VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 42/TB-VPCP | Hà Nội, ngày 05 tháng 02 năm 2024 |
Ý KIẾN KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ TRẦN HỒNG HÀ TẠI CUỘC HỌP VỀ VIỆC THÁO GỠ CÁC KHÓ KHĂN, VƯỚNG MẮC ĐỂ THỰC HIỆN CÁC DỰ ÁN ĐIỆN KHÍ VÀ ĐIỆN GIÓ NGOÀI KHƠI TRONG QUY HOẠCH ĐIỆN VIII
Ngày 25 tháng 01 năm 2024, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã chủ trì cuộc họp về việc tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để thực hiện các dự án điện khí và điện gió ngoài khơi trong Quy hoạch điện VIII (báo cáo của Bộ Công Thương tại văn bản số 9323/BCT-DKT ngày 29 tháng 12 năm 2023). Tham dự cuộc họp có Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, đại diện lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tư pháp; Quốc phòng, Công an, Ngoại giao; Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp; Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Sau khi nghe báo cáo của lãnh đạo Bộ Công Thương; ý kiến của Bộ trưởng Bộ Công Thương và các thành viên tham dự cuộc họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà có ý kiến kết luận như sau:
Báo cáo của Bộ Công Thương và ý kiến của các Bộ, cơ quan đều thống nhất, xác định tầm quan trọng của việc triển khai các dự án điện khí và điện gió ngoài khơi trong Quy hoạch điện VIII để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và cho rằng việc tổ chức, triển khai các dự án điện khí và điện gió ngoài khơi hiện nay còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, chậm tiến độ do một trong các nguyên nhân chính là sự thiếu đồng bộ, thiếu quy định của pháp luật, các cơ chế, chính sách cần thiết (về quy hoạch, đầu tư, xây dựng, tài nguyên môi trường và điện lực) để phát triển các dự án này, đặc biệt là đối với các dự án điện gió ngoài khơi. Để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của các dự án này, Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:
1. Đối với lĩnh vực điện khí: Các nội dung liên quan đến điện khí đã được Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có nhiều kết luận, chỉ đạo (Thông báo số 03/TB-VPCP ngày 04 tháng 01 năm 2019; số 37/TTg-CN ngày 02 tháng 6 năm 2020, số 343/TB-VPCP ngày 27 tháng 9 năm 2019, số 12/TB-VPCP ngày 13 tháng 01 năm 2024, số 240/VPCP-CN ngày 18 tháng 01 năm 2024…), đề nghị Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các Bộ, cơ quan tiếp tục chỉ đạo và tổ chức thực hiện khẩn trương, kịp thời, hiệu quả theo thẩm quyền và quy định của pháp luật, bảo đảm tiến độ, hiệu quả các dự án; đồng thời nghiên cứu việc cắt giảm các thủ tục hành chính về chuẩn bị đầu tư và đầu tư, nhất là về lựa chọn nhà đầu tư nhằm rút ngắn tiến độ thực hiện các dự án này.
2. Đối với điện gió ngoài khơi: đây là lĩnh vực năng lượng mới trên thế giới cũng như tại Việt Nam có liên quan đến an ninh, chủ quyền biển đảo nên còn tồn tại rất nhiều khó khăn, vướng mắc, thiếu các cơ chế, chính sách, quy định của pháp luật đồng bộ để hướng dẫn và tổ chức thực hiện cụ thể từ việc điều tra, khảo sát tiềm năng, quy hoạch, lựa chọn nhà đầu tư và đầu tư xây dựng, vận hành các dự án điện gió ngoài khơi; các nội dung này liên quan đến chức năng nhiệm vụ của nhiều Bộ, cơ quan. Vì vậy, để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:
- Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan liên quan nghiên cứu xây dựng Đề án thí điểm phát triển điện gió ngoài khơi, trong đó: đánh giá đầy đủ các khó khăn, vướng mắc; đề xuất các giải pháp, cơ chế chính sách, quy định pháp luật cần thiết, nghiên cứu việc giao các Tập đoàn kinh tế nhà nước (PVN, EVN) hoặc Bộ Quốc phòng triển khai các dự án thí điểm; thẩm quyền và cơ sở pháp lý quyết định để triển khai có hiệu quả các dự án điện gió ngoài khơi trong Quy hoạch điện VIII, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Lưu ý, khi xây dựng Đề án cần rà soát toàn diện các vướng mắc, thiếu sót tại các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành; trường hợp xác định cần Nghị quyết của Quốc hội thí điểm triển khai các dự án điện gió ngoài khơi (để có thể triển khai được ngay trong khi chờ sửa đổi, bổ sung các luật có liên quan) thì phải khẩn trương đề xuất để kịp trình Quốc hội vào Kỳ họp tháng 5/2024; đề xuất cơ chế, chính sách về thí điểm giao các Tập đoàn kinh tế nhà nước tiến hành khảo sát trước để thu thập dữ liệu các khu vực biển có tiềm năng phát triển các dự án điện gió ngoài khơi.
- Trong trường hợp cần thiết, Bộ Công Thương rà soát, nghiên cứu kỹ về đề xuất thành lập Tổ công tác liên ngành, trong đó Bộ trưởng Bộ Công Thương làm Tổ trưởng, Thứ trưởng Bộ Công Thương và Bộ Tài nguyên và Môi trường làm Tổ phó, Tổ viên là đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành, cơ quan liên quan để nghiên cứu đề xuất các cơ chế chính sách, các vấn đề liên quan phát triển điện gió ngoài khơi; lấy ý kiến các Bộ, cơ quan liên quan và ý kiến thẩm định của Bộ Nội vụ để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định theo thẩm quyền và quy định của pháp luật.
Văn phòng Chính phủ xin thông báo để Bộ Công Thương và các Bộ, cơ quan liên quan biết, thực hiện./.
| KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |
- 1 Công văn 3654/LĐTBXH-LĐTL về thỏa thuận chế độ phụ cấp thu hút mức 70% đối với viên chức, nhân viên, làm việc tại Ban quản lý dự án Điện lực dầu khí Vũng Áng – Quảng Trạch do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành
- 2 Công văn 1268/TTg-KTN về chỉ định thầu một số gói thầu thuộc Trung Tâm điện lực Long Phú, Dự án nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1 và nhà máy xử lý khí Cà Mau do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3 Công văn 1669/TTg-QHQT phê duyệt danh mục dự án Nhà máy nhiệt điện tua bin khí chu trình hỗn hợp Ô Môn IV do Thủ tướng Chính phủ ban hành