ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 30/TB-UB | TP. Hồ Chí Minh, ngày 14 tháng 3 năm 1987 |
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA THƯỜNG TRỰC UBND THÀNH PHỐ VỀ VIỆC TĂNG GIÁ BÁN LẺ 20 MẶT HÀNG THUỐC TRỊ BỆNH
Ngày 12 tháng 2 năm 1987, trong buổi giao ban thường kỳ, Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố đã nghe Ủy ban Vật giá thành phố thay mặt liên Sở (Ủy ban Vật giá, Tài chánh, Y tế) báo cáo về việc tăng giá bán lẻ 20 mặt hàng thuốc trị bệnh. Sau khi hội nghị thảo luận, đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố kết luận như sau :
I- VỀ VIỆC TĂNG GIÁ THUỐC :
Đồng ý cho tăng giá bán lẻ 20 mặt hàng thuốc trị bệnh theo như báo cáo số 91/VGTP-V4 ngày 14 tháng 2 năm 1987 của Ủy ban Vật giá thành phố, nhưng phải quán triệt một số điều sau đây :
1) Những loại thuốc chữa bệnh thông thường đối với cán bộ công nhân viên, lực lượng vũ trang, cán bộ hưu trí, vẫn bán với giá theo chánh sách xã hội và ngân sách Nhà nước sẽ bù lỗ; các loại thuốc khác và ngoài các đối tượng trên đều thực hiện bán đúng theo giá đã đề nghị.
2) Việc tăng giá thuốc sẽ tác động đến nhiều chánh sách xã hội và làm cho chi phí y tế tăng theo, vì vậy cần phải xem xét kỹ để hạn chế việc tăng giá thuốc, trước mắt cần tập trung đổi mới việc tính giá thành : tính đủ, tính đúng, loại bỏ thật sự những bất hợp lý trong giá thành, cải tiến công nghệ sản xuất để hạ giá thành.
3) Mặt hàng thuốc trị bệnh tại thành phố rất phong phú (do thành phố tự sản xuất và thuốc ngoại nhập từ nhiều nguồn), vì vậy cần phải quản lý chặt chẽ không để thất thoát. Khi quan hệ với các tỉnh, thành phố, bạn phải lấy ngoại tệ hoặc tiền mặt để quay vòng.
4) Sở Y tế kiểm tra lại mạng lưới bán thuốc hiện nay để loại bỏ và xử lý nghiêm khắc những hiện tượng tiêu cực, loại trừ những chi phí bất hợp lý để người tiêu dùng không phải chịu giá thuốc quá cao so với chi phí đã tính toán.
II- THƯỜNG TRỰC ỦY BAN CŨNG ĐÃ CHO MỘT SỐ Ý KIẾN CHỈ ĐẠO KHÁC CÓ LIÊN QUAN ĐẾN NGÀNH Y TẾ NHƯ SAU :
a) Về công tác quản lý :
- Sở Y tế cần nghiên cứu tổ chức lại ngành từ Sở đến cơ sở, giảm trung gian trùng lắp, theo hướng : Sở làm nhiệm vụ quản lý Nhà nước, còn sản xuất kinh doanh phải có bộ máy riêng.
- Đối với các bệnh viện, Sở Y tế cần chỉ đạo làm một số việc :
1) Phải cải thiện tình hình của các bệnh viện, xem lại toàn bộ về các mặt : trật tự, vệ sinh, ăn, chữa bệnh, tinh thần phục vụ v.v… Năm 1987 ngành Y tế làm thí điểm ở một bệnh viện về việc nuôi bệnh sao cho tốt hơn so với gia đình bệnh nhân và không để gia đình vào nuôi bệnh nhân trong bệnh viện như hiện nay.
2) Cần nghiên cứu việc phân công, phân cấp một số bệnh viện thành phố cho quận, huyện quản lý để tự lo kinh phí vì khả năng của quận huyện rất lớn. Khi quận huyện nào thật sự khó khăn thì thành phố mới hỗ trợ.
3) Cần chấn chỉnh việc thu viện phí đối với một số đối tượng kể cả đối với các tỉnh, nhưng phải có tính toán và thu ở mức vừa phải, không thu quá đáng.
b) Về y tế phí và việc cấp bù cho cán bộ công nhân viên : Nhất trí tăng y tế phí theo đề nghị của Sở Y tế. Đối với khu vực hành chánh sự nghiệp, ngân sách Nhà nước sẽ bù; còn khu vực sản xuất kinh doanh phải tự cân đối. Sở Y tế có tờ trình cụ thể từng khu vực cho Thường trực Ủy ban.
c) Về bồi dưỡng ca mổ và ca trực trong ngành y tế : Đồng ý cho tăng bình quân tiền bồi dưỡng lên 10 lần so với quy định hiện hành; đồng thời phải có chính sách thỏa đáng đối với những người làm tốt, có trách nhiệm với công việc và xử lý nghiêm đối với các khuyết điểm của một số người.
Thừa lệnh Thường trực Ủy ban, Văn phòng Ủy ban thông báo để các sở, ban, ngành thành phố và các quận, huyện thực hiện.
| TL. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ |
- 1 Quyết định 4340/QĐ-UB-NC năm 1998 bãi bỏ các văn bản qui phạm pháp luật hết hiệu lực ban hành từ ngày 02/7/1976 đến ngày 31/12/1996 của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh
- 2 Quyết định 4340/QĐ-UB-NC năm 1998 bãi bỏ các văn bản qui phạm pháp luật hết hiệu lực ban hành từ ngày 02/7/1976 đến ngày 31/12/1996 của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh