Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 338/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 13 tháng 12 năm 2021

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG THƯỜNG TRỰC PHẠM BÌNH MINH TẠI CUỘC HỌP KIỂM TRA, ĐÔN ĐỐC, THÁO GỠ KHÓ KHĂN, VƯỚNG MẮC VÀ ĐẨY MẠNH GIẢI NGÂN VỐN ĐẦU TƯ CÔNG NĂM 2021 CỦA MỘT SỐ BỘ, CƠ QUAN TRUNG ƯƠNG

Ngày 06 tháng 12 năm 2021, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh đã chủ trì cuộc họp kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 của một số bộ, cơ quan trung ương. Tham dự cuộc họp có đại diện lãnh đạo các bộ, cơ quan: Nội vụ, Ngoại giao, Quốc phòng, Tư pháp, Công an, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Văn phòng Chính phủ, Ủy ban Dân tộc và lãnh đạo các bộ, cơ quan là thành viên Tổ công tác số 1. Sau khi nghe báo cáo của các bộ, cơ quan và ý kiến phát biểu của các thành viên Tổ công tác số 1, Phó Thủ tướng đã kết luận như sau:

1. Ngay từ những tháng đầu năm 2021, công tác giải ngân vốn đầu tư công luôn được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo sát sao, đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo đế đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, như Nghị quyết số 63/NQ-CP ngày 19 tháng 6 năm 2021, Công điện số 1082/CĐ- TTg ngày 16 tháng 8 năm 2021 và nhiều Nghị quyết phiên họp thường kỳ của Chính phủ, văn bản chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ. Tuy nhiên, đến hết tháng 10 năm 2021 còn nhiều bộ, cơ quan trung ương và địa phương có tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn năm 2021 dưới 60%. Để bảo đảm mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công đã đề ra tại Nghị quyết số 63/NQ-CP của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập 06 Tổ công tác để kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc nhằm đẩy mạnh giải ngân tại các bộ, cơ quan này; trong đó, Tổ công tác số 1 có 09 bộ, cơ quan thuộc đối tượng kiểm tra, đôn đốc.

2. Qua đánh giá, năm 2021 có nguyên nhân khách quan tác động đến việc giải ngân chậm vốn đầu tư công, đó là dịch Covid-19 với biến thể mới diễn biến phức tạp, nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội trong thời gian dài; giá vật liệu xây dựng tăng; việc cung ứng, lưu thông hàng hóa, nguyên vật liệu, huy động nhân lực khó khăn do phải thực hiện giãn cách xã hội...Đồng thời là năm đầu của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 nên nhiều dự án khởi công mới cần có thời gian để hoàn thiện các thủ tục đầu tư dự án.

Tuy nhiên, nguyên nhân chủ quan vẫn là chủ yếu: do công tác tổ chức thực hiện còn nhiều hạn chế, sự lãnh đạo chỉ đạo ở một số bộ, cơ quan còn thiếu quyết liệt, sâu sát, thiếu sự quyết tâm chính trị; lập kế hoạch vốn chưa sát với thực tế; công tác chuẩn bị dự án, thẩm định, tư vấn còn mất nhiều thời gian; thủ tục đầu tư, thanh quyết toán vốn đầu tư dự án còn bất cập; một số Ban quản lý dự án, chủ đầu tư, nhà thầu yếu kém về năng lực...

3. Cơ bản các bộ, cơ quan đã báo cáo rõ tình hình thực hiện và kết quả giải ngân kế hoạch vốn đầu tư của 11 tháng năm 2021, các khó khăn, vướng mắc và tồn tại, hạn chế, nguyên nhân trong việc triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư 2021 thời gian qua; đồng thời thể hiện ý thức quyết tâm phấn đấu đẩy mạnh giải ngân trong những tháng cuối năm. Thời gian từ nay đến khi kết thúc niên độ ngân sách năm 2021 không còn nhiều, để bảo đảm đạt được mục tiêu đã đề ra, các bộ, cơ quan cần tập trung một số nội dung sau:

a) Tiếp tục có giải pháp thực hiện quyết liệt các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 tại Nghị quyết số 63/NQ-CP ngày 19 tháng 6 năm 2021, Công điện số 1082/CĐ-TTg ngày 16 tháng 8 năm 2021 và các Nghị quyết phiên họp thường kỳ của Chính phủ, văn bản chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ.

b) Xây dựng cụ thể kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công cho từng dự án; tổ chức đôn đốc, kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện kế hoạch, bảo đảm tiến độ đề ra; việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân phải gắn với việc kiểm soát chất lượng và thực hiện theo đúng quy định.

c) Đề cao trách nhiệm người đứng đầu, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, kiểm tra, giám sát.

d) Khẩn trương có văn bản cam kết về tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư năm 2021, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Riêng kế hoạch vốn đầu tư năm 2020 kéo dài sang năm 2021 phấn đấu tỷ lệ giải ngân đạt 100%.

4. Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp thu đầy đủ ý kiến tại cuộc họp và báo cáo của 09 bộ, cơ quan nêu trên khẩn trương tổng hợp trong Báo cáo chung về tình hình, kết quả kiểm tra của các Tổ công tác; trong đó, báo cáo rõ về tình hình giải ngân của các bộ, cơ quan trước khi kiểm tra, các khó khăn, vướng mắc, các nguyên nhân (khách quan, chủ quan) ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân, các kiến nghị (nếu có), cam kết về tỷ lệ giải ngân khi kết thúc niên độ ngân sách năm 2021; trên cơ sở đó, đề xuất các kiến nghị, báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo đúng quy định tại Quyết định số 1962/QĐ-TTg ngày 22 tháng 11 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ.

Văn phòng Chính phủ thông báo để các bộ, cơ quan liên quan biết, thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- TTg CP, các PTTg;
- Các Bộ: Nội vụ, Ngoại giao, Quốc phòng, Công an, KHĐT, TC, XD, TP, TNMT, GTVT, NNPTNT;
- Ngân hàng NNVN;
- Học viện Chính trị Quốc gia HCM;
- Ủy ban Dân tộc;
- Tòa án NDTC;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, các Vụ: TH, KGVX, CN, PL, KHTC, NC;
- Lưu: VT, KTTH(3).

KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM




Nguyễn Xuân Thành