VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 39/TB-VPCP | Hà Nội, ngày 08 tháng 03 năm 2005 |
THÔNG BÁO
Ý KIẾN KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG NGUYỄN TẤN DŨNG TẠI CUỘC HỌP VỀ BỔ SUNG PHƯƠNG ÁN SẮP XẾP, ĐỔI MỚI DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC TRỰC THUỘC BỘ CÔNG NGHIỆP VÀ CÁC TỔNG CÔNG TY NHÀ NƯỚC NGÀNH CÔNG NGHIỆP DO THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ QUYẾT ĐỊNH THÀNH LẬP
Ngày 03 tháng 02 năm 2005, tại Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì cuộc họp nghe lãnh đạo Bộ công nghiệp và các tổng công ty: Dầu khí Việt Nam, Thuốc lá Việt Nam, Hóa chất Việt Nam, Than Việt Nam, Dệt May Việt Nam báo cáo về bổ sung phương án sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước trực thuộc. Tham dự có lãnh đạo Bộ Tài chính, Ban Kinh tế Trung ương, Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp và đại diện các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Lao động - Thương binh và Xã hội, Nội vụ, Văn phòng Chính phủ. Sau khi nghe lãnh đạo Bộ Công nghiệp và các tổng công ty báo cáo bổ sung phương án, ý kiến của đại diện các cơ quan, Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã kết luận như sau:
1. Từ năm 2002 đến nay, Bộ Công nghiệp đã tích cực chỉ đạo việc sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước theo đúng chủ trương, kế hoạch đã được phê duyệt và đã đem lại kết quả bước đầu đáng khích lệ. Việc giải thể, sáp nhập, tổ chức lại tổng công ty nhà nước thực hiện có hiệu quả. Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước được đẩy mạnh, các doanh nghiệp sau khi cổ phần hóa nhìn chung đều hoạt động tốt hơn. Bộ Công nghiệp cần sớm tổ chức sơ kết đánh giá cụ thể những mặt được, chưa được trong công tác sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước thời gian qua, rút ra những kinh nghiệm bổ ích để việc chỉ đạo công tác này trong thời gian tới quyết liệt hơn, chặt chẽ, vững chắc và đạt kết quả tốt hơn.
2. Về cổ phần hóa công ty nhà nước: cần bám sát tiêu chí, danh mục phân loại công ty nhà nước và công ty thành viên hạch toán độc lập của tổng công ty nhà nước, căn cứ tầm quan trọng của công ty thành viên đối với tổng công ty để lựa chọn doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa; tiếp tục chuyển một số công ty trách nhiệm hữu hạn nhà nước một thành viên thành công ty cổ phần. Đối với những công ty có vốn nhà nước lớn, đang sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, khi bán cổ phần lần đầu, Nhà nước giữ 51% tổng số cổ phần; sau một thời gian hoạt động, nếu công ty cần tăng vốn mà Nhà nước cũng không cần giữ vốn chi phối, thì tiếp tục bán phần vốn nhà nước tại công ty hoặc phát hành thêm cổ phiếu để thu hút vốn.
Đối với những công ty không cổ phần hóa được, cần khẩn trương chuyển sang các hình thức sắp xếp khác theo quy định của pháp luật.
3. Chuyển các doanh nghiệp mà Nhà nước cần giữ 100% vốn sang hoạt động theo chế độ công ty dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn nhà nước một thành viên để hữu hạn hóa trách nhiệm và nâng cao tính năng động, tự chủ của doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
4. Khi xây dựng các Đề án hình thành tập đoàn kinh tế, chuyển sang mô hình công ty mẹ - công ty cần lưu ý lĩnh vực tài chính, ngân hàng phải hoạt động theo Luật.
5. Về sắp xếp lại các tổng công ty nhà nước trực thuộc Bộ Công nghiệp:
- Các tổng công ty: Máy động lực và Máy nông nghiệp, Máy và Thiết bị công nghiệp, Xây dựng Công nghiệp Việt Nam, Thiết bị kỹ thuật điện chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con.
- Đẩy nhanh việc thí điểm Hội đồng quản trị ký hợp đồng với Tổng giám đốc ở Tổng công ty Thiết bị kỹ thuật điện.
- Tổng công ty Khoáng sản Việt Nam nên chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con; trong đó, công ty mẹ do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.
- Bộ Công nghiệp chủ động phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan để chỉ đạo triển khai thực hiện vững chắc, có kết quả Đề án cổ phần hóa Tổng công ty Điện tử và Tin học Việt Nam mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt.
- Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội và Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn cần đẩy mạnh đầu tư mở rộng sản xuất, đồng thời sớm trình phương án cổ phần hóa 02 tổng công ty này, trong đó lưu ý việc bán cổ phần cho cổ đông chiến lượng là những tập đoàn bia lớn của thế giới.
6. Về sắp xếp tổng công ty nhà nước ngành công nghiệp do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập:
6.1. Tổng công ty Dầu khí Việt Nam: khẩn trương hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ Đề án hình thành Tập đoàn dầu khí, trong đó cần đề xuất rõ cơ cấu tổ chức và chức năng nhiệm vụ của Hội đồng quản trị Tập đoàn đáp ứng được yêu cầu quản lý có tính đặc thù của ngành dầu khí.
6.2. Tổng công ty Điện lực Việt Nam: khẩn trương hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ Đề án hình thành Tập đoàn Điện lực hoạt động đa ngành; trong đó, cần làm rõ vị trí, vai trò và phương hướng tổ chức lại 4 Công ty Điện lực miền. Chuyển mạnh một số nhà máy sản xuất điện sang hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên. Tổ chức lại 4 Công ty Truyền tải điện hiện có thành 1 Công ty.
6.3. Tổng công ty Than Việt Nam: trong Quý I năm 2005, trình Thủ tướng Chính phủ Đề án hình thành tập đoàn kinh tế kinh doanh đa ngành, trong đó sản xuất, khai thác than là ngành kinh doanh chính.
6.4. Tổng công ty Dệt - May Việt Nam: khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ Đề án hình thành tập đoàn kinh tế; trong đó, chú trọng lĩnh vực dệt và sản xuất phụ liệu phục vụ cho công nghiệp may để nâng cao tỷ trọng nguyên liệu, phụ liệu sản xuất trong nước trong các sản phẩm xuất khẩu; tích cực xây dựng, phát triển thương hiệu sản phẩm, nâng cao uy tín trên thị trường.
6.5. Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam, Tổng công ty Hóa chất Việt Nam, Tổng công ty Thép Việt Nam: xây dựng Đề án chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con, trình Thủ tướng Chính phủ theo quy định hiện hành.
6.6. Tổng công ty Giấy Việt Nam: nghiên cứu khả năng cổ phần hóa Công ty Giấy Bãi Bằng để thu hút thêm vốn phát triển sản xuất, kinh doanh.
Văn phòng Chính phủ xin thông báo để Bộ Công nghiệp, các tổng công ty nhà nước ngành công nghiệp do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập và các cơ quan liên quan biết, thực hiện./.
Nơi nhận: | KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |
- 1 Thông báo 389/TB-VPCP kết luận của Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh tại cuộc họp với Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội về phương án sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp Nhà nước giai đoạn 2012 - 2015 do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 2 Thông báo số 111/TB-VPCP về kết luận của Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng tại Hội nghị Đổi mới doanh nghiệp nhà nước do Văn phòng Chính phủ ban hành