Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 412/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 25 tháng 12 năm 2015

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG VŨ VĂN NINH - TRƯỞNG BAN CHỈ ĐẠO TÂY NAM BỘ TẠI HỘI NGHỊ TỔNG KẾT 5 NĂM 2010-2015 CÔNG TÁC ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN KẾT CẤU HẠ TẦNG GIAO THÔNG VẬN TẢI VÙNG TÂY NAM BỘ

Ngày 10 tháng 12 năm 2015, tại Trụ sở Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh - Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ đã chủ trì Hội nghị tổng kết 5 năm 2010 - 2015, phương hướng nhiệm vụ giai đoạn 2016 - 2020 công tác đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải vùng Tây Nam Bộ. Tham dự Hội nghị có lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Công an, Quốc phòng, Giao thông tận tải, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Giáo dục và Đào tạo, Tài nguyên và Môi trường, Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế, Xây dựng, Khoa học và Công nghệ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, Văn phòng Chính phủ và đại diện lãnh đạo Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố vùng Tây Nam Bộ. Sau khi nghe lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải báo cáo kết quả công tác đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải vùng Tây Nam Bộ giai đoạn 2010 - 2015 và phương hướng, nhiệm vụ giai đoạn 2016 - 2020; ý kiến phát biểu của các đại biểu dự họp, Phó Thủ tướng - Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ đã kết luận như sau:

I. ĐÁNH GIÁ CHUNG

1. Thay mặt Thủ tướng Chính phủ, đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng của ngành Giao thông vận tải trong công tác đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải vùng Tây Nam Bộ. Trong những năm qua, Nhà nước đã dành nguồn lực đáng kể để đầu tư cho hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Tổng kinh phí đầu tư cho các công trình giao thông đã hoàn thành trên địa bàn Vùng giai đoạn 2010 - 2015 là trên 58.700 tỷ đồng; nhiều công trình giao thông trọng yếu đã được đầu tư hoàn thành làm thay đổi bộ mặt của vùng Tây Nam Bộ. Đặc biệt việc hoàn thành các công trình lớn trong khu vực như các cầu: Cần Thơ, Hàm Luông, Rạch Miễu, Cổ Chiên, Năm Căn, Đầm Cùng, Mỹ Lợi... cùng với đó, việc hoàn thành xây dựng Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ, Phú Quốc đã tạo thuận lợi cho người dân đi lại giữa các địa phương trong Vùng với cả nước và quốc tế. Với sự phát triển nhanh của hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đã giúp cho việc vận tải hành khách, hàng hóa trong Vùng được thông suốt, nhanh chóng, góp phần đáng kể vào việc phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh vùng Tây Nam Bộ nói riêng và cả nước nói chung.

2. Một số tồn tại, hạn chế

Bên cạnh những kết quả đạt được trong 5 năm qua, giao thông vận tải vùng Tây Nam Bộ vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục, đó là: Chưa khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của phương thức vận tải bằng đường thủy nội địa; chưa có hệ thống đường sắt trong Vùng; đường cao tốc mới chỉ hoàn thành đoạn Thành phố Hồ Chí Minh - Trung Lương; việc giao thông trên nhiều tuyến đường quốc lộ còn khó khăn, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông... làm hạn chế thu hút đầu tư cũng như phát triển kinh tế - xã hội của Vùng; còn xảy ra một số vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, số người chết, người bị thương vẫn ở mức cao.

II. NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM GIAI ĐOẠN 2016 - 2020

Để đạt được mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải Vùng giai đoạn 2016 - 2020, đề nghị các Bộ, ngành và địa phương cần thực hiện ngay một số nhiệm vụ trọng tâm như sau:

1. Phân tích những bài học về phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải trong thời gian qua, nhân rộng mô hình đối với các lĩnh vực khác; đặc biệt là đối với lĩnh vực phát triển đô thị, khu công nghiệp, khu nông nghiệp tập trung, khu du lịch... để khai thác có hiệu quả kết cấu hạ tầng giao thông đã được đầu tư.

2. Tập trung thực hiện theo thực hiện theo tiến độ các dự án giao thông đường bộ, đường thủy, đường hàng không... đang dở dang để sớm hoàn thành đưa vào sử dụng.

3. Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban nhân dân các tỉnh trong Vùng chủ động rà soát, cập nhật, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, kế hoạch; xây dựng hoàn thiện các cơ chế, chính sách đặc thù để tiếp tục đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải; trong đó tập trung hoàn thiện hệ thống đường trục dọc, trục ngang; hoàn thiện tuyến đường cao tốc Trung Lương - Cần Thơ; nghiên cứu xây dựng đường bộ cao tốc trục ngang của Vùng, xây dựng tuyến đường sắt Thành phố Hồ Chính Minh - Cần Thơ... để tạo thuận lợi hơn nữa đối với giao thông của người dân trong Vùng. Chú trọng phát triển mạng lưới giao thông đường thủy nội địa và các cảng, bến đồng bộ theo quy hoạch.

4. Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Bộ: Giao thông vận tải, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính nghiên cứu, đề xuất giải pháp đẩy mạnh thu hút các nguồn vốn để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải, có chính sách ưu tiên bố trí vốn ODA cho Vùng.

5. Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương rà soát và có chính sách hợp lý phát triển số lượng, chủng loại phương tiện giao thông phù hợp với mục tiêu sử dụng, điều kiện địa lý của vùng Tây Nam Bộ; triển khai thực hiện quy hoạch mạng lưới tuyến đường ô tô liên tỉnh; quy hoạch bến xe... để đáp ứng tốt nhu cầu đi lại của nhân dân và nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải. Tiếp tục tạo điều kiện để các hãng hàng không trong nước và nước ngoài củng cố, mở mới các đường bay đi và đến khu vực Tây Nam Bộ.

6. Các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp kiềm chế tai nạn giao thông; tiếp tục giảm cả 3 tiêu chí từ 5% - 10%/năm trong 5 năm tới, phấn đấu không để xảy ra các vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng trong Vùng.

Văn phòng Chính phủ thông báo để các Bộ, cơ quan liên quan biết, thực hiện./.

 

 

Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng CP;
- Các Bộ: Công an, Quốc phòng, Giao thông tận tải, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Giáo dục và Đào tạo, Tài nguyên và Môi trường, Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế, Xây dựng, Khoa học và Công nghệ;
- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;
- Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ;
- UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW vùng TNB;
- Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia;
- VPCP: BTCN, các các Phó Chủ nhiệm, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ: TH, KTTH, NC, QHQT, V III;
- Lưu: VT, KTN (3) pvc

KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM




Nguyễn Sỹ Hiệp