VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 417/TB-VPCP | Hà Nội, ngày 11 tháng 11 năm 2013 |
THÔNG BÁO
Ý KIẾN KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG NGUYỄN THIỆN NHÂN TẠI BUỔI LÀM VIỆC VỚI BẢO HIỂM XÃ HỘI VIỆT NAM
Ngày 06 tháng 11 năm 2013, tại trụ sở cơ quan Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã chủ trì buổi làm việc với Bảo hiểm xã hội Việt Nam về tình hình thu, nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Tham dự buổi làm việc có đại diện Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính, Bộ Y tế, Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
Sau khi nghe Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam báo cáo tình hình thu, nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và ý kiến của các đại biểu tham dự cuộc họp, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã kết luận như sau:
Những năm qua, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã tích cực, chủ động phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và cấp ủy chính quyền địa phương triển khai có hiệu quả nhiệm vụ thu và phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, số người tham gia và số tiền thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế hàng năm đều tăng. Tính đến tháng 9 năm 2013 đã có trên 61,8 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế (trong đó có trên 10,6 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế bắt buộc); số tiền thu đạt trên 114.650 tỷ đồng, đạt 78% kế hoạch giao, tăng 21,7% so với cùng kỳ năm 2012. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn nhiều người lao động chưa được tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Tình trạng trốn đóng, chậm đóng, nợ đọng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế xảy ra ở hầu hết các địa phương. Đến hết tháng 9 năm 2013, số tiền nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế là 9.915 tỷ đồng (ngân sách các tỉnh nợ 1.902 tỷ đồng), chiếm 7,37% tổng số thu, tăng 2.234 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2012, trong đó: doanh nghiệp nhà nước nợ 1.230 tỷ đồng; doanh nghiệp ngoài quốc doanh nợ 4.468 tỷ đồng; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nợ 1.315 tỷ đồng.
Tình trạng trên do nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là do ý thức chấp hành pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của nhiều doanh nghiệp chưa nghiêm; cơ chế xử phạt và mức xử phạt theo quy định của pháp luật còn thấp, chưa đủ sức răn đe; Bảo hiểm xã hội Việt Nam chưa được giao trách nhiệm xử lý vi phạm; việc phối hợp giữa các cơ quan liên quan trong tuyên truyền, vận động, thanh tra, kiểm tra, giám sát về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế còn hạn chế.
Để khắc phục tình trạng nợ đọng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, nâng cao chất lượng, hiệu quả phối hợp của các cơ quan liên quan trong thanh tra, kiểm tra, giám sát việc tuân thủ pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của các tổ chức và doanh nghiệp, đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người lao động và nhân dân, trong thời gian tới các cơ quan cần triển khai thực hiện các nhiệm vụ sau:
1. Bảo hiểm xã hội Việt Nam chủ động phối hợp với các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu kiến nghị những nội dung còn bất cập, chưa phù hợp với thực tiễn trong Luật bảo hiểm xã hội, Luật bảo hiểm y tế và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan để các cơ quan có thẩm quyền trình Quốc hội xem xét trong quá trình sửa đổi, bổ sung hai Luật nêu trên.
Bảo hiểm xã hội Việt Nam chủ động tham gia với Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan nghiên cứu để đưa các hành vi, tội danh vi phạm Luật bảo hiểm xã hội, Luật bảo hiểm y tế cần phải xử lý hình sự vào nội dung sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự.
2. Trong năm 2014, Thanh tra Chính phủ xây dựng kế hoạch thanh tra về tình hình thực hiện bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với một số doanh nghiệp (cả doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài). Để việc thanh tra đạt được mục tiêu đề ra, Bảo hiểm xã hội Việt Nam xây dựng phương án cụ thể, trong đó nêu rõ đối tượng, phạm vi, nội dung thanh tra và cơ chế tài chính để triển khai thực hiện. Trên cơ sở đó, Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Bảo hiểm xã hội Việt Nam triển khai thực hiện phương án; kết thúc việc thanh tra, Thanh tra Chính phủ tổng kết, đánh giá, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
3. Bảo hiểm xã hội Việt Nam chủ động phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan xây dựng quy chế về phối hợp quản lý thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; cơ chế trao đổi, chia sẻ thông tin để Bảo hiểm xã hội các cấp nắm được đầy đủ tình hình về các doanh nghiệp, lao động, tiền lương đóng thuế và đóng bảo hiểm xã hội của các doanh nghiệp trên cả nước để bảo đảm thu đúng, đủ, kịp thời, hạn chế việc trốn đóng, nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong thời gian tới.
4. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm thanh tra, kiểm tra đối với các doanh nghiệp trên địa bàn trong việc thực hiện bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật.
5. Trong quý I năm 2014, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam và các Bộ, ngành liên quan tổ chức cuộc hội thảo cấp quốc gia với chủ đề “Vấn đề thu, nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế - thực tiễn Việt Nam và kinh nghiệm quốc tế” để hình thành định hướng đổi mới về cơ chế phối hợp, thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế ở nước ta.
Trên cơ sở kết quả hội thảo, Bảo hiểm xã hội Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng báo cáo chuyên đề về thu, nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của Việt Nam, thực trạng, kinh nghiệm quốc tế và định hướng trong thời gian tới, báo cáo Thủ tướng Chính phủ để trình xin ý kiến Bộ Chính trị trong quý I năm 2014.
6. Trên cơ sở các quy chế phối hợp giữa Bảo hiểm xã hội Việt Nam và một số Bộ, ngành và địa phương liên quan đã được ký kết, Bảo hiểm xã hội Việt Nam chủ động xây dựng kế hoạch phối hợp thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; đồng thời phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xây dựng quy chế phối hợp trong việc giám sát thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế để triển khai thực hiện trong thời gian tới.
Văn phòng Chính phủ thông báo để các cơ quan liên quan biết, thực hiện./.
Nơi nhận: | KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |
- 1 Thông báo 411/TB-VPCP năm 2013 kết luận của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Kon Tum do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 2 Thông báo 409/TB-VPCP năm 2013 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân tại buổi làm việc với Lãnh đạo tỉnh Nam Định về tình hình thực hiện Dự án bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị khu di tích lịch sử - văn hóa thời Trần tại tỉnh Nam Định do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 3 Thông báo 402/TB-VPCP năm 2013 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 4 Bộ luật hình sự sửa đổi 2009
- 5 Luật bảo hiểm y tế 2008
- 6 Luật Bảo hiểm xã hội 2006
- 7 Bộ Luật Hình sự 1999
- 1 Thông báo 402/TB-VPCP năm 2013 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 2 Thông báo 411/TB-VPCP năm 2013 kết luận của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Kon Tum do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 3 Thông báo 409/TB-VPCP năm 2013 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân tại buổi làm việc với Lãnh đạo tỉnh Nam Định về tình hình thực hiện Dự án bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị khu di tích lịch sử - văn hóa thời Trần tại tỉnh Nam Định do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 4 Thông báo 339/TB-VPCP về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc làm việc với Bảo hiểm xã hội Việt Nam về tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2020 và 11 tháng năm 2021; nhiệm vụ, giải pháp tháng cuối năm 2021 và giai đoạn tiếp theo do Văn phòng Chính phủ ban hành