Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ NGOẠI GIAO
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 39/2016/TB-LPQT

Hà Nội, ngày 29 tháng 6 năm 2016

 

THÔNG BÁO

VỀ VIỆC ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ CÓ HIỆU LỰC

Thực hiện quy định của Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế năm 2005, Bộ Ngoại giao trân trọng thông báo:

Hiệp định về hợp tác kinh tế giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Ma-xê-đô-ni-a, ký tại Xcốp-pi-ê ngày 02 tháng 12 năm 2014, có hiệu lực kể từ ngày 20 tháng 6 năm 2016.

Bộ Ngoại giao trân trọng gửi bản sao Hiệp định theo quy định tại Điều 68 của Luật nêu trên./.

 

 

TL. BỘ TRƯỞNG
KT. VỤ TRƯỞNG
VỤ LUẬT PHÁP VÀ ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ
PHÓ VỤ TRƯỞNG




Nguyễn Văn Ngự

 

HIỆP ĐỊNH

VỀ HỢP TÁC KINH TẾ GIỮA CHÍNH PHỦ NƯỚC CHXHCN VIỆT NAM VÀ CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HÒA MA-XÊ-ĐÔ-NIA

Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Ma-xê-đô-nia, (sau đây được gọi là “hai Bên ký kết”),

Xét đến mối quan tâm lẫn nhau trong hợp tác phát triển kinh tế và củng cố các mối quan hệ kinh tế trên cơ sở ổn định, công bằng và lâu dài;

Mong muốn phát triển các mối quan hệ kinh tế thích hợp và thúc đẩy mối quan hệ thương mại phù hợp với các nguyên tắc cơ bản của Hiệp định chung về Thuế quan và Thương mại (GATT 1994) và Hiệp định thành lập WTO;

Mong muốn thiết lập hợp tác kinh tế trong khuôn khổ luật pháp hiện hành của hai nước và hoàn toàn phù hợp với các nguyên tắc của luật pháp quốc tế,

Thỏa thuận các điều khoản dưới đây:

Điều 1

MỤC ĐÍCH

Hai Bên ký kết sẽ cùng nhau đóng góp vào sự phát triển và thúc đẩy các mối quan hệ kinh tế cũng như củng cố hợp tác kinh tế cùng có lợi trong khuôn khổ luật pháp hiện hành của cả hai nước.

Điều 2

CÁC LĨNH VỰC HỢP TÁC KINH TẾ

Hai Bên ký kết, trên cơ sở xem xét tình hình hiện tại và triển vọng của quan hệ kinh tế, nhất trí cần thiết lập những điều kiện thuận lợi cho sự hợp tác lâu dài trong các lĩnh vực sau:

- Nông sản, công nghiệp chế biến thực phẩm, chế biến và dự trữ nông sản đặc biệt là thực phẩm;

- Công nghiệp điện tử và kỹ thuật điện;

- Thăm dò, sản xuất, chuẩn bị, xử lý và chế biến thêm cũng như quảng bá các khoáng sản và các sản phẩm khai khoáng;

- Công nghiệp hóa chất và hóa dầu;

- Quản lý môi trường và chất thải;

- Lâm nghiệp và công nghiệp chế biến gỗ;

- Công nghiệp dược phẩm;

- Phát triển nguồn nhân lực;

- Du lịch;

- Hợp tác giữa các doanh nghiệp vừa và nhỏ;

- Công nghệ thông tin và truyền thông;

- Giao thông và cơ sở hạ tầng;

- Nghiên cứu và phát triển;

- Các lĩnh vực hợp tác khác không bao gồm trong Hiệp định này.

Điều 3

CÁC BIỆN PHÁP THÚC ĐẨY HỢP TÁC KINH TẾ

Hai Bên ký kết sẽ nỗ lực mở rộng hợp tác bằng các biện pháp phù hợp, chẳng hạn:

- Xúc tiến liên kết và củng cố sự hợp tác giữa các nhà hoạch định chính sách kinh tế, các tổ chức chính phủ, các tổ chức ngành nghề, các hiệp hội doanh nghiệp, các phòng thương mại, các tổ chức địa phương và khu vực, khuyến khích trao đổi các thông tin kinh tế trên cơ sở cùng có lợi, cũng như các cuộc viếng thăm của các đại diện và các đoàn kinh tế, kỹ thuật;

- Trao đổi thông tin về các ưu tiên phát triển và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nhân tham gia vào các dự án phát triển;

- Xúc tiến thiết lập các mối liên hệ mới và mở rộng các quan hệ hiện có của cộng đồng kinh doanh hai nước, khuyến khích các cuộc viếng thăm, gặp gỡ và các hình thức giao lưu khác giữa các cá nhân và doanh nghiệp;

- Trao đổi các thông tin kinh doanh, khuyến khích tham gia các hội chợ và triển lãm, tổ chức các sự kiện kinh doanh, hội thảo, diễn đàn chuyên đề và hội nghị;

- Thúc đẩy sự tham gia mạnh mẽ hơn của các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong quan hệ kinh tế song phương;

- Khuyến khích hợp tác trong việc cung cấp tư vấn, tiếp thị, cố vấn và dịch vụ-chuyên gia trong các lĩnh vực hai nước cùng quan tâm;

- Khuyến khích các cơ quan tài chính và ngân hàng thiết lập quan hệ gần gũi hơn và tăng cường sự hợp tác tương ứng giữa các tổ chức này;

- Khuyến khích các hoạt động đầu tư, thành lập các xí nghiệp liên doanh, thành lập các đại diện và chi nhánh công ty;

- Thúc đẩy hợp tác trên phạm vi quốc tế trong các vấn đề hai nước cùng quan tâm.

Điều 4

CÁC CƠ QUAN CÓ THẨM QUYỀN

Cơ quan có thẩm quyền làm đầu mối cho các Bộ, ngành liên quan trong việc thực hiện các điều khoản của Hiệp định này về phía Chính phủ của nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam sẽ là Bộ Công Thương của nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Cơ quan có thẩm quyền trong việc thực hiện các điều khoản của Hiệp định này về phía Chính phủ của nước Cộng hòa Ma-xê-đô-nia sẽ là Bộ Kinh tế của nước Cộng hòa Ma-xê-đô-nia.

Trong trường hợp thay đổi các tên hoặc các chức năng các cơ quan có thẩm quyền được đề cập đến ở trên, hai Bên ký kết sẽ phải thông báo cho nhau bằng văn bản trong 03 tháng kể từ khi chính thức hoàn tất việc thay đổi.

Điều 5

ỦY BAN HỖN HỢP

1. Hai Bên ký kết đồng ý thiết lập Ủy ban Hỗn hợp về Hợp tác Kinh tế giữa Việt Nam và Ma-xê-đô-nia (sau đây được gọi là “Ủy ban Hỗn hợp”) với mục đích thực thi Hiệp định này.

2. Ủy ban Hỗn hợp sẽ họp ít nhất một năm một lần, luân phiên tại Việt Nam và Ma-xê-đô-nia.

3. Ủy ban Hỗn hợp sẽ thực hiện những công việc sau:

(a) xem xét việc thi hành Hiệp định và cân nhắc các biện pháp nhằm thực hiện các quy định trong khuôn khổ của Hiệp định này;

(b) phân tích các vấn đề liên quan để phát triển và mở rộng các mối quan hệ kinh tế giữa hai Bên ký kết;

(c) khai thác các khả năng tăng cường và đa dạng hóa các mối quan hệ kinh tế, bao gồm hợp tác công nghiệp và đầu tư;

(d) tiến hành tham vấn về các vấn đề/các hạn chế được xác định có thể phát sinh trong quá trình phát triển các mối quan hệ kinh tế giữa hai Bên ký kết;

4. Mỗi bên ký kết sẽ chỉ định Chủ tịch về phía mình (gọi là “Chủ tịch phân ban”). Mỗi bên tự chỉ định Thư ký phân ban của mình.

5. Chương trình hoạt động, Chương trình nghị sự và thời gian diễn ra các cuộc họp sẽ được bên đăng cai tổ chức đề xuất.

6. Để thảo luận về một vấn đề cụ thể, Ủy ban có thể quyết định thiết lập các nhóm công tác, định rõ trách nhiệm của họ và thời hạn thực hiện các nhiệm vụ.

Điều 6

NGHĨA VỤ XUẤT PHÁT TỪ CÁC HIỆP ĐỊNH/CÁC TỔ CHỨC QUỐC TẾ KHÁC

Hiệp định này sẽ không cản trở các quyền và nghĩa vụ của hai Bên ký kết xuất phát từ các Hiệp định quốc tế khác mà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa Ma-xê-đô-nia là thành viên và/hoặc ảnh hưởng đến nghĩa vụ được xác định trong Thỏa thuận Ổn định và Liên kết với Các cộng đồng châu Âu hoặc các thỏa thuận với EEA (Khu vực kinh tế châu Âu), với các quốc gia thứ ba và tư cách thành viên của các tổ chức quốc tế.

Điều 7

SỬA ĐỔI, BỔ SUNG

Hiệp định này có thể được sửa đổi, bổ sung theo sự đồng thuận của hai Bên ký kết, những sửa đổi bổ sung sẽ được đưa vào các Nghị định thư riêng và là phần không thể tách rời của Hiệp định.

Điều 8

GIẢI QUYẾT CÁC TRANH CHẤP

Bất kỳ các bất đồng và tranh chấp nào phát sinh liên quan tới việc giải thích và áp dụng các điều khoản của Hiệp định này sẽ được hai Bên ký kết giải quyết thông qua tham vấn.

Điều 9

HIỆU LỰC

1. Hiệp định sẽ có hiệu lực vào ngày nhận được thông báo cuối cùng của hai Bên ký kết về việc đã hoàn thành các thủ tục pháp lý nội bộ phù hợp với pháp luật quốc gia để Hiệp định này có hiệu lực.

2. Hiệp định này có hiệu lực trong 05 năm và sẽ tiếp tục được gia hạn từng 05 năm một nếu không có bên nào thông báo bằng văn bản 06 tháng trước khi hết thời hạn Hiệp định về ý định không kéo dài thời hạn của Hiệp định.

3. Khi chấm dứt hiệu lực của Hiệp định này, các điều khoản liên quan đến các hợp đồng đã được ký và thực hiện sẽ tiếp tục có hiệu lực tới hạn cuối cùng là một năm sau khi Hiệp định hết hiệu lực trừ khi hai Bên ký kết có thỏa thuận khác.

Để làm bằng, những người có tên dưới đây, được Chính phủ mỗi Bên ủy quyền hợp pháp, đã ký Hiệp định này.

Làm tại Skopia, vào ngày 02 tháng 12 năm 2014 thành hai bản gốc bằng tiếng Việt, tiếng Ma-xê-đô-nia, và tiếng Anh, tất cả các văn bản có giá trị như nhau. Trong trường hợp có những sự giải thích khác nhau về Hiệp định này, văn bản tiếng Anh được dùng làm cơ sở.

 

THAY MẶT CHO CHÍNH PHỦ NƯỚC
CHXHCN VIỆT NAM




Mr. Đỗ Thắng Hải
Thứ trưởng Bộ Công Thương

THAY MẶT CHO CHÍNH PHỦ NƯỚC
CỘNG HÒA MA-XÊ-ĐÔ-NIA




Mr. Bekim Neziri
Bộ trưởng Bộ Kinh tế