Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
BAN CHỈ ĐẠO CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG DỊCH BỆNH COVID-19, THÀNH PHỐ HÀ NỘI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 388/TB-BCĐ

Hà Nội, ngày 29 tháng 4 năm 2020

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA CHỦ TỊCH UBND THÀNH PHỐ NGUYỄN ĐỨC CHUNG, TRƯỞNG BAN CHỈ ĐẠO VỀ CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG DỊCH BỆNH COVID-19, THÀNH PHỐ HÀ NỘI
(TẠI PHIÊN HỌP SỐ 40)

15h30 ngày 27/4/2020, tại trụ sở UBND Thành phố, Ban Chỉ đạo về công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 thành phố Hà Nội (Ban Chỉ đạo Thành phố) đã tổ chức họp Phiên thứ 40 do Chủ tịch UBND Thành phố - Trưởng Ban Chỉ đạo Thành phố chủ trì nghe các đơn vị báo cáo về tình hình triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn Thành phố. Dự họp có các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo Thành phố; tại điểm cầu địa phương có Giám đốc các bệnh viện của Thành phố; Lãnh đạo UBND quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn và các thành viên Ban Chỉ đạo quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn.

Sau khi nghe Sở Y tế báo cáo công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19, ý kiến phát biểu của các đại biểu dự họp. Chủ tịch UBND Thành phố - Trưởng Ban Chỉ đạo Thành phố kết luận chỉ đạo như sau:

I. Thông tin về tình hình dịch bệnh

1. Thế giới: Đã có hơn 3 triệu ca mắc bệnh, hơn 211 nghìn người tử vong tại 212 quốc gia và vùng lãnh thổ. Mỹ vẫn đứng đầu về số ca nhiễm và tử vong, số ca nhiễm bệnh của Mỹ bằng 1/3 số ca của thế giới.

Có gần 100 đơn vị, tổ chức đang nghiên cứu để tìm ra Vaccine phòng, chống dịch bệnh COVID-19, mới có 4 loại đang được thử nghiệm trên người, tuy nhiên để có Vaccine an toàn phải mất 15-18 tháng; CDC của Mỹ công bố nếu độ ẩm trên 80% và nắng ráo, thời gian để virus COVID-19 tồn tại ngoài trời cũng ngắn hơn; rất có thể một số nước sẽ phải đối phó với làn sóng dịch bệnh thứ 2 vào cuối mùa thu năm 2020; đã có rất nhiều biện pháp, mô hình phòng, chống dịch bệnh trên thế giới, trong đó mô hình quan trọng nhất là phát hiện sớm, “lần theo dấu vết”, tổ chức xét nghiệm nhanh để tìm ra nguồn gốc của dịch bệnh.

Các chuyên gia khuyến nghị chưa có căn cứ để kết luận là người nhiễm bệnh rồi sẽ không tái nhiễm. Đến nay, chưa có đánh giá nào chứng minh việc nhiễm bệnh liên quan đến lứa tuổi, thời tiết, vị trí địa lý; chỉ người cao tuổi và người có bệnh lý nền thì nguy cơ cao hơn.

2. Việt Nam: vẫn đang ghi nhận 270 ca mắc (225 trường hợp đã khỏi ra viện, 45 trường hợp đang điều trị, chưa có trường hợp tử vong). Một số tỉnh, thành phố có nhiều ca mắc: Hà Nội (112); TP. Hồ Chí Minh (55); Vĩnh Phúc (19); Ninh Bình (13); Bình Thuận (09). Tuần từ ngày 20-27/4/2020 ghi nhận thêm 02 ca mắc (từ Nhật Bản về Việt Nam). Mô hình phòng, chống dịch bệnh của Việt Nam được các chuyên gia trên thế giới đánh giá tốt.

3. Hà Nội: Có tổng cộng 112 ca mắc (85 trường hợp đã công bố khỏi bệnh, 27 trường hợp đang điều trị), trong đó: 38 ca phát hiện tại Sân bay/khu cách ly tập trung (chưa về cộng đồng); 74 ca được phát hiện tại cộng đồng. Phân bố tại 17 quận huyện, 31 xã phường.

Việc xét nghiệm trên địa bàn để tìm ra người dương tính đối với COVID-19 là tối quan trọng, nhiều người nhiễm bệnh nhưng không có triệu chứng, xuất hiện nhiều ca mắc bệnh, xét nghiệm âm tính rồi lại dương tính. Tại thôn Hạ Lôi - Mê Linh cũng chỉ qua xét nghiệm mới phát hiện được trường hợp dương tính.

Việc giảm, giãn cách trên địa bàn phải thực hiện từng bước, chỉ khi có Vaccine và có từ 60-80% người trong cộng đồng có kháng thể thì mới có thể coi là có miễn dịch cộng đồng, xã hội mới quay lại hoạt động bình thường.

Đã có 6 trường hợp bệnh nhân xét nghiệm âm tính, được ra viện về nhà tiếp tục cách ly, khi xét nghiệm lại, lại phát hiện dương tính, cá biệt có trường hợp tới ngày thứ 14 lại phát hiện dương tính.

II. Nhiệm vụ cụ thể trong thời gian tới

Thành phố vẫn có 02 ổ dịch trên địa bàn, việc đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà, rửa tay sát khuẩn, giữ khoảng cách theo quy định khi di chuyển ngoài xã hội là việc làm bắt buộc. Trong thời gian tới, UBND Thành phố giao:

1. UBND các quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn

- Thường xuyên cập nhật thông tin, tiếp tục tuyên truyền thực hiện nghiêm túc theo tinh thần Chỉ thị số 19/CT-TTg ngày 24/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ. Riêng huyện Mê Linh, Thường Tín vẫn tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 15/CT-TTg, Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và các chỉ đạo của Thành phố đối với việc phòng, chống dịch bệnh ở vùng có nguy cao đến hết ngày 05/5/2020.

- Tiếp tục tăng cường kiểm tra, đôn đốc, tuyên truyền để tất cả người dân thực hiện nghiêm túc các quy định về phòng, chống dịch bệnh của Bộ Y tế và Thành phố. Trong đó, có 3 nội dung bắt buộc là: đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà, rửa tay sát khuẩn, giữ khoảng cách khi di chuyển ngoài xã hội. Việc này có thể sẽ phải thực hiện trong thời gian dài. Khuyến khích các bệnh nhân nhiễm COVID-19 sau khi được ra viện tiếp tục các ly thêm 30 - 40 ngày tại nhà.

2. Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố

- Tiếp tục tập huấn, chuẩn bị các điều kiện phục vụ xét nghiệm, đảm bảo yêu cầu của Thành phố, phấn đấu đạt năng lực xét nghiệm RT - PCR từ 3.000-5.000 mẫu trong 1 ngày. Ngoài ra, cần tiếp tục tuyên truyền, tập huấn cho các bác sĩ, điều dưỡng, các đội phản ứng nhanh về công tác lấy mẫu cũng như “theo dõi dấu vết”, xác minh đối tượng đảm bảo nhanh chóng, chính xác, xét nghiệm hiệu quả, tránh lãng phí.

- Cần có đánh giá lại các mô hình cách ly đã triển khai trên địa bàn Thành phố, luôn đề phòng trường hợp khi cuộc sống quay trở lại hoạt động bình thường, lại xuất hiện các ca nhiễm bệnh trên địa bàn Thành phố thì việc phản ứng phải nhanh hơn, triệt để hơn, chính xác hơn, ảnh hưởng ít nhất cho xã hội.

- Chủ trì phối hợp với các đơn vị, khẩn trương chuẩn bị vật tư cho công tác khám, chữa bệnh như: đồ bảo hộ lấy mẫu, que lấy mẫu, nước khử khuẩn, nhiệt kế...

3. Sở Giáo dục và Đào tạo

- Chuẩn bị mọi điều kiện để học sinh quay trở lại trường học, sớm trình UBND Thành phố các phương án cụ thể đối với từng cấp học trên địa bàn.

- Chủ trì, phối hợp Sở Y tế tập huấn cho giáo viên, nhân viên tại các cơ sở giáo dục thành thạo các kỹ năng phòng, chống dịch bệnh tại nhà trường, sẵn sàng phản ứng nhanh, chính xác, kịp thời với các tình huống dịch bệnh.

4. Sở Nội vụ, Ban Thi đua - Khen thưởng thành phố Hà Nội

Chủ trì, phối hợp Sở, ban, ngành, đoàn thể Thành phố; UBND các quận, huyện và xã, phường, thị trấn tiếp tục thường xuyên rà soát, nắm bắt thông tin các tổ chức, cá nhân, cơ quan báo chí... gương người tốt, việc tốt trong công tác phòng, chống dịch trên địa bàn Thành phố để kịp thời khen thưởng, động viên, đặc biệt là các cá nhân.

5. UBND Thành phố giao các Sở, ban, ngành; UBND các quận, huyện, thị xã

Tiếp tục chủ động rà soát các nhiệm vụ được giao tại các cuộc họp của Ban Chỉ đạo Thành phố; khẩn trương thực hiện, đảm bảo đúng thời gian, tiến độ; báo cáo UBND Thành phố theo quy định.

Giao Tổ thư ký giúp việc Ban Chỉ đạo Thành phố theo dõi, đôn đốc, báo cáo Ban Chỉ đạo Thành phố kết quả thực hiện các nội dung kết luận trên./.

 

 

Nơi nhận:
- BCĐ Quốc gia phòng, chống dịch; (để báo cáo)
- Đồng chí Bí thư Thành ủy; (để báo cáo)
- Các đồng chí Phó Bí thư Thành ủy; (để báo cáo)
- Ban Thường vụ Thành ủy; (để báo cáo)
- Chủ tịch UBND Thành phố; (để báo cáo)
- Các Phó Chủ tịch UBND Thành phố; (để báo cáo)
- BCĐ phòng, chống dịch Thành phố;
- Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội;
- Ban Tuyên giáo Thành ủy;
- Ban Dân vận Thành ủy;
- Văn phòng Thành ủy;
- Văn phòng HĐND Thành phố;
- Văn phòng Đoàn ĐBQH Hà Nội;
- Cục Quản lý Thị trường Thành phố;
- Các Sở, ngành Thành phố;
- UBND các quận, huyện, thị xã;
- Đài PTTH Hà Nội; Báo: Hànộimới, Kinh tế&Đô thị;
- VPUB: CVP; PCVP Đ.H.Giang;
Phòng: KGVX, KT, TKBT;
- Lưu: VT, KGVXDg

TL. TRƯỞNG BAN




CHÁNH VĂN PHÒNG

Vũ Đăng Định