- 1 Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018 về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp do Ban Chấp hành Trung ương ban hành
- 2 Nghị quyết 23/2021/QH15 về Kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021-2025 do Quốc hội ban hành
- 3 Nghị quyết 34/2021/QH15 năm 2021 về dự toán ngân sách nhà nước năm 2022 do Quốc hội ban hành
- 4 Quyết định 326/QĐ-TTg năm 2022 về phân bổ chỉ tiêu Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Kế hoạch sử dụng đất quốc gia 5 năm 2021-2025 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 396/TB-VPCP | Hà Nội, ngày 30 tháng 12 năm 2022 |
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ PHẠM MINH CHÍNH TẠI BUỔI LÀM VIỆC VỚI LÃNH ĐẠO TỈNH NINH BÌNH
Ngày 18 tháng 11 năm 2022, tại tỉnh Ninh Bình, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự Lễ phát động Phong trào thi đua và Kế hoạch triển khai Phong trào thi đua “Đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí”; kiểm tra dự án xây dựng tuyến đường Đông - Tây giai đoạn 1, tỉnh Ninh Bình (đoạn từ thành phố Tam Điệp đến thị trấn Nho Quan); thăm, động viên sản xuất tại Nhà máy ô tô Huyndai - Tập đoàn Thành công Motor và chủ trì buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Ninh Bình về kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2022, phương hướng nhiệm vụ năm 2023 và những năm tiếp theo. Cùng tham dự các hoạt động và buổi làm việc có Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng; đại diện lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Văn phòng Chính phủ, Tập đoàn Điện lực Việt Nam.
Sau khi nghe báo cáo của Tỉnh ủy Ninh Bình và ý kiến của lãnh đạo các Bộ, cơ quan, Thủ tướng Chính phủ kết luận như sau:
I. ĐÁNH GIÁ CHUNG
Ninh Bình là vùng đất cố đô giàu truyền thống lịch sử, “địa linh nhân kiệt”, nhiều tiềm năng phát triển, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh. Với đường quốc lộ 1A, cao tốc Bắc - Nam, cùng với cảng thủy nội địa, Ninh Bình là “cửa ngõ ra Bắc vào Nam”, là nơi tiếp nối giao lưu kinh tế, văn hóa giữa châu thổ sông Hồng với Bắc Trung Bộ, giữa vùng đồng bằng Bắc Bộ với vùng rừng núi Tây Bắc. Với diện tích hơn 1.400 km2, dân số trên 1 triệu người, tỉnh Ninh Bình là địa phương có mật độ dân số cao ở vùng đồng bằng sông Hồng, tạo điều kiện phát triển nguồn nhân lực. Về tiềm năng phát triển du lịch, Ninh Bình sở hữu tài nguyên du lịch độc đáo, với nhiều danh lam thắng cảnh đẹp, kỳ thú và đa dạng, nổi bật như quần thể danh thắng Tràng An - Tam Cốc - Bích Động, khu bảo tồn đất ngập nước Vân Long, vườn quốc gia Cúc Phương, cùng với tài nguyên nhân văn rất phong phú, như Cố đô Hoa Lư, nơi gắn liền với 3 triều đại Đinh - Tiền Lê - Lý, chùa Bái Đính, chùa Non Nước, đền Thái Vi, nhà thờ đá Phát Diệm... Ninh Bình cũng là quê hương của nhiều danh nhân đất Việt tiêu biểu như: Đinh Tiên Hoàng Đế, Danh nhân văn hóa Trương Hán Siêu, Quốc sư Nguyễn Minh Không, Trạng Bồng Vũ Duy Thanh, Anh hùng Lương Văn Tụy, Sử gia Ninh Tốn. Ngoài ra, Ninh Bình còn có nhiều làng nghề thủ công mỹ nghệ nổi tiếng: chiếu cói Kim Sơn, thêu ren Ninh Hải, gốm Bồ Bát, mộc Phúc Lộc, đá Ninh Vân...
Trong năm 2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Ninh Bình đã đoàn kết, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, đạt nhiều kết quả tích cực, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch vững mạnh, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Tăng trưởng kinh tế (GRDP) quý III năm 2022 đạt 12,64%, 9 tháng đầu năm đạt 8,32%. Năm 2022 là năm đầu tỉnh Ninh Bình thực hiện tự cân đối ngân sách, tổng thu ngân sách nhà nước 9 tháng đạt 78,1% dự toán, tăng 5,7% so với cùng kỳ. Xuất nhập khẩu tăng nhanh: tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 20,9% so với cùng kỳ; Tổng kim ngạch nhập khẩu tăng 12,1%; tổng mức bán lẻ hàng hóa đạt 27,6 nghìn tỷ đồng, tăng 66,8% so với cùng kỳ. Thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, với 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới; 7/8 huyện đạt chuẩn huyện nông thôn mới. Dịch vụ, du lịch phục hồi nhanh, 9 tháng đầu năm đạt trên 2,78 triệu lượt khách, vượt 11,2% so với kế hoạch năm và tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ; doanh thu vượt 10,5% kế hoạch và tăng gấp 3,2 lần so với cùng kỳ. Ninh Bình là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về giải ngân vốn đầu tư công, 9 tháng đầu năm đã giải ngân đạt trên 3.900 tỷ đồng, bằng 77,6% kế hoạch vốn được Thủ tướng Chính phủ giao, xếp 5/63 tỉnh thành. Cải cách hành chính, chuyển đổi số đạt kết quả tương đối tốt: chỉ số Hài lòng về phục vụ hành chính (SIPAS) xếp thứ 12/63; chỉ số Cải cách hành chính (PAR Index) xếp thứ 20/63; chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) xếp thứ 8/63; chỉ số về chuyển đổi số xếp thứ 6/63. Công tác phòng chống dịch được tập trung chỉ đạo, đạt kết quả tốt, tỷ lệ bao phủ vacxin tương đối cao. Văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ; an sinh xã hội, đời sống của nhân dân được đảm bảo; giáo dục và đào tạo đạt nhiều thành tích ấn tượng, tỷ lệ tốt nghiệp Trung học phổ thông đạt 99,49%, điểm trung bình của các thí sinh đạt 6,95 điểm, xếp thứ 2 toàn quốc; niềm tin của nhân dân vào công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành của các cấp ủy đảng, chính quyền được củng cố. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo; quốc phòng, quân sự địa phương được tăng cường. Phòng chống tham nhũng, tiêu cực, giải quyết khiếu nại, tố cáo được tập trung chỉ đạo và có chuyển biến tích cực.
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Ninh Bình và những thành tựu quan trọng đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, xây dựng Đảng, hệ thống chính trị; đóng góp tích cực vào thành tựu chung của cả nước trong năm 2022.
Bên cạnh những kết quả đạt được, tỉnh Ninh Bình vẫn còn một số hạn chế như: Quy mô nền kinh tế nhỏ so với các tỉnh trong khu vực; phát triển kinh tế - xã hội chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, tăng trưởng kinh tế (GRDP) ở mức trung bình so với cả nước; tỷ lệ đô thị hóa và dân số thành thị thấp; sản phẩm du lịch chất lượng cao còn hạn chế; vùng sinh thái đồi núi phía Tây Nam chưa được khai thác hết; vấn đề bảo vệ môi trường cần được quan tâm; Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) chưa được cải thiện, xếp thứ 58/63 tỉnh, thành phố.
II. VỀ QUAN ĐIỂM CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH
1. Quán triệt và thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; các Nghị quyết Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII. Phấn đấu xây dựng, phát triển Ninh Bình giàu đẹp, người dân ấm no, hạnh phúc, năm sau tốt hơn năm trước.
2. Phát triển toàn diện tất cả các mặt kinh tế - xã hội, chú trọng, phát triển có có trọng tâm, trọng điểm, chiều sâu về văn hóa, phát triển du lịch, dịch vụ gắn với công nghiệp văn hóa. Chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông thôn sang đô thị, thu hút, chú trọng phát triển công nghiệp xanh, sạch, công nghệ cao ở vùng Tây Nam tỉnh Ninh Bình. Tập trung phát triển công nghiệp văn hóa, dịch vụ ở vùng cố đô gắn liền với bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu, bảo tồn và phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa.
3. Công tác chỉ đạo, điều hành cần bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo; kiên định mục tiêu xuyên suốt nhưng phải hết sức linh hoạt, sáng tạo, bảo đảm hiệu quả, kịp thời; phải mạnh mẽ hơn, quyết tâm hơn, đột phá hơn nữa trong tư duy, phương pháp luận, tư tưởng phải thông suốt, nhất quán trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.
4. Phát huy mạnh mẽ truyền thống lịch sử cách mạng, văn hóa, tinh thần tự lực, tự cường, đi lên từ bàn tay, khối óc, mảnh đất, khung trời, cửa biển. Khơi thông, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, biến không thành có, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể. Nguồn lực bên trong với ba trụ cột là con người, thiên nhiên, truyền thống văn hóa, lịch sử là cơ bản, lâu dài, chiến lược, quyết định; nguồn lực bên ngoài gồm nguồn vốn, công nghệ, năng lực quản trị là quan trọng và đột phá.
5. Tăng cường phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm đi đôi với phân bổ nguồn lực, gắn với kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực. Khen thưởng, kỷ luật nghiêm minh, kịp thời; khuyến khích, bảo vệ cán bộ đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
6. Xây dựng hệ thống cơ quan hành chính đoàn kết, thống nhất cao, liêm chính, dân chủ. Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng, Đảng viên. Tiếp tục tinh giản bộ máy, biên chế gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, xây dựng, đào tạo đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp, trong sạch, tận tụy, vì Nhân dân phục vụ.
III. VỀ NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP TRỌNG TÂM TRONG THỜI GIAN TỚI
1. Khẩn trương hoàn thiện, trình phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; trong đó cần xác định, phát huy tốt nhất tiềm năng khác biệt, nổi trội, lợi thế cạnh tranh của địa phương, phát triển hài hòa, hướng đến phát triển văn hóa. Thực hiện tốt Quy hoạch chung đô thị Ninh Bình đã được phê duyệt, đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt trên lĩnh vực văn hóa, đi đôi với bảo vệ cảnh quan, môi trường.
2. Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, nguồn vốn ODA, cắt giảm vốn đối với các dự án triển khai chậm; bổ sung vốn cho các dự án có khối lượng hoàn thành cao, xử lý nghiêm các trường hợp để phát sinh nợ đọng.
3. Thực hiện tăng thu, tiết kiệm chi. Đẩy mạnh hợp tác công tư, huy động mọi nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng chiến lược, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, kết nối nội vùng và liên vùng: Tuyến đường bộ ven biển; tuyến đường Đông Tây; cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng đoạn qua địa bàn tỉnh.
4. Thực hiện quyết liệt Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, 03 Chương trình mục tiêu Quốc gia bảo đảm kịp thời, hiệu quả.
5. Đẩy mạnh chương trình tiêm vắc xin Covid-19, không chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch. Đảm bảo nguồn cung thuốc chữa bệnh, thiết bị, vật tư y tế, xăng dầu trên địa bàn Tỉnh.
6. Thực hiện đồng bộ các giải pháp về cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nhằm nâng cao thứ hạng các chỉ số, đặc biệt là Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).
7. Chú trọng phát triển văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường, bảo đảm hài hòa với phát triển kinh tế; triển khai tích cực, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Thực hiện tốt các chính sách người có công, tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững.
8. Tăng cường đoàn kết, thống nhất, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị của tỉnh trong sạch, vững mạnh, tiên phong đổi mới và phát triển.
9. Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế dựa trên ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo gắn với thực hiện đồng bộ 03 khâu đột phá của Tỉnh bao gồm chuyển đổi số, chuyển đổi cơ cấu nguồn nhân lực, phát triển cơ sở hạ tầng.
10. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, siết chặt kỷ luật, kỷ cương; sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập; tăng cường phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm đi đôi với kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực.
11. Không ngừng củng cố tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh; kết hợp chặt chẽ giữa quốc phòng, an ninh với phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Tiếp tục tăng cường phòng chống tham nhũng, tiêu cực; thực hiện tốt công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, không để khiếu kiện kéo dài.
IV. VỀ MỘT SỐ KIẾN NGHỊ, ĐỀ XUẤT CỦA TỈNH
1. Về kiến nghị nghiên cứu bổ sung cảng hàng không (lưỡng dụng) tại tỉnh Ninh Bình vào Quy hoạch tổng thể phát triển cảng hàng không, sân bay toàn quốc giai đoạn 2021-2030, định hướng đến năm 2050:
Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình rà soát các quy hoạch có liên quan, phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu xây dựng sân bay chuyên dùng theo Quy hoạch chung đô thị Ninh Bình đã được phê duyệt; đồng thời cập nhật vào Quy hoạch tỉnh để đảm bảo tính đồng bộ, khả thi trong Quy hoạch.
2. Về kiến nghị dừng hoạt động Nhà máy Nhiệt điện Ninh Bình, đưa ra khỏi Quy hoạch điện VIII; đẩy nhanh tiến độ xây dựng trạm biến áp 220 kV Gia Viễn, trạm biến áp 220 kV Tam Điệp, tháo dỡ, di dời Trạm biến áp 220 kV Ninh Bình ra khỏi khu vực thành phố:
Đồng ý chủ trương. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình làm việc với Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam để có lộ trình phù hợp đối với việc dừng vận hành Nhà máy Nhiệt điện Ninh Bình và đẩy nhanh tiến độ xây dựng trạm biến áp 220 kV Tam Điệp và 220kV Gia Viễn.
3. Về việc tạo điều kiện để Ninh Bình là một trong những trung tâm sản xuất, lắp ráp ô tô và phát triển công nghiệp phụ trợ ô tô:
Đồng ý chủ trương. Giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, xử lý kiến nghị của Tỉnh theo thẩm quyền, đề xuất các chính sách phù hợp nhằm phát triển tỉnh Ninh Bình thành một trong những trung tâm sản xuất, lắp ráp ô tô, góp phần thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp ô tô cả nước.
4. Về kiến nghị rà soát, đánh giá quy hoạch khu vực cửa Đáy và vùng biển Kim Sơn; sớm có giải pháp chỉnh trị Cửa Đáy:
Giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương nghiên cứu, sớm có giải pháp chỉnh trị cửa Đáy, đảm bảo khả thi, hiệu quả, ổn định lâu dài, chủ động phòng chống thiên tai, biến đổi khí hậu, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội vùng ven biển Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình cũng như phát triển kinh tế - xã hội chung của khu vực.
5. Về kiến nghị nghiên cứu, đầu tư nâng cao cao trình tuyến đê tả, hữu sông Hoàng Long theo hướng tiến tới xóa bỏ vùng phân lũ, chậm lũ bảo vệ Thủ đô Hà Nội trên địa bàn tỉnh Ninh Bình:
Giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp, hướng dẫn Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình xây dựng phương án phòng, chống lũ của tuyến sông có đê, phương án phát triển hệ thống đê điều trong quy hoạch Tỉnh (trong đó xem xét phương án nâng cao cao trình tuyến đê tả, hữu sông Hoàng Long theo hướng xóa bỏ vùng phân lũ, chậm lũ), đảm bảo an toàn phòng chống lũ theo quy định, tạo điều kiện ổn định đời sống cho nhân dân, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đồng thời kết hợp khai thác du lịch.
6. Về kiến nghị sớm hoàn thành việc phân định địa giới hành chính vùng sông, ven biển giữa tỉnh Ninh Bình và các tỉnh lân cận:
Giao Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương hoàn thiện Đề án phân định ranh giới quản lý hành chính đối với các địa phương có biển, đảo (trong đó có tỉnh Ninh Bình và tỉnh Nam Định), báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trong Quý IV/2023.
7. Về kiến nghị tăng diện tích đất khu công nghiệp của tỉnh Ninh Bình thêm khoảng 1.500 ha trong chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 (ngoài chỉ tiêu đã được Thủ tướng phân bổ tại Quyết định số 326/QĐ-TTg ngày 09/3/2022):
Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương thành lập Tổ công tác gồm các Bộ, cơ quan liên quan, làm việc với các địa phương trong đó có Ninh Bình, tổng hợp, đề xuất giải pháp xử lý, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong Quý I/2023.
8. Về nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện các chính sách, nhất là các quy định về đất đai, quản lý xã hội và các quy định liên quan để thúc đẩy phát triển các loại hình du lịch phù hợp với yêu cầu bảo tồn di sản:
Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình rà soát, xác định rõ các khó khăn, vướng mắc về chính sách pháp luật liên quan đến đất đai, quản lý xã hội để phát triển các loại hình du lịch, bảo tồn di sản, trên cơ sở đó có văn bản gửi các Bộ, cơ quan đề xuất xử lý theo thẩm quyền, trường hợp vượt thẩm quyền, các Bộ, cơ quan tổng hợp báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
9. Về xây dựng Đề án quốc gia về nghiên cứu, bảo tồn phát huy giá trị vùng đất cổ, di sản văn hóa, thiên nhiên thế giới Tràng An và Cố đô Hoa Lư:
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khẩn trương thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Nhiệm vụ lập các Quy hoạch: (1) Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Quần thể di tích Cố đô Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình đến năm 2030, tầm nhìn 2050; (2) Quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới Quần thể danh thắng Tràng An, tỉnh Ninh Bình đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Trong quá trình triển khai lập các Quy hoạch nêu trên sau khi được phê duyệt Nhiệm vụ lập quy hoạch, Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề xuất việc xây dựng Đề án quốc gia về nghiên cứu, bảo tồn, phát huy giá trị vùng đất cổ, Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Tràng An và Cố đô Hoa Lư.
10. Về đề nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội cho phép các tỉnh tự cân đối ngân sách và có cam kết bảo đảm đủ nguồn kinh phí cải cách tiền lương và thực hiện các chính sách an sinh xã hội cho cả lộ trình đến năm 2025, không đề nghị ngân sách Trung ương hỗ trợ được chủ động trích tỷ lệ phần trăm từ nguồn tăng thu ngân sách địa phương:
Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình thực hiện theo quy định tại Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương, Nghị quyết số 23/2021/QH15 ngày 28/7/2021 của Quốc hội và Nghị quyết số 34/2021/QH15 ngày 13/11/2021 của Quốc hội.
Văn phòng Chính phủ thông báo để Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình và các Bộ, cơ quan liên quan biết, thực hiện./.
Nơi nhận: | KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |
- 1 Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018 về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp do Ban Chấp hành Trung ương ban hành
- 2 Nghị quyết 23/2021/QH15 về Kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021-2025 do Quốc hội ban hành
- 3 Nghị quyết 34/2021/QH15 năm 2021 về dự toán ngân sách nhà nước năm 2022 do Quốc hội ban hành
- 4 Quyết định 326/QĐ-TTg năm 2022 về phân bổ chỉ tiêu Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Kế hoạch sử dụng đất quốc gia 5 năm 2021-2025 do Thủ tướng Chính phủ ban hành