VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 308/TB-VPCP | Hà Nội, ngày 18 tháng 7 năm 2017 |
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG TRỊNH ĐÌNH DŨNG - TRƯỞNG BAN CHỈ ĐẠO VỀ ĐẦU TƯ THEO HÌNH THỨC ĐỐI TÁC CÔNG - TƯ
Ngày 21 tháng 6 năm 2017 và ngày 30 tháng 6 năm 2017, tại Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng - Trưởng Ban chỉ đạo về đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP) đã chủ trì phiên họp lần thứ 8 của Ban Chỉ đạo và cho ý kiến về nội dung dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 15/2015/NĐ-CP và Nghị định số 30/2015/NĐ-CP. Tham dự các cuộc họp có sự tham gia của đại diện các Bộ, ngành, địa phương là thành viên Ban Chỉ đạo. Sau khi nghe Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo và một số ý kiến phát biểu của các đại biểu dự họp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng - Trưởng Ban Chỉ đạo đã kết luận như sau:
1. Về đánh giá chung:
Mô hình đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT tại Việt Nam đã được triển khai từ 20 năm trước (Nghị định số 77/CP ngày 18 tháng 6 năm 1997), đến nay đã được sửa đổi, bổ sung nhiều lần, tiếp cận với thông lệ quốc tế về mô hình đầu tư PPP. Tuy nhiên, trong thực tiễn triển khai các dự án PPP còn một số vướng mắc như: chịu tác động của nhiều luật liên quan như Luật Ngân sách nhà nước, Luật đầu tư, Luật đầu tư công, Luật doanh nghiệp, Luật đất đai, Luật xây dựng...; sự không rõ ràng giữa PPP và khái niệm “xã hội hóa” đầu tư; một số quy định tại Nghị định số 15/2015/NĐ-CP và Nghị định số 30/2015/NĐ-CP chưa phù hợp; khó khăn về nguồn vốn đầu tư...; đặc biệt là năng lực của một số nhà đầu tư còn hạn chế cả về năng lực tài chính và kinh nghiệm.
Do đó, trong thời gian tới cần phải tập trung nghiên cứu, sửa đổi chính sách pháp luật để tạo điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư; thống nhất ý chí huy động các nguồn lực nói chung để phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội của cả nước. Từ những bất cập đã được chỉ ra trong thực tiễn, các Bộ, ngành và địa phương cần nghiêm túc chấn chỉnh, đặt lợi ích của nhà nước và cộng đồng lên hàng đầu, không cho phép tồn tại lợi ích nhóm, tham nhũng, tiêu cực.
2. Về định hướng sửa đổi các Nghị định số 15/2015/NĐ-CP và số 30/2015/NĐ-CP:
Trong thời gian nghiên cứu sửa đổi các Luật có liên quan và xây dựng Luật đầu tư PPP, đồng ý về nguyên tắc các nội dung định hướng sửa đổi, bổ sung hai Nghị định nêu trên như báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương tiếp thu ý kiến các Bộ, ngành, địa phương và các Thành viên Ban chỉ đạo để hoàn thiện dự thảo sửa đổi hai Nghị định này, gửi Bộ Tư pháp thẩm định, trình Chính phủ trong tháng 8 năm 2017, trong đó lưu ý một số vấn đề sau:
- Quản lý theo cách tiếp cận đầu ra: Cơ quan nhà nước có thẩm quyền công bố nhu cầu về công trình, dịch vụ công để các nhà đầu tư có thể tiếp cận thông tin một cách bình đẳng. Nhà đầu tư tự cân đối nguồn lực (bao gồm vốn chủ sở hữu; khả năng huy động vốn tín dụng; mức lãi suất tín dụng trên thị trường; mức lợi nhuận chấp nhận được của nhà đầu tư; lường trước các rủi ro...) để quyết định việc tham gia dự thầu. Nhà đầu tư/ Doanh nghiệp dự án được thu giá, phí dựa trên chất lượng dịch vụ cung cấp; chịu trách nhiệm về chất lượng công trình, dịch vụ gắn với quyền lợi của mình trong quá trình khai thác, vận hành dự án.
- Tăng cường phân cấp; nâng cao trách nhiệm của Cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc triển khai dự án, từ việc quyết định chủ trương đầu tư, cân đối nguồn lực, thẩm định dự án, lựa chọn nhà đầu tư và giám sát tổ chức thực hiện, vận hành công trình theo đúng quy định tại Hợp đồng dự án và quy định của pháp luật.
- Các bộ, ngành và địa phương phải ưu tiên dành nguồn lực ngân sách để hỗ trợ các dự án có khả năng đầu tư PPP; sau khi không đấu thầu được nhà đầu tư mới xem xét hình thức đầu tư công.
- Nghiên cứu rút ngắn thời gian đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư nhưng vẫn bảo đảm tính công khai, minh bạch và hiệu quả.
3. Về một số nhiệm vụ cần triển khai trong thời gian tới:
a) Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và địa phương để đẩy mạnh hỗ trợ chuẩn bị các dự án ưu tiên từ nguồn vốn hỗ trợ chuẩn bị đầu tư (PDF).
b) Các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh: Trên cơ sở kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn dự kiến được phân bổ và các nguồn lực khác, tiếp tục rà soát thứ tự ưu tiên để lập và công bố danh mục dự án PPP làm cơ sở mời gọi đầu tư; chủ động nghiên cứu giải pháp thu hút đầu tư trên nguyên tắc thị trường, công khai, minh bạch.
c) Giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính đánh giá cụ thể nhu cầu vốn tín dụng cho các dự án PPP trong giai đoạn tới, đề xuất các giải pháp khả thi để thu xếp vốn.
d) Giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu các cơ chế bảo lãnh để áp dụng thí điểm cho một số dự án PPP giao thông quan trọng; dự thảo cơ chế sử dụng nguồn vốn đầu tư của Nhà nước đối với dự án PPP, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 10 năm 2017.
đ) Đối với Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông: Giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính tính toán cụ thể các kịch bản về khả năng huy động vốn tín dụng, bảo đảm đáp ứng phương án đầu tư dự kiến trình Quốc hội, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
e) Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn các Bộ, ngành và địa phương cập nhật thông tin trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia và Trang thông tin về PPP để phục vụ chương trình truyền thông về PPP.
g) Yếu cầu các Bộ khẩn trương thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 220/TB-VPCP ngày 10 tháng 7 năm 2015 tại cuộc họp Ban chỉ đạo lần thứ 7, trong đó: các Bộ: Giao thông vận tải, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thống kê vốn đầu tư ngoài ngân sách trong tổng vốn đầu tư toàn ngành (từ Trung ương đến địa phương) đối với từng ngành, lĩnh vực, phân theo từng nhóm ngành cụ thể theo hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Tài chính chủ trì tổng hợp, đánh giá số liệu về nợ công của các dự án và các nghĩa vụ về tài chính của Nhà nước trong các hợp đồng PPP đã ký với nhà đầu tư trong từng ngành và trong cả nước; Bộ Tư pháp rà soát, báo cáo chung về nghĩa vụ pháp lý của cơ quan nhà nước trong các hợp đồng đã ký (các cam kết có khả năng dẫn đến tranh chấp hoặc không phù hợp với quy định của pháp luật, điều ước quốc tế).
h) Trong quá trình thực hiện, trường hợp có vướng mắc hoặc đề xuất, các Bộ, ngành và địa phương gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, kịp thời báo cáo Ban chỉ đạo để xem xét, giải quyết.
Văn phòng Chính phủ xin thông báo để Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan liên quan biết, thực hiện./.
| KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |
- 1 Thông báo 220/TB-VPCP năm 2015 kết luận của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải - Trưởng Ban Chỉ đạo về đầu tư theo hình thức đối tác công tư tại phiên họp Ban Chỉ đạo lần thứ 7 do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 2 Luật ngân sách nhà nước 2015
- 3 Nghị định 30/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư
- 4 Nghị định 15/2015/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức đối tác công tư
- 5 Luật Đầu tư 2014
- 6 Luật Doanh nghiệp 2014
- 7 Luật Đầu tư công 2014
- 8 Luật Xây dựng 2014
- 9 Công văn 3600/VPCP-KTN năm 2014 áp dụng hình thức chỉ định thầu đối với gói thầu thuộc Dự án đầu tư xây dựng cầu Đồng Quang, tỉnh Phú Thọ do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 10 Luật đất đai 2013
- 11 Công văn 9462/VPCP-KTN thay đổi hình thức đầu tư tuyến đường trục Bắc - Nam, tỉnh Hải Dương do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 12 Nghị định 77-CP năm 1997 về Quy chế đầu tư theo hình thức hợp đồng Xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao (B.O.T) áp dụng cho đầu tư trong nước
- 1 Công văn 2258/VPCP-KTN về xin chủ trương đầu tư một số tuyến đường giao thông trên địa bàn thành phố Hà Nội theo hình thức Hợp đồng BT của Nhà đầu tư do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 2 Công văn 9462/VPCP-KTN thay đổi hình thức đầu tư tuyến đường trục Bắc - Nam, tỉnh Hải Dương do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 3 Công văn 3600/VPCP-KTN năm 2014 áp dụng hình thức chỉ định thầu đối với gói thầu thuộc Dự án đầu tư xây dựng cầu Đồng Quang, tỉnh Phú Thọ do Văn phòng Chính phủ ban hành