Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ TÀI CHÍNH
TỔNG CỤC HẢI QUAN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 3019/TB-TCHQ

Hà Nội, ngày 03 tháng 06 năm 2013

 

THÔNG BÁO

Ý KIẾN KẾT LUẬN CỦA PTCT NGUYỄN DƯƠNG THÁI - TRƯỞNG BAN CHỈ ĐẠO TẠI BUỔI HỌP ĐÁNH GIÁ TIẾN ĐỘ TRIỂN KHAI XÂY DỰNG BẢO TÀNG HẢI QUAN VIỆT NAM

Ngày 29/05/2013, đồng chí PTCT Nguyễn Dương Thái - Trưởng Ban chỉ đạo xây dựng Bảo tàng Hải quan Việt Nam đã chủ trì buổi họp đánh giá tiến độ triển khai xây dựng Bảo tàng Hải quan Việt Nam. Tham dự cuộc họp gồm có các thành viên Ban chỉ đạo và Tổ giúp việc; đại diện Lãnh đạo Cục Điều tra chống buôn lậu, các chuyên gia của Trung tâm Nghiên cứu và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Sau khi nghe đại diện Tổ giúp việc báo cáo tình hình thực hiện, những khó khăn vướng mắc trong công tác sưu tầm tài liệu, hiện vật; ý kiến góp ý của các chuyên gia cùng ý kiến tham gia của các thành viên Ban chỉ đạo, PTCT Nguyễn Dương Thái - Trưởng Ban chỉ đạo đã kết luận như sau:

Trân trọng ghi nhận và đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, sự nỗ lực, nhiệt tình của chuyên gia trong việc chuẩn bị tài liệu, hiện vật cho xây dựng Bảo tàng Hải quan Việt Nam. Đồng thời về cơ bản nhất trí với đánh giá nêu trong Báo cáo của Tổ giúp việc về tình hình tiến độ, những khó khăn, vướng mắc trong việc sưu tầm các tài liệu, hiện vật phục vụ trưng bày của Bảo tàng Hải quan Việt Nam.

Để công tác sưu tầm tài liệu, hiện vật đạt hiệu quả cao nhất, tích cực chuẩn bị cho giai đoạn thiết kế chi tiết Bảo tàng, Lãnh đạo Tổng cục yêu cầu:

A. Về phương pháp:

1- Tổ giúp việc cần chủ động trong nắm bắt tình hình, đề xuất kịp thời với Ban chỉ đạo và Tổ chuyên gia trong thực hiện các nội dung công việc của kế hoạch xây dựng Bảo tàng.

2- Văn phòng Tổng cục và Ban chỉ đạo cần có biện pháp cụ thể, hiệu quả nhằm khơi dậy trách nhiệm, lòng tự hào nghề nghiệp của Lãnh đạo các đơn vị trong ngành Hải quan đối với việc hỗ trợ cùng chuyên gia khai thác thông tin, sưu tầm tài liệu, hiện vật lịch sử cho Bảo tàng Hải quan Việt Nam. Tổ giúp việc cần căn cứ tình hình thực tế, kịp thời đề xuất biện pháp nhằm thúc đẩy các đơn vị thực sự “vào cuộc” đối với công tác này.

3- Văn phòng Tổng cục phối hợp với các đơn vị hải quan tìm biện pháp và tạo mọi điều kiện để tận dụng, khai thác kiến thức và kinh nghiệm của chuyên gia cho công tác xây dựng Bảo tàng Hải quan Việt Nam.

B. Nội dung cụ thể:

1. Tổ giúp việc cần thống kê và thu thập thêm thông tin từ các đơn vị (Cục ĐTCBL, Cục Thuế XNK, Cục CNTT&TKHQ...), đánh giá nguồn tài liệu, hiện vật mà các đơn vị có thế mạnh để từ đó đề nghị các đơn vị cung cấp, bổ sung cho bảo tàng.

2. Tổ giúp việc rà soát, sắp xếp thứ tự ưu tiên, khai thác, phát hiện và đề xuất nội dung để các chuyên gia đi điền dã tại các đơn vị, lưu ý nguồn tư liệu, hiện vật của các cán bộ hưu trí tại các Cục Hải quan tỉnh, thành phố. Văn phòng lên kế hoạch chi tiết trước mỗi chuyến công tác để các Cục Hải quan tỉnh, thành phố tạo mọi điều kiện tốt nhất trong quá trình thu thập tài liệu, hiện vật, đồng thời mở rộng các kênh sưu tầm để bổ sung thêm nguồn tư liệu cho bảo tàng.

3. Tổ giúp việc đánh giá hiện vật và thống kê các hiện vật có giá trị trưng bày tại các Phòng truyền thống Cục Hải quan các tỉnh, thành phố; đề xuất hình thức mượn hoặc làm các bản phục chế để trưng bày tại Bảo tàng Hải quan Việt Nam.

4. Văn phòng phối hợp với chuyên gia lập danh mục các tài liệu, hiện vật liên quan đến các vụ án, các công cụ hỗ trợ lực lượng chống buôn lậu cần sưu tầm và trao đổi với Cục Điều tra chống buôn lậu cùng các đơn vị liên quan để tiến hành các thủ tục pháp lý cần thiết để sưu tầm phục vụ trưng bày tại bảo tàng.

5. Các đơn vị thuộc cơ quan Tổng cục và cục Hải quan các tỉnh, thành phố nghiêm túc thực hiện nội dung Công văn số 408/TCHQ-VP ngày 16/01/2013, phân công cán bộ tổ chức sưu tầm tài liệu, hiện vật bổ sung cho bảo tàng, khẩn trương báo cáo kết quả về Tổng cục.

6. Viện Nghiên cứu Hải quan cung cấp toàn bộ các tư liệu, hiện vật liên quan đến quá trình viết cuốn Lịch sử 60 năm Hải quan Việt Nam và các tư liệu cần thiết khác để các chuyên gia nghiên cứu xây dựng nội dung trưng bày.

7. Cục Điều tra chống buôn lậu đánh giá, thống kê nguồn tài liệu, hiện vật liên quan đến công tác nghiệp vụ (máy ngửi ma túy, bộ dụng cụ thử hoạt chất ma túy...) và các hiện vật là hồ sơ, tang vật các vụ án điển hình (mẫu cần sa, thuốc phiện, hồ sơ các vụ án...) đồng thời theo dõi các vụ việc đang diễn ra và thông báo cho chuyên gia, Tổ giúp việc để có hướng thu thập hiện vật nhanh nhất.

8. Về tiến độ thực hiện: Đồng ý lùi thời gian đi sưu tầm tư liệu, hiện vật đến hết tháng 7/2013 và dự kiến thời gian hoàn thành kế hoạch xây dựng Bảo tàng Hải quan Việt Nam vào tháng 12/2013. Giữa tháng 7/2013, các chuyên gia cần có báo cáo đánh giá số lượng và chất lượng các hiện vật đã sưu tầm.

9. Tổ giúp việc phối hợp với các chuyên gia và đơn vị thiết kế sớm triển khai gói thầu tư vấn thiết kế đồng thời triển khai gói thầu xây dựng Bảo tàng Hải quan Việt Nam để kế hoạch xây dựng bảo tàng đảm bảo tiến độ và chất lượng.

10. Tổ giúp việc phân công cán bộ làm đầu mối, chủ động liên hệ với các đơn vị để có thông tin và tiếp cận ngay các tài liệu, hiện vật cần thiết để phục vụ trưng bày bảo tàng.

11. Văn phòng Tổng cục phối hợp với Vụ Pháp chế và các đơn vị liên quan tìm biện pháp phù hợp để chuyển các tài liệu, hiện vật lịch sử nằm tại các đơn vị về Bảo tàng Hải quan Việt Nam.

Văn phòng thông báo để các đơn vị biết và thực hiện./.

 

 

Nơi nhận:
- Tổng cục trưởng (để b/c, kèm theo Báo cáo của Tổ giúp việc);
- Thành viên Ban chỉ đạo (để chỉ đạo);
- Thành viên Tổ giúp việc (để thực hiện);
- Tổ chuyên gia tư vấn (để phối hợp);
- Các đơn vị thuộc và trực thuộc TCHQ;
- Lưu: VT, VP-TH.

TL. TỔNG CỤC TRƯỞNG
KT. CHÁNH VĂN PHÒNG
PHÓ CHÁNH VĂN PHÒNG




Nguyễn Duy Thuận