VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 36/TB-VPCP | Hà Nội, ngày 10 tháng 02 năm 2022 |
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ LÊ VĂN THÀNH TẠI CUỘC HỌP VỀ ĐẢM BẢO CUNG ỨNG XĂNG DẦU CHO THỊ TRƯỜNG TRONG NƯỚC
Ngày 08 tháng 02 năm 2022, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã chủ trì họp với các Bộ, cơ quan liên quan về tình hình cung ứng xăng dầu cho thị trường trong nước. Tham dự họp có đại diện Lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Công Thương, Văn phòng Chính phủ, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam và đại diện Bộ Tài chính. Sau khi nghe báo cáo của Bộ Công Thương, ý kiến của các Bộ, cơ quan dự họp, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành kết luận như sau:
1. Xăng dầu là mặt hàng chiến lược, đặc biệt quan trọng, nhạy cảm dễ ảnh hưởng đến tâm lý người dân, tác động trực tiếp đến ổn định kinh tế vĩ mô. Do đó, phải được quản lý, điều tiết một cách khoa học, chặt chẽ. Chính phủ đã ban hành nhiều công cụ quản lý, các cơ chế chính sách pháp luật và giao Bộ Công Thương đủ thẩm quyền để chủ động điều hành thị trường xăng dầu bảo đảm đáp ứng đủ nhu cầu xăng dầu cho sản xuất và tiêu dùng. Việc để một số cửa hàng bán lẻ xăng dầu đóng cửa, không bán hàng, ảnh hưởng đến sản xuất, sinh hoạt của nhân dân tại một số địa phương như phản ánh của dư luận trong thời gian qua thuộc trách nhiệm chỉ đạo, điều hành của Bộ Công Thương.
2. Với vai trò là cơ quan được Chính phủ giao thẩm quyền quản lý nhà nước đối với mặt hàng xăng dầu, Bộ Công Thương cần chủ động bám sát tình hình thực tiễn, sát sao hơn trong chỉ đạo điều hành để xử lý kịp thời các tình huống phát sinh, bảo đảm không để thiếu hụt xăng dầu phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân. Trong đó tập trung vào các nhiệm vụ sau:
- Bộ Công Thương, các Bộ, cơ quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao bảo đảm cung ứng đủ xăng dầu phục vụ sản xuất kinh doanh và tiêu dùng của người dân, doanh nghiệp.
- Thực hiện thanh tra, kiểm tra ngay đối với các đơn vị liên quan đến cung ứng, phân phối xăng dầu, các cửa hàng kinh doanh xăng dầu đóng cửa, tạm ngưng hoạt động trong thời gian qua để phát hiện, xử lý nghiêm hành vi găm hàng nhằm trục lợi và các vi phạm khác (nếu có) trong hoạt động kinh doanh xăng dầu.
- Chỉ đạo các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh xăng dầu chi tiết, sát với thực tiễn; cân đối nguồn xăng dầu nhập khẩu và sản xuất trong nước để đảm bảo chủ động, kiểm soát chặt chẽ, hiệu quả hơn nữa.
3. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan rà soát các quy định về thuế, phí, tính toán lại mức chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức trong công thức tính giá cơ sở xăng dầu cho phù hợp với tình hình thực tế nhằm bảo đảm tính đúng, tính đủ, hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu và người tiêu dùng, doanh nghiệp sử dụng xăng dầu.
Văn phòng Chính phủ thông báo để các Bộ, cơ quan biết, thực hiện./.
| KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |
- 1 Thông báo số 82/TB-VPCP về việc kết luận của Thủ tướng Chính phủ về kế hoạch bảo đảm cung ứng xăng dầu năm 2008 do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 2 Công văn 4337/TCHQ-GSQL năm 2015 về việc cung ứng xăng dầu cho các doanh nghiệp chế xuất trong Khu chế xuất Linh Trung do Tổng cục Hải quan ban hành
- 3 Quyết định 503/QĐ-TTg năm 2020 về phê duyệt Nhiệm vụ lập Quy hoạch hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 4 Công văn 969/BCT-TTTN năm 2022 về bảo đảm nguồn cung xăng dầu trên thị trường nội địa do Bộ Công thương ban hành