Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 312/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 24 tháng 08 năm 2018

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ NGUYỄN XUÂN PHÚC TẠI CUỘC HỌP VỀ HỖ TRỢ KHẨN CẤP NHÀ Ở CHO CÁC HỘ DÂN BỊ MẤT NHÀ DO LŨ ỐNG, LŨ QUÉT, SẠT LỞ ĐẤT

Ngày 23 tháng 8 năm 2018, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp về hỗ trợ khẩn cấp nhà ở cho các hộ dân bị mất nhà do lũ ống, lũ quét, sạt lở đất. Tham dự cuộc họp có Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, đại diện lãnh đạo các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Lao động - Thương binh và Xã hội, Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính và Văn phòng Chính phủ; Bí thư Tỉnh ủy và Chủ tịch Ủy ban ban nhân dân các tỉnh: Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình, Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Nam và Bình Thuận.

Sau khi nghe báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ý kiến của các địa phương và các Bộ, cơ quan có liên quan, Thủ tướng Chính phủ kết luận và chỉ đạo như sau:

1. Việt Nam là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất của thiên tai, biến đổi khí hậu. Thời gian qua, biến đổi khí hậu tác động rõ rệt đến thời tiết, thiên tai. Chính phủ đã có Nghị quyết chuyên đề về công tác phòng chống thiên tai, chỉ đạo chủ động phòng chống thiên tai trên phạm vi toàn quốc, đặc biệt là phòng chống thiên tai cực đoan; Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị về phòng tránh lũ ống, lũ quét, sạt lở đất; đôn đốc triển khai Chương trình bố trí ổn định dân cư vùng thiên tai nhằm giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, bảo vệ tính mạng và tài sản của người dân.

Từ đầu năm 2017 đến nay, thiên tai xảy ra liên tiếp, gây thiệt hại nặng nề. Theo tổng hợp của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, riêng lũ ống, lũ quét, sạt lở đất đã làm 134 người chết và mất tích, khoảng 5.000 ngôi nhà bị sập đổ, trôi, hàng nghìn hộ phải di dời khẩn cấp để đảm bảo an toàn tính mạng. Mặc dù, các địa phương đã rất nỗ lực, tập trung huy động nguồn lực hỗ trợ người dân khôi phục lại nhà cửa, sắp xếp chỗ ở, nhưng đến nay vẫn còn 5.592 hộ dân bị mất nhà chưa có nhà ở hoặc đang phải ở trong các lều bạt, đời sống rất khó khăn.

2. Biểu dương, đánh giá cao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chủ động theo dõi, kịp thời đề xuất, kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ khẩn cấp nhà ở cho các hộ dân bị mất nhà do lũ ống, lũ quét, sạt lở đất. Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ báo cáo tại phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật ngày 16 tháng 8 năm 2018; Chính phủ đã thông qua chủ trương, đưa vào Nghị quyết phiên họp và giao Thủ tướng Chính phủ quyết định cụ thể. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để xem xét hỗ trợ và điều chỉnh các quy định có liên quan.

3. Chính phủ, các Bộ, ngành trung ương, đặc biệt là cấp ủy, chính quyền các địa phương cần tập trung chỉ đạo, có biện pháp cấp bách, cụ thể, lo cho đời sống của người dân, ưu tiên giải quyết ngay những vấn đề bức xúc nhất; trước hết tập trung sắp xếp chỗ ở, hỗ trợ nhà ở cho các hộ dân bị mất nhà ở do thiên tai hiện đang không có nhà ở, phải đi ở nhờ hoặc ở lều, lán, nhà tạm với những giải pháp quyết liệt, hành động mạnh mẽ, kịp thời, bằng nhiều nguồn lực khác nhau không để tình trạng người dân không có nhà ở ổn định, chắc chắn. Đồng thời phải bố trí đất sản xuất, tạo điều kiện bảo đảm sinh kế, ổn định cuộc sống cho người dân (chỗ ở, đất sản xuất, đi lại, học hành, khám chữa bệnh, hạ tầng thiết yếu về giao thông, điện, nước sinh hoạt).

4. Nguyên tắc bố trí chỗ ở, xây dựng nhà ở cho các hộ dân

- Các địa phương cần làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục nhân dân, tập trung bố trí các hộ dân thuộc đối tượng không có nhà ở theo hướng xen ghép vào các khu dân cư, làng, bản hiện có ở các khu vực an toàn.

- Việc rà soát, thống kê các hộ dân bị mất nhà ở do lũ ống, lũ quét, sạt lở đất hiện nay không có nhà ở để hỗ trợ phải đảm bảo kịp thời, trung thực, chính xác, đúng đối tượng; đồng thời, huy động các nguồn lực, đặc biệt là từ cộng đồng xã hội, doanh nghiệp; dân cư, hộ gia đình, cùng với sự hỗ trợ của nhà nước để giải quyết chỗ ở cho người dân.

- Việc bố trí chỗ ở, hỗ trợ kinh phí, xây dựng nhà ở phải có sự kiểm soát chặt chẽ, hướng dẫn cụ thể của chính quyền địa phương, đảm bảo yêu cầu trước mắt và lâu dài (kết cấu nhà phù hợp với điều kiện, phong tục tập quán từng vùng nhưng phải đảm bảo chắc chắn và vệ sinh môi trường); không bố trí dân cư vào các khu vực không bảo đảm an toàn, nguy cơ bị ảnh hưởng lũ quét, sạt lở đất, phải gắn với đất sản xuất nông nghiệp, cơ sở hạ tầng để đảm bảo đời sống của nhân dân.

5. Về mức hỗ trợ: Đây là hỗ trợ đột xuất, cần đảm bảo kịp thời, công bằng, minh bạch, tiết kiệm, không để thất thoát, lãng phí. Thủ tướng Chính phủ cơ bản đồng ý với đề nghị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhưng điều chỉnh phù hợp giữa hỗ trợ trực tiếp cho hộ dân để xây dựng nhà ở với hỗ trợ cộng đồng dân cư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu (mức hỗ trợ khoảng 100 triệu đồng/hộ bao gồm cả hỗ trợ nhà ở và hạ tầng); nghiên cứu, tiếp thu kinh nghiệm của tỉnh Quảng Nam trong việc hỗ trợ các hộ dân bị mất nhà cửa do thiên tai để xác định mức hỗ trợ, nội dung hỗ trợ phù hợp.

6. Giao Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh chịu trách nhiệm tổ chức rà soát, thống kê, xác định số hộ dân bị mất nhà ở do lũ ống, lũ quét, sạt lở đất hiện nay không có nhà ở, bảo đảm kịp thời, chính xác, đúng đối tượng, gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp; chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về tính chính xác của số liệu và việc tổ chức thực hiện, bảo đảm kinh phí hỗ trợ đến trực tiếp người dân, cơ bản đồng bộ về nhà ở, hạ tầng thiết yếu khác như điện, đường, nước sinh hoạt, đất sản xuất để sớm ổn định đời sống cho người dân. Từng địa phương có phương án chủ động, tích cực triển khai sớm để không còn hộ dân nào bị mất nhà do lũ ống, lũ quét, sạt lở đất không có chỗ ở.

7. Đồng ý với kiến nghị của các địa phương, đây là vấn đề cấp bách khắc phục thiên tai, việc xây dựng công trình hạ tầng thiết yếu được phép thực hiện theo quy định đầu tư công trình cấp bách.

8. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

- Chủ trì, phối hợp với các địa phương khẩn trương rà soát, tổng hợp chính xác số hộ được hỗ trợ, đảm bảo đúng đối tượng, gửi Bộ Tài chính.

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương liên quan khẩn trương hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tổng thể di dời dân cư khẩn cấp khỏi vùng thiên tai, trong đó cần phân kỳ đầu tư, xác định rõ nhu cầu nguồn lực, nguồn vốn đầu tư để chuẩn bị kế hoạch đầu tư thời gian tới.

- Chủ trì, phối hợp với các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính và các địa phương tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Chương trình bố trí dân cư các vùng: thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, di cư tự do, khu rừng đặc dụng theo Quyết định số 1776/QĐ-TTg ngày 21 tháng 11 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ, trên cơ sở đó, đề xuất điều chỉnh, bổ sung chính sách phù hợp, sát với thực tế.

9. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng, Lao động - Thương binh và Xã hội, Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan liên quan khẩn trương thống nhất mức hỗ trợ, kinh phí hỗ trợ đối với từng địa phương từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2018, báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định trong tháng 8 năm 2018.

10. Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan tổng hợp, đề xuất sử dụng nguồn vốn dự phòng chung trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020 để thực hiện các dự án di dời dân cư khẩn cấp khỏi các khu vực thiên tai.

11. Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Khoa học và Công nghệ, Xây dựng và các cơ quan, địa phương liên quan tiếp tục xây dựng bản đồ chi tiết phân vùng rủi ro thiên tai về lũ quét, sạt lở đất với tỷ lệ phù hợp; rà soát, đưa ra cảnh báo những khu vực có khả năng xảy ra trượt đất, lở núi, nhất là tại các vùng thường xuyên xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, làm cơ sở cho việc chủ động bố trí, sắp xếp lại dân cư, bảo đảm ổn định, an toàn cho người dân.

12. Bộ Xây dựng phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương liên quan trong việc rà soát, quy hoạch các khu dân cư, nghiên cứu, hướng dẫn mô hình nhà ở an toàn cho người dân ở các khu vực dễ bị ảnh hưởng của lũ ống, lũ quét, sạt lở đất để ổn định đời sống.

13. Hiện nay là thời kỳ trọng điểm về mưa lũ, yêu cầu Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, các Bộ, ngành, địa phương rà soát phương án phòng, chống thiên tai theo phương châm 4 tại chỗ, chủ động bảo đảm an toàn đê điều, hồ đập, an toàn dân cư, nhất là trong tình huống bão, mưa lũ lớn nhằm giảm thiểu thiệt hại, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân và nhà nước.

14. Về thành lập Quỹ phòng chống thiên tai quốc gia: Giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Bộ: Tư pháp, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan liên quan rà soát, kiến nghị sửa đổi các quy định pháp luật hiện hành, đề xuất các nguồn lực để thành lập Quỹ phòng chống thiên tai quốc gia nhằm tăng tính chủ động trong xử lý khắc phục thiên tai.

15. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các địa phương tiếp tục chủ động tìm nguồn từ các nhà tài trợ, NGO, ODA để tăng thêm nguồn lực chủ động phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai.

16. Đồng ý về chủ trương bố trí ngân sách để thực hiện dự án lắp đặt thử nghiệm thiết bị giám sát, cảnh báo lũ quét, sạt lở đất theo đề nghị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Bộ: Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính và địa phương có liên quan xây dựng đề xuất dự án cụ thể với lộ trình phù hợp, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Văn phòng Chính phủ thông báo để các cơ quan liên quan biết, thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Ban Bí thư;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng CP;
- Các Bộ: NN&PTNT, TN&MT, XD, KH&ĐT, TC, LĐ-TB&XH, KHCN, TP;
- Tỉnh ủy, HĐND, UBND các tỉnh: Lai Châu, Sơn La, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Nam, Bình Thuận;
- Văn phòng Trung ương Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Quốc hội;
- Ban CĐ Trung ương về phòng chống thiên tai;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, các Vụ: TH, KTTH, CN, QHĐP;
- Lưu: VT, NN (2). Tuynh

KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM




Nguyễn Duy Hưng