Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 404/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 22 tháng 12 năm 2020

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ NGUYỄN XUÂN PHÚC TẠI BUỔI LÀM VIỆC VỚI TẬP ĐOÀN DỆT MAY VIỆT NAM VÀ MỘT SỐ HIỆP HỘI VỀ CÁC GIẢI PHÁP THÚC ĐẨY PHÁT TRIỂN NGÀNH DỆT MAY, DA GIÀY - TÚI XÁCH VIỆT NAM

Ngày 23 tháng 11 năm 2020, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì buổi làm việc với Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) và một số hiệp hội về các giải pháp thúc đẩy phát triển ngành dệt may, da giày - túi xách Việt Nam. Tham dự có Lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, Lao động - Thương binh và Xã hội, Tư pháp, Văn phòng Chính phủ, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Hiệp hội Da giầy, túi xách Việt Nam, Tập đoàn Dệt may Việt Nam. Sau khi nghe báo cáo của Vinatex, các Hiệp hội và ý kiến của các đại biểu dự họp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc kết luận như sau:

1. Ngành dệt may, da giày - túi xách Việt Nam có lịch sử phát triển lâu đời, là ngành kinh tế quan trọng, có đóng góp lớn trong việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế, tạo công ăn việc làm, xuất khẩu và hội nhập quốc tế; với lực lượng lao động đông đảo, khoảng trên 4,3 triệu lao động (chỉ tính riêng cho các doanh nghiệp có quy mô trên 100 lao động), xuất khẩu năm 2019 đạt khoảng 62 tỷ đô la Mỹ, chiếm 24% kim ngạch xuất khẩu của cả nước.... có tác động lớn đến tăng trưởng kinh tế, bảo đảm việc làm, thu nhập của người lao động và giải quyết các vấn đề an sinh xã hội của đất nước.

2. Năm 2020, đại dịch Covid 19 lan rộng trên toàn cầu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế thế giới cũng như mọi mặt kinh tế - xã hội của đất nước nói chung và hoạt động sản xuất kinh doanh của ngành dệt may, da giày - túi xách và Tập đoàn Dệt may Việt Nam nói riêng; các chuỗi cung ứng bị đứt gãy, nhu cầu hàng hóa sụt giảm, xuất khẩu gặp nhiều khó khăn...

Trong bối cảnh đó, ngành dệt may, da giày - túi xách Việt Nam đã phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, nêu cao trách nhiệm xã hội, vừa bảo đảm các yêu cầu phòng chống dịch, vừa duy trì, phát triển sản xuất kinh doanh, đi tiên phong trong sản xuất các mặt hàng phòng chống dịch; đáp ứng các nhu cầu trong nước, tăng cường xuất khẩu với giá cả hợp lý. 6 tháng đầu năm 2020, các sản phẩm dệt may, da giày - túi xách trở thành một trong những mặt hàng xuất khẩu chính yếu, riêng ngành dệt may vươn lên đứng thứ 2 thế giới về quy mô xuất khẩu, góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế, bảo đảm việc làm, thu nhập cho ngươi lao động, nâng cao uy tín quốc tế của Việt Nam.

Trong khó khăn chung của toàn ngành, Tập đoàn Dệt may Việt Nam với vai trò là doanh nghiệp nhà nước giữ cổ phần chi phối đã đoàn kết, tự chủ, sáng tạo từng bước ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh trong tình hình mới, bảo đảm việc làm cho toàn bộ lực lượng lao động trên 150.000 người trong hệ thống trực tiếp và liên kết; tìm kiếm thị trường, tận dụng được các cơ hội mang tính thời vụ và tổ chức sản xuất những mặt hàng khác biệt để duy trì sản xuất, kể cả nhiều mặt hàng chưa từng làm; triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp ở tất cả các doanh nghiệp trực thuộc, không để doanh nghiệp vừa và nhỏ bị tụt lại sau... qua đó giảm thiểu tác động của dịch bệnh, hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn tiếp tục có hiệu quả, đóng góp lớn vào thành tích chung của toàn ngành trong năm 2020.

Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao và biểu dương ngành dệt may, da giày - túi xách, Đảng bộ, Hội đồng quản trị, Công đoàn và người lao động Tập đoàn Dệt may Việt Nam đã nỗ lực, vượt qua khó khăn, thách thức và đạt được những kết quả to lớn trong năm 2020 và suốt những năm vừa qua.

3. Những thành tích đạt được của ngành dệt may, da giày thể hiện sự đúng đắn trong đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước đối với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, các ngành kinh tế nói chung và dệt may da giày nói riêng những năm qua, cũng như sự đóng góp của người lao động, đội ngũ lao động trẻ, năng động, yêu nghề; chính trị, xã hội ổn định tạo lòng tin cho người lao động và nhà đầu tư; chủ động hội nhập quốc tế, đàm phán, tham gia các Hiệp định thương mại tự do, mang đến cơ hội lớn cho ngành; ngăn chặn đại dịch Covid 19 có hiệu quả với cách làm phù hợp được cộng đồng quốc tế đánh giá cao... tạo điều kiện duy trì, từng bước phát triển sản xuất, kinh doanh của toàn ngành trong điều kiện bình thường mới.

4. Bên cạnh những kết quả đạt được, từ những kinh nghiệm của năm 2020, cũng cho thấy một số hạn chế của ngành và Tập đoàn; việc tận dụng cơ hội xuất khẩu các hàng bảo hộ cá nhân (PPE) của Việt Nam thấp hơn nhiều so với Trung Quốc; việc đào tạo lại lao động cho phù hợp trạng thái bình thường mới chưa thực sự triệt để, mạnh mẽ để tạo diện mạo quản trị mới cho doanh nghiệp, cải thiện sức cạnh tranh; phát triển thị trường nội địa chưa tương xứng với tiềm năng, chưa tạo thành một cực cân bằng với xuất khẩu để đảm bảo bền vững hơn trong dài hạn…

Trong điều kiện còn nhiều khó khăn do dịch bệnh trên toàn cầu, các quốc gia đều phải phấn đấu cho mục tiêu kép, ngành dệt may, da giày - túi xách cần nỗ lực hơn nữa để tiếp tục tăng trưởng nhanh, phát triển chuỗi cung ứng, công nghiệp phụ trợ, giải quyết việc làm, trong đó cần tập trung vào các nhiệm vụ, giải pháp:

a) Phấn đấu năm 2021 lấy đà tăng trưởng như năm 2019, năm 2022 quyết tâm tăng trưởng cao hơn năm 2019, góp phần ổn định xã hội, không để lao động thất nghiệp, ổn định thu nhập.

b) Tăng cường chuyển đổi số trong quản lý, vận hành doanh nghiệp dệt may đưa ngành dệt may tiếp cận với không gian chung của ngành thời trang thế giới. Tạo lợi thế cạnh tranh nhờ giao tiếp trên một không gian chung với các hãng thời trang lớn của thế giới.

c) Tận dụng hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mang lại (EVFTA, CPTPP, RCEP); phát triển mở rộng ngành sản xuất nguyên liệu, phụ trợ, tăng tỷ lệ giá trị gia tăng của sản phẩm, chủ động hơn trong chuỗi cung ứng.

d) Nâng cao mức độ tự động hóa, tăng năng suất lao động, tăng dần thu nhập lên mức trung bình khá; triển khai nhanh và có bước đi thích hợp, tận dụng hiệu quả các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, không để bị động dẫn tới nguy cơ bị đào thải khi công nghệ mới được triển khai rộng rãi.

5. Về các kiến nghị của Tập đoàn Dệt may Việt Nam và các Hiệp hội:

a) Về kiến nghị Chính phủ có quy hoạch các khu công nghiệp cho dệt may quy mô trên 500 ha, có xử lý môi trường hoàn chỉnh. Hạ tầng do nhà nước đầu tư để doanh nghiệp dệt may đầu tư sản xuất nguyên liệu, trung tâm R&D. Hình thành mô hình 1 điểm đến để giải quyết trọn gói nhu cầu lớn cho nhà mua hàng: Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với Bộ Công Thương, UBND các tỉnh có điều kiện thuận lợi và các lợi thế xem xét việc lập quy hoạch khu công nghiệp cho dệt may quy mô trên 500 ha.

b) Về việc đẩy nhanh thỏa thuận với Hàn Quốc và xúc tiến thỏa thuận với Nhật Bản để có thể áp dụng quy tắc cộng gộp xuất xứ từ vải của Hàn Quốc, Nhật Bản vào Hiệp định EVFTA: Giao Bộ Công Thương sớm xây dựng cơ chế, chính sách theo hướng khuyến khích các nhà đầu tư sản xuất các nguyên liệu, phụ kiện ngành may để tăng giá trị hàng hóa khi xuất khẩu; khai thác các lợi ích từ các Hiệp định thương mại tự do để tăng giá trị xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam; tăng cường các Trung tâm đào tạo ngành nghề, nâng cao tay nghề cho người lao động, phát triển ngành thiết kế thời trang, sáng tạo mốt cho sản phẩm dệt may của Việt Nam.

c) Về việc tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, giảm thời gian và chi phí của các hoạt động phi thuế quan: Yêu cầu các cấp các ngành liên quan, trong đó có Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan chấp hành nghiêm Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 12 tháng 5 năm 2020 về chương trình cắt giảm, đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh, phấn đấu việc cải cách thủ tục hành chính phải cắt giảm ít nhất 20% chi phí tuân thủ và 20% quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh.

d) Về việc xem xét giảm mức thu phí công đoàn và chậm nộp bảo hiểm xã hội: Giao Bộ Tài chính phối hợp với Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam và các cơ quan liên quan nghiên cứu, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

e) Về kiến nghị liên quan đến hỗ trợ kinh phí cho đào tạo nguồn nhân lực cho ngành dệt may theo Quyết định 36/2008/QĐ-TTg về chiến lược phát triển ngành dệt may: Giao Bộ Tài chính nghiên cứu, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

g) Kiến nghị về giá thuê đất tại tỉnh Thái Bình và giảm chi phí tại Cảng Hải Phòng: Giao Văn phòng Chính phủ có văn bản đề nghị các cơ quan liên quan xem xét, xử lý theo thẩm quyền, tạo điều kiện giảm chi phí cho doanh nghiệp.

Văn phòng Chính phủ thông báo để các bộ, cơ quan liên quan biết, phối hợp thực hiện./.

 

 

Nơi nhận:
- TTg, các PTTg;
- Các Bộ: TC, KH&ĐT, TP, CT, LĐ-TB&XH;
- UBQL vốn NN tại DN;
- TCT Đầu tư và Kinh doanh vốn NN;
- Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển DN;
- Hiệp hội Dệt may VN;
- Hiệp hội Da giầy, túi xách VN;
- Tập đoàn Dệt may VN;
- VPCP: BTCN, các PCN, các Vụ, Cục: KTTH, CN, QHQT, KSTTHC; Cổng TTĐTCP.
- Lưu: VT, ĐMDN (2b).

BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM




Mai Tiến Dũng