VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 253/TB-VPCP | Hà Nội, ngày 20 tháng 8 năm 2022 |
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN PHIÊN HỌP LẦN THỨ BA CỦA ỦY BAN QUỐC GIA VỀ CHUYỂN ĐỔI SỐ NGÀY 08 THÁNG 8 NĂM 2022
Ngày 08 tháng 8 năm 2022, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số đã chủ trì Phiên họp trực tuyến lần thứ ba của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số (sau đây gọi tắt là Ủy ban). Tham dự Phiên họp có các đồng chí thành viên Ủy ban, các Ban Chỉ đạo chuyển đổi số của bộ, ngành, địa phương và Tổ công tác giúp việc Ủy ban.
Sau khi nghe Báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, phát biểu của Bộ trưởng các Bộ: Công Thương, Xây dựng, Tài chính, Văn phòng Chính phủ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, lãnh đạo các Bộ: Công an, Giáo dục và Đào tạo, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố: Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Hải Phòng, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, Công ty Cổ phần FPT, Công ty cổ phần Tập đoàn công nghệ CMC, ý kiến của các đồng chí Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia, Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số đã thống nhất chỉ đạo:
1. Ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao nỗ lực, quyết tâm của các đồng chí thành viên Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân đã quyết liệt, tích cực thực hiện chuyển đổi số thời gian qua đạt được những bước tiến quan trọng, góp phần phục vụ hồi nhanh và phát triển bền vững kinh tế - xã hội.
Nhận thức về tầm quan trọng của chuyển đổi số tiếp tục có chuyển biến tích cực ở các cấp, các ngành, nhất là người đứng đầu đã vào cuộc mạnh mẽ hơn. Đa số các bộ, ngành, địa phương đã ban hành nghị quyết của cấp ủy, kế hoạch của chính quyền 05 năm và hằng năm về chuyển đổi số; Ban chỉ đạo chuyển đổi số của 22/22 bộ, cơ quan và 63/63 địa phương được thành lập và đi vào hoạt động. Bộ Thông tin và Truyền thông - Cơ quan thường trực Ủy ban đã có báo cáo định kỳ hằng tháng đánh giá tình hình thực hiện công tác chuyển đổi số quốc gia. Việc chuyển đổi số các hoạt động quản lý nhà nước từ phương thức truyền thống sang ứng dụng công nghệ thông tin, nhất là từ văn bản giấy sang môi trường số được đẩy mạnh và đạt được kết quả bước đầu rất quan trọng; nhiều sản phẩm, dịch vụ thiết thực được đưa ra phục vụ kịp thời, hiệu quả cho người dân, doanh nghiệp.
Công tác hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo có kết quả, tạo môi trường pháp lý cho chuyển đổi số. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 01 Nghị định, 06 Quyết định và 01 Chỉ thị về chuyển đổi số, trong đó phê duyệt ngày 10 tháng 10 hằng năm là Ngày Chuyển đổi số quốc gia.
Hạ tầng công nghệ thông tin, các nền tảng số tiếp tục được phát triển từ Trung ương đến địa phương, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu chuyển đổi số; tốc độ truy cập mạng băng rộng cố định tăng 32,7%, mạng di động tăng 4,7% so với cùng kỳ năm 2021; Mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước kết nối 04 cấp hành chính tiếp tục được phát triển, kết nối đến 100% huyện, hơn 97% xã trên toàn quốc. Cơ sở dữ liệu tạo nền tảng cho Chính phủ số được đẩy mạnh triển khai, đặc biệt là Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã kết nối, liên thông với 11 bộ, ngành, 04 doanh nghiệp nhà nước và 14 địa phương; cấp trên 68 triệu thẻ căn cước gắn chíp điện tử; hoàn thành xác thực 45 triệu người tham gia Bảo hiểm xã hội; bước đầu thí điểm triển khai một số ứng dụng của thẻ căn cước phục vụ người dân khám chữa bệnh, thực hiện các giao dịch trong lĩnh vực ngân hàng.., từng bước hình thành hệ sinh thái công dân số. Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm cũng đã quản lý thông tin của 27 triệu hộ gia đình tham gia bảo hiểm y tế, bao gồm thông tin của 98 triệu người dân.
Dịch vụ công trực tuyến được triển khai ngày càng hiệu quả. Đến nay, Cổng Dịch vụ công quốc gia đã cung cấp 3.700 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; hơn 2,1 triệu tài khoản đăng ký (tăng hơn 2,8 lần so với cùng kỳ); hơn 122,7 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái (tăng hơn 2 lần so với cùng kỳ); hơn 4,1 triệu hồ sơ trực tuyến thực hiện từ Cổng Dịch vụ công quốc gia (tăng hơn 3 lần so với cùng kỳ).
Công tác bảo đảm an toàn, an ninh thông tin tiếp tục được quan tâm nhưng chưa có sự chuyển biến mạnh mẽ. Trong 6 tháng đầu năm 2022, đã ghi nhận, cảnh báo và hướng dẫn xử lý 6.641 cuộc tấn công mạng gây ra sự cố vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam, tăng 37,92% so với cùng kỳ năm 2021 và tăng 35,14% so với đầu năm 2022; có 922/3022 hệ thống thông tin của cơ quan nhà nước được phê duyệt Hồ sơ đề xuất cấp độ an toàn thông tin, mới đạt 31%. Nhân lực cho chuyển đổi số được chú trọng phát triển, đa dạng hình thức đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn. Tổ công nghệ số cộng đồng tại các địa phương cũng đã bước đầu đạt kết quả, có 47/63 tỉnh, thành phố đã triển khai 40.590 Tổ công nghệ số cộng đồng đến tận thôn, xóm với gần 200.000 thành viên tham gia.
Thương mại điện tử tiếp tục được thúc đẩy mạnh mẽ; thuế điện tử, hóa đơn điện tử đã phát huy hiệu quả, góp phần chống thất thu thuế cho ngân sách nhà nước. Đặc biệt, một số chỉ tiêu trong Kế hoạch hoạt động của Ủy ban năm 2022 đã sớm đạt mục tiêu đề ra như: Tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử là 100%; tỷ trọng doanh thu thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ; tỷ lệ người dân từ 15 tuổi có tài khoản thanh toán là 66%, vượt mục tiêu đề ra là 65%.
2. Bên cạnh những kết quả đạt được, phải nhìn nhận thẳng thắn còn nhiều tồn tại, hạn chế cần sớm khắc phục như: Nhiều lãnh đạo các cấp chưa thực sự quan tâm, quyết liệt, ưu tiên nguồn lực cho chuyển đổi số và Ban Chỉ đạo chuyển đổi số các bộ, ngành, địa phương cũng chưa phát huy vai trò, trách nhiệm. Việc phổ biến nâng cao nhận thức về chuyển đổi số ở một số bộ, địa phương vẫn mang tính hình thức. Công tác xây dựng thể chế, chính sách để hoàn thiện môi trường pháp lý cho chuyển đổi số còn chậm. Hạ tầng số cần tiếp tục cải thiện mạnh mẽ để đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số; tốc độ mạng băng rộng cố định, di động tuy có tăng nhưng vẫn ở mức trung bình khá của thế giới, chưa tạo bước đột phá về hạ tầng phục vụ chuyển đổi số quốc gia. Việc cung cấp, sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ cao tuy có những chuyển biến tích cực về số lượng nhưng chất lượng và hiệu quả còn cần tiếp tục cải thiện. Người dân chưa thấy thuận tiện, dễ dùng, chưa được khuyến khích khi tiếp cận, sử dụng dịch vụ công trực tuyến và các nền tảng số. Tỷ lệ xử lý hồ sơ công việc trên môi trường mạng chưa cao, còn dịch vụ công trực tuyến mang tính hình thức, chưa thực chất; tỷ lệ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến năm 2021 đạt 9,51%, 7 tháng năm 2022 mới đạt gần 18%, tuy có tăng nhưng chưa đạt yêu cầu.
Công tác bảo đảm an toàn, an ninh thông tin nhiều nơi chưa được quan tâm đúng mức, chưa triển khai kịp thời các giải pháp bảo đảm an toàn thông tin theo quy định, nhất là vấn đề lộ lọt bí mật nhà nước; vấn đề về bảo vệ dữ liệu cá nhân trên không gian mạng còn hạn chế. Nhân lực cho chuyển đổi số còn chưa đáp ứng được nhu cầu, thiếu chính sách đãi ngộ, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao trong cơ quan nhà nước. Thiếu cơ chế giám sát triển khai chuyển đổi số, đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ đã đề ra của các bộ, ngành, địa phương và việc xử lý các khó khăn, vướng mắc; thiếu công cụ hỗ trợ thống kê, phân tích, giám sát tình hình triển khai các dự án đầu tư công nghệ thông tin; hệ thống định mức, đơn giá về ứng dụng công nghệ thông tin chưa đầy đủ, cụ thể hoặc đang ở mức thấp.
Trong 27 nhiệm vụ cụ thể giao các bộ, ngành, địa phương tại Phiên họp lần thứ hai của Ủy ban, có 15 nhiệm vụ cơ bản hoàn thành, 12 chưa hoàn thành. Một số chỉ tiêu trong Kế hoạch hoạt động của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số năm 2022 tỷ lệ hoàn thành còn thấp, cách khá xa mục tiêu cuối năm trong khi chúng ta chỉ còn gần 4 tháng (Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ đạt 45,78%, mục tiêu là 80%; Tỷ lệ cơ quan nhà nước cung cấp dữ liệu mở là 3%, mục tiêu là 50%; Tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số là 6%, mục tiêu là 30%).
3. Những kết quả đạt được trong công tác chuyển đổi số thời gian qua rất đáng trân trọng. Tuy nhiên, đây mới là kết quả bước đầu, còn nhiều khó khăn, vướng mắc cần giải quyết, nhiều việc phải làm. Để thực hiện được các mục tiêu đề ra đòi hỏi phải có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết thiệt, thiết thực, hiệu quả, thực hiện có trọng tâm, trọng điểm. Thống nhất một số quan điểm, định hướng trong việc triển khai như sau:
- Chuyển đổi số phải là công cụ quan trọng trong xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả. Đổi mới công nghệ, đa dạng hóa thị trường, các chuỗi cung ứng, sản phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm để góp phần phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
- Phát huy tinh thần đoàn kết, chia sẻ, càng khó khăn, thách thức càng phải đoàn kết, đây là truyền thống quý báu của dân tộc cũng là quan điểm xuyên suốt. Tránh mọi tư duy cát cứ thông tin, số liệu, dữ liệu, cục bộ, sợ mất lợi ích va chạm.
- Liên tục đổi mới, có tư duy đột phá và tầm nhìn chiến lược, phát huy tính chủ động, sáng tạo của các bộ, ngành, địa phương và mỗi cá nhân, tổ chức. Chuyển đổi số phải để người dân, doanh nghiệp hưởng lợi từ dịch vụ công, tiện ích xã hội thuận tiện hơn, nhanh hơn, hiệu quả hơn. Tạo thói quen cho người dân, doanh nghiệp sử dụng các dịch vụ trực tuyến thông qua tuyên truyền, hướng dẫn. Mọi chính sách hướng đến người dân và phải có công dân số.
- Huy động hiệu quả mọi nguồn lực tham gia chuyển đổi số; phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ, tham gia tích cực của cộng đồng doanh nghiệp và người dân. Việc chuyển đổi số được triển khai trên tất cả các lĩnh vực, ngành nghề nhưng phải có trọng tâm, trọng điểm, tránh tình trạng “trăm hoa đua nở”; dễ làm trước, khó làm sau, đi từ thấp đến cao, từ nhỏ đến lớn, từ đơn giản đến phức tạp và thực hiện một cách thực chất, tránh đầu tư dàn trải, lãng phí.
- Phải nói đi đôi với làm, “không đánh trống bỏ dùi”, đặc biệt tránh mọi biểu hiện hình thức. Không để hiện tượng dịch vụ công trực tuyến thì nhiều nhưng người dân sử dụng ít; các nền tảng thì nhiều, cơ sở dữ liệu thì lớn nhưng tính đồng bộ, liên thông thấp. Các bộ, ngành, địa phương phải có cơ chế chia sẻ, dùng chung để khai thác hiệu quả dữ liệu và phải có nguồn lực để đầu tư tiếp.
- Đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp; coi trọng công tác truyền thông, tạo sự ủng hộ, đồng thuận của người dân, doanh nghiệp.
4. Các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thực hiện từ nay đến hết năm 2022 và thời gian tới:
a) Bộ trưởng các Bộ, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tích cực, chủ động hơn nữa, quyết liệt chỉ đạo, tổ chức triển khai, tạo ra phong trào, xu thế, bố trí nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số của bộ, cơ quan, địa phương mình, trong đó tập trung:
- Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong triển khai chuyển đổi số; khẩn trương ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật phục vụ chuyển đổi số; đẩy mạnh triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm được phân công tại Kế hoạch hoạt động của Ủy ban năm 2022, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia tại các Phiên họp của Ủy ban, đặc biệt là 12 nhiệm vụ chưa hoàn thành và những nhiệm vụ 6 tháng cuối năm. Tập trung chỉ đạo xây dựng Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số thực chất, hiệu quả ở tất cả các cấp, các ngành, lĩnh vực.
- Tập trung kết nối với các nền tảng dùng chung; khẩn trương xây dựng, nâng cấp các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành và đẩy mạnh kết nối với Trung tâm thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, hình thành Hệ thống thông tin phục vụ công tác chỉ đạo điều hành của Chính phủ dựa trên dữ liệu theo thời gian thực, bảo đảm đồng bộ, nhất quán, chính xác.
- Rà soát, đánh giá an toàn thông tin, an ninh mạng và triển khai các giải pháp bảo đảm an ninh, an toàn các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu, tránh lộ lọt thông tin.
- Đẩy mạnh công tác số hóa, xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ quản lý, khai thác, chỉ đạo, điều hành của địa phương và kết nối, chia sẻ dữ liệu với hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ, Trung tâm thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; đồng thời, cung cấp các tiện ích phục vụ người dân, doanh nghiệp. Lựa chọn và công bố các nền tảng số mà địa phương mình tập trung thúc đẩy trong năm 2022 để giải quyết các vấn đề của người dân trong phát triển kinh tế - xã hội. Triển khai hoạt động Tổ công nghệ số cộng đồng hiệu quả hơn, tích cực hơn để hỗ trợ, hướng dẫn người dân sử dụng các nền tảng số.
- Rà soát, đăng ký, phân bổ nguồn lực cho việc phát triển và triển khai các nền tảng số, đặc biệt là kinh phí cho năm 2023.
- Tập trung phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ chuyển đổi số và bảo đảm an ninh, an toàn thông tin cho các hệ thống thông tin của cơ quan nhà nước, đây là việc rất quan trọng. Tăng cường hợp tác quốc tế trong chuyển đổi số, trao đổi chia sẻ kinh nghiệm.
- Tăng cường công tác tuyên truyền về lợi ích của chuyển đổi số đến người dân, doanh nghiệp; giúp người dân, doanh nghiệp nâng cao nhận thức, hiểu rõ về lợi ích và hiệu quả. Các cơ quan truyền thông nghiên cứu, bố trí dành thời lượng nhất định để truyền thông về chuyển đổi số.
b) Bộ Thông tin và Truyền thông
- Tổng hợp việc triển khai các nhiệm vụ theo Kế hoạch của Ủy ban Quốc gia và chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ; thường xuyên đôn đốc, kịp thời báo cáo để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Việc kiểm tra, giám sát, đánh giá các nhiệm vụ cần có định lượng, sản phẩm, kết quả phải cân, đong, đo, đếm được; cập nhật kịp thời tiến độ, kết quả thực hiện trên môi trường số.
- Khẩn trương phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan hoàn thiện hồ sơ dự án Luật giao dịch điện tử (sửa đổi) để trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV.
- Chủ trì xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tăng cường, nâng cao năng lực tham mưu và tổ chức thực thi chuyển đổi số từ Trung ương đến địa phương.
- Hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương triển khai Nghị định số 42/2022/NĐ-CP của Chính phủ; nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Nghị định số 73/2019/NĐ-CP của Chính phủ để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin.
- Chỉ đạo triển khai kết nối Mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước đến các xã chưa được kết nối (còn 3% xã), phấn đấu hoàn thành kết nối 100% xã trên toàn quốc trong Quý III năm 2022. Cùng các tập đoàn, doanh nghiệp công nghệ thông tin đầu tư triển khai hạ tầng số để đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số, trong đó chú trọng nâng cao tốc độ mạng băng rộng cố định, mạng băng rộng di động.
- Xây dựng, triển khai hệ thống phục vụ theo dõi, kiểm tra thực hiện chương trình, kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, bảo đảm đầu tư tập trung, đúng mục tiêu, có hiệu quả.
- Tổ chức các hoạt động tổ chức, tuyên truyền ngày Chuyển đổi số hiệu quả, thiết thực, tránh hình thức.
- Tổng hợp, đánh giá toàn diện kết quả triển khai chuyển đổi số của năm 2022 để tham mưu, đề xuất chủ đề trọng tâm chuyển đổi số năm 2023 tại phiên họp cuối năm.
c) Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tổ chức triển khai hiệu quả Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Thúc đẩy hoàn thiện các Nghị định liên quan đến giao dịch điện tử.
d) Bộ Kế hoạch và Đầu tư
- Tổng hợp kế hoạch đầu tư công trung hạn, hằng năm báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định theo quy định của Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn liên quan cho chương trình, dự án triển khai chuyển đổi số năm 2023.
- Khẩn trương triển khai hệ thống cơ sở dữ liệu theo dõi tình hình đầu tư công và phân tích được vấn đề đầu tư công của cả nước.
đ) Bộ Tài chính
- Chủ trì tổng hợp, tham mưu bố trí kinh phí thường xuyên từ ngân sách Nhà nước cho triển khai chuyển đổi số năm 2023.
- Tiếp tục thúc đẩy chuyển đổi số ngành thuế, hải quan, nhất là thu thuế từ dịch vụ ăn uống.
e) Bộ Giáo dục và Đào tạo
- Trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án triển khai thí điểm mô hình giáo dục đại học số trong năm 2022.
- Khẩn trương ban hành chuẩn chương trình khối ngành công nghệ thông tin. Nghiên cứu đưa vào các yêu cầu về kỹ năng công nghệ thông tin trong các chuẩn chương trình đào tạo.
g) Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tập trung triển khai các nhiệm vụ đang được giao, nhất là vấn đề về giảm thuế cho người sử dụng lao động, hỗ trợ, nhà trọ cho công nhân.
h) Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu xây dựng Đề án chuyển đổi số ngành Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, phù hợp với Chương trình chuyển đổi số quốc gia và Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số. Trên cơ sở mục tiêu, phạm vi và nội dung của Đề án, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
i) Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương hoàn thành Cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia, sớm cung cấp các dịch vụ công trực tuyến liên quan đến lĩnh vực đất đai phục vụ người dân doanh nghiệp, bảo đảm công khai, minh bạch.
k) Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh cải cách hành chính gắn kết chặt chẽ với chuyển đổi số.
l) Văn phòng Chính phủ
- Đôn đốc, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương kết nối, chia sẻ dữ liệu các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành với Trung tâm thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, hình thành Hệ thống thông tin phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ dựa trên dữ liệu theo thời gian thực, bảo đảm đồng bộ, nhất quán, chính xác.
- Tiếp tục đôn đốc, hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương tích hợp, cung cấp các dịch vụ công trực tuyến lên Cổng Dịch vụ công quốc gia; đánh giá kết quả triển khai của bộ, ngành, địa phương và công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.
m) Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục rà soát, nâng cao chuyển đổi số trong ngành ngân hàng để có các số liệu đánh giá phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo.
n) Các doanh nghiệp công nghệ thông tin cần tham gia tích cực vào công tác chuyển đổi số quốc gia, nhất là đào tạo nguồn nhân lực và hạ tầng công nghệ thông tin.
Các đề xuất, kiến nghị của các bộ, ngành, địa phương tại Phiên họp cần có văn bản chính thức báo cáo Thủ tướng Chính phủ để kịp thời xử lý, nhất là những khó khăn, vướng mắc cần được tháo gỡ, những vấn đề mới phát sinh để có giải pháp, nhiệm vụ phù hợp.
Văn phòng Chính phủ thông báo để các Bộ, cơ quan, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan liên quan biết, thực hiện./.
| BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |
- 1 Luật Giao dịch điện tử 2005
- 2 Luật ngân sách nhà nước 2015
- 3 Luật Đầu tư công 2019
- 4 Nghị định 73/2019/NĐ-CP quy định quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước
- 5 Nghị định 42/2022/NĐ-CP quy định về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến của cơ quan Nhà nước trên môi trường mạng