước[1]. Công tác quản lý nhà nước về trẻ em được thực hiện nghiêm túc, trách nhiệm. Triển khai thực hiện Chương trình quốc gia vì trẻ em theo Quyết định số 23/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đạt hiệu quả, trong đó có 98% trẻ em 5 tuổi được kiểm tra đánh giá về phát triển thể lực hàng năm; 100% trẻ em đến 08 tuổi được tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ chăm sóc phát triển toàn diện; 100% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được chăm sóc, nuôi dưỡng trợ giúp v.v... Tổ chức nhiều hoạt động, mô hình chăm sóc chăm sóc trẻ em, nhất là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Công tác giáo dục trẻ em, trong đó giáo dục các kỹ năng tự bảo vệ, tự phòng ngừa xâm hại, tự phục vụ cho trẻ em được phát động thông qua nhiều phong trào đã từng bước tạo sự chuyển biến trong nhận thức, hành động của nhân dân, gia đình đối với việc chăm sóc và bảo vệ trẻ em. Đặc biệt, quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề của trẻ em được tỉnh quan tâm và triển khai nhiều mô hình hay như thí điểm mô hình “Hội đồng trẻ em” tại 2 địa hương (huyện Hữu Lũng và thành phố Lạng Sơn); thành lập câu lạc bộ quyền tham gia của trẻ em tại các địa phương, trong đó nổi bật là huyện Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn; duy trì tổ chức Diễn đàn trẻ em từ cấp xã đến cấp tỉnh 02 năm/lần. Quyền được vui chơi, giải trí, tiếp cận dịch vụ y tế, giáo dục của trẻ em được quan tâm, triển khai phù hợp với tình hình thực tiễn.
- Đảm bảo đủ nhân lực làm công tác trẻ em theo quy định, ở cả 3 cấp đã bố trí công chức đảm nhiệm với tổng số 225 người (cấp tỉnh 3, cấp huyện 22 và cấp xã 200), 100% thôn bản có cộng tác viên kiêm nhiệm. Đội ngũ nhân viên y tế trường học hiện đã bố trí cho 464/660 trường, đạt 70,3%.
- Công tác kiểm tra, thanh tra, rà soát bảo đảm môi trường sống an toàn, lành mạnh, thân thiện với trẻ em; công tác phòng chống xâm hại trẻ em và tai nạn, thương tích cho trẻ em được triển khai thực hiện nghiêm túc. Công tác phối hợp liên ngành được quan tâm và triển khai nhiều hoạt động tích cực.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện Luật Trẻ em, giải quyết các vấn đề về trẻ em trên địa bàn tỉnh cũng còn một số hạn chế, khó khăn cần tiếp tục quan tâm, có giải pháp tháo gỡ, khắc phục:
Ngân sách bố trí cho công tác trẻ em còn ít, kinh phí cấp tỉnh năm 2023 tăng so với năm 2022 nhưng không đáng kể (tăng 96.000.000 đồng), kinh phí cấp huyện năm 2023 giảm 385.219.000 đồng so với năm 2022[2], riêng cấp xã không bố trí, trong khi đó xã hội hóa nguồn lực còn nhiều hạn chế. Các điểm vui chơi cho trẻ em chủ yếu là nhà văn hóa thôn, bản, trường học. Tình hình trẻ em bị bạo lực, bị xâm hại tình dục trên địa bàn tỉnh vẫn diễn biến phức tạp; số trẻ em bị tai nạn, thương tích tăng so với cùng kỳ năm ngoái[3]. Công tác y tế trường học triển khai chưa hiệu quả, chất lượng bữa ăn của trẻ mầm non một số nơi còn thấp, ảnh hưởng đến phát triển thể chất và chất lượng học tập của trẻ. Nhân lực làm công tác trẻ em ở cấp huyện, cấp xã chủ yếu kiêm nhiệm nên ảnh hưởng đến hiệu quả, chất lượng công tác này. Đội ngũ nhân viên y tế bố trí trong trường học còn thiếu, hiện còn 196/660 trường chưa bố trí nhân viên y tế, chiếm 29,7%. Trách nhiệm báo cáo Hội đồng nhân dân các cấp theo quy định của Luật Trẻ em chưa được thực hiện.
2. Một số kiến nghị
2.1 Đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn:
- Tiếp tục quan tâm, tăng cường công tác lãnh đạo chỉ đạo, triển khai thực hiện đầy đủ các quy định của Luật Trẻ em, Nghị quyết của Quốc hội, chương trình, đề án của Chính phủ liên quan đến trẻ em. Chỉ đạo các địa phương đưa các chỉ tiêu, mục tiêu về trẻ em vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội các cấp và quan tâm bố trí ngân sách của địa phương để thực hiện ; có các giải pháp để huy động, vận động hiệu quả hơn các nguồn lực xã hội trong công tác trẻ em.
- Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, trình Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành các nghị quyết: (1) Quy định chính sách về trẻ em; (2) Phụ cấp cho cộng tác viên làm công tác trẻ em ở cấp thôn, bản; (3) Hỗ trợ các xã, phường thị trấn xây dựng bể bơi để phòng, chống tai nạn, thương tích cho trẻ em. Chỉ đạo, nghiên cứu xây dựng Đề án đầu tư kinh phí trang thiết bị vui chơi trẻ em cho các xã khó khăn vùng dân tộc thiểu nhằm đáp ứng nhu cầu vui chơi trẻ em (ưu tiên, hỗ trợ đối địa phương điều kiện phát triển kinh tế - xã hội còn khó khăn, nguồn thu ngân sách thấp).
- Tiếp tục duy trì tỷ lệ đã đạt được đối với các chỉ tiêu, mục tiêu về trẻ em và tiếp tục phấn đấu đạt tỷ lệ đối với các chỉ tiêu, mục tiêu còn lại của Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em.
- Xem xét, bố trí đủ nhân viên phụ trách công tác y tế trường học cho 196 trường hiện còn thiếu, để đảm bảo mục tiêu theo Quyết định số 85/Q Đ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình y tế trường học trong các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông gắn với y tế cơ sở giai đoạn 2021-2025.
- Tăng cường công tác phối hợp liên ngành trong giải quyết các vấn đề về trẻ em. Chú trọng hơn nữa đến công tác truyền thông, giáo dục nâng cao nhận thức của xã hội, gia đình, cộng đồng trong bảo đảm thực hiện quyền trẻ em. Tăng cường hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra việc bảo đảm môi trường sống an toàn, lành mạnh, thân thiện với trẻ em, phòng chống xâm hại trẻ em và tai nạn, thương tích cho trẻ em để đảm bảo quyền của trẻ em được chăm sóc và bảo vệ ngày càng tốt hơn.
- Thực hiện và chỉ đạo các địa phương thực hiện nghiêm trách nhiệm hằng năm báo cáo Hội đồng nhân dân các cấp việc thực hiện quyền trẻ em, giải quyết các vấn đề về trẻ em của địa phương theo quy định của Luật Trẻ em.
2.2 Đề nghị đối với Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Hội đồng nhân dân tỉnh Lạng Sơn, Hội đồng nhân dân cấp huyện và cấp xã trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn:
- Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn, Hội đồng nhân dân tỉnh Lạng Sơn, Hội đồng nhân dân huyện, thành phố và Hội đồng nhân dân các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn dành sự quan tâm hơn nữa đến công tác trẻ em; giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về trẻ em của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trên địa bàn; định kỳ và thường xuyên tiếp xúc đối với trẻ em hoặc đại diện trẻ em; tiếp nhận, chuyển và theo dõi, giám sát việc giải quyết kiến nghị của cơ quan, tổ chức liên quan đến trẻ em.
- Hội đồng nhân dân tỉnh quan tâm, phân bổ ngân sách hàng năm để bảo đảm thực hiện quyền trẻ em; ban hành các chính sách đối với trẻ em nhằm tạo những cơ chế thuận lợi cho bảo đảm thực hiện Luật Trẻ em, thực hiện quyền trẻ em trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.
Trên đây là Kết luận của Trưởng đoàn kiểm tra liên ngành về tình hình thực hiện Luật Trẻ em, thực hiện quyền trẻ em tại tỉnh Lạng Sơn. Trong quá trình làm việc tại địa phương, Đoàn kiểm tra liên ngành đã nhận được kiến nghị, đề xuất một số nội dung nhằm nâng cao chất lượng thực hiện quyền trẻ em. Một số vấn đề cụ thể Đoàn kiểm tra liên ngành đã trực tiếp trao đổi, giải đáp. Các vấn đề lớn, liên quan đến thẩm quyền của cấp trên, Đoàn đã tổng hợp báo cáo Ủy ban quốc gia về trẻ em./.
| KT. BỘ TRƯỞNG |
[1] Cấp tỉnh: Năm 2022: 950.000.000 đồng, năm 2023: 1.046.000 đồng.
[2] Cấp huyện: Năm 2022: 765.092.000 đồng, năm 2023: 379.873.000 đồng.
[3] Theo Báo cáo số 685/BC-UBND ngày 12/12/2023 của UBND tỉnh Lạng Sơn, tổng số trẻ em bị xâm hại, bạo lực năm 2022 là 40, năm 2023 là 30 trẻ trong đó 18 trẻ bị xâm hại tình dục, 07 trẻ bị bạo lực bạo hành; tổng số trẻ em bị tai nạn thương tích năm 2022 là 36, năm 2023 là 44 trẻ trong đó 29 trẻ tử vong, 17 trẻ tai nạn đuối nước, 09 trẻ tai nạn giao thông.
- 1 Công văn 338/LĐTBXH-TTr năm 2022 về thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách, pháp luật về trẻ em và phòng, chống xâm hại trẻ em do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành
- 2 Công văn 69/LĐTBXH-TTr năm 2023 thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách, pháp luật về trẻ em và phòng, chống xâm hại trẻ em do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành