Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 337/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 22 tháng 08 năm 2014

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ TẠI HỘI NGHỊ TOÀN QUỐC NGÀNH KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ

Trong hai ngày 07 và 08 tháng 8 năm 2014, tại thành phố Đà Nẵng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức Hội nghị toàn quốc ngành kế hoạch và đầu tư. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì Hội nghị. Sau khi nghe Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư phổ biến các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020, về lập kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016 - 2020; nội dung chính của Luật Đầu tư công, Luật Đấu thầu và dự thảo các văn bản hướng dẫn; hướng dẫn phương pháp tính toán chỉ tiêu tổng giá trị tăng thêm trong nước trên địa bàn của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; ý kiến phát biểu của các đại biểu dự Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ đã kết luận như sau:

1. Hoan nghênh Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức Hội nghị toàn quốc ngành kế hoạch và đầu tư để triển khai các nội dung hết sức quan trọng và có nhiều điểm đổi mới liên quan đến xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư công trung hạn. Lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương phải tập trung nghiên cứu, quán triệt đầy đủ và khẩn trương triển khai thực hiện các nội dung này ngay sau khi kết thúc Hội nghị để bảo đảm hoàn thành đúng mục tiêu, tiến độ và yêu cầu đề ra.

2. Về triển khai xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020:

Thời gian không còn nhiều, yêu cầu các bộ, ngành và địa phương phấn đấu hoàn thành Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2014 và 5 năm 2011 - 2015 ở mức cao nhất; khẩn trương xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 nhằm phục vụ Đại hội Đảng các cấp. Tập trung đánh giá một cách khách quan, thẳng thắn, sát với thực tiễn tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, Nghị quyết của Hội đồng nhân dân các cấp; kết quả thực hiện các chủ trương, chính sách lớn trong tái cơ cấu kinh tế, trong thực hiện 3 đột phá lớn và bảo đảm các cân đối vĩ mô; vấn đề xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại,… Việc xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 phải chuẩn bị một cách kỹ lưỡng trên cơ sở kết quả thực hiện giai đoạn 2011 - 2015 và cần đặc biệt chú ý đến công tác dự báo bối cảnh kinh tế thế giới, khu vực và trong nước, thuận lợi và khó khăn, thách thức đặt ra; quán triện đầy đủ các quan điểm phát triển đã nêu trong các nghị quyết của Đảng và Đề cương Báo cáo phương hướng, nhiệm vụ phát triển - xã hội giai đoạn 2016 - 2020 trình Hội nghị Trung ương 9 khóa XI để có giải pháp phù hợp nhằm đạt mục tiêu đề ra.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm cụ thể hóa các nội dung này trong văn bản hướng dẫn của Bộ đối với các bộ, ngành và địa phương khi xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020.

3. Về triển khai xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016 - 2020:

Thời gian qua, chúng ta đã từng bước triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư trung hạn (kể cả nguồn ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ). Việc xây dựng kế hoạch đầu tư trung hạn tuy mới chỉ là bước đầu, song đã đem lại kết quả nhất định, tạo điều kiện cho các bộ, ngành và địa phương chủ động trong quản lý và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ.

Luật Đầu tư công được Quốc hội thông qua đã tạo cơ sở pháp lý để triển khai xây dựng Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016 - 2020. Đây là một trong những giải pháp quan trọng thực hiện chủ trương của Đảng, Quốc hội, Chính phủ trong đổi mới công tác quản lý, sử dụng và tái cơ cấu đầu tư công.

Nội dung này phải được quán triệt ở tất cả các cấp từ Trung ương đến địa phương. Các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tính toán, cân đối ngân sách nhà nước trong trung hạn, bao gồm: chi đầu tư, chi thường xuyên, chi trả nợ và các khoản chi khác. Đối với nguồn vốn trái phiếu Chính phủ phải tính toán kỹ, bảo đảm an toàn tài chính quốc gia,

Đối với các Chương trình mục tiêu quốc gia, giai đoạn 2016 - 2020 tập trung thực hiện 2 chương trình là Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Việc kiên quyết cắt giảm các Chương trình mục tiêu quốc gia trong giai đoạn 2016 - 2020 thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong việc tập trung nguồn vốn đầu tư công cho các chương trình thực sự cần thiết nhằm nâng cao hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia. Các bộ, cơ quan được giao chủ trì Chương trình mục tiêu quốc gia khẩn trương xây dựng báo cáo, đề xuất chủ trương đầu tư gửi các cơ quan chức năng theo đúng tiến độ quy định tại Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 05 tháng 8 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ.

4. Về triển khai Luật Đầu tư công và Luật Đấu thầu:

Để bảo đảm tính đồng bộ của hệ thống văn bản pháp luật liên quan đến đầu tư công và đấu thầu, yêu cầu các bộ, cơ quan liên quan khẩn trương hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền ban hành văn bản hướng dẫn; đồng thời, thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật để doanh nghiệp, người dân hiểu và thực hiện đúng quy định của luật.

5. Về phương pháp tính toán chỉ tiêu tổng giá trị tăng thêm trong nước trên địa bàn của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:

Việc tính toán và công bố chỉ tiêu này của các địa phương thời gian qua dựa trên, phương pháp tính cũ, kéo dài quá lâu, đến nay không còn phù hợp, không phản ánh sát, đúng thực tế, cũng như không phù hợp với thông lệ quốc tế.

Để bảo đảm tính thống nhất, minh bạch trong sử dụng chỉ tiêu này cả ở tầm quốc gia và từng địa phương, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương khẩn trương triển khai thực hiện việc tính toán và công bố chỉ tiêu này theo đúng quy định tại Chỉ thị số 22/CT-TTg ngày 05 tháng 8 năm 2014 cựa Thủ tướng Chính phủ, làm cơ sở phục vụ xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020.

Văn phòng Chính phủ xin thông báo để các cơ quan, địa phương biết, thực hiện./.

 

 

Nơi nhận:
- Thủ tướng CP, các Phó Thủ tướng;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT,
Các Vụ: TH, TKBT, KTN, KGVX, PL;
- Lưu: VT, KTTH (3) 120

KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM




Nguyễn Văn Tùng