VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 39/TB-VPCP | Hà Nội, ngày 11 tháng 02 năm 2022 |
KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ PHẠM MINH CHÍNH TẠI BUỔI LÀM VIỆC VỚI LÃNH ĐẠO THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG
Ngày 19 tháng 12 năm 2021, tại thành phố Hải Phòng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì buổi làm việc với lãnh đạo thành phố Hải Phòng về kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XV của Đảng bộ thành phố; tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2021. Trước đó, Thủ tướng đã tới thị sát hoạt động tại cảng container quốc tế Lạch Huyện. Cùng dự buổi làm việc có Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh và đại diện lãnh đạo các Bộ: Quốc phòng, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Sau khi nghe đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng báo cáo; ý kiến của lãnh đạo các Bộ, cơ quan và của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Thủ tướng Chính phủ kết luận như sau:
Thành phố Hải Phòng có vị trí chiến lược quan trọng của đất nước, trung tâm công nghiệp, cảng biển lớn nhất phía Bắc Việt Nam. Trong năm 2021, Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, đạt nhiều kết quả tích cực, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch vững mạnh, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Năm 2021 tăng trưởng kinh tế GRDP ước đạt 12,38% nằm trong nhóm dẫn đầu các địa phương trên cả nước; tổng thu NSNN ước đạt trên 90.421 tỷ đồng, bằng 117,2% dự toán; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 18,5%; kim ngạch xuất khẩu 25,11 tỷ USD, tăng 23,19%; Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ước đạt 3,13 tỷ USD, tăng 91,44% so với cùng kỳ, vượt kế hoạch đề ra. Thành phố đã quyết liệt chỉ đạo công tác phòng chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế - xã hội, quan tâm, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho người lao động và doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, bảo đảm an sinh, phúc lợi xã hội.
Đạt được những thành tựu này là do Thành phố đã bám sát tình hình, cụ thể hóa, thực hiện nghiêm túc, đồng bộ, hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước; đoàn kết, thống nhất trong Đảng, trong hệ thống chính trị để huy động sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, huy động sự vào cuộc của người dân và doanh nghiệp. Thành phố cũng nhận được sự hỗ trợ kịp thời của Trung ương, các Bộ, ngành và các địa phương khác.
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Thành phố và những thành tựu quan trọng đạt được về phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, an sinh xã hội, xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, đóng góp tích cực vào thành tựu chung của cả nước trong năm 2021.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Thành phố còn những tồn tại, hạn chế như: quy mô kinh tế phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế và với sự đầu tư, quan tâm của Trung ương; phát triển văn hóa chưa ngang tầm với phát triển kinh tế - xã hội và các lĩnh vực khác; hiệu quả quản trị hành chính công và công tác chuyển đổi số của Thành phố chưa được cải thiện (nhiều chỉ số như hiệu quả quản trị và hành chính công, ứng dụng công nghệ thông tin, mức độ chuyển đổi số còn ở vị trí khiêm tốn trên bảng xếp hạng cả nước); phát triển dân số cơ học chưa tương xứng với yêu cầu phát triển nhanh, bền vững của Thành phố, thiếu nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao; thu ngân sách mặc dù đạt cao nhưng tỷ trọng thu nội địa chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh.
II. VỀ ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN THỜI GIAN TỚI
1. Thành phố khẩn trương triển khai các mục tiêu, nhiệm vụ đã được xác định tại Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24/01/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Hải Phòng, Nghị quyết số 108/NQ-CP ngày 26/11/2019 của Chính phủ, Nghị quyết 35/2021/QH15 ngày 13/11/2021 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng.
2. Phát huy mạnh mẽ hơn nữa tinh thần tự lực, tự cường, dựa vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số để phát triển nhanh, toàn diện, bền vững về an ninh quốc phòng, kinh tế - xã hội. Trong đó, phát triển công nghiệp theo hướng công nghiệp xanh, hiện đại; du lịch theo hướng du lịch sinh thái, chất lượng cao; dịch vụ theo hướng tiên tiến, thông minh, thuận lợi; nông nghiệp theo hướng nông nghiệp xanh, sạch, bền vững.
3. Phát triển hài hòa trên mọi lĩnh vực, nhất là phát triển văn hóa phải tương xứng với phát triển kinh tế - xã hội và an ninh quốc phòng.
4. Có kế hoạch tăng dân số cơ học và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Phải xác định nguồn lực bên trong (với ba trụ cột là con người, thiên nhiên, truyền thống văn hóa lịch sử) là cơ bản, lâu dài, chiến lược, quyết định còn nguồn lực bên ngoài (nguồn vốn, công nghệ, năng lực quản trị...) là quan trọng và đột phá.
5. Phát huy tối đa lợi thế cảng biển Lạch Huyện là cảng nước sâu hiện đại, lớn nhất khu vực miền Bắc nên việc quản lý, thiết kế cảng phải theo mô hình quản trị hiện đại, quản lý bằng công nghệ số, đẩy mạnh tự động hóa, xây dựng cảng xanh, sạch, không gây ô nhiễm môi trường.
6. Đầu tư phát triển các khu công nghiệp lớn theo mô hình 5 trong 1, hạ tầng đồng bộ công nghiệp, dịch vụ, thành phố thông minh, y tế, giáo dục.
7. Cần xây dựng thành phố Hải Phòng trở thành trung tâm kết nối vùng, liên kết vùng.
8. Thành phố Hải Phòng phải đóng góp nhiều hơn nữa cho cả nước để đưa đất nước cùng phát triển, xứng đáng với sự quan tâm, đầu tư rất lớn từ Trung ương và điều kiện tự nhiên nhiều tiềm năng, lợi thế của Thành phố.
III. VỀ NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP TRỌNG TÂM TRONG THỜI GIAN TỚI
1. Quán triệt và thực hiện nghiêm túc, thiết thực, hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24/01/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết 35/2021/QH15 ngày 13/11/2021 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng, các nghị quyết của Chính phủ và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố.
2. Thành phố cần tiếp tục thực hiện phòng, chống dịch hiệu quả, thành công để khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội. Hoàn thành việc tiêm vaccine cho người trên 18 tuổi trong tháng 12 năm 2021, hoàn thành tiêm mũi thứ 3 trong quý I năm 2022 và hoàn thành tiêm vắc xin cho lứa tuổi 12-17 trong tháng 01 năm 2022.
3. Nghiên cứu xây dựng quy hoạch Thành phố bài bản, chiến lược, có tầm nhìn xa, tư duy đổi mới để nhận diện, phát huy tiềm năng, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, phát huy tối đa hiệu quả các nguồn lực đất đai, rừng, nước, tài nguyên thiên nhiên sẵn có của Thành phố.
4. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực quản trị, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, nâng cao một số chỉ số hành chính phục vụ người dân, doanh nghiệp.
5. Phát triển dịch vụ logistics hiện đại, thông minh, hiệu quả, đẳng cấp quốc tế, phù hợp với bối cảnh, tình hình phát triển chung của Thành phố, đặc biệt chú trọng đến logistics hàng không, hàng hải.
6. Thúc đẩy công tác chuyển đổi số nhanh hơn, mạnh hơn, quyết liệt hơn và hiệu quả hơn.
7. Tập trung nghiên cứu năng lượng xanh, năng lượng sạch, nhất là năng lượng gió ngoài khơi, do vậy việc nghiên cứu phát triển các dự án điện khí LNG nên dành cho các địa phương khác, đảm bảo cân đối hài hòa phát triển năng lượng giữa các vùng miền.
8. Tiếp tục giữ vững và phát huy đoàn kết, thống nhất, tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên, chống các biểu hiện tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, tập trung huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị.
9. Thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ độc lập, chủ quyền quốc gia trên biển, toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững ổn định chính trị, trật tự xã hội, an ninh, an toàn, an dân.
10. Không ngừng nâng cao đời sống tinh thần và vật chất của nhân dân, phát triển xứng tầm với vị thế, vai trò của một thành phố lớn, giàu truyền thống lịch sử - cách mạng, xứng đáng với mong muốn của nhân dân Hải Phòng và đồng bào cả nước.
V. VỀ MỘT SỐ KIẾN NGHỊ, ĐỀ XUẤT CỦA THÀNH PHỐ
1. Thủ tướng Chính phủ cơ bản đồng ý với các kiến nghị của thành phố Hải Phòng theo hướng giải quyết các cơ chế chính sách, phân cấp, phân quyền, nâng cao tính chủ động, sáng tạo và tự chịu trách nhiệm của Thành phố. Thành phố lựa chọn các Dự án có tính khả thi, đủ thời gian, điều kiện, nguồn lực, năng lực để triển khai cho hiệu quả.
2. Về phê duyệt Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Hải Phòng đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050:
Việc điều chỉnh quy hoạch cần tuân thủ nguyên tắc đúng định hướng, mục tiêu tại Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24/01/2019 của Bộ Chính trị; Chương trình hành động số 76-Ctr/TU ngày 08/7/2019 của Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng; kế thừa và phát huy tư tưởng, nội dung tại Quyết định số 1448/QĐ-TTg ngày 16/09/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng thành phố Hải Phòng đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 và Quyết định số 535/QĐ-TTg ngày 15/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Hải Phòng đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050.
Giao Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng khẩn trương hoàn thiện hồ sơ điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Hải Phòng đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050, lưu ý bảo đảm không điều chỉnh đất cây xanh sang thực hiện các chức năng khác, định hướng quy hoạch tăng tỷ lệ đất cây xanh khi di chuyển nhà máy, xí nghiệp, cơ quan tại khu vực đô thị trung tâm đảm bảo đạt tiêu chuẩn đô thị đặc biệt và những dự án sai phạm đang xử lý không đưa vào điều chỉnh quy hoạch theo đúng ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành tại Thông báo số 275/TB-VPCP ngày 22/10/2021, gửi Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan xem xét theo đúng quy định pháp luật, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
3. Về điều chỉnh quy hoạch Cảng Hàng không quốc tế Cát Bi với công suất dự kiến đạt 13 triệu hành khách đến năm 2030 và 16,6 triệu hành khách đến năm 2040:
Đồng ý về chủ trương. Giao Bộ Giao thông vận tải khẩn trương hoàn thiện Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp Thường trực Chính phủ ngày 07/12/2021; nghiên cứu lập quy hoạch chi tiết Cảng hàng không quốc tế Cát Bi, trong đó bổ sung quy hoạch đường cất hạ cánh số 2, đảm bảo Cảng hàng không đạt được công suất đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố.
4. Về việc nghiên cứu xây dựng Cảng hàng không quốc tế tại huyện Tiên Lãng sau năm 2030:
Sau năm 2030, giao Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu phương án xây dựng Cảng Hàng không Tiên Lãng theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống Cảng hàng không sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt.
5. Về đề nghị phê duyệt Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án hạ tầng khu công nghiệp Tràng Duệ, Nam Tràng Cát, Tiên Thanh, Giang Biên II, Bến Rừng:
- Đối với các Dự án Khu công nghiệp Tràng Duệ (mở rộng giai đoạn 3, diện tích khoảng 687ha), Nam Tràng Cát (200ha), Bến Rừng: Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng tiếp thu ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, khẩn trương chỉ đạo hoàn thiện hồ sơ Dự án, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
- Đối với Dự án Khu công nghiệp Tiên Thanh: Trên cơ sở kế hoạch sử dụng đất thành phố Hải Phòng thời kỳ 2021 - 2025 được cấp có thẩm quyền phê duyệt, giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng tổng hợp báo cáo về sự phù hợp của Dự án với Quy hoạch sử dụng đất theo quy định, hoàn thiện hồ sơ theo đúng ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành tại văn bản số 9237/VPCP-CN ngày 18/12/2021.
- Đối với Dự án đầu tư phát triển hạ tầng Khu công nghiệp Giang Biên II: Yêu cầu các Bộ, cơ quan liên quan khẩn trương có ý kiến tham gia, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để thẩm định hồ sơ chủ trương đầu tư dự án Khu công nghiệp Giang Biên II, trình Thủ tướng Chính phủ.
6. Về việc tháo gỡ vướng mắc cho các dự án: Khu Công nghiệp Xuân Cầu; Dự án xây dựng các bến số 3,4,5,6 Cảng Lạch Huyện:
Thành phố Hải Phòng chủ động thực hiện việc giao diện tích khu vực biển để lấn biển theo đúng quy định của pháp luật hiện hành. Giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan nghiên cứu xử lý kiến nghị của thành phố Hải Phòng theo đúng quy định của pháp luật về biến và đất đai.
7. Về chủ trương đầu tư nâng cấp dự án Kinh doanh du lịch quốc tế Hải Phòng (gắn với việc kinh doanh Casino) tại khu III quận Đồ Sơn, đồng thời điều chỉnh thời gian thực hiện dự án thành 70 năm (trong đó việc kinh doanh casino điều chỉnh thành 50 năm kể từ ngày cấp Giấy phép đầu tư):
- Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan khẩn trương thẩm định hồ sơ dự án điều chỉnh theo quy định của pháp luật về đầu tư, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
- Bộ Tài chính nghiên cứu đề nghị của thành phố Hải Phòng trong quá trình sửa đổi Nghị định số 03/2017/NĐ-CP ngày 16/01/2017 để trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
8. Về chủ trương đưa diện tích đất công nghiệp khoảng 554 ha do Công ty Mặt trời Cát Bà đầu tư tại Khu Kinh tế Đình Vũ - Cát Hải vào Quy hoạch Khu công nghiệp Việt Nam để thành lập, xây dựng tổ hợp Khu công nghiệp - Cảng biển - Logistics:
Giao Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng lập hồ sơ điều chỉnh bổ sung quy hoạch phát triển các Khu công nghiệp theo quy định pháp luật về quy hoạch, Nghị quyết 751/2019/UBTVQH14 ngày 16/8/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
9. Về việc đầu tư hệ thống giao thông đường bộ phía sau các bến cảng khu vực Lạch Huyện và cầu Tân Vũ - Lạch Huyện 2; trước mắt tập trung đầu tư đoạn đường từ bến cảng số 2 đến hết bến cảng số 6:
Giao cho các doanh nghiệp đang thi công các bến cảng thực hiện xây dựng đồng bộ hệ thống đường bộ phía sau các bến cảng.
10. Về Đề án di dời Cảng Hải Phòng (khu bến cảng Hoàng Diệu):
Giao Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp khẩn trương phối hợp với Bộ Giao thông vận tải và Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng lập, thẩm định Đề án di dời khu bến cảng Hoàng Diệu, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt trong Quý II/2022.
11. Về việc di dời Ga Hải Phòng tại quận Ngô Quyền về Ga Lập Tàu tại phường Hùng Vương, quận Hồng Bàng:
Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1769/QĐ-TTg ngày 19/10/2021. Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng phối hợp với Bộ Giao thông vận tải thực hiện theo Quy hoạch đã được duyệt. Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng tiếp tục nghiên cứu, đánh giá toàn diện trong quá trình triển khai Quy hoạch nêu trên, nếu có vướng mắc thì báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
12. Về việc nghiên cứu triển khai sớm tuyến đường sắt kết nối tuyến Yên Viên - Hạ Long với tuyến đường sắt duyên hải Quảng Ninh - Hải Phòng - Thái Bình - Ninh Bình và tuyến Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng ra cảng Lạch Huyện:
Đồng ý với kiến nghị của Thành phố. Giao Bộ Giao thông vận tải sớm nghiên cứu đầu tư xây dựng các tuyến đường sắt theo Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1769/QĐ-TTg ngày 19 tháng 10 năm 2021.
13. Về chủ trương cho phép lập đề xuất một số dự án hạ tầng giao thông kết nối vùng để kêu gọi vốn ODA và đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) như: Các đoạn còn lại của đường vành đai 2, vành đai 3; cầu Tân Vũ - Lạch Huyện 2:
Đồng ý về chủ trương. Giao Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng chỉ đạo lập đề xuất các dự án hạ tầng giao thông kết nối vùng để kêu gọi vốn đầu tư theo quy định pháp luật về đầu tư công, đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) và các quy định của pháp luật có liên quan, trình các cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
14. Về triển khai thực hiện Nghị quyết Nghị quyết 35/2021/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng:
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan, Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ được Chính phủ giao tại Nghị quyết số 155/NQ-CP để triển khai Nghị quyết số 35/2021/QH15 của Quốc hội ngay khi có hiệu lực.
- Bộ Xây dựng khẩn trương xây dựng dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về trình tự, thủ tục phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị theo quy định tại Nghị quyết số 35/2021/QH15, theo quy trình, thủ tục rút gọn, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét.
- Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương xây dựng xây dựng dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về trình tự, thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa theo quy định tại Nghị quyết số 35/2021/QH15, theo quy trình, thủ tục rút gọn, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét.
- Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng khẩn trương nghiên cứu, xây dựng Đề án thành lập Khu thương mại tự do tại thành phố Hải Phòng với một số cơ chế, chính sách đặc thù, mô hình tổ chức quản lý phù hợp theo tinh thần Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24/01/2019 của Bộ Chính trị, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan rà soát, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
15. Về chủ trương đầu tư xây dựng tuyến đường cao tốc ven biển, đoạn từ tỉnh Thanh Hóa, qua Ninh Bình, Nam Định, kết nối đường cao tốc Hải Phòng - Hà Nội, trên địa bàn Hải Phòng và sang Quảng Ninh, sử dụng nguồn vốn Chương trình phục hồi kinh tế bền vững:
Thống nhất với kiến nghị của thành phố Hải Phòng. Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính rà soát đề xuất của Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng và các địa phương liên quan, tổng hợp vào Đề án Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2022 - 2023 sau khi được cấp có thẩm quyền thông qua, căn cứ vào khả năng cân đối nguồn vốn, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
16. Về việc cho phép đổ chất nạo vét duy tu luồng hàng hải Hải Phòng năm 2022 và các năm tiếp theo vào khu vực D2 ngoài biển:
Bộ Giao thông vận tải lập Báo cáo đánh giá tác động môi trường và hồ sơ đề nghị cấp phép nhận chìm ngoài biển, gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét theo đúng quy định của pháp luật về tài nguyên môi trường biển, hải đảo và bảo vệ môi trường.
17. Về 04 kiến nghị cụ thể với các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Quốc phòng, Giao thông vận tải, Công thương và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp:
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan liên quan khẩn trương xem xét, xử lý theo thẩm quyền và có văn bản trả lời gửi Thành phố.
Văn phòng Chính phủ thông báo để Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng và các Bộ, cơ quan liên quan biết, thực hiện./.
| BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |
- 1 Thông báo 10/TB-VPCP năm 2022 về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Hưng Yên do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 2 Thông báo 12/TB-VPCP năm 2022 về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Tuyên Quang do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 3 Thông báo 15/TB-VPCP năm 2022 về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Bình do Văn phòng Chính phủ ban hành