Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ NGOẠI GIAO
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 29/2016/TB-LPQT

Hà Nội, ngày 25 tháng 5 năm 2016

 

THÔNG BÁO

VỀ VIỆC ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ CÓ HIỆU LỰC

Thực hiện quy định tại khoản 3 Điều 47 của Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế năm 2005, Bộ Ngoại giao trân trọng thông báo:

Hiệp định giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Liên bang Nga về hợp tác trong lĩnh vực thông tin liên lạc, công nghệ thông tin và truyền thông đại chúng, ký tại Xô-chi ngày 25 tháng 11 năm 2014, có hiệu lực kể từ ngày 21 tháng 8 năm 2015.

Bộ Ngoại giao trân trọng gửi bản sao Hiệp định theo quy định tại Điều 68 của Luật nêu trên./.

 

 

TL. BỘ TRƯỞNG
KT. VỤ TRƯỞNG
VỤ LUẬT PHÁP VÀ ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ
PHÓ VỤ TRƯỞNG




Nguyễn Văn Ngự

 

HIỆP ĐỊNH

GIỮA CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM VÀ CHÍNH PHỦ LIÊN BANG NGA VỀ HỢP TÁC TRONG LĨNH VỰC THÔNG TIN LIÊN LẠC, CÔNG NGHỆ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG ĐẠI CHÚNG

Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Liên bang Nga (sau đây được gọi là “hai Bên”),

Với quyết tâm củng cố quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai quốc gia và dân tộc, trên cơ sở đối tác chiến lược toàn diện,

Đặc biệt chú trọng đến phát triển hợp tác trong các lĩnh vực thông tin liên lạc, công nghệ thông tin và truyền thông đại chúng giữa hai quốc gia,

Đã thỏa thuận như sau:

Điều 1

Hai Bên, trên nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi, phát triển các mối quan hệ hợp tác lâu dài trong lĩnh vực thông tin liên lạc, công nghệ thông tin và truyền thông đại chúng, phù hợp với quy định pháp luật của mỗi nước và các điều ước quốc tế mà hai Bên đều là thành viên, thúc đẩy việc thiết lập mối quan hệ giữa các tổ chức hữu quan của hai quốc gia và trong trường hợp cần thiết hỗ trợ thực hiện các dự án hợp tác cụ thể giữa các cơ quan này.

Điều 2

Hai Bên hợp tác trong các lĩnh vực sau:

- Đảm bảo điều kiện cho việc tự do vận chuyển qua lãnh thổ quốc gia của Bên này sang lãnh thổ quốc gia của Bên kia hoặc ngược lại đối với tất cả các loại bưu gửi bao gồm liên lạc đặc biệt giữa các cơ quan hành chính nhà nước của hai Bên.

- Trao đổi kinh nghiệm về chính sách quản lý thị trường viễn thông của hai quốc gia.

- Đăng ký và cùng sử dụng tần số quỹ đạo vệ tinh.

- Đo kiểm tương thích điện từ trường (EMC) đối với thiết bị thông tin vô tuyến.

- Quản lý và kiểm soát tần số vô tuyến điện.

- Trao đổi thông tin và kinh nghiệm xây dựng chính phủ điện tử để nâng cao năng lực quản lý nhà nước.

- Đảm bảo an ninh thông tin quốc tế.

- Phát triển sản xuất các sản phẩm ngành công nghệ thông tin.

- Khuyến khích tuyên truyền và giới thiệu trên các phương tiện thông tin đại chúng về đất nước, con người và tình hữu nghị giữa hai quốc gia. Hỗ trợ nhau trong việc đưa tin và quảng bá vào các dịp lễ quốc gia lớn trên các phương tiện thông tin đại chúng.

- Cung cấp cho nhau những xuất bản phẩm, tranh ảnh và kỷ vật để trưng bày cho công chúng hai quốc gia nhân dịp các lễ kỷ niệm quan hệ ngoại giao Việt - Nga.

- Trao đổi các chương trình phát sóng trên phương tiện phát thanh, truyền hình của hai quốc gia.

- Xây dựng cơ chế để liên kết sản xuất các chương trình phát thanh, truyền hình chung.

- Đào tạo nghề cho các chuyên gia trong lĩnh vực thông tin liên lạc, công nghệ thông tin và truyền thông đại chúng.

- Hỗ trợ nghiên cứu phát triển chuyển giao công nghệ lõi, tiên tiến trong lĩnh vực thông tin liên lạc và truyền thông đại chúng.

- Khuyến khích hợp tác nghiên cứu chung, trao đổi công nghệ trong lĩnh vực thông tin liên lạc, công nghệ thông tin và truyền thông đại chúng.

- Điều phối hoạt động của hai Bên trong khuôn khổ các tổ chức quốc tế trong lĩnh vực thông tin liên lạc, công nghệ thông tin và truyền thông đại chúng mà cả hai Bên là thành viên.

- Các hình thức hợp tác khác hai Bên cùng nhất trí liên quan tới lĩnh vực thông tin liên lạc, công nghệ thông tin và truyền thông đại chúng.

Điều 3

Các hình thức chủ yếu trong hợp tác giữa hai Bên bao gồm:

- Trao đổi thông tin, kinh nghiệm và tiến hành dịch vụ tư vấn theo các hướng hợp tác đã được nêu trong Điều 2 của Hiệp định này.

- Tiến hành các hoạt động chung (hội nghị, hội thảo và hội nghị khoa học) mà hai Bên coi là cần thiết để thực hiện Hiệp định này.

- Tiến hành tham vấn và thống nhất quan điểm liên quan đến việc tham gia của hai Bên vào hoạt động của các tổ chức quốc tế trong lĩnh vực thông tin liên lạc, công nghệ thông tin và truyền thông đại chúng, trước hết của Liên minh Viễn thông Quốc tế - một cơ cấu quốc tế hàng đầu trong lĩnh vực này.

- Trợ giúp cho việc cùng tham gia vào các triển lãm, hội chợ quốc tế và các hoạt động tương tự khác được tiến hành trên lãnh thổ Liên bang Nga và Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; bao gồm bố trí trên cơ sở miễn phí 1-2 gian trưng bày tiêu chuẩn trong trường hợp một Bên tham gia vào triển lãm, hội chợ sách quốc tế được tổ chức trên lãnh thổ quốc gia Bên kia.

- Hỗ trợ việc trao đổi các chuyên gia và đoàn đại biểu trong lĩnh vực đào tạo trong ngành xuất bản.

- Hợp tác trong lĩnh vực đào tạo ngành thông tin liên lạc, công nghệ thông tin và truyền thông đại chúng, bao gồm cả ngành xuất bản.

- Xây dựng các biện pháp mở rộng hợp tác cùng có lợi trong lĩnh vực thông tin liên lạc, công nghệ thông tin và truyền thông đại chúng.

- Hỗ trợ mở rộng việc tham gia của nhà nước và giới doanh nghiệp của một Bên vào việc đầu tư và phát triển công nghệ thông tin-truyền thông trên lãnh thổ quốc gia Bên kia.

- Điều phối hoạt động của các cơ quan nhà nước và giới doanh nghiệp với mục đích tìm kiếm các cơ hội mở rộng đầu tư, tham gia các dự án được các quốc gia của hai Bên thực hiện trong lĩnh vực công nghệ thông tin.

Điều 4

Các vấn đề về việc phân chia các quyền sở hữu trí tuệ hình thành trong quá trình thực hiện Hiệp định này được điều chỉnh trên cơ sở các hợp đồng được ký kết để thực hiện các phương hướng hợp tác riêng biệt Hiệp định này được đề cập tới trong Điều 2, phù hợp với luật pháp quốc gia và các điều ước quốc tế mà mỗi Bên là thành viên.

Mỗi Bên có quyền sở hữu đối với tài sản trí tuệ được Bên đó tạo dựng trước khi bắt đầu hoạt động chung trong khuôn khổ Hiệp định này hoặc ngoài khuôn khổ Hiệp định này.

Điều 5

Trong quá trình thực hiện các hoạt động chung trong khuôn khổ Hiệp định này, không Bên nào được phép tiết lộ cho bên thứ ba và không phổ biến thông tin được Bên chuyển giao đã quy định về việc tuân thủ bảo mật, trừ trường hợp Bên chuyển giao đồng ý bằng văn bản về việc chuyển giao.

Điều này tiếp tục có hiệu lực 10 năm sau khi Hiệp định này đã hết hiệu lực.

Điều 6

Việc cấp tài chính cho các hoạt động chung thực hiện trong khuôn khổ chính sách quốc gia trong lĩnh vực thông tin liên lạc, công nghệ thông tin và truyền thông đại chúng được đảm bảo bởi hai Bên trong sự tuân thủ các định mức và quy định liên quan đến quản lý ngân sách được thực thi tại nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên bang Nga, và phụ thuộc vào các nguồn tài chính được chi cho mục đích này.

Việc cấp tài chính cho các hoạt động chung nằm ngoài khuôn khổ của đầu tư từ ngân sách và/hoặc của các chương trình quốc gia thuộc về trách nhiệm của các tổ chức trực tiếp tham gia hoạt động chung và được thống nhất tại các thỏa thuận riêng ký giữa các tổ chức được ủy quyền của hai Bên.

Điều 7

Theo sự thỏa thuận tương hỗ giữa hai Bên, Hiệp định này có thể được sửa đổi, bổ sung thông qua thỏa thuận bằng văn bản riêng có hiệu lực theo quy định đã được đặt đối với việc bắt đầu có hiệu lực của Hiệp định này, nếu hai Bên không thỏa thuận điều gì khác.

Điều 8

Mọi bất đồng phát sinh từ việc giải thích và áp dụng Hiệp định này sẽ được hai Bên giải quyết thông qua tham vấn và thương lượng.

Điều 9

Hiệp định này có hiệu lực kể từ ngày nhận được thông báo cuối cùng bằng văn bản thông qua kênh ngoại giao về việc hoàn tất các thủ tục pháp lý nội bộ cần thiết để Hiệp định này có hiệu lực.

Hiệp định này có hiệu lực trong thời hạn năm (05) năm. Hiệp định này sẽ được tự động gia hạn cho năm (05) năm tiếp theo, trừ khi một trong hai Bên đưa ra thông báo bằng văn bản về ý định chấm dứt hiệu lực của Hiệp định cho Bên kia trước sáu (06) tháng trước ngày hết hạn. Trừ khi các Bên có thỏa thuận khác, việc chấm dứt hiệu lực của Hiệp định này không ảnh hưởng đến việc thực hiện các hoạt động và chương trình đã được các Bên thỏa thuận trước thời điểm chấm dứt hiệu lực Hiệp định này.

Kể từ ngày Hiệp định này bắt đầu có hiệu lực thì Hiệp định giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Liên bang Nga về hợp tác trong lĩnh vực bưu điện ký ngày 15 tháng 4 năm 1994 sẽ hết hiệu lực.

Làm tại Xô-chi, ngày 25 tháng 11 năm 2014 thành hai (02) bản chính bằng tiếng Việt, tiếng Nga và tiếng Anh, các văn bản có giá trị như nhau. Trong trường hợp có sự khác nhau trong việc giải thích và áp dụng Hiệp định này, bản tiếng Anh sẽ được dùng làm cơ sở.

 

THAY MẶT CHÍNH PHỦ
NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA
VIỆT NAM




Nguyễn Minh Hồng
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông

THAY MẶT CHÍNH PHỦ
LIÊN BANG NGA





N.A. Nikiforov
Bộ trưởng Bộ Viễn thông
và Truyền thông đại chúng