Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 250/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 17 tháng 09 năm 2010

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG NGUYỄN THIỆN NHÂN TẠI HỘI THẢO QUỐC GIA ĐÀO TẠO NHÂN LỰC Y, DƯỢC THEO NHU CẦU XÃ HỘI LẦN THỨ II

Ngày 29 tháng 5 năm 2010, tại Trường Đại học Y Hải Phòng, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã chủ trì Hội thảo quốc gia đào tạo nhân lực y, dược theo nhu cầu xã hội lần thứ II do Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Y tế phối hợp tổ chức. Tham dự Hội thảo có trên 300 đại biểu đại diện cho 8 Bộ, ngành, 13 Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, 46 Sở Y tế, 21 trường đại học, 33 trường cao đẳng và 25 trường trung cấp y tế, 9 bệnh viện, 4 công ty dược và 11 cơ quan thông tấn báo chí, đài phát thanh và truyền hình. Sau khi nghe báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế và ý kiến tham luận của các đại biểu đại diện Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các trường đại học, cao đẳng, trung cấp y tế, viện nghiên cứu, bệnh viện và các công ty dược về tình hình đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực y, dược trong phạm vi cả nước, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã kết luận như sau:

1. Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế rà soát, đánh giá cụ thể về năng lực và các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo của các cơ sở đào tạo về y, dược trong phạm vi cả nước để làm căn cứ cho việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo hàng năm và từng giai đoạn, trong đó đặc biệt lưu ý việc đào tạo Bác sỹ Nhi khoa, Bác sỹ Gia đình và nhân lực cho các lĩnh vực điều trị, y tế dự phòng, dân số và kế hoạch hoá gia đình, y tế học đường. Do nhu cầu lớn, hiện đang thiếu hàng vạn cán bộ y tế phục vụ cho y tế học đường nên trước mắt cần tập trung đào tạo cán bộ trình độ trung cấp, cao đẳng cho lĩnh vực này.

2. Dành chỉ tiêu hợp lý đào tạo cán bộ y, dược theo địa chỉ sử dụng.

Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế nghiên cứu, xây dựng và ban hành quy định về công tác tuyển sinh, đào tạo và sử dụng người sau tốt nghiệp đối với việc đào tạo theo địa chỉ; làm rõ cơ chế phối hợp giữa nhà trường, địa phương, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế, gia đình và người học, bảo đảm đồng bộ, chặt chẽ.

Năm 2010, ngoài chỉ tiêu tuyển sinh đã thông báo, các cơ sở đào tạo y, dược căn cứ vào nhu cầu đào tạo nhân lực y tế của các địa phương, năng lực và các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo của cơ sở đào tạo mình, đề xuất chỉ tiêu bổ sung tuyển sinh đào tạo theo địa chỉ sử dụng, trong đó ưu tiên chỉ tiêu tuyển sinh cho các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo và một số chuyên ngành đặc biệt như Y học dự phòng, Pháp y, Lao, Phong - Da liễu, Tâm thần, Nhi.

Việc xác định điểm tuyển đào tạo theo địa chỉ sử dụng ngành y, dược được áp dụng dựa trên nguyên tắc chung là không thấp hơn điểm sàn tương ứng quy định cho từng khối thi, bảo đảm chỉ tiêu tuyển sinh, chất lượng tuyển chọn, đúng đối tượng; lựa chọn từ thí sinh có kết quả thi cao trở xuống cho đến khi đủ chỉ tiêu đã xác định.

Bộ Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các Bộ: Y tế, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Nội vụ và Ủy ban Dân tộc xem xét, giải quyết các khó khăn, vướng mắc liên quan đến vấn đề thực hiện chính sách, công tác tuyển sinh, đầu tư cơ sở vật chất, sử dụng nhân lực, hỗ trợ sinh viên, bảo đảm số lượng, chất lượng đào tạo theo địa chỉ.

Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm xây dựng kế hoạch cử tuyển đào tạo theo địa chỉ và tiếp nhận sau khi tốt nghiệp theo quy định.

3. Theo quy hoạch mạng lưới trường đại học và cao đẳng, dự kiến nhu cầu trong những năm tới cần thành lập mới hoặc nâng cấp để có thêm 15 trường cao đẳng, đại học y dược tại các vùng, miền. Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ Y tế xác định về khả năng đầu tư của Nhà nước cho công việc này, thông báo công khai để thu hút đầu tư xây dựng, phục vụ công tác đào tạo nhân lực ngành y, dược.

4. Về việc mở mã ngành, thành lập khoa y, dược tại các cơ sở đào tạo đa ngành không trong khối ngành Sức khoẻ: Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Y tế cần tổ chức kiểm tra các điều kiện đảm bảo chất lượng về cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ giảng dạy, phòng thí nghiệm, cơ sở thực hành … theo đúng các quy định hiện hành về mở ngành đào tạo, thực hiện 3 công khai và thực hiện tốt công tác tiền kiểm, hậu kiểm.

5. Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Y tế phối hợp thực hiện:

- Xây dựng trang thông tin chung để đăng tải thông tin về khả năng đào tạo của các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực y, dược để phục vụ quản lý nhà nước, người học và người sử dụng nhân lực.

- Thống nhất danh mục công việc cần triển khai thực hiện trong năm học 2010 - 2011 như: công tác tuyển sinh (xây dựng và giao chỉ tiêu tuyển sinh các hệ, thông tư liên tịch phối hợp trong công tác tuyển sinh); xây dựng và ban hành quy định về tuyển sinh và đào tạo theo địa chỉ sử dụng; kế hoạch và nội dung kiểm tra các điều kiện đảm bảo chất lượng của các cơ sở đào tạo y, dược và các cơ sở đào tạo đa ngành có đào tạo về y, dược; xây dựng trang thông tin chung; lộ trình đánh giá chất lượng đào tạo; chương trình đào tạo giảng viên, đào tạo tiến sĩ ở một số chuyên ngành còn thiếu; chương trình bồi dưỡng cán bộ quản lý bệnh viện, nhằm nhanh chóng xóa bỏ tình trạng quản lý bệnh viện mà không được bồi dưỡng kiến thức về quản lý.

6. Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước nghiên cứu điều chỉnh hợp lý về thời gian quy định nộp hồ sơ ở các Hội đồng chức danh cơ sở, để tạo thuận lợi cho các ứng viên chuẩn bị tốt các điều kiện cần thiết theo quy định.

Văn phòng Chính phủ thông báo để các Bộ, ngành, cơ quan liên quan biết, thực hiện.

 

 

Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng CP;
- Các Bộ: Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Nội vụ;
- UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương;
- Ủy ban Dân tộc;
- Các thành viên Ban Chỉ đạo quốc gia về đào tạo theo nhu cầu xã hội giai đoạn 2008 - 2015;
- Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước;
- VPCP: BTCN, các PCN, các Vụ: TH, KTTH, Cổng TTĐT;
- Lưu: VT, KGVX (5).

KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM




Nguyễn Hữu Vũ