VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 302/TB-VPCP | Hà Nội, ngày 16 tháng 12 năm 2011 |
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA ĐỒNG CHÍ NGUYỄN XUÂN PHÚC, ỦY VIÊN BỘ CHÍNH TRỊ, PHÓ THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ TẠI HỘI NGHỊ TỔNG KẾT 10 NĂM THỰC HIỆN LUẬT PHÒNG CHÁY VÀ CHỮA CHÁY
Ngày 28 tháng 11 năm 2011, tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Mỹ Đình, Hà Nội, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng cháy và chữa cháy. Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành, đoàn thể liên quan ở Trung ương; đại diện lãnh đạo Ủy ban nhân dân, Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Giám đốc Sở Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy 8 tỉnh, thành phố và một số Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước.
Sau khi nghe lãnh đạo Bộ Công an báo cáo Tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng cháy và chữa cháy và ý kiến phát biểu của các đại biểu dự Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã kết luận như sau:
Đồng ý với báo cáo của Bộ Công an về đánh giá tình hình và kết quả 10 năm thực hiện Luật Phòng cháy và chữa cháy. Bộ Công an đã chỉ đạo các lực lượng Công an, nòng cốt là Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ triển khai các biện pháp phòng ngừa, thường xuyên tổ chức kiểm tra, hướng dẫn các đơn vị cơ sở thực hiện công tác bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy; phát hiện, hướng dẫn khắc phục nhiều sơ hở, thiếu sót, vi phạm về phòng cháy, chữa cháy nhằm bảo vệ an toàn cơ quan, công trình trọng điểm, các sự kiện chính trị quan trọng của đất nước. Đã kịp thời dập tắt trên 12.000 vụ cháy, cứu và bảo vệ được khối lượng tài sản trị giá hàng chục nghìn tỷ đồng, hướng dẫn thoát nạn và cứu được hàng nghìn người thoát khỏi đám cháy và tai nạn khác. Đã kiềm chế sự gia tăng về số vụ cháy và thiệt hại do cháy gây ra, góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Tuy nhiên, 10 năm qua số vụ cháy vẫn nhiều, gây thiệt hại lớn về tài sản và tính mạng con người (gần 20.000 vụ cháy ở cơ sở, nhà dân và hơn 6.000 vụ cháy rừng, làm chết 712 người, bị thương 1.911 người, thiệt hại về tài sản ước tính trị giá hơn 4.000 tỷ đồng và hơn 44.000 ha rừng). Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng trên là do công tác phòng cháy ở một số nơi chưa chủ động, tích cực, các điều kiện an toàn về phòng cháy, chữa cháy chưa được duy trì thường xuyên; lãnh đạo một số cơ quan, tổ chức, đơn vị, cơ sở và quần chúng nhân dân nhận thức chưa sâu sắc và chưa đề cao trách nhiệm của mình trong công tác phòng cháy, chữa cháy. Việc quy hoạch bố trí lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ chưa phù hợp, trang bị phương tiện phòng cháy, chữa cháy và tổ chức lực lượng phòng cháy, chữa cháy cơ sở và dân phòng ở nhiều nơi còn thiếu.
Thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2011-2015 và chiến lược 10 năm (2011-2020), tốc độ công nghiệp hóa, đô thị hóa ở nước ta phát triển ngày càng nhanh, công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cần phải tiếp tục đổi mới cả về nhận thức và hành động mới đáp ứng được yêu cầu trong tình hình mới. Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Luật Phòng cháy và chữa cháy, hạn chế đến mức thấp nhất các vụ cháy xảy ra, các Bộ, ngành, địa phương và đơn vị, cơ sở cần tập trung thực hiện tốt những nhiệm vụ trọng tâm sau đây:
1. Các cấp ủy Đảng, chính quyền xác định nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy là nhiệm vụ chính trị thường xuyên, lâu dài phải quan tâm chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện quy định phòng cháy, chữa cháy, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia công tác phòng cháy, chữa cháy. Phải quán triệt và thực hiện tốt nguyên tắc trong hoạt động phòng cháy, chữa cháy lấy phòng ngừa là chính. Khi xảy ra cháy phải nhanh chóng, kịp thời chữa cháy, hạn chế thấp nhất thiệt hại. Công tác chữa cháy cần quán triệt thực hiện phương châm 4 tại chỗ: lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ và chỉ huy tại chỗ, tiến tới xã hội hóa công tác phòng cháy, chữa cháy.
2. Các Bộ, ngành, địa phương chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ tại Chỉ thị số 1643/CT-TTg ngày 31 tháng 8 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường chỉ đạo thực hiện một số nhiệm vụ cấp bách, trọng tâm trong công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; tiến hành sơ kết, đánh giá 2 năm thực hiện Chỉ thị, báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ.
3. Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan thông tấn báo chí đẩy mạnh tuyên truyền kiến thức pháp luật về phòng cháy, chữa cháy, nâng cao ý thức trách nhiệm của người đứng đầu các đơn vị, cơ sở và mọi người thực hiện đúng quy định của Luật Phòng cháy và chữa cháy; dành chuyên mục riêng tuyên truyền, hướng dẫn, phổ biến kiến thức pháp luật về phòng cháy, chữa cháy, những kiến thức cơ bản về phòng cháy, chữa cháy.
4. Các Bộ, ngành, địa phương tăng cường chỉ đạo và quan tâm đầu tư cho công tác phòng cháy, chữa cháy, ưu tiên đầu tư xây dựng, duy trì hoạt động của đội dân phòng và phòng cháy, chữa cháy tại cơ sở; trang bị phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cần thiết cho lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; triển khai có hiệu quả Đề án “Quy hoạch tổng thể hệ thống cơ sở phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trong Công an nhân dân đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
5. Tập trung xây dựng lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ giỏi về nghiệp vụ, vững vàng về chính trị, làm tốt công tác phòng cháy, sẵn sàng dũng cảm chữa cháy, củng cố, bồi dưỡng nâng cao hiệu quả hoạt động của đội dân phòng và phòng cháy, chữa cháy cơ sở, nhất là những cơ sở có nguy cơ cháy, nổ cao như nhà cao tầng, các khu công nghiệp, chợ, cơ sở xăng dầu…
Bộ Công an phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố đã thành lập Sở Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy sơ kết việc triển khai hoạt động của 8 Sở Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy, từ đó nghiên cứu, đề xuất việc thành lập các Sở Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trọng điểm về cháy, nổ.
6. Bộ Công an phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường chỉ đạo, đôn đốc và trực tiếp thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy từ khi thiết kế, thi công, nghiệm thu công trình và hoạt động của lực lượng phòng cháy, chữa cháy tại cơ sở.
Năm 2012, tập trung chỉ đạo giải quyết dứt điểm những vấn đề bức xúc, tồn tại và những nguy cơ gây mất an toàn về phòng cháy, chữa cháy đối với các lĩnh vực, chuyên đề phòng cháy, chữa cháy trọng điểm như: Xăng dầu, khí đốt hóa lỏng, vật liệu nổ công nghiệp, chợ, trung tâm thương mại, nhà cao tầng, kho tàng và cơ sở sản xuất lớn… Xử lý nghiêm khắc các trường hợp vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy.
7. Bộ Công an phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan xây dựng, hoàn thiện các văn bản pháp luật về phòng cháy, chữa cháy, trong đó cần chú ý các quy định về chế độ, chính sách đối với người tham gia công tác phòng cháy, chữa cháy; về định mức đầu tư hạng mục phòng cháy, chữa cháy đối với công trình xây dựng; các tiêu chuẩn, quy chuẩn về phòng cháy, chữa cháy cho phù hợp với tình hình mới, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy… Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nghiên cứu, đề xuất chế độ, chính sách đối với các đội viên phòng cháy, chữa cháy quần chúng bị thương, hy sinh trong khi tham gia chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
8. Giao Bộ Công an kiểm tra, đôn đốc thực hiện Kết luận này, hàng năm tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Văn phòng Chính phủ xin thông báo để các Bộ, ngành, cơ quan, địa phương liên quan biết, thực hiện./.
Nơi nhận: | KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |