VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 246/TB-VPCP | Hà Nội, ngày 15 tháng 07 năm 2013 |
Ngày 02 tháng 7 năm 2013, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã thăm và làm việc với Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội. Tham gia đoàn công tác của Phó Thủ tướng có Lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ, Văn phòng Chính phủ, Ban Tuyên giáo Trung ương, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội. Sau khi đi thăm một số cơ sở thực nghiệm, viện nghiên cứu, phòng thí nghiệm, Phó Thủ tướng đã chủ trì buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt và đại diện cán bộ, giảng viên, sinh viên của Trường. Tại buổi họp, sau khi nghe báo cáo của Hiệu trưởng nhà trường; ý kiến phát biểu của các đại biểu dự họp, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã kết luận như sau:
Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội luôn giữ vững vị thế là trường đại học lớn, trọng điểm, là trung tâm đào tạo nhân lực trình độ cao, một cơ sở nghiên cứu mạnh, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội nói chung và lĩnh vực nông, lâm, ngư nói riêng của đất nước, đóng góp tích cực vào công tác đào tạo nhân lực, phát triển, đổi mới sự nghiệp giáo dục và đào tạo của cả nước.
a) Đối với Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội: Phát huy truyền thống một trường đại học lớn, trọng điểm, đơn vị Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới với nhiều thành tích xuất sắc, nhà trường cần đi tiên phong trong sự nghiệp đổi mới căn bản và toàn diện sự nghiệp giáo dục của cả nước, lưu ý tập trung vào một số công việc sau đây:
- Tiếp tục bổ sung, hoàn thiện Chiến lược phát triển của Trường; lập quy hoạch tổng thể để làm căn cứ xây dựng và phát triển Trường vững mạnh, có các quy định rõ ràng về cơ chế hoạt động và quy trình giải quyết các công việc, làm cơ sở cho việc đổi mới công tác quản lý, nâng cao chất lượng đào tạo, năng lực và hiệu quả nghiên cứu khoa học, phấn đấu xây dựng Trường trở thành một trường đại học đa ngành, định hướng nghiên cứu, phát huy tốt vai trò trường trọng điểm trong hệ thống các cơ sở giáo dục đại học của cả nước; từng bước tiếp cận với trình độ tiên tiến trong khu vực và quốc tế;
- Đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, đặc biệt là đội ngũ giảng viên, tạo điều kiện để các giảng viên được đi học tập, nghiên cứu trình độ cao ở các nước phát triển. Phấn đấu đến năm học 2014 - 2015 đạt được mục tiêu chấm dứt tình trạng cử nhân dạy đại học như Chiến lược của Trường đã đề ra; có giải pháp tạo điều kiện thuận lợi, động viên cán bộ phấn đấu để làm tăng nhanh tỷ lệ giảng viên có chức danh giáo sư, phó giáo sư, đặc biệt là giáo sư trong những năm tới;
- Tiếp tục phát triển chương trình đào tạo; đẩy mạnh công tác tổ chức nghiên cứu khoa học gắn với nhu cầu thực tiễn, với các cơ sở sản xuất và doanh nghiệp; mở rộng quy mô đào tạo một cách hợp lý, nhất là đào tạo sau đại học, phấn đấu trong những năm tới nâng quy mô đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ đạt từ 20 - 30 % so với trong tổng số quy mô đào tạo của Trường; đẩy mạnh phát triển các ngành, chương trình đào tạo tiên tiến, mở rộng liên kết với các trường đại học nước ngoài để tranh thủ sự giúp đỡ, hợp tác quốc tế. Nhà trường cần có biện pháp tích cực để phát huy tốt nhất sự tham gia, đóng góp ý kiến của sinh viên đối với giảng viên và của cán bộ, giảng viên, sinh viên đối với cán bộ quản lý; tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các chuẩn đầu ra của người học;
- Việc hình thành, xây dựng một Trung tâm nghiên cứu phát triển Nông nghiệp công nghệ cao tại Hà Nội là cần thiết, có ý nghĩa, tác dụng tích cực. Nhà trường cần làm việc trực tiếp với Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để phối hợp, trao đổi về việc xây dựng trung tâm này, trong đó Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội giữ vai trò nòng cốt trong các hoạt động chuyên môn, khoa học, công nghệ và tham gia tích cực vào công tác quản lý, điều hành;
- Chú trọng hơn nữa đến việc đào tạo nhân lực và nghiên cứu đối với một số lĩnh vực quan trọng, nhưng còn có nhiều hạn chế như lĩnh vực chế biến, bảo quản sau thu hoạch; thực hiện phương châm “một giảm, một tăng, hai theo” trong sản xuất nông nghiệp (giảm chi phí, tăng chất lượng, theo nhu cầu thị trường và theo hiệu quả), nhằm làm tăng giá trị gia tăng của nông sản hàng hóa và góp phần làm tăng thu nhập cho nông dân.
- Đẩy mạnh các phong trào thi đua, tổ chức tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm từ các hoạt động thực tiễn, những mặt được, chưa được, xác định đột phá để làm cơ sở định hướng cho những bước phát triển tiếp theo của Trường, lập thành tích kỷ niệm tròn 10 năm nhà trường đón nhận danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.
b) Bộ Giáo dục và Đào tạo:
- Chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội xây dựng chương trình đào tạo theo hướng phát triển năng lực đào tạo theo chuỗi sản phẩm định hướng thị trường, phù hợp với đề án tái cơ cấu của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
- Nghiên cứu để tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa việc giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cao hơn cho Trường dưới sự quản lý, kiểm tra, giám sát hiệu quả của Bộ Giáo dục và Đào tạo với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục và là cơ quan chủ quản của Trường (như những quyền tự chủ về in phôi bằng tốt nghiệp, xác định chỉ tiêu tuyển sinh, khối thi, môn thi, mức thu học phí đối với các chương trình, lớp đào tạo chất lượng cao). Lưu ý xem xét đề xuất của Trường và hướng dẫn Trường việc xây dựng các phân hiệu phù hợp với các quy định hiện hành nhằm phát huy năng lực, đáp ứng nhu cầu đào tạo nhân lực cho các vùng;
- Phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giúp Trường tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế trong việc xử lý những vấn đề liên quan đến đầu tư, đề tài, dự án phát triển trong lĩnh vực nông nghiệp theo hướng xây dựng Trường thực sự trở thành trường trọng điểm, phục vụ trực tiếp cho công tác đào tạo, nghiên cứu, chuyển giao công nghệ đáp ứng những yêu cầu phục vụ cho lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn của cả nước;
- Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét, hướng dẫn Trường hoàn thiện nội dung, thủ tục cần thiết của dự án “Xây dựng Trung tâm xuất sắc về Công nghệ Sinh học nông nghiệp và Khoa học môi trường tại Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội” (với nguồn vốn vay ưu đãi của Chính phủ Nhật Bản) để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định.
c) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Chủ động phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo để xử lý kịp thời, có hiệu quả các việc liên quan, đến Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội, tạo điều kiện tốt cho Trường phát triển, tham gia vào các chương trình chung trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn do Bộ quản lý; phối hợp Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội và Trường để xem xét vấn đề hình thành, xây dựng Trung tâm nghiên cứu phát triển Nông nghiệp công nghệ cao tại Hà Nội.
d) Bộ Khoa học và Công nghệ:
Sớm bố trí nguồn vốn để Trường tiến hành triển khai đề tài ứng dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi quy mô nông hộ, xử lý rơm rạ sau thu hoạch và các phụ phẩm nông nghiệp khác, góp phần giảm dịch bệnh, giảm chi phí, giảm ô nhiễm môi trường đồng thời tăng thu nhập cho người nông dân;
- Đối với việc triển khai thực hiện đề tài nghiên cứu phát triển về ứng dụng công nghệ UASB trong xử lý môi trường quy mô chăn nuôi trang trại (quy mô chăn nuôi lớn) đã được nêu tại Thông báo số 256/TB-VPCP ngày 19 tháng 7 năm 2012 của Văn phòng Chính phủ: Trong trường hợp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có khó khăn, không thể bố trí được nguồn vốn thực hiện đề tài này thì Bộ Khoa học và Công nghệ cần xem xét, nghiên cứu để bố trí kinh phí cho đề tài này;
- Chỉ đạo tiếp tục rà soát, đánh giá việc triển khai thực hiện Nghị định số 115/2005/NĐ-CP ngày 05 tháng 9 năm 2005 của Chính phủ về quy định cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức khoa học và công nghệ công lập để kịp thời đề xuất sửa đổi bổ sung những nội dung cần thiết nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn.
đ) Bộ Kế hoạch và Đầu tư:
Chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo khẩn trương xem xét để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt dự án “Xây dựng Trung tâm xuất sắc về Công nghệ sinh học nông nghiệp và Khoa học môi trường tại Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội” sử dụng nguồn vốn vay ODA ưu đãi của Chính phủ Nhật Bản; giúp đỡ Trường trong việc xây dựng và triển khai dự án xây dựng Bệnh viện thú y.
Văn phòng Chính phủ thông báo để các Bộ, cơ quan liên quan biết và thực hiện./.
Nơi nhận: | KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |
- 1 Thông báo 244/TB-VPCP năm 2013 kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 2 Thông báo 116/TB-VPCP Kết luận của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân tại chuyến thăm và làm việc với Trường Đại học Việt - Đức do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 3 Thông báo 256/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân trong chuyến khảo sát và làm việc tại tỉnh Hà Nam về ứng dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi và phát triển trồng nấm do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 4 Nghị định 115/2005/NĐ-CP quy định cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức khoa học và công nghệ công lập
- 1 Thông báo 58/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân tại chuyến thăm và làm việc với Trường Đại học Kỹ thuật - Hậu cần Công an nhân dân do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 2 Thông báo 116/TB-VPCP Kết luận của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân tại chuyến thăm và làm việc với Trường Đại học Việt - Đức do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 3 Thông báo 244/TB-VPCP năm 2013 kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu do Văn phòng Chính phủ ban hành