Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 291/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 14 tháng 8 năm 2018

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ NGUYỄN XUÂN PHÚC TẠI HỘI NGHỊ THÚC ĐẨY PHÁT TRIỂN CƠ CHẾ MỘT CỬA QUỐC GIA, CƠ CHẾ MỘT CỦA ASEAN VÀ TẠO THUẬN LỢI THƯƠNG MẠI.

Ngày 24 tháng 7 năm 2018, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị trực tuyến về “Thúc đẩy phát triển cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại”. Dự Hội nghị có Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ - Chủ tịch Ủy ban chỉ đạo quốc gia về cơ chế một cửa ASEAN, cơ chế một cửa quốc gia và tạo thuận lợi thương mại (sau đây gọi tắt là Ủy ban 1899), Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng - Phó Chủ tịch Ủy ban 1899; đại diện Văn phòng Trung ương, Ban Kinh tế Trung ương, Ủy ban kinh tế của Quốc hội, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội; lãnh đạo các Bộ, cơ quan là thành viên Ủy ban 1899; Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố tại các các điểm cầu: Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Hải Phòng, thành phố Đà Nẵng, thành phố Cần Thơ, các tỉnh: Quảng Ninh, Lạng Sơn, Bắc Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh, An Giang, Kiên Giang; đại diện đại sứ, cơ quan ngoại giao các nước ASEAN và một số nước khác; đại diện lãnh đạo Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng phát triển Châu Á tại Việt Nam, Tổ chức hỗ trợ phát triển chính thức Hoa Kỳ; lãnh đạo một số Hiệp hội, doanh nghiệp.

Sau khi nghe Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng - Phó Chủ tịch Ủy ban 1899 báo cáo tóm tắt kết quả triển khai và giải pháp thúc đẩy cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN, cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành và tạo thuận lợi thương mại; ý kiến phát biểu của Bộ, cơ quan, đại biểu dự Hội nghị và các điểm cầu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kết luận như sau:

1. Trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng với các nước trong khu vực và thế giới, việc cải cách mang tính đột phá, sâu rộng, hiệu quả cơ chế cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại có ý nghĩa rất quan trọng góp phần thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về cải cách hành chính, nâng cao xếp hạng về môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh của Việt Nam bằng mức trung bình của các nước ASEAN4 và hướng tới nhóm các nước OECD, tạo động lực góp phần vào thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và xuất khẩu.

2. Hội nghị cơ bản nhất trí với Báo cáo tóm tắt Bộ trưởng Bộ Tài chính đánh giá kết quả thực hiện cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại thời gian qua, những tồn tại, yếu kém, nguyên nhân và các giải pháp thúc đẩy triển khai thực hiện trong thời gian tới; các ý kiến phát biểu, góp ý thẳng thắn, trách nhiệm của các Bộ, ngành, các vị đại biểu và địa phương tại các điểm cầu.

3. Thủ tướng Chính phủ ghi nhận, đánh giá cao Ủy ban 1899, các Bộ, ngành, doanh nghiệp thời gian qua có nhiều cố gắng, nỗ lực trong triển khai thực hiện cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại.

Biểu dương Bộ Tài chính - Cơ quan Thường trực Ủy ban 1899 đã chủ động đề xuất và tích cực triển khai kế hoạch thực hiện cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN và công tác cải cách kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

Biểu dương quyết tâm của các Bộ: Công Thương, Giao thông vận tải, Khoa học và Công nghệ, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế trong việc triển khai thực hiện thực hiện cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN và cải cách kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu thời gian qua.

4. Trên cơ sở tổng hợp, tiếp thu ý kiến của các cơ quan, đại biểu tại Hội nghị, giao Ủy ban 1899 chỉ đạo Bộ Tài chính:

a) Trong tháng 8 năm 2018, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch hành động của Chính phủ thúc đẩy thực hiện cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN, kiểm tra chuyên ngành và tạo thuận lợi thương mại giai đoạn 2018 - 2020. Trên cơ sở đó, trong tháng 9 năm 2018, các Bộ, ngành ban hành kế hoạch hành động chi tiết của Bộ, ngành mình.

b) Trong tháng 9 năm 2018, trình Chính phủ dự thảo Nghị định về thực hiện các thủ tục hành chính thông qua cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN và kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

5. Mục tiêu, giải pháp triển khai thực hiện cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một của ASEAN:

a) Đến năm 2020, tất cả các thủ tục hành chính liên quan đến quản lý nhà nước đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh; người và phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh được thực hiện thông qua cơ chế một cửa quốc gia dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4.

Trước mắt, từ nay đến cuối năm 2018, ngoài 53 thủ tục hành chính đã kết nối qua cơ chế một cửa quốc gia, các Bộ, ngành phải hoàn thành việc kết nối 143 thủ tục hành chính đã đăng ký.

b) Tham gia và triển khai đầy đủ cơ chế một cửa ASEAN theo đúng cam kết và lộ trình thực hiện của các nước ASEAN; sẵn sàng về mặt kỹ thuật để để kết nối và trao đổi thông tin với các đối tác thương mại khác ngoài ASEAN theo các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

c) Tất cả các Bộ, cơ quan Chính phủ liên quan trực tiếp và gián tiếp sử dụng thông tin về hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh hàng hóa; người và phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh được kết nối và chia sẻ thông tin quản lý nhà nước thông qua Cổng thông tin một cửa quốc gia.

6. Mục tiêu, giải pháp cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu:

a) Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan làm rõ khái niệm, nội hàm về kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu để có giải pháp quản lý phù hợp.

b) Cải cách toàn diện công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu theo nguyên tắc chỉ kiểm tra tại cửa khẩu đối với các mặt hàng tác động đến an toàn xã hội, an ninh quốc gia, phải kiểm dịch hoặc ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dân; chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm trên cơ sở áp dụng quản lý rủi ro và đánh giá tuân thủ của doanh nghiệp; minh bạch, công khai phương pháp, tiêu chí kiểm tra thông qua việc ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn đánh giá; đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động kiểm tra chuyên ngành.

c) Các Bộ, ngành tiếp tục rà soát các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý chuyên ngành, đối chiếu với mục tiêu và nhiệm vụ đề ra tại các Nghị quyết của Chính phủ và Kế hoạch hành động trên đây để sửa đổi, bổ sung theo hướng cắt giảm tối đa các mặt hàng không cần thiết phải kiểm tra trước khi thông quan, nhưng vẫn phải đảm bảo các yêu cầu về quản lý của quan nhà nước và chống buôn lậu, gian lận thương mại; chấm dứt việc ban hành danh mục hàng hóa thuộc diện phải kiểm tra chuyên ngành nhưng không có quy định về quy chuẩn, tiêu chuẩn hoặc tiêu chí, phương pháp kiểm tra (trừ trường hợp hàng hóa đặc thù).

d) Tăng cường sự phối hợp giữa các Bộ, ngành để khắc phục ngay tình trạng chồng chéo, trùng lắp trong kiểm tra chuyên ngành và tình trạng một mặt hàng cùng lúc phải thực hiện nhiều thủ tục, hình thức quản lý, kiểm tra; không để kiểm tra chuyên ngành làm hạn chế thương mại, lưu thông hàng hóa.

đ) Trong năm năm 2018, phấn đấu giảm tỷ lệ các lô hàng phải kiểm tra chuyên ngành xuống dưới 15%; rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa 50% danh mục hàng hóa, sản phẩm và thủ tục kiểm tra chuyên ngành.

7. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố phối hợp với Ủy ban 1899, Bộ Tài chính thường xuyên theo dõi, giám sát việc triển khai cơ chế cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại tại địa phương mình.

8. Tổng cục Hải quan chỉ đạo Cục Hải quan các tỉnh, thành phố chủ trì, tham mưu, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố và Tổng cục tình hình thực hiện cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại trên địa bàn được giao quản lý.

9. Bộ Tài chính định kỳ 06 tháng (hoặc đột xuất khi có yêu cầu), tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ tình hình thực hiện cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại trong phạm vi toàn quốc.

10. Ủy ban 1899, các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục phát huy kết quả bước đầu đạt được thời gian qua, khắc phục các tồn tại, khó khăn, nhân rộng mô hình tốt, nỗ lực phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ đề ra để góp phần vào việc xây dựng Việt Nam là nước thực thi tốt các cam kết quốc tế và có môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi.

Văn phòng Chính phủ thông báo để các cơ quan biết, thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Thủ tướng, các PTTg Chính phủ;
- Ban Kinh tế Trung ương;
- Văn phòng Trung ương;
- Văn phòng Quốc hội;
- Các Bộ: Tài chính, Công Thương, Công an, Giao thông vận tải, Kế hoạch và Đầu tư, Khoa học và Công nghệ, Ngoại giao, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Quốc phòng, Tài nguyên và Môi trường, Thông tin và Truyền thông, Tư pháp, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Xây dựng, Y tế, Nội vụ;
- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;
- Tổng cục Hải quan;
- Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam;
- UBND các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Bắc Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh, An Giang, Kiên Giang;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý của TTgCP, các Vụ: TH, TKBT, QHQT, CN, NN, TCCV, Cục KSTT, TGĐ Cổng TTĐT;
- Lưu: Văn thư, KTTH (3b).S.

KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM




Nguyễn Sỹ Hiệp