Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 2602/TB-BNN-VP

Hà Nội, ngày 31 tháng 03 năm 2015

 

THÔNG BÁO

Ý KIẾN KẾT LUẬN CỦA THỨ TRƯỞNG VŨ VĂN TÁM, TRƯỞNG BAN CHỈ ĐẠO TẠI CUỘC HỌP BAN CHỈ ĐẠO QUỐC GIA PHÒNG, CHỐNG DỊCH BỆNH TRÊN TÔM NUÔI NƯỚC LỢ

Ngày 27 tháng 3 năm 2015, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức họp mở rộng Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch bệnh trên tôm nuôi nước lợ (gọi tắt là Ban Chỉ đạo) tại Sóc Trăng. Thứ trưởng Vũ Văn Tám và Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng Lâm Văn Mẫn đồng chủ trì cuộc họp. Tham dự cuộc họp có các thành viên Ban Chỉ đạo, Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Thú y, Chi cục Nuôi trồng thủy sản của các tỉnh từ Khánh Hòa đến Cà Mau; các chuyên gia về bệnh tôm đến từ các viện, trường đại học; đại diện Hiệp hội sản xuất tôm giống Bình Thuận, Hiệp hội nuôi tôm Mỹ Thanh. Sau khi nghe các báo cáo, ý kiến phát biểu của các nhà khoa học, Thứ trưởng Vũ Văn Tám, Trưởng ban Chỉ đạo kết luận như sau:

1. Đánh giá cao các báo cáo khoa học của Cục Thú y (Cơ quan Thú y vùng 6), Trường Đại học Nông lâm Thành phố Hồ Chí Minh, Hội đồng khoa học bệnh tôm nước lợ, Báo cáo thực trạng của Tổ công tác của Cục Thú y tại tỉnh Sóc Trăng. Những phát hiện mới về nguy cơ lây truyền từ thức ăn tươi sống cho tôm bố mẹ, nguy cơ mới nổi đối với bệnh vi bào tử trùng (bệnh chậm lớn), những bất cập của người nuôi từ cơ sở ... là những thông tin có sức thuyết phục và rất quan trọng, làm cơ sở để chỉ đạo, điều hành trong công tác phòng, chống dịch bệnh trên tôm nuôi nước lợ.

2. Để kiểm soát tốt dịch bệnh, thúc đẩy nuôi tôm phát triển bền vững và đem lại hiệu quả cao, cần tập trung thực hiện hai nhóm giải pháp sau:

a) Nhóm giải pháp khoa học công nghệ:

- Giao Cục Thú y chủ trì, phối hợp với Hội đồng khoa học về bệnh tôm của Bộ và các đơn vị liên quan:

+ Tiếp tục cập nhật các kết quả nghiên cứu mới về bệnh đốm trắng, bệnh hoại tử gan tụy cấp, đặc biệt bệnh vi bào tử trùng (bệnh chậm lớn) và các bệnh mới nổi khác trên tôm; đồng thời xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh; xây dựng bản đồ dịch tễ dịch bệnh trên tôm.

+ Sớm triển khai hai nhiệm vụ nghiên cứu về bệnh đốm trắng, hoại tử gan tụy cấp, bổ sung các nhiệm vụ nghiên cứu bệnh vi bào tử trùng (bệnh chậm lớn) và có biện pháp kịp thời xử lý đối với bệnh vi bào tử trùng.

+ Tổ chức nghiên cứu, đánh giá, tìm giải pháp xử lý vi khuẩn vibrio có gen độc gây bệnh ở con giun nhiều tơ (con dời) được sử dụng làm thức ăn cho tôm bố mẹ.

+ Xây dựng chương trình giám sát trình Bộ và tiếp tục triển khai giám sát chủ động đối với các loại dịch bệnh quan trọng trên tôm; để chủ động cung cấp thông tin về các yêu cầu vệ sinh thú y của các nước khi nhập khẩu tôm, sản phẩm tôm từ Việt Nam; trước mắt sử dụng kinh phí từ nguồn phòng, chống dịch bệnh, nguồn thu phí, lệ phí của Cục Thú y và các đơn vị thuộc Cục.

+ Tập trung nghiên cứu, đưa ra giải pháp cắt đứt mầm bệnh (sau khi xác định được tác nhân và cơ chế lây truyền thì cần chỉ ra biện pháp xử lý kịp thời).

- Giao Tổng cục Thủy sản: Rà soát, điều chỉnh, bổ sung và ban hành văn bản hướng dẫn mô hình nuôi tôm an toàn trong vùng dịch, mùa vụ nuôi cho hiệu quả và chỉ đạo triển khai đề án quan trắc, cảnh báo môi trường nuôi trồng thủy sản ở các vùng nuôi tôm trọng điểm.

- Giao các Viện nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản:

+ Viện nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III: Đề xuất đưa vào danh mục, phổ biến rộng rãi, chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp để chủ động sản xuất thức ăn tươi sống cho tôm bố mẹ.

+ Các Viện nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản: Tập trung nghiên cứu các phương pháp xét nghiệm phát hiện nhanh các loại mầm bệnh để người nuôi áp dụng ngay tại cơ sở sản xuất, cơ sở nuôi.

b) Nhóm giải pháp về quản lý:

- Giao Cục Thú y:

+ Tham mưu xây dựng, trình ban hành các văn bản liên quan đến kế hoạch quốc gia phòng, chống dịch bệnh; xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh.

+ Triển khai phòng, chống dịch bệnh tại cơ sở trên cơ sở phát hiện những tồn tại, bất cập của công tác phòng chống dịch bệnh từ cơ sở nuôi của Tổ công tác của Cục Thú y tại Sóc Trăng; Cục cần đúc kết kinh nghiệm và hướng dẫn để phổ biến cho các vùng nuôi trọng điểm khác.

+ Thông tin tuyên truyền: Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, tập huấn kỹ thuật cho người nuôi, trong đó xây dựng băng hình để tuyên truyền về tác nhân, nguyên nhân gây bệnh, cơ chế lây nhiễm, các biện pháp, kinh nghiệm trong phòng, chống dịch bệnh trên tôm,... tham mưu để Bộ có văn bản gửi UBND các tỉnh đề nghị phát sóng trên đài truyền hình địa phương; phối hợp với Đài truyền hình Việt Nam để đưa nội dung phòng, chống dịch bệnh trên tôm vào các kênh phù hợp và trên VTV1 chuyên mục lúc 5:30 sáng hàng ngày.

+ Tăng cường tập huấn, đào tạo, nâng cao năng lực thú y cơ sở; xây dựng bộ tài liệu tập huấn; tổ chức đào tạo, tập huấn về bệnh, các biện pháp phòng, chống, giám sát, điều tra, xử lý ổ dịch, phân tích số liệu,...

+ Tổ chức kiểm tra phát hiện và xử lý các sai phạm trong việc kinh doanh, sử dụng thuốc thú y nhất là kháng sinh dùng trong nuôi trồng thủy sản.

+ Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Ninh Thuận để tổ chức Hội nghị phòng, chống dịch bệnh đối với các cơ sở sản xuất tôm giống tại Ninh Thuận vào tháng 4/2015.

- Giao Tổng cục Thủy sản: Chủ trì, phối hợp với Tổng cục Thủy lợi, các địa phương qui hoạch và triển khai các dự án thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản ở vùng trọng điểm nuôi tôm Đồng bằng sông Cửu Long; lựa chọn, phối hợp với các doanh nghiệp lớn đề xuất mô hình hợp tác công - tư trong nghiên cứu và đầu tư xây dựng các mô hình liên kết và sản xuất tôm an toàn hiệu quả.

- Đề nghị các địa phương:

+ Chủ động phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ triển khai quyết liệt và có hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch bệnh trên tôm nước lợ để đạt mục tiêu dịch bệnh trên tôm nước lợ năm 2015 được kiểm soát tốt và giảm so với năm 2014.

+ Tăng cường cử cán bộ kỹ thuật đến các cơ sở nuôi tôm để hướng dẫn triển khai các hoạt động phòng, chống.

+ Rà soát, điều chỉnh kế hoạch, bổ sung kinh phí đảm bảo triển khai có hiệu quả các hoạt động phòng, chống, giám sát chủ động các loại dịch bệnh quan trọng trên tôm; chủ động kinh phí hỗ trợ chống dịch, chỉ đề nghị Trung ương hỗ trợ khi vượt quá khả năng của địa phương.

Rà soát, thành lập các Ban chỉ đạo bệnh tôm ở các vùng nuôi tôm trọng điểm để triển khai có hiệu quả các biện pháp phòng, chống.

Văn phòng Bộ thông báo để các đơn vị liên quan biết và triển khai thực hiện./.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ trưởng (để b/c);
- Thứ trưởng Vũ Văn Tám (để b/c);
- Thứ trưởng Lê Quốc Doanh (để b/c);
- PCT tỉnh Sóc Trăng Lâm Văn Mẫn (để b/c);
- Tổng cục Thủy sản;
- Các Vụ: KHCM&MT, TC;
- Cục Thú y và các đơn vị thuộc Cục;
- Các Viện NCNTTS 1,2,3;
- Thành viên Ban chỉ đạo;
- Lưu: VT, TH.

TL. BỘ TRƯỞNG
KT. CHÁNH VĂN PHÒNG
PHÓ VĂN PHÒNG PHỤ TRÁCH




Trần Quốc Tuấn