- 1 Luật Thủ đô 2012
- 2 Nghị quyết 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội do Quốc hội ban hành
- 3 Nghị quyết 44/2022/QH15 về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 do Quốc hội ban hành
VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 23/TB-VPCP | Hà Nội, ngày 25 tháng 01 năm 2022 |
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ PHẠM MINH CHÍNH TẠI CUỘC HỌP VỀ DỰ ÁN ĐẦU TƯ XÂY DỰNG ĐƯỜNG VÀNH ĐAI 4 - VÙNG THỦ ĐÔ HÀ NỘI
Ngày 18 tháng 01 năm 2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc họp trực tuyến về Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội. Cùng dự cuộc họp tại điểm cầu Chính phủ có Phó Thủ tướng Lê Văn Thành; Bí thư Thành ủy Thành phố Hà Nội Đinh Tiến Dũng; Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn; lãnh đạo các Bộ, ngành: Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Tư pháp, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội; Tại điểm cầu UBND Thành phố Hà Nội và UBND các tỉnh: Bắc Ninh, Hưng Yên có các đồng chí Bí Thư, Chủ tịch và Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân, đại diện lãnh đạo các sở, ngành của các địa phương. Sau khi nghe báo cáo của Bộ Giao thông vận tải, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội và các địa phương, ý kiến phát biểu của các Bộ và Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính kết luận như sau:
1. Thống nhất với đánh giá của các Bộ, cơ quan về tính cấp thiết và cấp bách phải đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường Vành 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội (Dự án). Việc sớm triển khai Dự án sẽ góp phần cụ thể hóa chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2021-2030 đã được Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng thông qua; các Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển Thành phố Hà Nội, Luật Thủ đô; các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ Thành phố, các tỉnh về phát triển kết cấu hạ tầng giao thông; góp phần đẩy mạnh thực hiện đột phá chiến lược về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ; đóng vai trò quan trọng trong việc mở ra không gian phát triển mới, khai thác hiệu quả quỹ đất của Thủ đô và các địa phương trong khu vực; nâng cao kết nối vùng, gắn kết để phát huy hiệu qua các tuyến cao tốc hướng tâm hiện hữu; giảm thiểu thiệt hại, chi phí xã hội do ùn tắc, tai nạn giao thông; góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân các địa phương...
2. Hoan nghênh Thành phố Hà Nội và các tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên đã rất tích cực, cố gắng trong việc tổ chức nghiên cứu, chuẩn bị Dự án trong thời gian qua. Với vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của Dự án, UBND Thành phố Hà Nội và UBND tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên, các Bộ và cơ quan liên quan rút kinh nghiệm trong công tác phối hợp, thời gian tới cần tập trung cao độ hơn nữa để đẩy nhanh tiến độ, sớm hoàn thành đầy đủ thủ tục theo quy định để trình Chính phủ xem xét thông qua chậm nhất ngày 10 tháng 3 năm 2022, bảo đảm kịp trình Bộ Chính trị, Quốc hội tại kỳ họp thứ 3 trước ngày 20 tháng 3 năm 2022.
3. Trên cơ sở báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội, ý kiến của các bộ, ngành và các địa phương, cơ bản thống nhất về hình thức đầu tư, các cơ chế chính sách đặc thù để bảo đảm tính khả thi của Dự án: (i) Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội theo hình thức đầu tư hỗn hợp được chia tách thành 03 dự án thành phần, trong đó Dự án thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng tái định cư và Dự án đầu tư xây dựng đường đô thị, đường song hành thực hiện theo hình thức đầu tư công (cơ cấu hợp lý, khả thi giữa vốn Trung ương và vốn địa phương); Dự án đầu tư đường cao tốc theo hình thức đối tác công tư PPP (hợp đồng BOT) trong đó tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án PPP không quá 50% tổng mức đầu tư; (ii) một số cơ chế đặc thù tương tự như đối với Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2021 và Nghị quyết số 44/2022/QH15 ngày 11/01/2022 về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025; không kiến nghị cơ chế chuyển đổi hình thức đầu tư.
Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội xây dựng lộ trình cụ thể để triển khai các công việc bảo đảm đúng trình tự, thủ tục; phối hợp Bộ Giao thông vận tải, Bộ Xây dựng và các cơ quan rà soát lại suất đầu tư, thuyết trình rõ sự chênh lệch giá thành, suất đầu tư... so với các tuyến cao tốc khác; rà soát phạm vi giải phóng mặt bằng (đất lúa, đất nông nghiệp, đất dân cư...) bảo đảm sử dụng hiệu quả, tránh lãng phí.
Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội tổ chức các hội nghị, hội thảo, làm việc với các cơ quan có liên quan, các Ủy ban của Quốc hội xin ý kiến về các nội dung chính của Dự án để nâng cao chất lượng hồ sơ trước khi trình cấp có thẩm quyền xem xét quyết định.
4. Giao Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội thành lập ngày Tổ công tác Dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội với các nội dung như sau:
a) Thành phần Tổ công tác;
- Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội là Tổ trưởng Tổ công tác;
- Thành viên Tổ công tác gồm:
Dự kiến Lãnh đạo của các Bộ, ngành; đồng chí Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư: đồng chí Lê Đình Thọ, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải; đồng chí Tạ Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Tài chính; đồng chí Phan Chí Hiếu, Thứ trưởng Tư pháp; đồng chí Bùi Hồng Minh, Thứ trưởng Bộ Xây dựng; đồng chí Lê Minh Ngân, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; đồng chí Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; đồng chí Nguyễn Cao Lục, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ;
Dự kiến Lãnh đạo của các địa phương; đồng chí Dương Đức Tuấn, phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội; đồng chí Nguyễn Hương Giang, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh; đồng chí Trần Quốc Văn, Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên.
b) Nhiệm vụ của Tổ công tác:
(i) Rà soát, thống nhất kế hoạch triển khai chi tiết, cụ thể bảo đảm tiến độ báo cáo Chính phủ trước khi trình Bộ Chính trị và trình Quốc hội tại kỳ họp tháng 5 năm 2022;
ii) Rà soát kỳ lường công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư bảo đảm tiết kiệm, hợp lý, hiệu quả, khả thi, tuân thủ quy định pháp luật tránh lãng phí, tham nhũng, tiêu cực; rà soát kỳ các loại đơn giá và phân tích, giải trình rõ lý do tại sao suất đầu tư 01 km đường của Dự án cao; rà soát kỹ lưỡng hướng tuyến, quy mô đầu tư (trong đó nghiên cứu giảm số lượng nút giao cho phù hợp với tính chất cao tốc đô thị) để không lãng phí và hiệu quả.
(iii) Nghiên cứu, đề xuất tỷ lệ vốn hợp lý giữa trung ương, địa phương và các cơ chế, chính sách cần thiết, khả thi để triển khai dự án nhanh nhất có thể.
Phấn đấu báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15/02/2022 để đủ thời gian, quy trình báo cáo các cấp có thẩm quyền.
5. Việc sớm đầu tư các Dự án Vành đai 3, Vành đai 4 Thành phố Hồ Chí Minh và Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội là nhiệm vụ chính trị quan trọng, do vậy hai Thành phố cần ưu tiên tập trung nguồn lực và công sức để thực hiện, trong đó lưu ý chuẩn bị kỹ công tác chuẩn bị thực hiện đầu tư, giải phóng mặt bằng, tái định cư và ưu tiên bố trí nguồn lực của địa phương; phối hợp chặt chẽ với Hội đồng thẩm định Nhà nước và các bộ, ngành trong quá trình thẩm định và phê duyệt chủ trương đầu tư của các Dự án.
6. Văn phòng Chính phủ phối hợp với các UBND tỉnh, thành phố: Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên xây dựng kế hoạch lộ trình báo cáo các cấp có thẩm quyền.
7. Cùng như các tuyến đường Vành đai 3, 4 Thành phố Hồ Chí Minh, tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội có vai trò, ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển của Thành phố Hà Nội và các địa phương trong khu vực. Thủ tướng Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư là thành viên Chính phủ phụ trách về lĩnh vực đầu tư, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ ký Tờ trình trình Quốc hội đối với Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội và Dự án đường Vành đai 3, Vành đai 4 Thành phố Hồ Chí Minh sau khi được Chính phủ thông qua.
8. Lãnh đạo các Bộ, ngành là thành viên của Tổ công tác và thành viên của Hội đồng thẩm định Nhà nước có trách nhiệm phối hợp cao nhất với 2 Thành phố trong quá trình triển khai các Dự án nêu trên.
9. Giao Phó Thủ tướng Lê Văn Thành thay mặt Thủ tướng Chính phủ trực tiếp chỉ đạo Tổ công tác triển khai Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội bảo đảm tính khả thi, tiến độ, chất lượng, tiết kiệm, hiệu quả.
Văn phòng Chính phủ thông báo để các cơ quan liên quan biết, thực hiện./.
| BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |
- 1 Thông báo 83/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải về quy hoạch chi tiết tuyến đường vành đai 4 - vùng Thủ đô Hà Nội do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 2 Quyết định 1287/QĐ-TTg năm 2011 phê duyệt Quy hoạch chi tiết đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, đoạn phía Nam quốc lộ 18 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3 Thông báo 341/TB-VPCP năm 2021 về kết luận của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành tại cuộc họp xem xét việc thực hiện Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 4 Công văn 1703/VPCP-CN năm 2022 về chủ trương đầu tư Dự án đường Vành đai 4 Vùng Thủ đô Hà Nội do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 5 Nghị quyết 56/2022/QH15 về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội do Quốc hội ban hành
- 6 Nghị quyết 106/NQ-CP năm 2022 triển khai Nghị quyết 56/2022/QH15 về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 Vùng Thủ đô Hà Nội do Chính phủ ban hành