Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 320/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 07 tháng 09 năm 2012

 

THÔNG BÁO

Ý KIẾN KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ NGUYỄN TẤN DŨNG TẠI CUỘC HỌP VỀ ĐỀ ÁN TÁI CƠ CẤU TẬP ĐOÀN CÔNG NGHIỆP CAO SU VIỆT NAM

Ngày 21 tháng 8 năm 2012, tại Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về Đề án tái cơ cấu của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam. Cùng dự có các Phó Thủ tướng: Hoàng Trung Hải, Vũ Văn Ninh; đại diện lãnh đạo các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Lao động - Thương binh và Xã hội, Nội vụ; lãnh đạo Văn phòng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam.

Sau khi nghe lãnh đạo Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam và Văn phòng Chính phủ báo cáo, ý kiến phát biểu của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh và lãnh đạo các Bộ, ngành, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã kết luận như sau:

1. Trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam đã có nhiều đóng góp. Những năm qua, kể cả trong điều kiện kinh tế thế giới suy thoái và kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn, Tập đoàn đều hoạt động có lãi, năm sau cao hơn năm trước, vốn nhà nước, doanh thu, lợi nhuận, nộp ngân sách đều tăng; việc làm và thu nhập của người lao động được bảo đảm khá tốt; quản lý, sử dụng có hiệu quả diện tích đất được Nhà nước giao; có nhiều cố gắng mở rộng diện tích trồng cao su; tích cực áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao năng suất cây trồng, năng suất mủ cao su đã đạt bình quân trên 2 tấn/ha, tương đương với mức cao trên thế giới; tích cực tham gia bảo đảm an sinh, xã hội, củng cố an ninh quốc phòng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc.

Tuy nhiên, Tập đoàn vẫn còn nhiều hạn chế. Thành lập nhiều công ty con, công ty liên kết, quan hệ đầu tư chồng chéo, có nhiều dự án đầu tư ngoài ngành kinh doanh chính, kém hiệu quả, có nơi vi phạm pháp luật, nếu không kịp thời khắc phục sẽ ảnh hưởng đến chiến lược phát triển và hiệu quả hoạt động của Tập đoàn; việc chế biến mủ cao su chưa được quan tâm đúng mức, chủ yếu xuất khẩu cao su thô; mô hình tổ chức quản lý của Tập đoàn chưa thể hiện được đặc thù của ngành quản lý sử dụng nhiều đất đai, hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, gắn bó với nông thôn, nông dân, đồng bào dân tộc.

2. Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam tiếp thu ý kiến của Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng và lãnh đạo các Bộ tại cuộc họp này để hoàn chỉnh Đề án tái cơ cấu Tập đoàn, báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong tháng 9 năm 2012.

Đề án cần làm rõ một số vấn đề sau:

- Ngành nghề kinh doanh chính bao gồm: Trồng, chế biến, kinh doanh cao su; chế biến gỗ nhân tạo; công nghiệp cao su. Tập đoàn được đầu tư kinh doanh các khu công nghiệp trên đất cao su của Tập đoàn chuyển đổi theo quy hoạch sử dụng đất được Chính phủ phê duyệt. Trước mắt, chỉ thực hiện trên diện tích đã được cho phép.

- Việc sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp đến năm 2015: Thực hiện theo phương án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại công văn số 339/TTg-ĐMDN ngày 28 tháng 3 năm 2012 về việc phê duyệt phương án sắp xếp doanh nghiệp của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam. Chưa cổ phần hóa thêm các công ty cao su; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Tập đoàn tổng kết, đánh giá hiệu quả cổ phần hóa cơ sở chế biến cao su gắn với vườn cây.

Không duy trì Công ty Tài chính Cao su. Tập đoàn xây dựng phương án xử lý chặt chẽ, khả thi, đúng quy định của pháp luật, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét trong quý IV năm 2012.

Không thành lập các công ty mẹ như đề nghị của Tập đoàn. Tập đoàn phải có biện pháp mạnh, kiên quyết để giảm số lượng công ty con, công ty liên kết và khắc phục việc đầu tư chéo giữa công ty mẹ, công ty con, công ty liên kết.

- Việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành sản xuất kinh doanh chính, Tập đoàn cần có phương án đối với từng trường hợp cụ thể theo đúng Nghị quyết phiên họp Chính phủ tháng 6 năm 2012 và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, hướng dẫn của Bộ Tài chính và chịu trách nhiệm về việc này để tập trung nguồn lực tài chính cho các ngành sản xuất kinh doanh chính.

- Về mở rộng diện tích trồng cao su trong nước, Tập đoàn chủ động làm việc với các tỉnh ở miền Trung, Tây Nguyên báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định theo quy hoạch chung phát triển ngành cao su của cả nước; bảo đảm sử dụng có hiệu quả hơn đất đai, việc làm, thu nhập cho người lao động tại chỗ và đóng góp tốt hơn vào phát triển kinh tế xã hội địa phương.

- Việc đầu tư ở nước ngoài cần hết sức chặt chẽ và phải được Thủ tướng Chính phủ đồng ý.

- Căn cứ Quyết định số 929/QĐ-TTg ngày 17 tháng 7 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2011 - 2015” để bổ sung những nội dung còn thiếu.

3. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định Đề án tái cơ cấu Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam và dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Chủ trì, phối hợp với Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam và các cơ quan liên quan xây dựng dự thảo Nghị định của Chính phủ về phê duyệt Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam khi Nghị định thay thế Nghị định số 132/2005/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực thi hành.

4. Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất hướng xử lý đề nghị của Tập đoàn về thuế xuất khẩu cao su, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét.

Văn phòng Chính phủ xin thông báo để Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam và các cơ quan liên quan biết, thực hiện./

 

 

Nơi nhận:
- Thủ tướng, các PTT Chính phủ;
- Các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nội vụ, Lao động - Thương binh và Xã hội, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;
- Các tỉnh: Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Tây Ninh, Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, Bình Thuận, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa;
- Đảng uỷ Khối doanh nghiệp Trung ương;
- Ban Chỉ đạo ĐM&PTDN;
- Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTCP, các Vụ: TH, KTTH, KTN, TKBT;
- Lưu: VT, ĐMDN (5).

KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM




Phạm Viết Muôn