- 1 Nghị định 139/2018/NĐ-CP quy định về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới
- 2 Thông tư 16/2021/TT-BGTVT quy định về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành
- 3 Thông tư 2/2023/TT-BGTVT sửa đổi Thông tư 16/2021/TT-BGTVT quy định về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành
VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 3239/TB-VPCP | Hà Nội, ngày 08 tháng 5 năm 2023 |
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ TRẦN HỒNG HÀ TẠI CUỘC HỌP RÀ SOÁT DỰ THẢO NGHỊ ĐỊNH SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA NGHỊ ĐỊNH SỐ 139/2018/NĐ-CP QUY ĐỊNH VỀ KINH DOANH DỊCH VỤ KIỂM ĐỊNH XE CƠ GIỚI
Ngày 04 tháng 5 năm 2023, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã chủ trì buổi họp rà soát dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 139/2018/NĐ-CP quy định về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới (Nghị định). Tham dự cuộc họp có lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải, lãnh đạo Văn phòng Chính phủ và đại diện các Bộ: Công an, Quốc phòng, Tư pháp; một số chuyên gia, nhà khoa học. Sau khi nghe báo cáo của Bộ Giao thông vận tải về quá trình xây dựng dự thảo Nghị định, ý kiến phát biểu của đại diện các Bộ, các chuyên gia, nhà khoa học, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà kết luận như sau:
I. Việc khẩn trương xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 139/2018/NĐ-CP là yêu cầu cấp thiết, được Thủ tướng Chính phủ cho phép thực hiện theo trình tự, thủ tục rút gọn; biểu dương Bộ Giao thông vận tải và các Bộ, ngành, địa phương, đơn vị có liên quan đã tích cực xây dựng dự thảo Nghị định, cơ bản bảo đảm chất lượng và tiến độ; hoan nghênh các chuyên gia, nhà khoa học đã có nhiều đóng góp quý báu với Bộ Giao thông vận tải trong quá trình xây dựng Nghị định. Tuy nhiên, công tác kiểm định xe cơ giới là hoạt động quan trọng nhằm bảo đảm an toàn phương tiện cũng như tính mạng, tài sản của Nhân dân, đòi hỏi việc xây dựng và ban hành Nghị định phải giải quyết được các bất ổn trong công tác kiểm định cả trong trước mắt và lâu dài.
II. Để sớm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác kiểm định xe ô tô; đồng thời không để xảy ra các sai phạm, bất ổn như thời gian qua, yêu cầu Bộ Giao thông vận tải tiếp tục chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các đại biểu dự họp, hoàn thiện dự thảo Nghị định, trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15 tháng 5 năm 2023; trong đó tập trung vào các nội dung sau:
1. Về nội dung liên quan đến công tác quản lý nhà nước: (i) Nghị định phải thể hiện rõ ràng, tách bạch chức năng quản lý nhà nước và chức năng cung cấp dịch vụ kiểm định xe ô tô; (ii) Thực hiện phân cấp cho các địa phương đủ năng lực trong quản lý nhà nước đối với công tác kiểm định; nghiên cứu phương án phân cấp cho các địa phương quản lý toàn diện về công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm chuẩn, quy hoạch mạng lưới kiểm chuẩn theo quy định; (iii) Bộ Giao thông vận tải là cơ quan giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thống nhất quản lý hoạt động kiểm định, bảo đảm mọi phương tiện khi tham gia giao thông phải tuyệt đối an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường.
- Về nội dung tăng cường nhân lực, cơ sở vật chất đối với lĩnh vực đăng kiểm: Huy động cơ sở vật chất và nhân lực của ngành Công an, Quân đội (đáp ứng đầy đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm định xe ô tô) tham gia kiểm định phương tiện dân sự khi được Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cho phép kết hợp quốc phòng - an ninh với kinh tế.
- Về quy định các đơn vị bảo dưỡng, bảo hành phương tiện giao thông cơ giới đường bộ: Các đơn vị bảo dưỡng, bảo hành thuộc đại lý chính hãng của nhà sản xuất, lắp ráp xe ô tô trong nước, trung tâm bảo dưỡng khác đáp ứng điều kiện đăng kiểm được tham gia cung cấp dịch vụ kiểm định nếu đáp ứng các quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm định xe ô tô và các quy định của pháp luật có liên quan.
2. Về nội dung quy định trách nhiệm các cơ quan: (i) Phân công Bộ Tài chính ban hành giá dịch vụ kiểm định trên cơ sở tính đúng, tính đủ chi phí theo cơ chế thị trường (phối hợp với Bộ Tư pháp báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn); (ii) Bộ Giao thông vận tải ban hành quy định về trách nhiệm cơ quan, đơn vị trong việc thiết kế, thẩm định, phê duyệt, nghiệm thu hoạt động hoán cải phương tiện theo đúng quy định của pháp luật; (iii) Bộ Nội vụ, Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu quy định biên chế cán bộ, công chức, viên chức cho các địa phương khi được phân cấp quản lý nhà nước đối với hoạt động đăng kiểm xe ô tô, hoàn thành trước ngày 31 tháng 5 năm 2023.
III. Để đồng bộ khi ban hành Nghị định này, yêu cầu Bộ Giao thông vận tải:
1. Khẩn trương chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ áp dụng trình tự thủ tục rút gọn đối với xây dựng Thông tư: (i) Sửa đổi, bổ sung Thông tư số 16/2021/TT-BGTVT, Thông tư số 02/2023/TT-BGTVT (ban hành trước ngày 15/5/2023); trong đó tự động đăng ký kiểm định đối với xe mới và xe được giãn chu kỳ kiểm định, ứng dụng công nghệ thông tin để tự động cho phép giãn chu kỳ kiểm định nhằm tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, giảm áp lực cho cơ sở đăng kiểm; (ii) Hướng dẫn chi tiết thi hành Nghị định này, nhằm sớm xử lý các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động kiểm định (ban hành đồng thời Nghị định này).
2. Triển khai việc đăng ký lịch kiểm định bằng phần mềm xử lý kỹ thuật việc 01 phương tiện đăng ký nhiều nơi, một người đăng ký nhiều phương tiện để tránh trùng lặp và chống “cò mồi” dịch vụ này (không thực hiện thủ công bằng giấy) để tạo thuận lợi cho người dân, dễ quản lý và phòng tránh tiêu cực.
3. Nghiên cứu chu kỳ kiểm định đối với xe không kinh doanh vận tải, xe cá nhân với xe kinh doanh vận tải để bảo đảm hợp lý, an toàn (trong đó nghiên cứu quy định chu kỳ kiểm định theo số km sử dụng để thay thế tiêu chí về thời gian sử dụng phương tiện).
4. Nghiên cứu đề xuất bổ sung quy định về: (i) Trách nhiệm của chủ phương tiện, đơn vị bảo hành, bảo dưỡng phương tiện giữa 02 kỳ kiểm định; kết quả bảo hành, bảo dưỡng phương tiện (bảo đảm an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường) giữa 2 kỳ kiểm định là cơ sở để kiểm định phương tiện. (ii) Điều kiện kinh doanh đối với dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.
5. Ứng dụng công nghệ thông tin để liên thông cơ sở dữ liệu giữa Cục Đăng kiểm Việt Nam - Cục Cảnh sát giao thông - Đơn vị đăng kiểm - các trung tâm bảo hành phương tiện - đơn vị bảo hiểm phương tiện. Chứng nhận kiểm định của các trung tâm bảo hành được đăng ký trên cổng dịch vụ công.
6. Nghiên cứu hình thức dán tem kiểm định phù hợp, hoặc sử dụng ứng dụng điện tử cho phương tiện sau kiểm định tại trung tâm đăng kiểm hoặc các trung tâm bảo dưỡng có đủ điều kiện.
Văn phòng Chính phủ thông báo để các cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan biết, thực hiện./.
| KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |
- 1 Thông tư 18/2019/TT-BGTVT hướng dẫn thực hiện Nghị định 139/2018/NĐ-CP quy định về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành
- 2 Thông tư 01/2022/TT-BGTVT sửa đổi Thông tư 29/2018/TT-BGTVT quy định về kiểm tra chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông đường sắt và Thông tư 18/2019/TT-BGTVT hướng dẫn thực hiện Nghị định 139/2018/NĐ-CP quy định về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành
- 3 Thông tư 55/2022/TT-BTC sửa đổi Thông tư 238/2016/TT-BTC quy định về giá dịch vụ kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới, thiết bị và xe máy chuyên dùng đang lưu hành; đánh giá, hiệu chuẩn thiết bị kiểm tra xe cơ giới do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành