Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 302/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 31 tháng 07 năm 2014

 

THÔNG BÁO

Ý KIẾN KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG NGUYỄN XUÂN PHÚC, TRƯỞNG BAN CHỈ ĐẠO QUỐC GIA CHỐNG BUÔN LẬU, GIAN LẬN THƯƠNG MẠI VÀ HÀNG GIẢ

Ngày 23 tháng 7 năm 2014, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 quốc gia) chủ trì cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia. Dự họp có Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, Phó Trưởng Ban thường trực, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng Phó Trưởng Ban, đại diện lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia. Trước đó, ngày 18 tháng 7 năm 2014, Phó Thủ tướng, Trưởng Ban đã làm việc, kiểm tra tại tỉnh Tây Ninh, ngày 21 tháng 7 năm 2014 làm việc với Tổng cục Hải quan về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Qua kết quả kiểm tra, làm việc và ý kiến của các đồng chí tại cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia có ý kiến kết luận như sau:

Chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân và cả hệ thống chính trị, trong đó các cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương, các lực lượng chức năng có vai trò chủ công, nòng cốt, quyết định sự thành bại trên mặt trận này. Để đấu tranh có hiệu quả, từng bước ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, yêu cầu:

1. Bộ trưởng các Bộ, Thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phải thường xuyên chỉ đạo quyết liệt, sâu sát và chịu trách nhiệm trước Đảng và nhà nước về tình hình và kết quả công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Địa phương nào chưa kiện toàn thì phải kiện toàn ngay Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả và lập ngay các kế hoạch triển khai cụ thể trên địa bàn.

2. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan liên quan nghiên cứu sửa đổi, bổ sung hoặc trình sửa đổi, bổ sung các chính sách quy định về hoàn thuế giá trị gia tăng; chính sách miễn thuế đối với cư dân biên giới (theo phân công tại Điều 5 Nghị định số 87/2010/NĐ-CP ngày 13 tháng 8 năm 2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu); chính sách miễn thuế ô tô của Việt kiều hồi hương nhằm khắc phục bất cập, sơ hở, đảm bảo không để các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại lợi dụng làm thất thu, thất thoát ngân sách. Chỉ đạo Tổng cục Thuế chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tập trung rà soát các doanh nghiệp đã được quyết toán hoàn thuế mặt hàng rượu, bia từ năm 2011 đến nay, kịp thời xử lý và thu hồi ngân sách số tiền bị chiếm đoạt trái phép. Chỉ đạo Tổng cục Hải quan chủ trì, phối hợp với Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) và các cơ quan liên quan tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý tình trạng nhập khẩu các mặt hàng không đảm bảo chất lượng, đặc biệt là hoa quả, thực phẩm các loại.

3. Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan nghiên cứu sửa đổi, bổ sung hoặc trình sửa đổi, bổ sung các chính sách về kinh doanh tạm nhập tái xuất, gửi kho ngoại quan (trước mắt có thể tạm dừng việc tạm nhập, tái xuất, gửi kho ngoại quan đối với ô tô, thuốc lá, rượu); chính sách áp dụng tại các khu kinh tế cửa khẩu, khu thương mại nhằm khắc phục những bất cập, sơ hở, đảm bảo không để các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại lợi dụng. Nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện tổ chức, hoạt động của lực lượng Quản lý thị trường, đảm bảo nâng cao hiệu quả công tác. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan cập nhật kịp thời chính sách biên mậu của Trung Quốc để khuyến cáo các doanh nghiệp Việt Nam, hạn chế tình trạng hàng hóa xuất khẩu ùn tắc tại cửa khẩu. Chỉ đạo Cục Quản lý thị trường chủ trì, phối hợp với Tổng cục Hải quan, Cục Bảo vệ thực vật tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm tình trạng nhập lậu, kinh doanh phân bón và thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng.

4. Bộ Quốc phòng chỉ đạo lực lượng Bộ đội Biên phòng tăng cường kiểm soát các đường mòn, lối mở biên giới, đặc biệt là những địa bàn các đối tượng buôn lậu thường xuyên hoạt động. Chỉ đạo lực lượng Cảnh sát biển tăng cường tuần tra, kiểm tra kiểm soát trên biển, đặc biệt là vùng biển Bắc Bộ và vùng biển phía Nam, nhằm ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi buôn lậu xăng dầu, gỗ, khoáng sản, thuốc lá, thuốc nổ, pháo.

5. Bộ Công an chỉ đạo Tổng cục Cảnh sát Phòng, chống tội phạm phối hợp với các lực lượng chức năng tổ chức triệt phá các đường dây, “ổ nhóm” buôn lậu ô tô, mô tô, thuốc lá, rượu, đường; xác lập một số chuyên án về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả để tuyên truyền kịp thời trên các phương thông tin đại chúng nhằm răn đe, phòng ngừa.

6. Tư lệnh Bộ đội biên phòng, Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Phòng, chống tội phạm, Tư lệnh Cảnh sát biển, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường phải:

- Đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu; nếu để xảy ra tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại kéo dài hoặc nghiêm trọng trên địa bàn nào thì người đứng đầu đơn vị phải chịu trách nhiệm. Chú trọng công tác quản lý đội ngũ cán bộ, công chức; xử lý kỷ luật, buộc thôi việc những cán bộ, công chức có hành vi bảo kê, tiếp tay cho buôn lậu; đối với những cán bộ, công chức có thông tin phản ánh tiêu cực, chưa đủ cơ sở kết luận thì trước hết phải điều chuyển, bố trí công tác khác; thực hiện việc luân chuyển cán bộ, công chức theo đúng quy định, đặc biệt là tại các vị trí “nhạy cảm”, dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng.

- Làm tốt công tác dự báo tình hình, xây dựng phương án, kế hoạch phối hợp cụ thể giữa các lực lượng năng trên các tuyến, địa bàn, đặc biệt là các địa bàn trọng điểm (tuyến biên giới phía Bắc, tuyến biên giới phía Tây Nam). Thực hiện tốt chế độ thông tin báo cáo với Ban Chỉ đạo 389 quốc gia. Chủ động phối hợp với các cơ quan thông tin báo chí đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật để người dân hiểu, thấy rõ tác hại của hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, không tham gia, không tiếp tay cho những hành vi này.

- Tăng cường hợp tác quốc tế để chia sẻ thông tin, trao đổi kinh nghiệm; đẩy nhanh tiến độ hiện đại hóa, ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực được giao nhưng phải đảm bảo phù hợp với thực tiễn Việt Nam; tăng cường công tác kiểm tra sau thông quan để kịp thời phát hiện và xử lý vi phạm.

- Phối hợp tốt các cơ quan tố tụng để xác định một số vụ án điểm liên quan đến buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả và đẩy nhanh tiến độ xử lý để đưa các đối tượng có sai phạm ra xét xử nghiêm minh, kịp thời trước pháp luật.

7. Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia khẩn trương xây dựng quy chế thông tin báo cáo; quy chế xác định trách nhiệm cá nhân, tập thể trong toàn lực lượng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Tham mưu, đề xuất Ban Chỉ đạo thành lập các Tổ công tác kiểm tra các Bộ, ngành, lực lượng chức năng và các địa phương trọng việc thực hiện ý kiến chỉ đạo của Trưởng Ban. Lập danh mục các văn bản liên quan đến công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả cần sửa đổi, bổ sung và các vụ án điểm, các vụ buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả nghiêm trọng cần theo dõi, đôn đốc và có ý kiến của Ban Chỉ đạo. Phối hợp thường xuyên với các cơ quan thông tấn báo chí và các lực lượng chức năng để xây dựng nội dung và làm tốt công tác tuyên truyền.

Văn phòng Chính phủ thông báo để các cơ quan liên quan biết, thực hiện; báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ và Trưởng Ban Chỉ đạo trước ngày 30 tháng 9 năm 2014./.

 

 

Nơi nhận:
- TTg CP, các PTTg (để b/c);
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Ban Nội chính Trung ương;
- UB TW MT TQ Việt Nam;
- Các Thành viên BCĐ 389 quốc gia;
- Các cơ quan: Bộ Tư lệnh Bộ đội BP, Bộ Tư lệnh CSB Tổng cục CSPC tội phạm, Tổng cục Hải quan, Tổng cục Thuế, Cục Quản lý thị trường;
- Văn phòng TT BCĐ 389 quốc gia;
- VPCP: BTCN, các PCN, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ: NC, KTTH, KTN, KGVX, TH;
- Lưu: VT, V.I (3). ĐVD.147

KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM




Nguyễn Quang Thắng