Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 41/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 28 tháng 01 năm 2019

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ NGUYỄN XUÂN PHÚC TẠI HỘI NGHỊ TỔNG KẾT NGÀNH NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN NĂM 2018 VÀ TRIỂN KHAI NHIỆM VỤ NĂM 2019

Ngày 03 tháng 01 năm 2019, tại Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã dự và chỉ đạo Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2018, triển khai nhiệm vụ năm 2019 của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn. Tham dự tại đầu cầu Hà Nội có Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, các Bộ trưởng: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Khoa học và Công nghệ, Công Thương, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Tư pháp; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Phó trưởng ban thường trực Ban Kinh tế Trung ương; đại diện lãnh đạo các Bộ, cơ quan trung ương: Kế hoạch và Đầu tư, Y tế, Xây dựng, Lao động - Thương binh và Xã hội, Thông tin và Truyền thông, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Ủy ban Khoa học công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, một số cơ quan thuộc Quốc hội, Trung ương Đảng, đại diện các Hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp, hợp tác xã; tại đầu cầu các địa phương có đại diện lãnh đạo: Tỉnh ủy, Thành ủy, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Sau khi nghe báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ý kiến phát biểu của các địa phương và cơ quan liên quan, chuyên gia, hiệp hội, doanh nghiệp, Thủ tướng Chính phủ kết luận và chỉ đạo như sau:

I. ĐÁNH GIÁ CHUNG

Cơ bản nhất trí với kết quả công tác năm 2018 được nêu trong báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong đó đã đánh giá được thành tích, kết quả nổi bật, điểm sáng của ngành và những hạn chế trong chỉ đạo điều hành nông nghiệp, nông thôn Việt Nam trong năm vừa qua.

1. Những kết quả đạt được

- Năm 2018, kinh tế - xã hội tiếp tục phát triển khá toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực, hoàn thành toàn bộ 12 chỉ tiêu cơ bản, 9 chỉ tiêu vượt kế hoạch; tăng trưởng GDP đạt 7,08%, cao nhất trong 10 năm qua, trong đó có đóng góp hết sức quan trọng của ngành nông nghiệp, vượt 05/05 chỉ tiêu Chính phủ giao: tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành đạt 3,76%, mức cao nhất kể từ năm 2012; giá trị sản xuất tăng 3,86%; kim ngạch xuất khẩu 40,02 tỷ USD; tỷ lệ che phủ rừng 41,65%; 42,4% số xã và 61 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới (tăng 8,05% số xã và 18 đơn vị cấp huyện so với năm 2017).

- Cơ cấu lại ngành nông nghiệp bước đầu phát huy hiệu quả, ứng dụng công nghệ cao, cơ cấu lại cây trồng, vật nuôi cho hiệu quả cao hơn; nhiều dự án chế biến nông sản lớn được triển khai, tạo động lực mới cho tăng trưởng, nâng cao giá trị; tăng tỷ trọng các ngành hàng, sản phẩm có lợi thế, giá trị cao và thị trường thuận lợi.

- Xuất khẩu tăng mạnh, đạt mức cao nhất từ trước đến nay 40,02 tỷ USD, tăng 9,6% so với năm 2017; thặng dư thương mại đạt 8,72 tỷ USD; trong đó, xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt 19,51 tỷ USD; thủy sản ước đạt 9,01 tỷ USD, tăng 8,5%; đồ gỗ và lâm sản ước đạt 9,34 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm 2017. Đã nỗ lực tháo gỡ khó khăn vướng mắc tại các thị trường lớn là Trung Quốc và EU; tích cực mở cửa các thị trường mới.

Đã chủ động xây dựng chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, tổ chức hội nghị, lễ hội, diễn đàn kết nối cung cầu và quảng bá nông sản giúp ổn định thị trường, cung cấp sản phẩm an toàn tới người tiêu dùng, tăng thu nhập cho nông dân.

- Công nghiệp chế biến chuyển mạnh sang chế biến sâu; thu hút được một số tập đoàn kinh tế lớn quan tâm đầu tư. Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, hữu cơ, sạch được quan tâm, đáp ứng nhu cầu về sản phẩm sạch, an toàn.

- Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được triển khai mạnh mẽ, thu hút nguồn lực và sự tham gia của xã hội. Đã có 3.787 xã và 61 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới, bình quân đạt 14,33 tiêu chí/xã. Nhiều nơi xây dựng thành công khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, vườn mẫu.

- Doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn tăng mạnh, trên 2.200 doanh nghiệp (tăng 12,3%) và 1.935 hợp tác xã nông nghiệp thành lập mới (tăng 63% so với năm 2017).

- Quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm vật tư nông nghiệp và hàng nông sản được triển khai, tập trung xử lý các hành vi sản xuất kinh doanh và sử dụng vật tư giả, kém chất lượng, sử dụng chất cấm trong sản xuất, chế biến.

- Tổ chức tốt công tác thủy lợi phục vụ sản xuất và dân sinh. Chủ động tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo kịp thời, hiệu quả công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, góp phần giảm đáng kể thiệt hại.

- Làm tốt công tác bảo vệ và phát triển rừng; thực hiện nghiêm chủ trương đóng cửa rừng tự nhiên, kiểm soát chặt chẽ chuyển mục đích sử dụng rừng; kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản đạt mức cao kỷ lục.

- Công tác xây dựng thể chế, chính sách được đẩy mạnh (Quốc hội đã thông qua Luật Trồng trọt, Luật Chăn nuôi; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành 21 Nghị định, 4 Quyết định). Cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh được thực hiện quyết liệt, hiệu quả, vượt chỉ tiêu Chính phủ giao (đã rà soát, đơn giản hóa 173/345 điều kiện đầu tư kinh doanh; cắt giảm, đơn giản hóa 32/63 thủ tục hành chính kiểm tra chuyên ngành; lược bỏ 5.930/7.698 dòng hàng phải kiểm tra chuyên ngành).

Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao và biểu dương Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cấp ủy, chính quyền các địa phương, bà con nông dân cả nước, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đã chung sức, đồng lòng, tham gia phát triển nông nghiệp, nông thôn Việt Nam và đạt được nhiều thành tích vượt bậc, đóng góp quan trọng vào phát triển chung của cả nước.

2. Những tồn tại, hạn chế

Bên cạnh kết quả đạt được, ngành nông nghiệp cũng còn một số tồn tại, hạn chế, bất cập cần tập trung khắc phục, tháo gỡ trong thời gian tới:

- Cơ cấu lại nông nghiệp triển khai chưa đồng đều ở các địa phương; đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất còn chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu; tổ chức sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị giữa doanh nghiệp và người dân chưa phổ biến, bền vững; kinh tế hộ nhỏ lẻ còn chiếm tỷ trọng cao.

- Ứng dụng khoa học công nghệ vào phát triển giống còn chậm, chưa tạo được nhiều giống vật nuôi, cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu, năng suất cao với chất lượng đáp ứng nhu cầu trong nước và quốc tế.

- Công tác dự báo cung, cầu, thị trường, công nghiệp chế biến, bảo quản nông sản vẫn là khâu yếu nên có lúc, có nơi vẫn xảy ra tình trạng hàng nông sản bị tồn đọng, tiêu thụ chậm, mất giá, ảnh hưởng đến sản xuất, thu nhập của người sản xuất hoặc ngược lại thiếu nguồn cung. Chưa nhiều sản phẩm nông sản được chế biến sâu.

- Chưa giải quyết dứt điểm việc gỡ “Thẻ vàng” của EU đối với đánh bắt hải sản.

- Tình trạng vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng vẫn xảy ra ở nhiều địa phương, đặc biệt là vi phạm về buôn bán, vận chuyển lâm sản trái phép.

- Kết quả xây dựng nông thôn mới có sự chênh lệch khá lớn giữa các vùng, miền; chỉ tiêu về nâng cao thu nhập bền vững chưa được quan tâm đúng mức; ô nhiễm môi trường, rác thải ở nông thôn chậm được khắc phục.

II. PHƯƠNG HƯỚNG, NHIỆM VỤ

1. Định hướng thời gian tới: cần tạo chuyển biến rõ nét, thực chất hơn trong cơ cấu lại ngành nông nghiệp, đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới gắn với nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân hướng tới “Xây dựng nền nông nghiệp thông minh, hội nhập quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, gắn với xây dựng nông thôn mới phồn vinh và văn minh”. Ngành nông nghiệp phải khơi dậy được khát vọng của dân tộc, phấn đấu trong 10 năm tới lọt vào nhóm 15 nước có nền nông nghiệp phát triển, nhóm 10 nước chế biến nông sản, trở thành trung tâm chế biến xuất khẩu đồ gỗ hàng đầu thế giới.

2. Nhiệm vụ: Cơ bản đồng ý với mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu năm 2019 và thời gian tới được đề cập trong báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và ý kiến của các đại biểu. Mục tiêu tối thiểu đối với ngành nông nghiệp trong năm 2019 là: tốc độ tăng trưởng 3,0%; kim ngạch xuất khẩu 43 tỷ USD; 50% xã và 70 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới; tỷ lệ che phủ rừng đạt 41,85%.

Để đạt được các mục tiêu trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương tập trung chỉ đạo, tổ chức triển khai đồng bộ các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, nhất là Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01 tháng 01 năm 2019 của Chính phủ ngay từ những ngày đầu năm 2019; quán triệt và thực hiện nghiêm phương châm “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả”. Bên cạnh đó cần tập trung chăm lo Tết cho người dân nông thôn, nhất là ở các vùng bị thiên tai, vùng núi, vùng sâu, vùng xa, đảm bảo lương thực, chỗ ở cho người dân. Quan tâm giải quyết đồng bộ những vấn đề cấp bách đang đặt ra để nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, nhất là tổ chức sản xuất, thị trường đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp; khắc phục tình trạng ô nhiễm, cải thiện môi trường ở nông thôn.

3. Một số giải pháp trọng tâm năm 2019

- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương chủ động, sáng tạo, tìm lợi thế để phát triển, khẩn trương xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai quyết liệt các nhiệm vụ và giải pháp của ngành đảm bảo mục tiêu tăng trưởng năm 2019. Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động rà soát, xác định nhiệm vụ, chỉ tiêu kế hoạch, kịch bản tăng trưởng ở địa phương mình không thấp hơn tốc độ tăng trưởng đạt được trong năm 2018 để đảm bảo thực hiện thành công nhiệm vụ trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn cả nước.

- Tiếp tục rà soát chính sách, pháp luật, xóa bỏ những thể chế chính sách lạc hậu không còn phù hợp để nông nghiệp Việt Nam có bước tiến mạnh mẽ. Triển khai có hiệu quả, thực chất các cơ chế, chính sách để khuyến khích, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào phát triển nông nghiệp, nông thôn; tạo điều kiện để doanh nghiệp, người dân tiếp cận đất đai, tín dụng phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp.

- Tiếp tục thực hiện mạnh mẽ hơn nữa, đồng bộ, hiệu quả các giải pháp cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và xây dựng nông thôn mới theo 3 trục sản phẩm chủ lực, trên cơ sở phát huy tiềm năng, thế mạnh của từng vùng và nhu cầu của thị trường. Làm tốt công tác dự báo thị trường; rà soát sản xuất, cân đối cung cầu, tổ chức lại thị trường trong nước, đồng thời duy trì các thị trường xuất khẩu truyền thống, phát triển thị trường mới.

- Tiếp tục đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh phù hợp; tổ chức thực hiện hiệu quả Đề án “Phát triển 15.000 HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả đến năm 2020”. Chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, nhất là thực hiện các FTAs trong lĩnh vực nông nghiệp; phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành.

- Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, ưu tiên công nghệ cao, công nghệ sinh học; tận dụng tối đa thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để tạo ra những giống cây trồng, vật nuôi mới nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và bảo vệ môi trường sinh thái. Phát triển nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến, bảo quản nông sản và phát triển thị trường phải là khâu đột phá của ngành trong năm 2019.

- Đẩy mạnh phát triển thủy sản gắn với phát triển bền vững kinh tế biển; triển khai quyết liệt, hiệu quả các giải pháp giải quyết dứt điểm việc gỡ “Thẻ vàng” của EU đối với đánh bắt hải sản.

- Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; xử lý dứt điểm nợ đọng trong xây dựng nông thôn mới. Ưu tiên thực hiện tiêu chí về thu nhập, đẩy mạnh phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, tăng thu nhập cho người dân; bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; tạo chuyển biến rõ nét về môi trường, cảnh quan nông thôn theo hướng xanh - sạch - đẹp.

- Triển khai đồng bộ các giải pháp để ngăn chặn, tiến tới chấm dứt tình trạng di dân tự phát; quản lý, sử dụng có hiệu quả đất đai, đặc biệt là đất đai tại các công ty nông, lâm nghiệp.

- Theo dõi chặt chẽ diễn biến thiên tai, chủ động tham mưu chỉ đạo phòng, chống kịp thời, hiệu quả mọi tình huống thiên tai, nhất là trước nguy cơ ảnh hưởng của hiện tượng El Nino; từng bước hiện đại hóa, nâng cao năng lực công tác thủy lợi, phòng chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu, đảm bảo an toàn đê điều, hồ đập.

- Quản lý chặt chẽ chất lượng vật tư nông nghiệp, nhất là phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi... Xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc và thương hiệu để tạo ra các sản phẩm an toàn.

- Tiếp tục thực hiện nghiêm chủ trương đóng cửa rừng tự nhiên, quản lý chặt chẽ đất rừng, nhất là rừng tự nhiên, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng; đẩy mạnh khôi phục hệ thống rừng phòng hộ, ngập mặn ven biển để chủ động phòng chống sạt lở, thích ứng biến đổi khí hậu, nhất là ở đồng bằng sông Cửu long; xử lý nghiêm các vi phạm trong công tác bảo vệ và phát triển rừng.

- Rà soát tinh giảm bộ máy, biên chế chuẩn bị cán bộ cho giai đoạn mới; đổi mới và nâng cao hiệu quả các đơn vị sự nghiệp công lập; đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh góp phần xây dựng nền hành chính hiện đại, hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, lãng phí.

III. VỀ ĐỀ XUẤT, KIẾN NGHỊ

Giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp đề xuất, kiến nghị của các địa phương tại Hội nghị chủ động xử lý hoặc chuyển tới các bộ, ngành có liên quan để xem xét, xử lý theo thẩm quyền, báo cáo, đề xuất Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xử lý đối với những vấn đề vượt thẩm quyền.

Văn phòng Chính phủ thông báo để Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan có liên quan biết, thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Ban Bí thư;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng CP;
- Ủy ban TW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Ban Kinh tế Trung ương;
- Các Bộ: NN&PTNT, KH&ĐT, TC, TN&MT, KH&CN, YT, CT, XD, LĐTBXH, TTTT, TP;
- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;
- Ủy ban Dân tộc;
- UB Kinh tế của QH; UB KHCN&MT của QH;
- Phòng Thương mại và CN Việt Nam;
- Hội Nông dân Việt Nam;
- Hội Chữ thập đỏ Việt Nam;
- Liên minh Hợp tác xã Việt Nam;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TT&TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ; TH, KTTH, QHĐP, CN, TKBT;
- Lưu: VT, NN (3); Tuynh

KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM




Nguyễn Cao Lục