Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 382/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 26 tháng 10 năm 2019

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VƯƠNG ĐÌNH HUỆ TẠI BUỔI LÀM VIỆC VỚI LÃNH ĐẠO TỈNH GIA LAI

Ngày 16 tháng 9 năm 2019, tại tỉnh Gia Lai, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ làm việc với lãnh đạo tỉnh Gia Lai về tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm 2019; chuẩn bị tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 18 tháng 3 năm 2002 Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể; 5 năm thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 12 tháng 3 năm 2014 của Bộ Chính trị về tiếp tục sắp xếp đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp; Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020. Cùng dự với Phó Thủ tướng có lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Quốc phòng, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giao thông vận tải, Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban Dân tộc, Văn phòng Chính phủ, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp.

Sau khi nghe báo cáo của lãnh đạo tỉnh Gia Lai và ý kiến của các Bộ, cơ quan, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ kết luận như sau:

I. ĐÁNH GIÁ CHUNG

Thời gian qua, tỉnh Gia Lai đã đạt được nhiều thành tích trong phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng và tiếp tục duy trì đã phát triển trong năm 2019. Tăng trưởng kinh tế GRDP 6 tháng đầu năm 2019 đạt 7,22%, cao hơn bình quân cả nước, thu ngân sách tăng 1,82% so với cùng kỳ, tổng nguồn vốn huy động trên địa bản tăng 2,4% so với cuối năm 2018, tổng giá trị sản xuất công nghiệp tăng 8,37%, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 12,35%, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 325 triệu USD, bằng 65,05% kế hoạch; Kim ngạch nhập khẩu ước đạt 67,6 triệu USD, bằng 75,16% kế hoạch.

Các lĩnh vực văn hoá xã hội có nhiều tiến bộ, tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi đi học mẫu giáo 88,2%, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 89,2%. Các chính sách dân tộc, tôn giáo, chính sách xã hội cho các đối tượng gia đình chính sách, người có công được quan tâm, thực hiện kịp thời, đầy đủ, đảm bảo ổn định đời sống cho hộ nghèo, người có thu nhập thấp. Giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội, duy trì tốt mối quan hệ truyền thống với các tỉnh Nam Lào và Đông Bắc Campuchia.

Bên cạnh kết quả đạt được, vẫn còn tồn tại một số khó khăn, thách thức như: sức cạnh tranh hạn chế, giá nông sản giảm, dịch tả lợn châu Phi chưa được khống chế, kết cấu hạ tầng còn nhiều khó khăn, nhiều đoạn quốc lộ và tỉnh lộ chưa được cứng hóa; tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 46,23% dân số; tỷ lệ hộ nghèo cao (10,04%), chất lượng nguồn nhân lực còn thấp.

II. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP TRONG THỜI GIAN TỚI

Để phát huy, khai thác các tiềm năng, thế mạnh của địa phương, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao trong năm 2019 và giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh Gia Lai cần tập trung thực hiện tốt một số nội dung sau:

1. Rà soát, tập trung mọi giải pháp để phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của kế hoạch năm 2019 theo các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01 tháng 01 năm 2019 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2019 và Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01 tháng 01 năm 2019 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của kế hoạch năm 2019.

2. Tập trung triển khai và hoàn thành công tác lập quy hoạch cấp tỉnh giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 theo quy định của Luật Quy hoạch; sớm triển khai xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 theo Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 29 tháng 7 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

3. Tiếp tục thực hiện việc sắp xếp đơn vị sự nghiệp công lập và đổi mới sắp xếp tổ chức, bộ máy của hệ thống chính trị theo Nghị quyết số 18-NQ/TW và Nghị quyết số 19-NQ/TW Hội nghị lần thứ sáu, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII; thực hiện tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ công chức, viên chức theo Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17 tháng 4 năm 2015 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI.

4. Đẩy mạnh việc triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; thực hiện sắp, xếp đổi mới công ty nông, lâm nghiệp theo Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 12 tháng 3 năm 2014 của Bộ Chính trị. Tiếp tục thực hiện các mô hình kinh tế hợp tác, khởi nghiệp sáng tạo, thúc đẩy hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, trong đó chú trọng đẩy mạnh công tác triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trên phạm vi toàn tỉnh và thực hiện Đề án “Phát triển 15.000 Hợp tác xã, liên hiệp Hợp tác xã nông nghiệp hoạt động có hiệu quả”. Phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, thu hút các doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư.

5. Tái cơ cấu lại diện tích trồng cao su, cải tạo rừng để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị, để rừng, đất rừng được quản lý, bảo vệ tốt và phát huy hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế khó khăn.

6. Tiếp tục cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục, công khai minh bạch tốt hơn nữa, cải thiện năng lực cạnh tranh và hiệu quả quản trị hành chính công, đẩy mạnh phát triển doanh nghiệp đổi mới sáng tạo

7. Thực hiện an sinh xã hội, các chế độ chính sách đối với người có công, đối tượng bảo trợ xã hội. Chú ý giữ vững an ninh chính trị, trật tự xã hội, đặc biệt an ninh biên giới. Tiếp tục trấn áp tội phạm, băng nhóm xã hội đen. Bảo đảm an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ.

III. VỀ MỘT SỐ KIẾN NGHỊ CỦA TỈNH

1. Về đề nghị có chính sách đặc thù hỗ trợ cho các hợp tác xã ở vùng Tây Nguyên: Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát, tổng hợp vào chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021-2025 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 22 tháng 5 năm 2018.

2. Về ưu đãi về thuế cho hợp tác xã như thuế suất, thời gian miễn giảm thuế; có các quy định phù hợp để hợp tác xã tiếp cận vốn từ các tổ chức tín dụng: Tỉnh đề xuất chính sách cụ thể cần ưu đãi về thuế, phí đối với các hợp tác xã gửi Bộ Tài chính nghiên cứu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

3. Về sắp xếp 07 Công ty TNHH MTV lâm nghiệp (Ka Nak, Sơ Pai, Hà Nừng, Trạm Lập, Lơ Ku, Đăk Roong và Krông Pa) thuộc địa bàn huyện Kbang: Ghi nhận đề xuất của Tỉnh, giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp, báo cáo xin ý kiến Bộ Chính trị về hình thức sáp nhập các công ty lâm nghiệp tại Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW.

4. Về đề nghị tiếp tục chuyển một phần diện tích đã được Thủ tướng đồng ý chuyển đổi cây trồng đối với 12.039 ha cao su trồng trên đất rừng tự nhiên nghèo bị chết và kém phát triển (công văn số 5683/VPCP-NN ngày 15 tháng 6 năm 2018) sang đầu tư điện mặt trời, điện gió: Giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại công văn số 7157/VPCP-NN ngày 13 tháng 8 năm 2019, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

5. Về hỗ trợ kinh phí trồng rừng theo Quyết định số 38/2016/QĐ-TTg để tỉnh tiếp tục triển khai công tác trồng rừng trong năm 2019 và các năm tiếp theo: Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng tại Thông báo số 474/TB-VPCP ngày 25 tháng 12 năm 2018.

6. Về việc xây dựng các vùng sản xuất nông nghiệp trong vùng tưới của công trình thủy lợi Ia Mơr, huyện Chư Prông: Giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu xử lý kiến nghị của tỉnh.

7. Về đề nghị xem xét hỗ trợ 40 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương để xây dựng 02 công trình giao thông liên xã (Đường từ trung tâm huyện đi xã Kông Lơng Khơng (đoạn ngã 3 đường Trường Sơn Đông đến làng Chư Pâu); Đường từ Trường Sơn Đông đi xã Krong (đoạn từ ngã ba Trạm gác Cây Đa đi làng đất Đỏ) và hỗ trợ phát triển sản xuất nâng cao đời sống cho nhân dân huyện Kbang xây dựng nông thôn mới:

- Cho phép tỉnh Gia Lai sử dụng nguồn dự phòng 10% vốn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020 để hỗ trợ phát triển sản xuất nâng cao đời sống cho nhân dân huyện Kbang xây dựng nông thôn mới. Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn thực hiện theo quy định.

- Tỉnh huy động các nguồn vốn hợp pháp khác ngoài ngân sách để xây dựng 02 công trình giao thông liên xã.

8. Về hỗ trợ kinh phí cho 07 dự án bố trí dân cư vùng thiên tai lũ lụt tỉnh Gia Lai theo Thông báo kết luận số 474/TB-VPCP ngày 25 tháng 12 năm 2019. Cụ thể:

- Dự án bố trí ổn định dân cư vùng thiên tai buôn H’Lang, xã Chư Rcăm, huyện Krông Pa; quy mô 102 hộ với tổng kinh phí đầu tư 45 tỷ đồng.

- Dự án bố trí dân cư thiên tai xã Ayun, huyện Chư Sê; quy mô 32 hộ với tổng kinh phí đầu tư 6,11 tỷ đồng.

- Dự án di dân vùng sạt lở xã Ia Rsai, huyện Krông Pa; quy mô 170 hộ, với tổng kinh phí đầu tư 17,063 tỷ đồng.

- Các phương án bố trí dân cư của 04 huyện Krông Pa, Ia Pa, K’bang, Kông Chro; quy mô 335 hộ với tổng kinh phí đầu tư 6,95 tỷ đồng.

Các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện theo ý kiến chỉ đạo tại công văn số 8433/VPCP-KTTH ngày 19 tháng 9 năm 2019.

9. Về bố trí vốn từ nguồn vốn dự phòng ngân sách trung ương năm 2019 để đầu tư dự án đường tỉnh 666: Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét, xử lý theo đúng chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ tại công văn số 7105/VPCP-KTTH ngày 09 tháng 8 năm 2019.

10. Về bố trí vốn từ nguồn vốn dự phòng ngân sách trung ương năm 2019 để đầu tư dự án đường liên huyện Chư Sê - Chư Pưh - Chư Prông với tổng mức đầu tư 320 tỷ đồng: Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét bố trí 260 tỷ đồng trong kế hoạch phân bổ nguồn dự phòng chung kế hoạch đầu tư công trung hạn, ngân sách địa phương bố trí phần còn lại.

11. Về thực hiện công tác hỗ trợ thiệt hại theo quy định tại Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 09 tháng 01 năm 2017 của Chính phủ: Giao Bộ Tài chính tổng hợp chung tình hình thiệt hại của các địa phương, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

12. Về công nhận hiện tượng mưa kéo dài khác thường trên diện rộng năm 2018 trên địa bàn tỉnh Gia Lai gây chết cây hồ tiêu hàng loạt là loại hình thiên tai khác theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Luật phòng, chống thiên tai năm 2013, từ đó làm căn cứ xem xét thực hiện khoanh nợ theo quy định đối với các hộ có diện tích hồ tiêu bị chết trong năm 2018: Giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét, xử lý theo quy định.

Văn phòng Chính phủ thông báo để Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai và các Bộ, cơ quan liên quan biết, thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ: QP, KH&ĐT, TC, CT, GTVT, TNMT, NN&PTNT, LĐTBXH;
- Ngân hàng Nhà nước VN;
- Ủy ban Dân tộc;
- Liên minh HTX Việt Nam;
- BCĐ Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp;
- Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Gia Lai;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý, Thư ký PTTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ: KITH, CN, NN, ĐMDN, KGVX, NC;
- Lưu: VT, QHĐP (03)TĐT

KT. BỘ TRƯỞNG CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM





Mai Thị Thu Vân