VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 328/TB-VPCP | Hà Nội, ngày 15 tháng 9 năm 2020 |
Ngày 01 tháng 9 năm 2020, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp về công tác phòng, chống thiên tai và xử lý một số vấn đề cấp bách phát sinh, cùng dự buổi làm việc có Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng - Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường - Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai và đại diện lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Quốc phòng và Văn phòng Chính phủ.
Sau khi nghe báo cáo và kiến nghị của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, ý kiến phát biểu của các bộ, cơ quan dự họp, ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, Thủ tướng Chính phủ kết luận như sau:
Trước tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai diễn biến bất thường. Vừa qua, nhiều nước trong khu vực đã phải hứng chịu các đợt thiên tai lớn kéo dài trên diện rộng, thiệt hại nặng nề.
Việt Nam thuộc nhóm những quốc gia chịu tác động của nhiều loại thiên tai, từ đầu năm 2020 đến nay hạn hán, xâm nhập mặn, cháy rừng, bão, lũ, lũ quét, sạt lở đất, dông lốc, sét, mưa đá, động đất liên tiếp xảy ra, gây thiệt hại1, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của người dân tại nhiều địa phương, nhất là tại các tỉnh miền núi và trung du Bắc Bộ.
Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, các bộ, ngành và cấp ủy, chính quyền các cấp ở địa phương đã nỗ lực, khắc phục khó khăn, kịp thời chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó, hạn chế được thiệt hại do thiên tai.
Theo dự báo, tình hình thiên tai, bão, lũ còn diễn biến phức tạp, khó lường, những tháng cuối năm cần đề phòng có thể xảy ra lũ muộn ở Bắc Bộ, lũ lớn tại khu vực Nam Trung Bộ, bão mạnh trên biển, trong đó một số cơn bão và áp thấp nhiệt đới có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta. Vì vậy, yêu cầu Ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, các cấp, các ngành, các địa phương không được lơ là, chủ quan, cần nêu cao cảnh giác, tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, làm tốt công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai với mục tiêu giảm thiệt hại về tính mạng và tài sản của nhân dân và nhà nước.
1. Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, các bộ, ngành, cấp ủy, chính quyền các cấp ở địa phương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 24 tháng 3 năm 2020 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai và Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 18 tháng 6 năm 2018 của Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về công tác phòng chống thiên tai.
2. Ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống thiên tai, các bộ, ngành có liên quan và các địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến thiên tai, kịp thời chỉ đạo, triển khai công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả theo phương châm “bốn tại chỗ”, phòng, chống thiên tai bắt đầu từ cộng đồng, từ cơ sở là chính.
3. Ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động chỉ đạo, triển khai công tác bảo đảm an toàn các hồ đập thủy lợi, thủy điện; tổ chức giám sát, vận hành an toàn, hiệu quả các hồ chứa nước, nhất là hệ thống hồ chứa trên bậc thang thủy điện sông Đà, hồ chứa có dung tích lớn, hồ đập xung yếu, tuyệt đối không cho tích nước đối với các hồ chứa nước không đảm bảo an toàn; tăng cường lắp đặt hệ thống theo dõi, giám sát, thông tin vận hành xả lũ, cảnh báo xả lũ đảm bảo an toàn vùng hạ du.
4. Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn chỉ đạo, đôn đốc bổ sung, cập nhật các phương án cứu hộ, cứu nạn, đặc biệt là phương án ứng phó với tình huống mưa lũ lớn kéo dài, diện rộng, thiên tai, sự cố xảy ra tại vùng sâu, vùng xa; phối hợp với các Bộ: Quốc phòng, Công an chỉ đạo sẵn sàng lực lượng, phương tiện phối hợp với lực lượng cứu hộ, cứu nạn chuyên ngành và các lực lượng khác của địa phương triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả công tác cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.
5. Bộ Tài nguyên và Môi trường, các ngành có liên quan và các địa phương tiếp tục đầu tư nâng cao năng lực theo dõi, giám sát, dự báo, cảnh báo thiên tai, trong đó cần huy động các nguồn lực, nhất là nguồn xã hội hóa, ngoài ngân sách để tập trung đầu tư hệ thống quan trắc, giám sát thiên tai, trước hết là tăng mật độ các trạm đo mưa nhằm nâng cao chất lượng dự báo mưa lũ.
6. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố tổ chức tổng rà soát, kiểm tra các khu vực nguy hiểm, nhất là các khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ quét ảnh hưởng trực tiếp đến dân cư để chủ động tổ chức di dời, sơ tán, bảo đảm an toàn khi có thiên tai; kiểm tra các công trình đê điều, hồ đập, nhất là các vị trí, công trình trọng điểm, xung yếu, bị hư hỏng để kịp thời sửa chữa, khắc phục và có phương án bảo đảm an toàn; rà soát phương án ứng phó thiên tai, trong đó cập nhật kịch bản ứng phó tình huống xảy ra bão mạnh, mưa lũ lớn kéo dài nhiều ngày trên địa bàn, phương án sơ tán dân cư để vừa bảo đảm an toàn phòng, chống thiên tai, vừa bảo đảm phòng, chống dịch Covid-19; tiếp tục đầu tư hỗ trợ trang thiết bị, nâng cao năng lực cho lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã để làm tốt công tác phòng, chống thiên tai theo phương châm “bốn tại chỗ”.
7. Các bộ, ngành liên quan và các địa phương tập trung khắc phục nhanh hậu quả thiên tai, ưu tiên đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, công trình phòng, chống thiên tai để chủ động ứng phó, giảm thiệt hại do thiên tai, trong đó:
- Các địa phương có trách nhiệm bố trí ngân sách địa phương, bao gồm cả nguồn vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn, dự phòng ngân sách địa phương, quỹ phòng chống thiên tai và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để khắc phục hậu quả thiên tai và thực hiện một số nhiệm vụ phòng, chống thiên tai cấp bách.
- Giao các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính xem xét tổng hợp, cân đối, đề xuất bố trí nguồn vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn, dự phòng ngân sách trung ương năm 2020 và các nguồn vốn hợp pháp khác theo quy định để hỗ trợ địa phương khắc phục nhanh hậu quả thiên tai và thực hiện một số nhiệm vụ phòng, chống thiên tai cấp bách, xử lý khẩn cấp một số trọng điểm đê điều, hồ đập thủy lợi xung yếu, không đảm bảo an toàn chống lũ, nguy cơ cao xảy ra sự cố.
8. Về tình hình động đất tại các tỉnh miền núi phía Bắc vừa qua: Giao Tập đoàn Điện lực Việt Nam chủ trì, phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, các cơ quan liên quan và chủ các hồ đập thủy điện có kế hoạch đo đạc, kiểm tra địa chấn và tác động tới các hồ thủy điện lớn như Sơn La, Lai Châu, Hòa Bình,... không để bị động, bất ngờ, xảy ra sự cố.
Trong điều kiện những khó khăn khách quan của năm nay như đại dịch Covid-19 ảnh hưởng đến phát triển kinh tế xã hội nói chung, việc sử dụng ngân sách dự phòng cần được rà soát tập trung cho các lĩnh vực thiết yếu, cấp bách, đúng quy định. Trên cơ sở đó, yêu cầu các cơ quan, địa phương rà soát các nhiệm vụ thực sự cấp bách trong công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai thời gian qua và sắp tới, chủ động bố trí hợp lý nguồn vốn để thực hiện, bảo đảm chặt chẽ, đúng pháp luật. Cụ thể như sau:
1. Về hỗ trợ khắc phục hậu quả dông lốc, mưa đá xảy ra đầu năm 2020 tại một số tỉnh miền núi phía Bắc:
Đồng ý với đề nghị của Ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống thiên tai và ý kiến của Bộ Tài chính tại cuộc họp: hỗ trợ chi phí sửa chữa nhà cửa cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn có nhà ở bị hư hỏng nặng từ ngân sách trung ương tối đa không quá 10 triệu đồng/hộ, các tỉnh sử dụng ngân sách địa phương hỗ trợ 5 triệu đồng/hộ.
Các địa phương chịu trách nhiệm rà soát, bảo đảm hỗ trợ đúng đối tượng. Giao Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai chủ trì tổng hợp, phối hợp với các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Lao động - Thương binh và Xã hội và Văn phòng Chính phủ khẩn trương rà soát, hoàn thiện thủ tục, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Đề nghị các Bộ, cơ quan có liên quan cần rút kinh nghiệm trong công tác xử lý hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai bảo đảm nhanh gọn, kịp thời, đúng quy định và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
2. Về đề nghị xử lý sạt lở khu vực đồi Ông Tượng, tỉnh Hòa Bình:
Đồng ý hỗ trợ một phần từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2020, mức hỗ trợ như đề xuất tại báo cáo của Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai để thực hiện các hạng mục xử lý sạt lở khu vực đồi Ông Tượng nhằm bảo đảm an toàn khu vực trụ sở Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình, đập thủy điện Hòa Bình và một số cơ quan, khu dân cư lân cận.
Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình có báo cáo, đề xuất bằng văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và Ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống thiên tai đề xuất hỗ trợ cụ thể từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2020, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định, đảm bảo hiệu quả, không được để thất thoát, lãng phí.
3. Về xử lý sạt lở bờ sông Đà khu vực tổ 26, phường Đồng Tiến, thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình: Ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống thiên tai đã kiểm tra xác định đây là khu vực sạt lở ảnh hưởng đến an toàn dân cư và tuyến Quốc lộ 6. Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình có báo cáo, đề xuất bằng văn bản; giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống thiên tai, Bộ Tài chính và Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình rà soát, phân kỳ đầu tư phù hợp, đề xuất hỗ trợ xử lý những đoạn thực sự cấp bách cần thực hiện ngay trong năm 2020, báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo quy định, đảm bảo hiệu quả, chống lãng phí, thất thoát.
4. Về đề nghị hỗ trợ khắc phục sạt lở khu vực kè Quy Phú, tỉnh Nam Định:
Đây là khu vực trọng điểm xung yếu, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ đã trực tiếp kiểm tra năm 2016. Đồng ý về chủ trương hỗ trợ một phần từ ngân sách trung ương để khắc phục sạt lở. Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống thiên tai, Bộ Tài chính và Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định rà soát, đề xuất cụ thể phương án hỗ trợ xử lý đoạn cấp bách nhất cần thực hiện ngay trong năm 2020 phù hợp với khả năng cân đối của ngân sách trung ương, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định, đảm bảo hiệu quả, chống thất thoát, lãng phí.
Yêu cầu Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định chủ động bố trí dự phòng ngân sách địa phương, kế hoạch đầu tư công trung hạn và các nguồn vốn hợp pháp khác để cùng với nguồn lực được hỗ trợ từ ngân sách trung ương tập trung xử lý dứt điểm, bảo đảm an toàn cho tuyến đê hữu Hồng khu vực kè Quy Phú.
5. Về đề nghị hỗ trợ một số tỉnh miền núi phía Bắc khắc phục hậu quả mưa lũ, lũ quét, sạt lở đất từ đầu năm đến nay.
Các tỉnh chịu trách nhiệm rà soát, bảo đảm đúng đối tượng, sắp xếp thứ tự ưu tiên các hạng mục, công trình cần xử lý cấp thiết. Trên cơ sở đó, Ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống thiên tai chủ trì, phối hợp với các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính và Văn phòng Chính phủ hoàn thiện thủ tục theo đúng quy định của pháp luật về phòng, chống thiên tai và phù hợp với khả năng cân đối ngân sách nhà nước, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định, đảm bảo chặt chẽ, hiệu quả, chống thất thoát, lãng phí.
6. Về đề nghị hỗ trợ xử lý cấp bách đê xung yếu, cống dưới đê bị sự cố:
Đồng ý về chủ trương hỗ trợ một phần từ ngân sách trung ương cho các địa phương xử lý cấp bách một số đoạn đê xung yếu, cống dưới đê bị sự cố. Giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương rà soát lại và chịu trách nhiệm về danh mục, quy mô từng dự án cụ thể, bảo đảm thực sự cấp bách, hiệu quả đầu tư, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính đề xuất nguồn vốn phù hợp (ưu tiên sử dụng dự phòng ngân sách trung ương năm 2020 và bố trí các nguồn vốn hợp pháp khác nếu có), báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trong tháng 9 năm 2020. Các địa phương rà soát, sắp xếp thứ tự ưu tiên, chủ động điều chuyển vốn từ các dự án đã được giao kế hoạch vốn năm 2020, nhưng không giải ngân hết để bố trí cho các dự án xử lý cấp bách về đê điều, hồ đập xung yếu, đồng thời sử dụng dự phòng ngân sách của địa phương, bố trí trong kế hoạch đầu tư công năm 2021 và kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2021-2025 để thực hiện.
Yêu cầu Ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống thiên tai, các bộ, ngành, địa phương có liên quan khẩn trương rà soát, hoàn thiện thủ tục, bảo đảm chặt chẽ, đúng quy định, đồng thời bảo đảm kịp thời, hiệu quả, chống thất thoát, lãng phí, phù hợp với điều kiện ngân sách khó khăn năm nay.
Văn phòng Chính phủ thông báo để các cơ quan liên quan biết, thực hiện./.
| KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |
1 Thiên tai làm 78 người chết, mất tích; 2.109 nhà bị sập; trên 62.800 nhà hư hại, 121.000 ha lúa, hoa màu bị thiệt hại; thiệt hại về kinh tế khoảng 5.000 tỷ đồng.
- 1 Công văn 5927/BGTVT-ATGT về tổ chức triển khai công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2021 do Bộ Giao thông vận tải ban hành
- 2 Chỉ thị 43/CT-BTTTT về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2021 do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành
- 3 Công văn 76/TWPCTT về triển khai kết luận chỉ đạo tại Hội nghị trực tuyến công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2021 do Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai ban hành