Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ KHOA HỌC VÀ
CÔNG NGHỆ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3236/TB-BKHCN

Hà Nội, ngày 07 tháng 10 năm 2013

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN HỘI NGHỊ BAN ĐIỀU HÀNH CHƯƠNG TRÌNH QUỐC GIA "NÂNG CAO NĂNG SUẤT VÀ CHẤT LƯỢNG SẢN PHẨM, HÀNG HÓA CỦA DOANH NGHIỆP VIỆT NAM ĐẾN NĂM 2020"

Ngày 20 tháng 9 năm 2013, tại trụ sở Bộ Khoa học và Công nghệ, thực hiện ủy quyền của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Trưởng Ban Điều hành Chương trình quốc gia "Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020" (sau đây viết tắt là Chương trình), Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Việt Thanh - Phó Trưởng Ban Điều hành Chương trình đã chủ trì Hội nghị Ban Điều hành Chương trình.

Tham dự Hội nghị có các thành viên Ban Điều hành Chương trình; đại diện các Bộ: Khoa học và Công nghệ, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Thông tin và Truyền thông, Y tế, Xây dựng, Giao thông vận tải; đại diện các cơ quan: Vụ Khoa giáo Văn xã - Văn phòng Chính phủ, Vụ Tài chính hành chính sự nghiệp - Bộ Tài chính, Vụ Khoa học, giáo dục, tài nguyên và môi trường - Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng - cơ quan thường trực Chương trình.

Nội dung chính của Hội nghị là xem xét, đánh giá tình hình triển khai thực hiện Chương trình từ khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình (Quyết định số 712/QĐ-TTg ngày 21/5/2010) đến nay; bàn biện pháp triển khai thực hiện Chương trình và hoạt động của Ban Điều hành Chương trình từ nay đến năm 2015.

Sau khi nghe báo cáo của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng về tình hình triển khai và kết quả 03 năm thực hiện Chương trình; báo cáo của Bộ Công Thương về việc xây dựng và thực hiện dự án năng suất chất lượng ngành Công nghiệp; ý kiến của các thành viên Ban điều hành Chương trình và ý kiến của các đại biểu tham dự Hội nghị, Thứ trưởng Trần Việt Thanh - Phó Trưởng Ban Điều hành Chương trình kết luận như sau:

I. Kết quả triển khai thực hiện Chương trình

Về cơ bản nhất trí với nội dung báo cáo tình hình triển khai thực hiện và kết quả 03 năm thực hiện Chương trình do cơ quan thường trực Chương trình chuẩn bị và trình bày.

Thống nhất đánh giá kết quả 03 năm thực hiện Chương trình như sau:

1. Những mặt đạt được:

- Đã xây dựng và ban hành đầy đủ, kịp thời các văn bản về tổ chức, quản lý, điều hành Chương trình và cơ chế quản lý tài chính thực hiện các nhiệm vụ thuộc Chương trình, tạo điều kiện pháp lý thuận lợi cho việc triển khai thực hiện Chương trình;

- Các bộ, địa phương và doanh nghiệp đã quan tâm, hưởng ứng, tích cực tham gia thực hiện Chương trình. Đến nay 04 dự án do các Bộ chủ trì và 36 dự án do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ trì đã được phê duyệt và triển khai thực hiện;

- Việc triển khai thực hiện Chương trình đã bám sát mục tiêu, nội dung, yêu cầu đặt ra; đã có những tác động tích cực đối với cộng đồng doanh nghiệp; góp phần tăng cường gắn kết giữa khoa học và sản xuất, đời sống.

2. Những hạn chế và nguyên nhân:

- Tiến độ xây dựng các dự án năng suất - chất lượng (sau đây viết tắt là Dự án) thuộc Chương trình còn chậm (mới có hơn 50% Dự án được phê duyệt). Một số bộ, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chưa chỉ đạo sát sao việc xây dựng dự án năng suất chất lượng ngành, địa phương;

- Việc triển khai thực hiện Chương trình còn có một số vướng mắc. Kinh phí bố trí cho thực hiện Chương trình còn hạn chế. Các Dự án hầu hết sử dụng kinh phí sự nghiệp khoa học, chưa huy động được các nguồn kinh phí khác. Vai trò, trách nhiệm và vốn đối ứng của doanh nghiệp tham gia Dự án chưa rõ nét. Các bộ, địa phương chưa thực hiện phối hợp, lồng ghép các Dự án của Chương trình với các Chương trình phát triển kinh tế - xã hội khác của các bộ, địa phương;

- Mạng lưới đơn vị quản lý, nghiên cứu, tư vấn, hỗ trợ về năng suất chất lượng của các bộ, ngành, địa phương còn hạn chế so với yêu cầu của công tác quản lý nhà nước cũng như việc thúc đẩy hoạt động năng suất chất lượng tại doanh nghiệp;

- Các doanh nghiệp đang trong thời kỳ khó khăn do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế nên sự hưởng ứng tham gia vào Chương trình còn hạn chế;

- Bộ Khoa học và Công nghệ và cơ quan thường trực Chương trình chưa thường xuyên, liên tục kiểm tra và giám sát việc thực hiện Chương trình công tác của Ban điều hành Chương trình; việc trao đổi thông tin giữa Ban điều hành Chương trình và các bộ, địa phương còn hạn chế dẫn đến việc xử lý những vướng mắc trong quá trình thực hiện Chương trình gặp khó khăn và chưa kịp thời.

II. Những nhiệm vụ tập trung thực hiện từ nay đến năm 2015

Để tiếp tục đẩy mạnh, triển khai có hiệu quả Chương trình, trong thời gian từ nay đến năm 2015 các bộ, địa phương, cơ quan, tổ chức liên quan cần thực hiện tốt các công việc sau:

1. Đối với Ban Điều hành Chương trình:

- Tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn các bộ, địa phương trong việc xây dựng và thực hiện dự án năng suất - chất lượng của các ngành, địa phương;

- Hướng dẫn lồng ghép các Dự án của Chương trình với các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội khác của bộ, địa phương;

- Phối hợp với một số bộ, địa phương làm việc với các Tập đoàn, Tổng công ty để tuyên truyền và thu hút tham gia vào Chương trình;

- Đôn đốc đại diện các bộ là thành viên của Ban Điều hành thường xuyên cung cấp thông tin về tình hình triển khai các Dự án của các ngành thuộc Chương trình và kịp thời đề xuất, kiến nghị các biện pháp cần thiết để thúc đẩy việc thực hiện có hiệu quả các Dự án;

- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các Dự án của các bộ, địa phương;

- Chỉ đạo tổ chức sơ kết 3 năm, tổng kết giai đoạn I thực hiện Chương trình.

2. Đối với các bộ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:

- Các bộ, UBND tỉnh, thành phố chưa có Dự án được phê duyệt cần khẩn trương hoàn thành việc xây dựng, phê duyệt Dự án (chậm nhất trong Quý I năm 2014);

- Các bộ, UBND tỉnh, thành phố đã có Dự án được phê duyệt cần tích cực triển khai thực hiện Dự án theo yêu cầu, nội dung đã đề ra. Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, khuyến khích doanh nghiệp tham gia Dự án. Lựa chọn, xây dựng các mô hình điểm về năng suất - chất lượng của ngành, địa phương (chú trọng vào các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm, hàng hóa chủ lực của nền kinh tế);

- Ưu tiên bố trí kinh phí thực hiện các nhiệm vụ của Dự án; huy động các nguồn lực tham gia thực hiện Dự án. Thực hiện phối hợp, lồng ghép các Dự án với các chương trình, dự án kinh tế - xã hội của các bộ, địa phương;

- Thực hiện đầy đủ chế độ báo cáo theo quy định; kịp thời phản ánh những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các Dự án về Ban Điều hành Chương trình, Bộ Khoa học và Công nghệ và cơ quan thường trực để xem xét, xử lý;

- Thực hiện sơ kết 3 năm, tổng kết giai đoạn I thực hiện Dự án.

3. Đối với cơ quan thường trực Chương trình:

Thực hiện tốt chức năng tham mưu, giúp việc cho Ban Điều hành Chương trình; tổ chức làm việc với Lãnh đạo một số bộ, tỉnh, thành phố, doanh nghiệp lớn về việc triển khai thực hiện Chương trình;

- Đôn đốc các bộ, địa phương thực hiện các công việc theo yêu cầu của Ban Điều hành Chương trình;

- Thực hiện chế độ báo cáo định kỳ về tình hình thực hiện Chương trình; tổng hợp, trình Ban Điều hành Chương trình xem xét, xử lý đối với những đề xuất, kiến nghị của các bộ, địa phương trong việc triển khai thực hiện Chương trình;

- Tổ chức sơ kết 3 năm vào tháng 10/2013, tổng kết giai đoạn I (2011-2015) thực hiện Chương trình.

Bộ Khoa học và Công nghệ thông báo Kết luận của Hội nghị Ban Điều hành Chương trình để các bộ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các cơ quan, tổ chức liên quan biết, thực hiện./.

 

 

Nơi nhận:
- VPCP;
- Các bộ chủ trì Dự án;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Các thành viên BĐH;
- Lưu: VT, TĐC.

TL. BỘ TRƯỞNG
CHÁNH VĂN PHÒNG




Phạm Công Tạc