VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 270/TB-VPCP | Hà Nội, ngày 10 tháng 7 năm 2023 |
KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ TRẦN HỒNG HÀ TẠI CUỘC HỌP VỀ DỰ THẢO NGHỊ ĐỊNH SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA CÁC NGHỊ ĐỊNH SỐ 54/2017/NĐ-CP VÀ 155/2018/NĐ-CP
Sáng ngày 03 tháng 7 năm 2023, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã chủ trì cuộc họp về việc tiếp thu, giải trình ý kiến các Thành viên Chính phủ đối với dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 54/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Dược và Nghị định số 155/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Y tế (theo trình tự, thủ tục rút gọn). Tham dự cuộc họp có đại diện lãnh đạo Bộ Y tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Chính phủ; đại diện Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp; đại diện lãnh đạo Hiệp hội doanh nghiệp dược Việt Nam.
Sau khi nghe báo cáo của Bộ Y tế, ý kiến phát biểu của đại diện các cơ quan dự họp, Phó Thủ tướng Chính phủ kết luận như sau:
1. Thuốc là hàng hóa sản phẩm đặc biệt có liên quan đến sức khỏe của người dân, trong quá trình xây dựng chính sách, Bộ Y tế cần thực hiện nguyên tắc bảo đảm yêu cầu người dân Việt Nam được tiếp cận thuốc tốt nhất với giá thành rẻ nhất.
Vỏ nang, nguyên liệu bán thành phẩm dược liệu liên quan đến sức khỏe, quan trọng không kém thuốc nên không buông lỏng, coi nhẹ mà cần phải kiểm chứng, chứng nhận dựa theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; áp dụng các biện pháp công nhận, thừa nhận lẫn nhau đối với chứng nhận, công nhận tiêu chuẩn, quy chuẩn của các nước phát triển hơn Việt Nam. Về cơ bản, đối với sản phẩm bán thành phẩm cho sản xuất thuốc Tây y phải kiểm soát theo tiêu chuẩn thực hành tốt (GMP) của WHO, đồng thời cần cải cách các thủ tục để rút gắn thời gian, cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp.
Về kiểm soát giá, Bộ Y tế tiếp thu ý kiến của Bộ Tài chính để hoàn thiện lại. Những loại thuốc sử dụng nhiều, phổ biến, chiếm tỷ trọng lớn trong nhập khẩu, mua bán có tác động đến CPI thì cần lập danh mục để quản lý, kiểm soát giá như đối với mặt hàng thiết yếu, số còn lại thực hiện theo cơ chế thị trường.
Cần có quy định giao thẩm quyền cho Thủ tướng Chính phủ trong trường hợp dịch bệnh dẫn đến tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu, bất khả kháng và các sản phẩm thuốc khan hiếm, độc quyền thì được quyết định các vấn đề theo yêu cầu của nhà sản xuất.
Do việc sửa đổi, bổ sung văn bản theo quy trình rút gọn nên chỉ sửa đổi, bổ sung các chính sách trong trường hợp phù hợp với quy định của Luật Ban hành văn bản pháp luật. Bộ Y tế chịu trách nhiệm về việc đánh giá tác động của chính sách ban hành.
2. Bộ Y tế tiếp tục chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan thực hiện việc rà soát, nghiên cứu, đánh giá để sửa đổi tổng thể Nghị định số 54/2017/NĐ-CP và Nghị định số 155/2018/NĐ-CP theo tiến độ đã quy định tại Chương trình công tác năm 2023 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; bảo đảm xử lý, tháo gỡ các bất cập, vướng mắc và thực hiện có hiệu quả công tác quản lý thuốc, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, nhất là về bảo đảm cung ứng đầy đủ, kịp thời thuốc có chất lượng, phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân với giá cả hợp lý.
Văn phòng Chính phủ thông báo để Bộ Y tế, các Bộ, cơ quan liên quan biết và thực hiện./.
| KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |
- 1 Quyết định 2416/QĐ-BYT năm 2017 về công bố thủ tục hành chính tại Nghị định 54/2017/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật dược do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành
- 2 Công văn 945/BYT-QLD năm 2018 về thực hiện Luật dược 105/2016/QH13 và Nghị định 54/2017/NĐ-CP do Bộ Y tế ban hành
- 3 Thông tư 07/2018/TT-BYT hướng dẫn về kinh doanh dược của Luật dược và Nghị định 54/2017/NĐ-CP hướng dẫn Luật dược do Bộ Y tế ban hành