BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 314/TB-BGTVT | Hà Nội, ngày 07 tháng 9 năm 2011 |
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA THỨ TRƯỞNG NGÔ THỊNH ĐỨC TẠI CUỘC HỌP VỀ TRIỂN KHAI XÂY DỰNG CƠ CHẾ ĐỘT PHÁ TRONG ĐẦU TƯ XÂY DỰNG CÁC CÔNG TRÌNH TRỌNG ĐIỂM NGÀNH GTVT.
Ngày 06/9/2011, tại Văn phòng Bộ GTVT, Thứ trưởng Ngô Thịnh Đức đã chủ trì cuộc họp về triển khai xây dựng cơ chế đột phá trong đầu tư xây dựng các công trình trọng điểm ngành GTVT. Tham dự cuộc họp có Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông và đại diện các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ GTVT: Vụ Kế hoạch đầu tư, Vụ Khoa học công nghệ, Vụ Tài chính, Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông, Vụ Tổ chức cán bộ, Văn phòng Bộ, Văn phòng Quản lý đường cao tốc, Cục QLXD & chất lượng CTGT, Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Tổ cố vấn Bộ trưởng và các Cục chuyên ngành: Cục Hàng hải VN, Cục Hàng không VN, Cục Đường sắt VN, Cục Đường thuỷ nội địa.
Sau khi nghe ý kiến phát biểu của Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông và các thành viên dự họp, Thứ trưởng Ngô Thịnh Đức đã kết luận như sau:
1. Hiện nay tình hình kinh tế - tài chính thế giới và khu vực rất khó khăn, nhiều nước phát triển có nợ công cao đang lâm vào khủng hoảng hoặc tiềm ẩn khủng hoảng. Tình hình kinh tế Việt nam khó khăn, CPI và lãi suất thương mại cao. Hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp đặc biệt là các doanh nghiệp ngành GTVT rất khó khăn.
Thực hiện “Chiến lược phát triển kinh tế xã hội đến năm 2020” của đại hội Đảng lần thức XI, trong đó có yêu cầu là cần phải có bước đột phá chiến lược về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ hiện đại, đặc biệt là tập trung vào hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông và trong bối cảnh kinh tế nêu trên, Bộ GTVT giao Tổng cục, các Cục phải xây dựng Đề án đột phá trong xây dựng và bảo trì thuộc ngành, lĩnh vực được giao quản lý.
2. Đề án dựa trên các quan điểm, mục tiêu của Chiến lược GTVT, quy hoạch phát triển GTVT đường bộ, sắt, hàng không, đường thuỷ nội địa, hàng hải có xét cụ thể theo các giai đoạn 2011-2015, 2016-2020 cũng như sau năm 2020 dựa trên phân tích bối cảnh hiện tại trong nước và quốc tế và có quan điểm sau:
- Mục tiêu đột phá phải dựa trên quan điểm đặt lợi ích quốc gia là trên hết.
- Đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng hiện đại tạo nên mạng lưới hoàn chỉnh, đồng bộ, liên hoàn, liên kết giữa các phương thức vận tải, giữa các vùng lãnh thổ.
- Huy động mọi nguồn lực trong và ngoài nước, từ mọi thành phần kinh tế xã hội để đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, trong đó cần tính tới giá trị gia tăng của quỹ đất do đầu tư cơ sở hạ tầng tạo nên.
- Có sự tham gia đóng góp của các đoàn thể xã hội, các tổ chức chính trị xã hội dưới sự chỉ đạo của các cấp uỷ Đảng.
3. Tổ chức thực hiện:
- Lãnh đạo Bộ trực tiếp chỉ đạo công tác soạn thảo cơ chế đột phá trong ngành gồm các Thứ trưởng: Ngô Thịnh Đức, Trương Tấn Viên, Nguyễn Ngọc Đông và các thành viên từ các đơn vị theo danh mục kèm theo Thông báo này.
- Thành viên được chia thành 3 nhóm: Nhóm cơ chế, chính sách, vốn do Thứ trưởng Trương Tấn Viên chỉ đạo; Nhóm đường bộ do Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông chỉ đạo; Các lĩnh vực Hàng hải, Hàng không, Đường sắt, Đường biển xin ý kiến của các Thứ trưởng phụ trách. Thứ trưởng Ngô Thịnh Đức chỉ đạo chung.
- Các thành viên Tổ tư vấn Bộ trưởng tham gia toàn diện từ đánh giá, nhận định các cơ chế kinh tế, tài chính, khoa học công nghệ.
- Giao Vụ KHĐT dự thảo Quyết định thành lập Tổ công tác soạn thảo Đề cương Đề án đột phá trong đầu tư xây dựng các công trình trọng điểm ngành GTVT, đồng thời dự thảo đề cương xây dựng Đề án nêu trên
4. Giao các Cục, Vụ phối hợp với Vụ KHĐT để xác định các dự án trong điểm đột phá cần hoàn thành theo các giai đoạn 2011-2015, giai đoạn 2016-2020 và ngoài 2020 kèm theo các đề xuất cơ chế trên cơ sở hạn chế tối đa việc sử dụng nguồn ngân sách nhà nước, trái phiếu chính phủ, ODA.
5. Các cơ quan đơn vị của bộ chủ động phối hợp thực hiện một số nội dung:
- Vụ KHĐT phối hợp Vụ Hợp tác quốc tế nghiên cứu cơ chế chính sách và khả năng thu hút vốn đầu tư nước ngoài.
- Tổng cục ĐBVN, các Cục: Đường sắt, Hàng không, Đường thuỷ nội địa, Hàng hải phối hợp Vụ KHCN để đưa ra các đề xuất về đột phá công nghệ.
6. Vụ KHĐT tiếp thu các ý kiến trong hội nghị, khẩn trương lập đề cương nghiên cứu cơ chế trình các thành viên tham gia ý kiến và trình văn bản thành lập Tổ công tác trước ngày 12/9/2011. Lưu ý, nội dung Đề cương phải rõ ràng, chi tiết có phạm vi thực hiện.
Thừa lệnh Bộ trưởng Bộ GTVT, Văn phòng Bộ thông báo đến các đơn vị liên quan biết và triển khai thực hiện./.
Nơi nhận: | TL. BỘ TRƯỞNG |
DANH SÁCH
CÁC THÀNH VIÊN THAM GIA TỔ CÔNG TÁC SOẠN THẢO ĐỀ ÁN XÂY DỰNG CƠ CHẾ ĐỘT PHÁ TRONG ĐẦU TƯ XÂY DỰNG CÁC CÔNG TRÌNH TRỌNG ĐIỂM NGÀNH GTVT
(kèm theo Thông báo số 314 /TB-BGTVT ngày 07 /9/2011 của bộ GTVT)
STT | Họ và Tên | Cơ quan | Chức vụ |
1 | Ông Ngô Thịnh Đức | Bộ GTVT | Thứ trưởng |
2 | Ông Trương Tấn Viên | Bộ GTVT | Thứ trưởng |
3 | Ông Nguyễn Ngọc Đông | Tổng cục ĐBVN | Thứ trưởng |
4 | Ông Nguyễn Hoằng | Vụ KHĐT | Vụ trưởng |
5 | Ông Phạm Thanh Tùng | Vụ HTQT | Vụ trưởng |
6 | Bà Trịnh Minh Hiền | Vụ Pháp chế | Vụ trưởng |
7 | Ông Lê Anh Tuấn | VP QLĐCT-Vụ KHĐT | Chánh VP-Phó Vụ trưởng Vụ KHĐT |
8 | Ông Hoàng Hà | Vụ KHCN | Vụ trưởng |
9 | Bà Đào Thanh Thảo | Vụ Tài chính | Phó Vụ trưởng |
10 | Ông Mai Văn Hồng | Vụ KCHTGT | Phó Vụ trưởng |
11 | Ông Nguyễn Chiến Thắng | Vụ Tổ chức | Phó Vụ trưởng |
12 | Ông Lê Thanh Hà | Cục QLXD & CL CTGT | Phó Cục trưởng |
13 | Ông Đỗ Hồng Thái | Cục Hàng hải VN | Phó Cục trưởng |
14 | Ông Lưu Thanh Bình | Cục Hàng không VN | Phó Cục trưởng |
15 | Ông Nguyễn Văn Doanh | Cục Đường sắt VN | Phó Vụ trưởng |
16 | Ông Phạm Minh Nghĩa | Cục Đường thuỷ nội địa | Phó Vụ trưởng |
17 | Ông Tống Trần Tùng | Tổ cố vấn Bộ trưởng |
|
18 | Ông Trịnh Xuân Cường | Tổ cố vấn Bộ trưởng |
|
19 | Ông Chu Ngọc Sủng | Tổ cố vấn Bộ trưởng |
|
* Các Cục, Vụ cử một chuyên viên trực tiếp tham dự Tổ giúp việc Tổ công tác. Các Vụ trưởng, Cục trưởng chịu trách nhiệm về các thành viên tham gia Tổ giúp việc.