VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 25/TB-VPCP | Hà Nội, ngày 25 tháng 02 năm 2011 |
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG THƯỜNG TRỰC NGUYỄN SINH HÙNG TẠI CUỘC HỌP BAN CHỈ ĐẠO ĐỔI MỚI VÀ PHÁT TRIỂN DOANH NGHIỆP
Ngày 16 tháng 02 năm 2011, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng - Trưởng ban Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp đã chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo về kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2010 và chương trình công tác năm 2011 và cho ý kiến về Dự thảo Nghị định về tổ chức thực hiện các quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu và phần vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp khác.
I. Về hoạt động của Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp:
Sau khi nghe báo cáo của Thường trực Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp và ý kiến của các thành viên, Phó Thủ tướng thường trực - Trưởng ban Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp kết luận như sau:
1. Năm 2010, Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp (sau đây gọi tắt là "Ban Chỉ đạo") và Ban Đổi mới doanh nghiệp của các Bộ, ngành, tập đoàn, tổng công ty 91 đã chỉ đạo quyết liệt, triển khai đồng bộ các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước về sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp. Ban Chỉ đạo đã chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều cơ chế chính sách về sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước và phát triển doanh nghiệp khu vực kinh tế tư nhân; giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo công tác sắp xếp, đổi mới và phát triển doanh nghiệp, trọng tâm là cổ phần hóa, chuyển các công ty nhà nước thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên; chuẩn bị cho sơ kết mô hình tập đoàn kinh tế và tổng kết 10 năm sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp 100% vốn nhà nước.
Các thành viên Ban Chỉ đạo đã đóng góp tích cực cho công tác hoạt động của Ban; phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành có liên quan để tháo gỡ các vướng mắc trong thực hiện sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp; đặc biệt là việc tái cơ cấu Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam theo Kết luận của Bộ Chính trị, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo Tái cơ cấu Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam.
Công tác sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp, trọng tâm là cổ phần hóa DNNN đạt kết quả tích cực, việc đổi mới quản lý, quản trị doanh nghiệp được tốt hơn, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước và thúc đẩy phát triển doanh nghiệp khu vực kinh tế tư nhân. Qua đó, tỷ lệ vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước đã tăng nhanh, giá trị vốn nhà nước sau 10 năm đã tăng khoảng 2,5 lần.
Đến nay cơ bản hoàn thành chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, các nông, lâm trường quốc doanh thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên theo quy định của Luật Doanh nghiệp. Số lượng doanh nghiệp 100% vốn nhà nước giảm, tập trung ở 96 tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Đã thí điểm thành lập thêm 4 tập đoàn kinh tế, thành lập 6 tổng công ty 90 và cổ phần hóa 2 tổng công ty; đã sắp xếp lại các tổng công ty kinh doanh thua lỗ theo hình thức sáp nhập, hợp nhất và tái cơ cấu tài chính để chuyển thành công ty cổ phần.
Năm 2010, có trên 89 ngàn doanh nghiệp đăng ký mới (không kể số công ty nhà nước chuyển đổi thành công ty TNHH MTV), nâng tổng số doanh nghiệp đăng ký mới lên trên 544 ngàn doanh nghiệp, vượt mục tiêu đề ra là trên 300 ngàn doanh nghiệp đăng ký mới đến cuối năm 2010; trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu nhưng hầu hết các doanh nghiệp duy trì, phát triển sản xuất, kinh doanh, đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế của đất nước.
Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính trong đăng ký kinh doanh, thực hiện một đầu mối đăng ký doanh nghiệp bao gồm đăng ký kinh doanh, đăng ký mã số thuế; hình thành Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp trên phạm vi toàn quốc.
Tuy nhiên, mặc dù năm 2010, toàn bộ công ty nhà nước đã chuyển sang hoạt động theo Luật Doanh nghiệp nhưng việc nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định về tổ chức thực hiện quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với DNNN còn lúng túng, chưa ban hành kịp thời. Công tác sắp xếp doanh nghiệp chủ yếu là chuyển thành công ty TNHH MTV, việc cổ phần hóa, đổi mới quản trị doanh nghiệp còn chưa đáp ứng yêu cầu; cơ chế tổ chức quản lý đối với công ty TNHH MTV chưa có chuyển biến về chất so với quản lý công ty nhà nước. Một số địa phương vẫn chưa hoàn thành chuyển đổi nông lâm trường thành công ty TNHH MTV; có Bộ, địa phương còn nhiều doanh nghiệp chưa hoàn thành sắp xếp.
2. Năm 2011, nhiệm vụ trọng tâm là tiếp tục đẩy mạnh cải cách, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XI của Đảng và Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 9 tháng 01 năm 2011 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2011 của Chính phủ. Trước nhiệm vụ này, các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo cần tập trung thực hiện những việc sau:
a) Thường trực Ban Chỉ đạo tiếp thu ý kiến của các thành viên Ban Chỉ đạo để hoàn thiện Báo cáo thực hiện nhiệm vụ của Ban năm 2010 và chương trình công tác năm 2011, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
b) Các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo theo nhiệm vụ được phân công:
- Phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách về thực hiện chức năng quản lý nhà nước và tổ chức thực hiện quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu Nhà nước đối với DNNN, đặc biệt là quản lý đầu tư, tài chính, cán bộ, công tác kiểm tra, giám sát và các quy định về cổ phần hóa, sắp xếp, đổi mới DNNN theo chương trình công tác năm 2011 của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.
- Hướng dẫn các Bộ, ngành, cơ quan, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các tập đoàn, tổng công ty 91 xây dựng kế hoạch sắp xếp, đổi mới DNNN giai đoạn 2011-2015 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong Quý II năm 2011 theo hướng đẩy mạnh cổ phần hóa, giảm số lượng doanh nghiệp mà Nhà nước giữ cổ phần chi phối, chỉ duy trì DNNN trong những ngành, lĩnh vực then chốt của nền kinh tế và các lĩnh vực mà doanh nghiệp khu vực kinh tế tư nhân không tham gia.
- Đôn đốc, theo dõi các Bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, Tổng công ty 91 thực hiện Đề án sắp xếp, đổi mới các doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011-2015; rà soát hiện trạng cơ cấu ngành nghề kinh doanh và đề xuất việc xác định nhiệm vụ, ngành nghề kinh doanh chính và ngành, nghề có liên quan.
- Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để nghiên cứu và phân định trách nhiệm về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn trong theo dõi, nghiên cứu cơ chế chính sách, hỗ trợ doanh nghiệp khu vực kinh tế tư nhân.
c) Phối hợp với các cơ quan liên quan để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Điều lệ tổ chức và hoạt động của các tập đoàn, Tổng công ty 91 trong Quý I năm 2011 (Thường trực Ban Chỉ đạo).
d) Phối hợp với thường trực Ban Chỉ đạo sắp xếp nông lâm trường quốc doanh đánh giá thực trạng quản lý, sử dụng đất đai và đề xuất các giải pháp đổi mới mô hình tổ chức quản lý các nông lâm trường quốc doanh, công ty nông, lâm nghiệp trong Quý III năm 2011 (Thường trực Ban Chỉ đạo).
đ) Phối hợp với Ban Chỉ đạo Tái cơ cấu Tập đoàn VINASHIN trong tiếp tục thực hiện tái cơ cấu Tập đoàn theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ (Thường trực Ban Chỉ đạo).
e) Sơ kết mô hình tập đoàn kinh tế nhà nước trong Quý III năm 2011 (Thường trực Ban Chỉ đạo).
g) Tổng kết 10 năm thực hiện sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả DNNN trong Quý III năm 2011 (Thường trực Ban Chỉ đạo).
h) Tổng kết về doanh nghiệp khu vực kinh tế tư nhân trong Quý IV năm 2011 (Bộ Kế hoạch và Đầu tư).
i) Bộ Kế hoạch và Đầu tư:
- Nghiên cứu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kế hoạch 5 năm, 10 năm triển khai mô hình tập đoàn kinh tế trong những lĩnh vực cần thiết và xây dựng đề án tổ chức, sắp xếp lại các tổng công ty nhà nước, công ty nhà nước để hình thành những tổng công ty nhà nước mạnh, có vị trí, vai trò ngày càng lớn, đủ sức cạnh tranh với các doanh nghiệp, tập đoàn, tổng công ty kinh doanh cùng ngành trong khu vực.
- Xây dựng Kế hoạch phát triển doanh nghiệp khu vực kinh tế tư nhân giai đoạn 2011-2015.
- Xây dựng Đề án Đổi mới quản lý doanh nghiệp sau đăng ký kinh doanh.
- Triển khai các chính sách trợ giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa.
- Theo dõi việc đăng ký và tổ chức hoạt động của doanh nghiệp khu vực kinh tế tư nhân.
- Tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong đăng ký doanh nghiệp; đặt tên cho các tập đoàn, Tổng công ty nhà nước, Tổng công ty trong tập đoàn …; xử lý việc chống trùng tên doanh nghiệp trong phạm vi toàn quốc.
k) Thành viên Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp là Bí thư Đảng ủy khối doanh nghiệp Trung ương và Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương Đảng nghiên cứu, đề xuất việc tổ chức hệ thống tổ chức Đảng, đoàn thể tại doanh nghiệp.
II. Về Dự thảo Nghị định về tổ chức thực hiện các quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu và phần vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp khác
Sau khi nghe Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Dự thảo Nghị định về tổ chức thực hiện các quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu và phần vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp khác và ý kiến của các thành viên Ban Chỉ đạo, Phó Thủ tướng thường trực – Trưởng ban Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp kết luận như sau:
1. Về một số nội dung của Nghị định và Tờ trình cần tập trung làm rõ hơn:
- Cần phân định rõ thẩm quyền, nghĩa vụ của từng cấp từ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) trong thực hiện quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu đối với công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu và phần vốn Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp khác.
Các Bộ được giao làm đại diện chủ sở hữu tổ chức theo dõi, kiểm tra, giám sát, đánh giá hoạt động của doanh nghiệp.
Bộ Tài chính có bộ máy để theo dõi, giám sát, tổng hợp, đánh giá và có cơ chế cảnh báo về hiệu quả của DNNN để báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
- Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, khen thưởng, kỷ luật Chủ tịch Hội đồng thành viên và các thành viên Hội đồng thành viên cần phù hợp với chủ trương của Đảng. Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình phương án Thủ tướng Chính phủ thực hiện hoặc phân cấp cho các Bộ được giao làm đại diện chủ sở hữu bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, khen thưởng, kỷ luật Chủ tịch, thành viên Hội đồng thành viên các Tập đoàn, Tổng công ty 91.
- Nghiên cứu, rà soát lại để báo cáo Chính phủ đề xuất về các dự án đầu tư thuộc thẩm quyền phê duyệt của Quốc hội và Chính phủ.
- Việc đầu tư, kế hoạch sản xuất hàng năm, huy động vốn... thực hiện theo quy định của pháp luật tương ứng. Nghiên cứu để phân cấp cho Hội đồng thành viên có thẩm quyền quyết định việc thành lập chi nhánh. Việc thành lập mới doanh nghiệp phải báo cáo chủ sở hữu. Việc huy động vốn có liên quan đến ngoài nước phải có thẩm định của Bộ Tài chính.
- Nội dung phê duyệt, thẩm định, chấp thuận cần được cụ thể hóa trong văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị định này.
- Xây dựng Nghị định riêng đối với Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước theo nguyên tắc tập trung vốn của các doanh nghiệp nhỏ để đầu tư cho doanh nghiệp lớn.
2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan, hoàn thiện dự thảo Nghị định, Tờ trình để trình Chính phủ tại phiên họp Chính phủ tháng 3 năm 2011.
Văn phòng Chính phủ xin thông báo để các thành viên Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, các Bộ, ngành, cơ quan liên quan biết, thực hiện./.
Nơi nhận: | KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |
- 1 Thông báo 210/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 2 Nghị quyết 02/NQ-CP năm 2011 về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước do Chính phủ ban hành
- 3 Luật Doanh nghiệp 2005