VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 392/TB-VPCP | Hà Nội, ngày 04 tháng 12 năm 2012 |
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG VŨ VĂN NINH TẠI CUỘC HỌP BAN CHỈ ĐẠO NHÀ NƯỚC VỀ ĐỔI MỚI CƠ CHẾ HOẠT ĐỘNG CÁC ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP CÔNG LẬP NGÀY 06 THÁNG 11 NĂM 2012
Ngày 06 tháng 11 năm 2012, tại Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân và Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh - Trưởng ban Chỉ đạo Nhà nước về đổi mới cơ chế hoạt động các đơn vị sự nghiệp công lập, đồng chủ trì cuộc họp bàn về việc triển khai thực hiện các nội dung Thông báo Kết luận số 37/TB-TW ngày 26 tháng 5 năm 2011 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 40/NQ-CP ngày 09 tháng 8 năm 2012 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Thông báo kết luận số 37/TB-TW của Bộ Chính trị về Đề án “Đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, đẩy mạnh xã hội hóa một số loại hình dịch vụ sự nghiệp công” trong lĩnh vực giáo dục đại học. Tham dự cuộc họp có đại diện lãnh đạo các cơ quan của Quốc hội: Ủy ban Tài chính - ngân sách, Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên và Nhi đồng, Ủy ban Về các vấn đề xã hội; đại diện lãnh đạo các Bộ là thành viên Ban Chỉ đạo: Tài chính, Giáo dục và Đào tạo, Y tế, Khoa học và Công nghệ, Văn hóa Thể thao và Du lịch, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải, Thông tin và Truyền thông; đại diện lãnh đạo các cơ sở giáo dục đại học: Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội, Trường Đại học Ngoại thương Hà Nội, Trường Đại học Quốc tế thành phố Hồ Chí Minh.
Sau khi nghe Lãnh đạo các Bộ: Tài chính, Giáo dục và Đào tạo báo cáo nội dung, giải pháp về đổi mới cơ chế tài chính đối với giáo dục đại học; Lãnh đạo Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Kinh tế Quốc dân báo cáo tóm tắt Đề án thí điểm nhà nước đặt hàng đào tạo và Đề án thí điểm về lộ trình tính đủ chi phí đào tạo cần thiết trong học phí đào tạo đại học; trên cơ sở các ý kiến phát biểu của các đại biểu tham dự và ý kiến của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh - Trưởng ban Chỉ đạo đã kết luận như sau:
1. Về quan điểm, chủ trương, mục đích ý nghĩa của việc đổi mới cơ chế hoạt động các đơn vị sự nghiệp công lập:
a) Về quan điểm, chủ trương:
Quan điểm, nhận thức và phương thức triển khai chủ trương đổi mới cơ chế hoạt động các đơn vị sự nghiệp công lập và đẩy mạnh xã hội hóa các dịch vụ sự nghiệp công trong lĩnh vực giáo dục đại học là cần thiết, nhận được sự đồng thuận của các cơ quan Quốc hội, Chính phủ và sự hưởng ứng tích cực trong việc triển khai thực hiện của các cơ sở giáo dục đại học công lập.
Về cơ bản nội dung báo cáo của các Bộ: Tài chính, Giáo dục và Đào tạo và các đơn vị đề xuất triển khai thí điểm như Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh và Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội đã được chuẩn bị công phu, chi tiết, đúng hướng. Thực tế thời gian qua đã có một số trường đại học triển khai khá tốt và đã có những kinh nghiệm nhất định để tiếp tục mở rộng, triển khai trong thời gian tới.
b) Về mục đích, ý nghĩa:
Mục đích ý nghĩa của việc triển khai đổi mới cơ chế hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập đã được bàn rất kỹ tại Phiên họp lần thứ nhất của Ban Chỉ đạo vào ngày 26 tháng 9 năm 2012. Trong lĩnh vực giáo dục đại học, thực hiện tốt nội dung về đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập là một bước quan trọng trong quá trình nghiên cứu, triển khai nội dung Kết luận tại Hội nghị Trung ương 6, khóa XI về Đề án “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”; đồng thời tác động tích cực đến sự phát triển cả về số lượng và chất lượng dịch vụ giáo dục đại học, góp phần đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân và có điều kiện thực hiện chế độ đãi ngộ tốt hơn đối với đội ngũ nhà giáo, học sinh tài năng, học sinh thuộc đối tượng chính sách, học sinh nghèo.
Việc mở rộng chính sách xã hội hóa giáo dục đại học qua xây dựng lộ trình điều chỉnh học phí từng bước phản ánh các chi phí đào tạo cần thiết đối với từng ngành học sẽ góp phần thực hiện tốt hơn chính sách điều tiết thu nhập, đảm bảo công bằng xã hội; cụ thể như việc điều chỉnh chính sách học phí sẽ thu hút được nguồn tài chính của nhóm người có thu nhập cao trong xã hội để ngân sách nhà nước có điều kiện chăm lo tốt hơn đối với người nghèo, gia đình chính sách trong khi ngân sách đầu tư cho giáo dục đại học không giảm đi.
2. Về nội dung các đề án báo cáo:
Bộ Giáo dục và Đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các đề án báo cáo, trong đó tập trung làm rõ các nội dung sau:
a) Về mục đích: Đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực giáo dục đại học, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng đào tạo cần phù hợp với quy hoạch phát triển ngành, trong đó không tạo áp lực tăng chi ngân sách cho giáo dục vượt khả năng cân đối của ngân sách nhà nước và điều kiện kinh tế của đất nước.
b) Về nội dung: Tiến hành phân loại theo từng loại hình, cấp học, đào tạo; trên cơ sở đó xác định định hướng phát triển và cơ chế chính sách phù hợp với từng loại hình, cấp học, đào tạo.
c) Về vấn đề triển khai thí điểm:
- Nghiên cứu kỹ, lựa chọn thận trọng vì là lĩnh vực nhạy cảm, ảnh hưởng đến nhiều mặt đời sống xã hội; bảo đảm triển khai tốt để tạo điều kiện thuận lợi cho thực hiện chủ trương đổi mới nhưng không cầu toàn, vừa làm vừa rút kinh nghiệm.
- Về nguyên tắc, xây dựng tiêu chí quản lý nhà nước cụ thể của ngành để đảm bảo chất lượng và từng bước nâng cao chất lượng đào tạo; trước mắt bảo đảm các nhóm ngành nghề lựa chọn thí điểm phải đáp ứng được các tiêu chí, tiêu chuẩn hiện tại của Bộ Giáo dục và Đào tạo như tiêu chí về chuẩn đầu ra, chương trình giáo trình, giảng viên về tuyển sinh và văn bằng...
- Về số lượng các ngành nghề/đơn vị tham gia thí điểm: Không thí điểm phạm vi rộng (lựa chọn khoảng 4 đơn vị thí điểm); nghiên cứu, lựa chọn để xác định thí điểm toàn trường hay chỉ thí điểm đối với từng khoa/nhóm ngành học.
Các Bộ, ngành, cơ sở giáo dục rà soát lại các nội dung triển khai cơ chế tự chủ tự chịu trách nhiệm về nhiệm vụ, tổ chức bộ máy và tài chính tài sản theo Nghị định 43/2006/NĐ-CP của Chính phủ; trên cơ sở đó làm rõ những nội dung tự chủ chưa được triển khai triệt để trong thời gian qua (ví dụ như tự chủ về tổ chức bộ máy), xác định những nội dung cần giao thêm quyền tự chủ cho các trường trong thời gian tới.
d) Về việc xây dựng chi phí đào tạo: chia ra theo 3 mức như sau:
- Mức 1: Chi phí đào tạo đảm bảo tính đủ chi phí tiền lương (chi phí hiện nay chưa tính đủ yếu tố này) và nhu cầu chi ngân sách hỗ trợ cho người học.
- Mức 2: Chi phí đào tạo tính đủ chi phí tiền lương và chi phí về nghiệp vụ giảng dạy, học tập (tính đủ chi phí thường xuyên).
- Mức 3: Chi phí đào tạo tính cả chi phí khấu hao tài sản cố định.
Trên cơ sở đó, nghiên cứu, lựa chọn bước đi, xây dựng lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ đào tạo (học phí) theo từng ngành học, đảm bảo phù hợp với thu nhập của người dân và khả năng của ngân sách nhà nước, cơ sở cho việc xác định chi phí đặt hàng (đơn giá đào tạo).
đ) Về nhu cầu chi ngân sách hỗ trợ cho người học thuộc đối tượng chính sách, có hoàn cảnh gia đình khó khăn, không có khả năng trả chi phí đào tạo: Bộ giáo dục và đào tạo chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan rà soát lại đối tượng thuộc diện chính sách, thuộc hộ nghèo, cận nghèo không có khả năng chi trả chi phí đào tạo để đề xuất chế độ miễn, giảm, cho vay và tính toán nhu cầu kinh phí hỗ trợ từ ngân sách nhà nước để đảm bảo các đối tượng này không phải bỏ học vì khó khăn về tài chính và thực hiện đầy đủ các chính sách của Nhà nước về an sinh xã hội.
e) Về nội dung xây dựng cơ chế quản lý tài chính (thu, chi của các trường): Đây là nội dung rất quan trọng; trong khi hiện nay việc quy định phân loại đơn vị sự nghiệp công lập theo Nghị định 43/2006/NĐ-CP chưa chuẩn (ví dụ như nếu quan niệm nguồn ngân sách nhà nước cũng là một nguồn thu của cơ sở đào tạo thì việc tính toán, xác định loại hình đơn vị sẽ khác so với hiện nay). Các Bộ, cơ quan cần nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách, bảo đảm sự phù hợp và tạo thuận lợi cho triển khai thực hiện.
f) Về vấn đề đào tạo chất lượng cao, học phí cao: Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng tiêu chuẩn về chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo chất lượng cao và xác định nhu cầu xã hội đối với loại chương trình này; trên cơ sở đó phân loại theo 3 nhóm:
- Nhóm 1: Số người cần được đào tạo theo nhu cầu của các cơ quan nhà nước, được nhà nước tài trợ hỗ trợ để trả học phí và có nghĩa vụ làm việc theo điều động của nhà nước.
- Nhóm 2: đối tượng chính sách xã hội: nhà nước hỗ trợ một phần trả học phí, phần còn lại người học tự trả.
- Nhóm 3: đối tượng khác: người học tự chi trả học phí theo mức bù đắp đủ chi phí đào tạo.
Trong đó, cần tính toán, rà soát kỹ để đảm bảo cân đối, hài hòa trong phân bổ và sử dụng nguồn lực của ngân sách và xã hội.
3. Về cách thức triển khai trong thời gian tới:
a) Về cơ chế chính sách:
- Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan khẩn trương nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền sửa đổi Nghị định 43/2006/NĐ-CP ngày 26 tháng 4 năm 2006 của Chính phủ, ban hành cơ chế tự chủ tự chịu trách nhiệm về nhiệm vụ, tổ chức bộ máy và tài chính tài sản đối với các đơn vị sự nghiệp công lập phù hợp với yêu cầu thực tiễn, trên cơ sở đó đề xuất xây dựng chính sách thí điểm riêng theo hướng mở rộng hơn một số quy định so với hiện hành để khuyến khích các đơn vị tham gia và rút kinh nghiệm hoàn thiện chính sách.
- Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan đề xuất thành lập Tổ công tác nghiên cứu, xây dựng cơ chế chính sách về đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính trong lĩnh vực giáo dục; trong đó các thành viên tham gia gồm đại diện của Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, một số Ủy ban của Quốc hội và các đơn vị có liên quan. Tổ công tác có trách nhiệm khảo sát, đánh giá kỹ, cụ thể các cơ chế hiện tại, trên cơ sở đề xuất nội dung thí điểm. Sau một thời gian thực hiện sẽ đánh giá điều kiện cụ thể để mở rộng mô hình.
b) Về thời gian: Trong tháng 12 năm 2012 hoặc muộn nhất trong tháng 01 năm 2013, hoàn thiện các nội dung về triển khai Đề án thí điểm về đặt hàng đào tạo và đào tạo chất lượng cao, học phí cao, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt để làm cơ sở cho các trường kịp thông báo tuyển sinh cho năm học 2013 - 2014 vào tháng 3 năm 2013.
Văn phòng Chính phủ thông báo để các thành viên Ban Chỉ đạo Nhà nước về đổi mới cơ chế hoạt động các đơn vị sự nghiệp công lập, các Bộ, cơ quan liên quan biết, thực hiện./.
Nơi nhận: | KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |
- 1 Thông báo 200/TB-VPCP năm 2017 kết luận của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Nhà nước về đổi mới cơ chế hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 2 Công văn 5072/BKHĐT-PTDN năm 2015 đề nghị rà soát, đánh giá hoạt động đơn vị sự nghiệp công lập do Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành
- 3 Thông báo 384/TB-VPCP năm 2014 kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Nhà nước về đổi mới cơ chế hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 4 Công văn 6962/VPCP-KTN năm 2013 về cơ chế hoạt động hoa tiêu hàng hải của Công ty cổ phần Dịch vụ và Vận tải biển Vũng Tàu do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 5 Thông báo 340/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh tại cuộc họp Ban chỉ đạo Nhà nước về đổi mới cơ chế hoạt động đơn vị sự nghiệp công lập ngày 26 tháng 9 năm 2012 do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 6 Nghị quyết 40/NQ-CP năm 2012 về Chương trình hành động thực hiện Thông báo kết luận của Bộ Chính trị về Đề án "Đổi mới cơ chế hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập, đẩy mạnh xã hội hóa loại hình dịch vụ sự nghiệp công" do Chính phủ ban hành
- 7 Quyết định 272/QĐ-TTg năm 2012 thành lập Ban Chỉ đạo Nhà nước về đổi mới cơ chế hoạt động đơn vị sự nghiệp công lập do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 8 Nghị định 43/2006/NĐ-CP quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập
- 1 Thông báo 200/TB-VPCP năm 2017 kết luận của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Nhà nước về đổi mới cơ chế hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 2 Công văn 5072/BKHĐT-PTDN năm 2015 đề nghị rà soát, đánh giá hoạt động đơn vị sự nghiệp công lập do Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành
- 3 Thông báo 384/TB-VPCP năm 2014 kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Nhà nước về đổi mới cơ chế hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 4 Công văn 6962/VPCP-KTN năm 2013 về cơ chế hoạt động hoa tiêu hàng hải của Công ty cổ phần Dịch vụ và Vận tải biển Vũng Tàu do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 5 Thông báo 340/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh tại cuộc họp Ban chỉ đạo Nhà nước về đổi mới cơ chế hoạt động đơn vị sự nghiệp công lập ngày 26 tháng 9 năm 2012 do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 6 Quyết định 272/QĐ-TTg năm 2012 thành lập Ban Chỉ đạo Nhà nước về đổi mới cơ chế hoạt động đơn vị sự nghiệp công lập do Thủ tướng Chính phủ ban hành