Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 32/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 26 tháng 02 năm 2021

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ NGUYỄN XUÂN PHÚC TẠI CUỘC HỌP THƯỜNG TRỰC CHÍNH PHỦ VỀ ĐỀ ÁN ĐỔI MỚI TOÀN DIỆN QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC TRONG LĨNH VỰC KINH TẾ

Ngày 18 tháng 02 năm 2021, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về Đề án đổi mới toàn diện quản lý nhà nước trong lĩnh vực kinh tế (Đề án). Tham dự cuộc họp có các Phó Thủ tướng: Trương Hòa Bình, Phạm Bình Minh, Trịnh Đình Dũng; lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Quốc phòng, Công an, Ngoại giao, Nội vụ, Tư pháp, Thông tin và Truyền thông, Lao động - Thương binh và Xã hội, Khoa học và Công nghệ, Giáo dục và Đào tạo, Y tế, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ủy ban Dân tộc, Thanh tra Chính phủ, Văn phòng Chính phủ, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; đại diện lãnh đạo Ủy ban nhân dân các thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Thành phố Hồ Chí Minh và Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng.

Sau khi nghe Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo, ý kiến đại diện lãnh đạo các Bộ, cơ quan, địa phương, Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, phát biểu của các Phó Thủ tướng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc kết luận như sau:

1. Đánh giá cao Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nghiêm túc nghiên cứu, tổng hợp, tiếp thu ý kiến các bộ, ngành, địa phương để xây dựng và hoàn thiện Đề án, trong đó đã đưa ra nhiều nội dung, giải pháp về đổi mới quản lý nhà nước trong lĩnh vực kinh tế.

2. Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp thu ý kiến các đại biểu dự họp, chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát, hoàn thiện Đề án, trong đó lưu ý các nội dung sau:

a) Phạm vi, nội dung của Đề án cần bám sát yêu cầu phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa theo tinh thần Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 03 tháng 6 năm 2017 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII; xác định lại tên của Đề án là “Đổi mới toàn diện quản lý nhà nước trong phát triển kinh tế tư nhân ở Việt Nam”.

b) Làm rõ hơn các kết quả đạt được và rào cản, hạn chế trong phát triển kinh tế tư nhân của giai đoạn 2016-2020, xác định cụ thể các nguyên nhân và trách nhiệm của các cơ quan, địa phương trong phát triển kinh tế tư nhân thời gian vừa qua, nhất là những vấn đề chậm triển khai thực hiện theo yêu cầu đặt ra.

c) Bám sát các quan điểm, phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước tại các văn kiện, Nghị quyết của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2020, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025 và các quan điểm, định hướng lớn về phát triển kinh tế tư nhân của Đảng và Nhà nước; phù hợp với bối cảnh tình hình trong nước, quốc tế (biến động nhanh, phức tạp; tác động của thiên tai, dịch bệnh; sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ...).

d) Bảo đảm mục tiêu, yêu cầu phát triển kinh tế tư nhân trong tình hình mới, tôn trọng quy luật khách quan của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; bảo đảm các quyền về tài sản, quyền kinh doanh hợp pháp, quyền con người, bảo đảm tính liên tục, kế thừa và khuyến khích đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ dám làm của khu vực kinh tế tư nhân, tạo động lực, niềm tin cho khu vực kinh tế tư nhân phát triển mạnh mẽ hơn.

đ) Các giải pháp, nhiệm vụ cần bám sát Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 03 tháng 6 năm 2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, đồng thời cụ thể hóa phương hướng, nhiệm vụ và các đột phá chiến lược xác định tại các văn kiện và Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, trong đó lưu ý vai trò của Nhà nước trong việc tạo lập môi trường thể chế, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ và hỗ trợ khu vực kinh tế tư nhân trong phát triển nguồn nhân lực, đổi mới khoa học công nghệ; tạo điều kiện thuận lợi, tháo gỡ khó khăn, giải phóng nguồn lực, thúc đẩy phát triển và nâng cao tính năng động của kinh tế tư nhân trong thực hiện các đột phá chiến lược, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước nhanh và bền vững.

3. Đồng ý đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc lồng ghép các quan điểm, nội dung và giải pháp của Đề án vào các Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương khẩn trương xây dựng Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, trình Chính phủ xem xét, quyết định.

4. Các Bộ, cơ quan, địa phương nghiên cứu, tham khảo nội dung của Đề án (sau khi Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn thiện theo Điểm 1, 2 nêu trên) trong quá trình xây dựng các Chương trình, kế hoạch hành động triển khai thực hiện các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao. Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm trình Đề án này lên Thủ tướng Chính phủ trước ngày 20 tháng 3 năm 2021.

Văn phòng Chính phủ thông báo để các Bộ, cơ quan, địa phương biết, thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- TTgCP, các PTTg;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, các Vụ: TH, TKBT, Cổng TTĐT CP;
- Lưu: VT, KTTH (3)NTC

BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM




Mai Tiến Dũng