VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 387/TB-VPCP | Hà Nội, ngày 29 tháng 09 năm 2014 |
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG NGUYỄN XUÂN PHÚC TẠI HỘI NGHỊ TRỰC TUYẾN TOÀN QUỐC TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 35-CT/TƯ NGÀY 26 THÁNG 5 NĂM 2014 CỦA BỘ CHÍNH TRỊ, LUẬT TIẾP CÔNG DÂN VÀ NGHỊ ĐỊNH SỐ 64/2014/NĐ-CP NGÀY 26 THÁNG 6 NĂM 2014 CỦA CHÍNH PHỦ
Ngày 19 tháng 9 năm 2014, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai Chỉ thị số 35-CT/TƯ ngày 26 tháng 5 năm 2014 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo (Chỉ thị số 35-CT/TƯ), Luật tiếp công dân và Nghị định số 64/2014/NĐ-CP ngày 26 tháng 6 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật tiếp công dân (Nghị định số 64/2014/NĐ-CP). Tham dự hội nghị có các đồng chí: Huỳnh Phong Tranh, Tổng thanh tra Chính phủ; Nguyễn Văn Nên, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Phan Đình Trạc, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương; đại diện các Bộ, các cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; đại diện các cơ quan: Tòa án nhân dân tối cao; Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chủ tịch Nước, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh; Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; Trung ương Hội Nông dân Việt Nam; Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam; Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; Hội Luật gia Việt Nam; Liên đoàn Luật sư Việt Nam; Chánh thanh tra các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; đại diện Thường trực Tỉnh ủy, Thành ủy, Đoàn Đại biểu Quốc hội, Thường trực Hội đồng nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố; Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, Hội Luật gia, Đoàn Luật sư tỉnh, thành phố; các Sở, ban, ngành, Trưởng Ban Tiếp công dân cấp tỉnh, thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân và Chánh Thanh tra, Trưởng Ban Tiếp công dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh.
Sau khi nghe lãnh đạo Thanh tra Chính phủ báo cáo tình hình, công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2014, Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TƯ, Luật tiếp công dân và Nghị định 64/2014/NĐ-CP, ý kiến của các đại biểu dự họp, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có ý kiến kết luận như sau:
I. ĐÁNH GIÁ CHUNG
Trong thời gian qua, với quyết tâm, nỗ lực của Chính phủ, các Bộ, ngành và địa phương trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo cho nên tình hình khiếu nại, tố cáo và công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo đã có chuyển biến tích cực. Số lượt công dân đến khiếu nại, tố cáo, số đơn thư và số vụ việc khiếu nại, tố cáo giảm; có 39/63 tỉnh, thành phố khiếu nại, tố cáo giảm. Số vụ việc giải quyết theo thẩm quyền đạt tỷ lệ cao; hiệu quả giải quyết khiếu nại, tố cáo và trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền được nâng cao. Việc giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, tồn đọng, kéo dài đạt được kết quả tích cực: đã rà soát, giải quyết 494/528 vụ việc, đạt tỷ lệ 93,56%, còn 34 vụ việc đang khẩn trương tập trung giải quyết; các bộ, ngành, địa phương đang tiếp tục kiểm tra, rà soát 537 vụ việc, trong đó: 215 vụ việc đủ điều kiện chấm dứt thụ lý; 288 vụ việc đang xem xét, giải quyết. Qua kiểm tra, rà soát đã giải quyết dứt điểm được nhiều vụ việc phức tạp, kéo dài, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, đồng thời kết luận, trả lời, chấm dứt thụ lý giải quyết đối với những trường hợp khiếu nại kéo dài.
Công tác tiếp công dân có chuyển biến tích cực, một số Bộ, ngành, địa phương đã chủ động triển khai Chỉ thị số 35-CT/TƯ của Bộ Chính trị; Luật tiếp công dân và Nghị định số 64/2014/NĐ-CP. Lãnh đạo Bộ, ngành, địa phương đã thực hiện việc tiếp công dân định kỳ, tổ chức đối thoại, tập trung giải quyết những vụ việc phức tạp, kéo dài. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ và Tổng thanh tra Chính phủ đã thực hiện nghiêm túc việc tiếp dân định kỳ tại Trụ sở tiếp dân Trung ương. Sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng của Trung ương và địa phương trong việc tiếp công dân ngày càng chặt chẽ.
Tuy nhiên, tình hình khiếu nại, tố cáo tuy có giảm số vụ việc, số đơn thư và số lượt công dân đến khiếu nại, tố cáo, nhưng khiếu nại đông người tăng, nhất là tại Trụ sở tiếp công dân của Trung ương tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh (tăng 17,85% số lượt người, 15,08% số đoàn đông người và 26,79% số vụ việc). Chất lượng giải quyết khiếu nại ở một số địa phương chưa cao, nhất là cấp huyện; công tác thanh tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về khiếu nại, tố cáo chưa được quan tâm đúng mức; kỷ cương, kỷ luật trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo chưa nghiêm. Nhận thức của một số địa phương đối với việc giải quyết khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài chưa đầy đủ; việc phối hợp với Thanh tra Chính phủ và các Bộ, ngành chưa chặt chẽ, thường xuyên, chưa chủ động tìm biện pháp giải quyết dứt điểm.
Hiệu quả công tác tiếp công dân còn hạn chế, sự phối hợp giữa các cơ quan trong việc tiếp công dân chưa chặt chẽ; lãnh đạo một số địa phương chưa thực hiện đầy đủ, nghiêm túc lịch tiếp công dân định kỳ, nhất là việc tiếp công dân tại nơi xảy ra vụ việc. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về khiếu nại, tố cáo chưa thường xuyên, nhận thức của một bộ phận nhân dân về pháp luật còn hạn chế, tỷ lệ khiếu nại, tố cáo sai nhiều một số người cố tình khiếu nại, tố cáo kéo dài.
Những tồn tại trên, ngoài nguyên nhân khách quan, có nguyên nhân chủ quan: lãnh đạo một số địa phương chưa thật quan tâm, sâu sát, quyết liệt trong chỉ đạo, giải quyết khiếu nại, tố cáo; trình độ, năng lực, ý thức trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức còn hạn chế, cá biệt có trường hợp vi phạm pháp luật; số lượng cán bộ tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo ở một số địa phương chưa đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ.
II. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP TRONG THỜI GIAN TỚI
Để triển khai thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TƯ, Luật tiếp công dân và Nghị định số 64/2014/NĐ-CP, chấn chỉnh những tồn tại và nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân, yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
1. Quán triệt, thống nhất nhận thức, cách làm và triển khai đồng bộ các giải pháp theo Chỉ thị số 35-CT/TƯ của Bộ Chính trị; thực hiện nghiêm quy định của Luật tiếp công dân, Nghị định số 64/2014/NĐ-CP và các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp phải đề cao trách nhiệm, sâu sát, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; lấy hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo là một trong những tiêu chí đánh giá năng lực, kết quả công tác.
2. Chấn chỉnh, nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân. Thủ trưởng các Bộ, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị phải lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nghiêm túc quy định của Luật tiếp công dân tại địa phương, cơ quan, đơn vị mình. Thực hiện đầy đủ lịch tiếp công dân định kỳ; tăng cường tiếp dân, đối thoại với dân tại nơi xảy ra vụ việc (nhất là khi xảy ra vụ việc đông người, phức tạp, bức xúc) để giải quyết kịp thời những khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của dân ngay từ khi mới phát sinh, không để diễn biến thành “điểm nóng” gây phức tạp về an ninh, trật tự. Cán bộ tiếp công dân phải lắng nghe, tôn trọng dân, giải thích, thuyết phục, hướng dẫn công dân thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo theo đúng quy định của pháp luật. Lãnh đạo cơ quan, đơn vị phải quan tâm, sắp xếp, bố trí cán bộ có năng lực, phẩm chất làm công tác tiếp công dân; thực hiện đầy đủ chế độ, chính sách đối với cán bộ tiếp công dân.
3. Chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại để nâng cao chất lượng, hiệu quả giải quyết khiếu nại, tố cáo. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố phải nắm chắc tình hình khiếu nại, tố cáo xảy ra trên địa bàn, giải quyết kịp thời các vụ việc thuộc thẩm quyền; tiếp tục kiểm tra rà soát các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài để có biện pháp giải quyết dứt điểm, ổn định tình hình chính trị - xã hội ở địa phương. Trong quá trình giải quyết phải tổ chức đối thoại công khai, mời Mặt trận Tổ quốc, các Đoàn thể chính trị-xã hội và Luật sư tham gia; kiên trì tuyên truyền, vận động để người dân hiểu, chấp hành quyết định giải quyết đúng chính sách, pháp luật, có lý, có tình của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Những vụ việc đã thống nhất biện pháp giải quyết phải khẩn trương thực hiện, giải quyết dứt điểm, không để dân chờ đợi, khiếu kiện kéo dài. Những vụ việc phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, cơ quan có thẩm quyền giải quyết cần chủ động thông tin kịp thời, đầy đủ cho báo chí để dư luận hiểu rõ bản chất vụ việc.
Đối với những người lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo có hành vi tổ chức, kích động, xúi giục, cưỡng ép, dụ dỗ, mua chuộc, lôi kéo người khác tập trung đông người khiếu nại, tố cáo, gây rối an ninh, trật tự công cộng; cố tình khiếu nại, tố cáo sai sự thật; lợi dụng khiếu nại, tố cáo để tuyên truyền chống nhà nước, xâm phạm lợi ích của Nhà nước; xuyên tạc, vu khống, đe dọa, xúc phạm uy tín, danh dự của cơ quan, tổ chức, người có trách nhiệm giải quyết khiếu nại, tố cáo, người thi hành nhiệm vụ, công vụ khác; vi phạm quy chế tiếp công dân; đưa tin sai sự thật về việc khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo phải có biện pháp xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.
Thanh tra Chính phủ, các Bộ, ngành chức năng của Trung ương tăng cường thanh tra, kiểm tra trách nhiệm giải quyết khiếu nại, tố cáo; phối hợp với các địa phương tập trung giải quyết các vụ việc phức tạp, kéo dài. Các Đoàn thanh tra, kiểm tra của Trung ương trong quá trình giải quyết phải phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, trao đổi cụ thể, tạo sự đồng thuận trong quá trình giải quyết vụ việc, không vô hiệu hóa chính quyền địa phương.
4. Giao Tổng thanh tra Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TƯ của Bộ Chính trị, Luật tiếp công dân và Nghị định số 64/2014/NĐ-CP; hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện, định kỳ tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Văn phòng Chính phủ thông báo để các cơ quan có liên quan biết, thực hiện./.
Nơi nhận: | KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |
- 1 Kế hoạch 2343/KH-TTCP năm 2014 thực hiện Chỉ thị 35-CT/TW, Luật Tiếp công dân, Nghị định 64/2014/NĐ-CP do Thanh tra Chính phủ ban hành
- 2 Thông báo 383/TB-VPCP năm 2014 kết luận của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị tổng kết thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư và đảm bảo an toàn giao thông phục vụ triển khai Dự án mở rộng quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua khu vực Tây Nguyên do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 3 Thông báo 380/TB-VPCP năm 2014 kết luận của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Phú Yên do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 4 Thông báo 381/TB-VPCP năm 2014 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 5 Nghị định 64/2014/NĐ-CP hướng dẫn Luật Tiếp công dân
- 6 Chỉ thị 35-CT/TW năm 2014 tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo do Bộ Chính trị ban hành
- 7 Luật tiếp công dân 2013
- 1 Thông báo 380/TB-VPCP năm 2014 kết luận của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Phú Yên do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 2 Thông báo 381/TB-VPCP năm 2014 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 3 Thông báo 383/TB-VPCP năm 2014 kết luận của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị tổng kết thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư và đảm bảo an toàn giao thông phục vụ triển khai Dự án mở rộng quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua khu vực Tây Nguyên do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 4 Kế hoạch 2343/KH-TTCP năm 2014 thực hiện Chỉ thị 35-CT/TW, Luật Tiếp công dân, Nghị định 64/2014/NĐ-CP do Thanh tra Chính phủ ban hành